(vhds.baothanhhoa.vn) - Vương triều Hậu Lê sau thời gian dài thịnh trị đã xuất hiện những dấu hiệu suy vi, đánh dấu bởi biến cố tiếm ngôi của Mạc Đăng Dung năm 1527. Lúc bấy giờ, cựu thần nhà Lê - Nguyễn Kim - một người con của đất Gia Miêu xứ Thanh vốn là người có đầu óc tổ chức, đã tìm ra con đường khôi phục nhà Lê, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử Đại Việt: thời kỳ Lê Trung hưng.

Người “khai mở” sự nghiệp Trung hưng nhà Lê

Vương triều Hậu Lê sau thời gian dài thịnh trị đã xuất hiện những dấu hiệu suy vi, đánh dấu bởi biến cố tiếm ngôi của Mạc Đăng Dung năm 1527. Lúc bấy giờ, cựu thần nhà Lê - Nguyễn Kim - một người con của đất Gia Miêu xứ Thanh vốn là người có đầu óc tổ chức, đã tìm ra con đường khôi phục nhà Lê, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử Đại Việt: thời kỳ Lê Trung hưng.

Người “khai mở” sự nghiệp Trung hưng nhà LêLăng Trường Nguyên trên núi Thiên Tôn (An Tôn) là nơi thờ Triệu Tổ hoàng đế Nguyễn Kim - người có công đầu trong sự nghiệp Trung hưng nhà Lê.

Gia Miêu có nghĩa là “lúa tốt” và dân gian thường gọi Gia Miêu là vùng đất quý hương. Trong hành trình tìm về vùng đất quý hương Gia Miêu nay là xã Hà Long (Hà Trung) ta được đắm mình trong không gian của vùng đất cổ: nơi phát tích của vương triều phong kiến nhà Nguyễn với công cuộc mở mang bờ cõi đất nước về phương Nam và cả câu chuyện về vị trung thần của nhà Lê - Nguyễn Kim.

Vùng đất cổ Gia Miêu ngoại trang hôm nay, vẫn là những thoai thoải núi thấp, đồi cao xanh mướt mắt với khung cảnh làng quê trù mật. Có cảm giác, nơi đây tự bao đời nay vẫn vậy: yên bình thăm thẳm trong không gian văn hóa cổ kính linh thiêng với bao dấu tích người xưa. Lặng lòng trong không gian thiêng của những đình Gia Miêu, Lăng Trường Nguyên, Miếu Triệu Tường... là tiếng vọng về của lịch sử cùng những chuyện xưa tích cũ gắn liền với câu chuyện của một dòng họ - một vương triều.

Ngược thời gian, theo gia phả dòng họ Nguyễn ở đất Gia Miêu, thủy tổ họ Nguyễn vốn người miền ngoài, trên con đường lánh nạn, tìm nơi lập nghiệp đã chọn dừng chân ở đất Gia Miêu, xây dựng đời sống, phát triển kinh tế, tạo nên một Gia Miêu ngoại trang tiếng tăm lẫy lừng, trù phú no đủ. Trước mối họa xâm lăng giặc Minh, theo lời hiệu triệu dựng cờ nghĩa diệt giặc của Bình Định Vương Lê Lợi, hậu duệ của dòng họ Nguyễn ở đất Gia Miêu là Nguyễn Công Duẩn đã mang tất cả sản nghiệp tiên tổ tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, phò tá Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Sau 10 năm nếm mật nằm gai, trên dưới một lòng, khởi nghĩa Lam Sơn đã đi đến ngày toàn thắng, đánh dấu bằng sự ra đời của vương triều Hậu Lê. Và Nguyễn Công Duẩn được vua Lê Thái Tổ phong Bình Ngô khai quốc công thần. Đất Gia Miêu từ đây lại thêm phần tươi tốt. Vậy nhưng, sau những năm phát triển rực rỡ, hưng thịnh tột cùng thì vương triều Hậu Lê cũng không tránh khỏi dấu hiệu suy yếu. Vua Lê không đủ uy quyền khiến cho quyền hành rơi dần vào tay đại thần, đỉnh điểm là việc Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê năm 1527.

Lúc bấy giờ, hậu duệ của khai quốc công thần Nguyễn Công Duẩn là An Thanh hầu Nguyễn Kim (Nguyễn Cam) vốn là cựu thần nhà Lê đã không chịu khuất phục trước sự thoán đoạt ngôi vị của nhà Mạc. An Thanh hầu Nguyễn Kim được biết đến là người văn võ toàn tài với đầu óc tổ chức hơn người đã tập hợp những cựu thần nhà Lê để bắt đầu sự nghiệp Trung hưng nhà Lê, mở ra thời kỳ Lê Trung hưng. Nhiều sử gia có lẽ không quá lời khi đánh giá sự nghiệp quan trường của Nguyễn Kim gắn liền với công cuộc Trung hưng nhà Lê.

Theo sử liệu, trước sự truy sát của nhà Mạc, Nguyễn Kim cùng một số quan lại trung thành với nhà Lê đã trốn sang Ai Lao. Vua nước Ai Lao là Sạ Đẩu vốn chịu ơn nhà Lê nên đã cho Nguyễn Kim cùng những người đi theo tránh nạn ở Sầm Thượng, Sầm Hạ (nay thuộc tỉnh Sầm Nưa - Lào). Tại đây, Nguyễn Kim đã chiêu dụ được hàng ngàn trung thần nghĩa sĩ, cùng ngựa, voi, lương thảo... gây dựng thanh thế, chờ đợi thời cơ để mưu sự việc lớn. Đồng thời, âm thầm lần tìm con cháu họ Lê để lập lên ngôi vua, khôi phục nhà Lê.

Khi thế và lực đủ mạnh, Nguyễn Kim bước đầu đánh chiếm một số địa bàn quan trọng dọc biên giới Thanh Hóa, Nghệ An, chiếm giữ một số vị trí hiểm yếu. Mặt khác, tiếp tục phát triển gây dựng lực lượng trên đất Ai Lao, chờ đợi thời cơ. Năm 1533, sau nhiều nỗ lực, Nguyễn Kim đón được con trai nhỏ của vua Lê Chiêu Tông đang ẩn lánh trong dân gian lập lên làm vua, đặt niên hiệu Nguyên Hòa (sau khi mất miếu hiệu là Trang tông). Do có công phò nhà Lê, Nguyễn Kim được phong Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công chưởng nội ngoại sự.

Năm Bính Thân (1536) Nguyễn Kim tâu với vua Lê sai sứ thần sang nhà Minh tâu rõ việc nhà Mạc cướp ngôi, giết vua Chiêu tông khiến vua nhỏ phải xiêu dạt vào Thanh Hóa để Trung hưng nhằm “lấy” lại nước. Lúc này, nhà Mạc ở trong nước vừa gặp phải lòng dân bất bình, ngoài nước thì lo “đối phó” với nhà Minh nên rơi vào tình thế khốn khó.

Đến năm 1540, Nguyễn Kim đưa vua Lê thân chinh ra trận đánh tan quân Mạc Chính Trung (hay còn gọi là Mạc Đăng Xương - con trai thứ của Mạc Đăng Dung). Trước tình thế ấy, Tổng trấn Thanh Hóa Dương Chấp Nhất đem quân ra quy hàng. Đại quân nhà Lê toàn thắng. Nguyễn Kim được vua Lê phong Thái tể đô tướng tiết chế các dinh thủy bộ.

Trước thanh thế ngày càng mạnh của quân nhà Lê, họ Mạc nghe tin vua Lê chuẩn bị khởi quân đánh chiếm các địa bàn quan trọng trong nước để khôi phục bờ cõi thì không tránh khỏi lo sợ. Bởi vậy, nhà Mạc đã âm thầm móc nối với kẻ mang lòng dạ phản trắc Dương Chấp Nhất thi hành kế độc. Theo một số tài liệu sử, đó là vào ngày 20 tháng 5, tiết trời oi bức, Dương Chấp Nhất đã mời Thái tể Nguyễn Kim đến hành dinh để bàn việc binh. Sau đó, Dương Chấp Nhất đã mời quan đại thần Nguyễn Kim ăn dưa hấu có tẩm thuốc độc. Do không nghi ngờ, Nguyễn Kim đã vô tình trúng độc và mất ngay hôm đấy. Trước khi mất, Nguyễn Kim đã di chúc gửi gắm lại binh quyền cho con rể Trịnh Kiểm gánh vác.

Trước sự ra đi đột ngột của quan đại thần Nguyễn Kim, vua Lê vô cùng thương tiếc đã xuống chiếu phong tặng Nguyễn Kim tước Chiêu Huân Tĩnh công, dùng lễ hậu táng ở núi Thiên Tôn (An Tôn) hương Gia Miêu, huyện Tống Sơn. Theo gia phả dòng họ Nguyễn ở Gia Miêu, tương truyền, khi linh cữu ông vừa đưa đến núi Thiên Tôn thì trời bỗng nổi giông tố sấm sét khiến người có mặt sợ hãi bỏ chạy. Rồi đột nhiên trời quang mây tạnh, người nhà trở ra tìm mộ để đắp thì chỉ thấy đồi núi nhấp nhô, đất đá từ trên cao sạt xuống phủ lấp cả một vùng, không thể tìm thấy vị trí mộ táng. Sau này, nhà Nguyễn đã lấy cả núi Thiên Tôn làm lăng Triệu Tổ (Nguyễn Kim), đặt tên là lăng Trường Nguyên.

Về sau, chúa Nguyễn Hoàng - con trai Nguyễn Kim đã truy tôn ông làm Chiêu Huân Tĩnh vương. Đến thời vua Gia Long, ông được truy tôn là Triệu Tổ hoàng đế. Cũng chính vua Gia Long đã cho xây ở đất Gia Miêu gần núi Thiên Tôn một miếu 3 gian 2 chái thờ Nguyễn Kim và thờ vọng chúa Nguyễn Hoàng, đặt tên là Nguyên miếu, sau này gọi là miếu Triệu Tường. Cạnh Nguyên miếu là Trừng Quốc công miếu thờ thân phụ Nguyễn Kim.

Đến thời vua Minh Mạng, nhà vua đã cho dựng tại lăng Trường Nguyên tấm bia khắc bài “minh” ngợi ca: “Đất lớn chúa thiêng sinh ra Triệu tổ/ Vun đắp cương thường nêu rạng thánh võ/ Nghĩa động quỷ thần công truyền vũ trụ/ Cõi trần rời bỏ lăng ở bái trang/ Non nước bao bọc sấm mắt tùng xanh/ Khí thiêng nhóm họp đời đời xưng vinh/ Mệnh trời đã giúp con cháu tinh anh... Trông ngắm non sông nhớ đến gốc cõi/ Khắc chữ vào bia lưu ức vạn tài” (theo “Nguyễn Phúc tộc thế phả”, NXB Thuận Hóa, 1995).

Lăng miếu Triệu Tường đã được vua Gia Long cho xây dựng theo kiến trúc lăng tẩm của nhà Nguyễn trong kinh đô Huế. Vua Gia Long cho xây dựng lăng miếu Triệu Tường ngoài ý nghĩa là công trình thờ tự, ghi nhớ công ơn của Triệu Tổ dòng họ Nguyễn, nó còn là “món quà” nhà vua dành tặng cho đất quý hương. Bởi vậy, cả về quy mô, kiến trúc... đều vô cùng bề thế, ấn tượng. Đáng tiếc, công trình kiến trúc tiêu biểu thời Nguyễn đã bị phá hủy bởi chiến tranh. Ngày nay, trên nền móng cũ, khu di tích đang từng bước được tôn tạo xứng tầm để tưởng nhớ tiền nhân.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]