(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thanh Hóa là nơi có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, là vùng đất “căn bản”, “phên dậu”, “địa linh nhân kiệt” của đất nước. Đây cũng là nơi sinh ra và nuôi dưỡng nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân nổi tiếng. Nhân dịp đón Xuân Đinh Dậu, chúng tôi xin điểm qua một số danh nhân sinh năm Dậu trên đất xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những danh nhân tiêu biểu sinh năm Dậu ở Thanh Hóa

(VH&ĐS) Thanh Hóa là nơi có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, là vùng đất “căn bản”, “phên dậu”, “địa linh nhân kiệt” của đất nước. Đây cũng là nơi sinh ra và nuôi dưỡng nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân nổi tiếng. Nhân dịp đón Xuân Đinh Dậu, chúng tôi xin điểm qua một số danh nhân sinh năm Dậu trên đất xứ Thanh.

NGUYỄN HOÀNG sinh năm Ất Dậu (1525), người xã Hà Long (Hà Trung). Dưới thời Lê Trung Tông (1549 - 1556), Nguyễn Hoàng được cử đem quân đánh thắng quân Mạc ở vùng Ngọc Sơn. Ông được vua Lê khen ngợi và được phong tước Đoan Quận công. Tháng 10 năm 1558, Nguyễn Hoàng xin đi trấn thủ vùng đất Thuận Hóa (nay là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên). Đến năm 1570, ông được cử làm Tổng trấn tướng quân kiêm quản cả hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam. Năm 1594, Nguyễn Hoàng chỉ huy thủy quân các xứ Nam gồm 300 chiến thuyền đi dẹp lực lượng nhà Mạc ở vùng Đông Nam (các sứ Sơn Nam và Hải Dương). Trong các năm 1596 và 1597, Nguyễn Hoàng đã hai lần cũng với Hoàng Đình Ái, Nguyễn Hữu Liên, Trịnh Đỗ đem hơn một vạn quân lên trấn Nam Giao hậu thuẫn phái đoàn nhà Mạc đi Lạng Sơn gặp sứ nhà Minh để bàn việc bang giao giữa hai nước. Năm 1599, vua Kính Tông tấn phong Nguyễn Hoàng là Hữu Tướng quốc cho ông được quyền cai quản một phủ Hà Trung và bảy huyện thuộc trấn Sơn Nam. Trong 56 năm làm trấn thủ Thuận Quảng, Nguyễn Hoàng đã làm tròn nhiệm vụ của một “phiên thần” coi giữ đất đai, nộp thuế đầy đủ, giúp triều Lê - Trịnh một phần quan trọng về mặt quân lương trong việc đối đầu với nhà Mạc. Ông trở thành vị Chúa đầu tiên khai sáng của nhà Nguyễn, là người đặt nền móng cho việc gây dựng cơ nghiệp của triều Nguyễn, kéo dài gần 400 năm với 9 đời chúa, 13 đời vua. Sau khi ông mất được vua Lê ban tước Cần Nghĩa Công, thụy là Cung Ý, đến đời vua Gia Long truy tôn là Gia Dụ Hoàng đế, miếu hiệu là Thái Tổ.

TỐNG DUY TÂN sinh năm Đinh Dậu (1837), người làng Đông Biện, phủ Quảng Hòa (nay là làng Bồng Trung, Vĩnh Tân, Vĩnh Lộc). Năm Ất Hợi (1875) ông đỗ Tiến sỹ rồi được bổ dụng làm quan, phong làm Hàn lâm biên tu, giữ chức Thừa biện tại bộ Hành. Năm 1876, Tống Duy Tân được cử làm phúc khảo trường thi Nam Định, sau đó được giữ chức Tri phủ Vĩnh Tường. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, Tống Duy Tân đã kịp thời vận động nhân dân tập hợp lực lượng tổ chức thành các đội nghĩa binh và nhanh chóng xây dựng các làng Bồng Trung, Bồng Thượng, Bồng Hạ, Đa Bút đến núi rừng Hùng Lĩnh thành căn cứ khởi nghĩa và là trận địa để tiêu diệt địch. Trong hai năm 1885, 1886 nghĩa quân Hùng Lĩnh dưới sự lãnh đạo của Tống Duy Tân và Cao Bá Điển đã ra sức vận động nhân dân ủng hộ phong trào, tập hợp lực lượng, lập cứ điểm chống lại những cuộc tấn công của địch. Đầu năm 1886, trước sự lớn mạnh của phong trào Cần Vương trong tỉnh, Tống Duy Tân và các thủ lĩnh Cần Vương ở Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị ở Bồng Trung (Vĩnh Lộc) để bàn kế sách đánh Pháp và thống nhất chỉ huy. Năm 1889, Tống Duy Tân trở lại Thanh Hóa nhóm lại phong trào chống Pháp và trở thành người chỉ huy chính của phong trào. Từ năm 1889 đến năm 1891, nghĩa quân Hùng Lĩnh hoạt động mạnh mẽgây cho địch nhiều thiệt hại về lực lượng.

Ngày 5 tháng 10 năm 1892, ông bị bắt tại hang Dong, sau khi bị bắt giặc Pháp đã dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ mua chuộc không được, chúng đã đưa ông ra xử tử.

Nhớ công ơn ông, nhân dân làng Bồng Trung xây dựng đền thờ và tôn tạo khu lăng mộ Tống Duy Tân ở quê nhà. Tại phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa. Nhân dân đã xây dựng ngôi đền khang trang, cả hai di tích đều được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

TRẦN XUÂN SOẠN sinh năm Kỷ Dậu (1849), quê ở thôn Thọ Hạc, huyện Đông Sơn (nay thuộc phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa). Sau khi Hàm Nghi lên ngôi vua năm 1885, Trần Xuân Soạn được phái kháng chiến trong triều đưa về Huế giữ chức Đề đốc Kinh thành. Với tài năng, uy tín của mình đầu năm 1886, ông được Tôn Thất Thuyết ủy nhiệm phụ trách phong trào ở Thanh Hóa. Ông đã phong tước cho các văn thân, sỹ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa và đẩy mạnh tổ chức lực lượng. Tại Mã Cao, Trần Xuân Soạn cùng với Hà Văn Mao nhiều lần tấn công vào các đồn bốt của địch trên vùng miền núi trung du làm cho giặc Pháp nhiều phen kinh hồn bạt vía. Với cương vị phụ trách phong trào Cần Vương Thanh Hóa, ông đã có mặt hầu như khắp các vùng miền trong tỉnh.

Sau khi Ba Đình thất thủ, căn cứ Mã Cao bị vỡ, Trần Xuân Soạn cùng Hà Văn Mao phải lên Điền Lư (Bá Thước) xây dựng phong trào miền núi, nhưng ở đây cũng bị Pháp đánh phá ác liệt nên ông tìm vào Nghệ An liên lạc với nghĩa quân Nguyên Xuân Ôn không thành. Bấy giờ Trần Xuân Soạn quay lại Mường Kỷ (Bá Thước) cùng Cao Bá Điển, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước tiếp tục lãnh đạo nhân dân miền núi chống Pháp. Sau khi phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa suy yếu Trần Xuân Soạn sang Long Châu (Trung Quốc) tìm gặp Tôn Thất Thuyết nhằm tìm cách kéo dài cuộc chiến đấu. Đến tháng 8 năm 1888, biên giới Việt - Trung bị vây chặt Trần Xuân Soạn ở lại Long Châu và mất ở đó vào năm Quý Hợi (1923), thọ 74 tuổi.

Hiện nay đền thờ ông ở phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa.

LÊ BÙI VỊ sinh năm Quý Dậu (1693), tại làng Nhân Hậu, xã Lưu Vệ, Quảng Xương. Năm 1722, ông được tuyển vào làm quan Thái giám với chức Thị Nội giám, đến năm 1725, Lê Bùi Vị thi võ được phong làm võ tướng kiêm các chức Đô đốc phủ, Đô đốc Đông Tự, Đô đốc Thiêm sự kiêm chức Ty lễ giám, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân. Năm 1729, ông được phong chức Tả Đô đốc tước Loan Dực hầu. Năm 1740, Lê Bùi Vị lập được hai chiến công lớn trong cuộc hộ giá chúa Trịnh Doanh đi đánh dẹp các cuộc nổi dậy của Nguyễn Tuyển, Vũ Tranh Oanh (ở Hải Phòng) của Hoàng Công Chất, Vũ Đình Dung (ở Sơn Nam) tức Nam Hà, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Đông. Chúa Trịnh Doanh đã chọn cuộc nổi dậy của Vũ Đình Dung (gọi là giặc Ngân Già - tên của một làng) làm mục tiêu tấn công. Quân của Trịnh Doanh đã đánh thắng quân của Vũ Đình Dung. Do lập nhiều chiến công nên ông được phong chức Đô Tổng Thái giám Thượng trụ quốc Dục Quận công.

Ông mất vào ngày 9 tháng 8 năm 1774, hưởng thọ 81 tuổi. Sau khi ông mất vua Khải Định phong cho Lê Bùi Vị chức “Linh Phù Dục Bảo Trung Hưng” có công lao hộ quốc an dân, mật linh ứng ban sắc phong nhiều lần, cho thờ cúng. Đền thờ ông đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

LÊ HỮU LẬP sinh năm Đinh Dậu (1897) ở thôn Hữu Nghĩa, tổng Xuân Trường huyện Hậu Lộc. Năm 1922, Lê Hữu Lập tìm đến nhà yêu nước Đinh Chương Dương, sau khi tìm hiểu và kết giao với những người cùng chí hướng. Đến năm 1923, Lê Hữu Lập tạm biệt mẹ già, người vợ hiền và đứa con thơ để bắt đầu con đường hoạt động cách mạng.

Giữa năm 1924, Lê Hữu Lập được Đinh Chương Dương đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia vào tổ chức cách mạng “Tâm tâm xã” do Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu thành lập. Năm 1925, Lê Hữu lập trở về Thanh Hóa bắt liên lạc với các thanh niên yêu nước trong tỉnh để thành lập “Hội đọc sách báo cách mạng” nhằm tuyên truyền, phổ biến các loại sách báo có nội dung tiến bộ. Đến năm 1926, Lê Hữu Lập với tư cách được giao phụ trách việc vận động xuất dương ở khu vực. Tháng 4 năm 1927, Ban Chấp hành Tỉnh bộ lâm thời Việt Nam cách mạng thành lập tại số nhà 26, phố Hàng Than, thị xã Thanh Hóa gồm 3 ủy viên: Lê Hữu Lập, Lê Công Thanh, Nguyễn Chí Hiền. Lê Hữu Lập được cử làm Bí thư Tỉnh bộ lâm thời.

Đến tháng 4 năm 1928, Lê Hữu Lập chủ trì Hội nghị đại biểu các cơ sở Việt Nam cách mạng thanh niên tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tại chùa Quan Thánh (núi Nhồi, Đông Sơn) với sự tham gia của 20 đại biểu. Tại hội nghị này, Lê Hữu Lập được cử làm Bí thư. Từ năm 1932 đến năm 1934, ông được điều động về công tác tại Ban viện trợ cách mạng Đông Dương ở Đông Bắc Thái Lan, có nhiệm vụ giúp đỡ huấn luyện, tạo điều kiện cho các cán bộ cách mạng từ trong nước, tiếp tục trở về nước hoạt động đến năm 1934, ông bị bệnh nặng và mất ở tuổi 37, độ tuổi tràn đầy nghị lực và hoài bão.

NGÔ NGỌC TOẢN sinh năm Đinh Dậu (1897) tại làng Yên Lộ, tổng Phù Chẩn, phủ Thiệu Hóa (nay là xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa). Năm 1919, ông tham gia thi và đỗ tú tài, sau khi đỗ đạt ông được mời làm chức “thừa phái” nhưng ông từ chối làm mà về làng mở trường dạy học. Năm 1927, Ngô Ngọc Toản gia nhập tổ chức “Hội Việt Nam thanh niên cách mạng”. Tháng 6 năm 1930, ông được kết nạp vào ĐCS Việt Nam. Ngày 10 tháng 7 năm 1930, tại làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến, Hội Nghị thành lập Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam phủ Thiệu Hóa được tiến hành dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp. Đồng chí Ngô Ngọc Toản tham gia hội nghị và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi Mặt trận Việt Minh ra đời phong trào kháng Nhật của nhân dân ta lên cao, Ngô Ngọc Toản được cử tham gia lãnh đạo phong trào Việt Minh ở Thiệu Hóa và là Ủy viên Ban Khởi nghĩa của huyện. Tháng 8 năm 1945, thời cơ cách mạng đã đến, các lực lượng tự vệ từ nhiều hướng tấn công bao vây phủ đường Thiệu Hóa theo kế hoạch đề ra. Sáng ngày 19 tháng 8 năm 1945, quân cách mạng đã làm chủ hoàn toàn phủ lỵ Thiệu Hóa. Đến năm 1953, đồng chí Ngô Ngọc Toản được điều đi công tác tại Nông Cống. Đến năm 1956, ông được chuyển về Thiệu Hóa với cương vị là Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện.

Cuộc đời hoạt động của Ngô Ngọc Toản là một tấm gương sáng, đấu tranh không mệt mỏi của một chiến sỹ cách mạng trung kiên. Phẩm chất đạo đức cao quý của ông mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo.

Trịnh Thị Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]