(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau cả một năm trời với bao lo toan, bận rộn, người Việt ta đều thấy vui vẻ, phấn khởi để mừng Đảng, mừng xuân, vui tết, Tết Nguyên đán - tết cổ truyền của dân tộc ta từ tổ tiên xa xưa để lại. Tết là một dịp tốt nhất để mọi người trở về với gia đình truyền thống để được tiếp thêm nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, từ những tình cảm, nền nếp, phong tục, tập quán tốt đẹp nhất. Từ đó mà mọi người càng thấy tự tin hơn, lạc quan hơn trước những vận hội cùng với những đổi thay, khó khăn, biến cố của cuộc đời. Theo nền nếp xưa của Tết Việt thì có rất nhiều công việc đậm nét văn hóa truyền thống, điển hình là:

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những nét đẹp trong Tết cổ truyền của dân tộc ta

Sau cả một năm trời với bao lo toan, bận rộn, người Việt ta đều thấy vui vẻ, phấn khởi để mừng Đảng, mừng xuân, vui tết, Tết Nguyên đán - tết cổ truyền của dân tộc ta từ tổ tiên xa xưa để lại. Tết là một dịp tốt nhất để mọi người trở về với gia đình truyền thống để được tiếp thêm nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, từ những tình cảm, nền nếp, phong tục, tập quán tốt đẹp nhất. Từ đó mà mọi người càng thấy tự tin hơn, lạc quan hơn trước những vận hội cùng với những đổi thay, khó khăn, biến cố của cuộc đời. Theo nền nếp xưa của Tết Việt thì có rất nhiều công việc đậm nét văn hóa truyền thống, điển hình là:

Xin chữ là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt mỗi dịp tết đến xuân về. (Ảnh: Trần Đàm)

Đi tảo mộ và mời tổ tiên, ông bà về ăn tết

Trong những ngày cuối cùng của năm cũ có tục lệ là mọi gia đình đều ra các nghĩa trang để thăm lăng mộ của tổ tiên, ông bà. Khi đi đều sắm sửa lễ vật để tiến cúng chư vị tôn thần quản cai nghĩa trang, đồng thời sửa sang lại phần mộ của tổ tiên, ông bà. Tại đây con cháu cùng nhau cắt, nhổ cỏ dại, đắp thêm đất vào phần mộ hoặc quét vôi vào tường bao rồi thắp hương khấn mời vong linh tổ tiên, ông bà về ăn tết với con cháu. Đối với những nhà không có điều kiện ra mộ hoặc mộ ở quá xa thì có thể bày đồ lễ trên bàn thờ để khấn mời các cụ về ăn tết.

Dọn dẹp sân vườn, trang trí nhà cửa

Dù nhà ngói hay nhà tranh, nền đất hay nền gạch, nhà ai đều cũng thấy cần phải dọn dẹp, quét tước từ cổng ngõ vào đến sân, nhà cho sạch sẽ hơn, trang trí cho sáng, đẹp hơn. Thông thường, nhà nào cũng trồng một cây nêu ở giữa sân, sắm một chậu hoa hay một cây cảnh mà phổ biến là hoa đào, hoa mai đặt trước thềm nhà. Trong nhà thì thế nào cũng phải có một vài đôi câu đối đỏ, mấy tờ tranh tết như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống hay tranh Kim Hoàng. Rồi quét vôi cho mới tường nhà, tường bao trước sân. Mục đích là làm cho sang năm mới thì mọi thứ đều phải mới. Lại còn dùng vôi để vẽ những cây cung, nõ ở tư thế đang dương dây hướng ra mọi phía từ cổng vào đến sân và mặt ngoài các bức tường nhà với mục đích là để phòng trừ ma quỷ.

Lau dọn bàn thờ

Bàn thờ vốn là nơi linh thiêng, tôn kính nhất của mỗi gia đình. Do đó trước tết công việc này luôn được mọi nhà chú trọng. Lau dọn bàn thờ cũng là cách để con cháu bày tỏ lòng biết ơn, sự trân trọng, yêu kính đối với tổ tiên, ông bà. Vì vậy trước tết vài ba ngày bàn thờ phải được lau dọn sạch sẽ. Việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng, sạch sẽ và phải do người đàn ông trong nhà đảm nhiệm.

Sắm đồ lễ, tết

Khâu chuẩn bị này được chia làm 2 phần đúng như tên gọi. Chuẩn bị lễ vật để dâng cúng tổ tiên, ông bà trên bàn thờ trong 3 ngày tết và chuẩn bị những đồ ăn, thức uống, nhu yếu phẩm cho các bữa ăn trong gia đình. Sắm đồ lễ tết không hề đơn giản, khi ra chợ phải hiểu biết phong tục, tập quán và những quan niệm của gia đình, dòng tộc để mua được những thứ cần thiết, phù hợp. Ví dụ chọn mua chuối thờ phải là những nải chuối vỏ xanh đều, không có vết bầm, còn nguyên núm. Số quả lẻ và quả cuối cùng nằm ở chữ“sinh” theo cách đếm “sinh, lão, bệnh, tử”.

Các loại quả khác trong mâm ngũ quả cũng phải chọn có sắc màu sáng đẹp không bị bầm dập. Các đồ lễ khác từ hương, hoa, tiền, vàng đến bánh trái, rượu, cây mía đều phải chọn cẩn thận. Trong việc sắm lễ, chuẩn bị đồ tết, gói bánh chưng là việc rất quan trọng. Bánh chưng mang nhiều ý nghĩa về văn hóa, tinh thần và sức khỏe. Đặc biệt hình ảnh cả gia đình ngồi quây quần bên nồi bánh chưng đang sôi, những em bé cũng cố thức đến quá nửa đêm để được ông bà, bố mẹ thưởng trước cho một chiếc bánh nhỏ vừa chín còn nóng hổi.

Khấn cúng tổ tiên

Cúng gia tiên trong 3 ngày tết để bày tỏ lòng tri ân, thương nhớ của con cháu đối với tổ tiên cội nguồn. Trong 3 ngày tết thì việc khấn cúng trước bàn thờ tạo nên một không khí thiêng liêng, đầm ấm. Suốt những ngày tết con cháu đều dâng lễ, cúng lễ tổ tiên thành kính và chu đáo. Trên bàn thờ của mỗi nhà không thể thiếu chiếc đèn dầu hoặc cây nến, nén hương, đĩa trầu, 3 chén nước trắng. Mâm cơm cúng ngày tết luôn được tổ chức nấu nướng và bày biện công phu, đẹp mắt. Người xưa nói: “Tùy tiền biện lễ”, không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy nhưng mâm cơm cúng ngày tết cũng phải có đủ mấy món cơ bản là bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, cơm tẻ và bát canh.

Đi chúc tết

Ngày xuân việc đi chúc tết đã thành thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam ta. Người xưa đã đúc kết việc chúc tết trong câu thành ngữ: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Sáng ngày mùng một, ngày đầu tiên của năm mới, vợ chồng, con cái, anh em ruột thịt đều về bên nội để chúc thọ ông bà, cha mẹ. Theo thứ tự từ người lớn đến trẻ nhỏ lần lượt chúc ông bà, cha mẹ sức khỏe và những điều may mắn, tốt lành. Ông bà cha mẹ cũng chúc tết lại con cháu vui khỏe, làm ăn, học hành tiến bộ. Kèm theo lời chúc có thể có cả chút ít tiền để kính biếu người trên và lì xì cho trẻ nhỏ gọi là tiền mừng tuổi.

Khai bút đầu xuân

Tục khai bút đầu xuân mang ý nghĩa thiêng liêng và thể hiện truyền thống hiếu học của người Việt. Các cụ xưa quan niệm cây bút gắn với trí tuệ và tâm hồn, trở thành một biểu tượng thiêng liêng trong đời sống. Khai bút mang ý nghĩa khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp. Thông thường sau thời khắc giao thừa, mỗi người thường chọn cho mình một thời điểm được coi là giờ tốt, giờ đẹp để làm lễ khai bút. Đây là một trong những phong tục rất độc đáo trong dịp tết Việt. Trước kia thường chỉ có những ông đồ, thầy đồ hay học trò nho học mới thực hiện nghi thức khai bút đầu xuân. Cúng Giao thừa xong họ đốt lư trầm bên án thư và cầm cây bút lông chấm mực đen (mực tàu) thảo những câu đối theo cách viết lên trên giấy hồng điều những chữ hay, giàu ý nghĩa. Đến nay tục khai bút có đôi chút khác xưa nhưng trong các giới trí thức, văn nghệ sỹ, phóng viên báo chí, học sinh, sinh viên vẫn có nhiều người giữ. Vì khai bút không chỉ tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp sáng tác, học hành mà còn gửi gắm rất nhiều tâm tư, khát vọng trong năm mới.

Xin chữ, cho chữ

Tết đến, xuân về, trên khắp phố phường và cả những vùng quê văn hiến rất nhiều những ông đồ hay chữ bày nghiên bút, giấy bản hồng điều để người qua đường ghé vào xin chữ. Xin chữ là để cầu mong vận hội mới trong năm mới và đặc biệt là đối với những người theo nghiệp học mong xin được chữ Thánh hiền giáng ứng cho may mắn, tốt lành trong học hành, thi cử. Sau khi xin được chữ hay thì mang về treo ở nơi trang trọng nhất. Tục xin, cho chữ này cũng có lúc thăng, lúc trầm và nếu xưa kia chỉ có chữ Hán được ưa thích thì dần về sau chữ Nôm và chữ Việt lại cũng được ưa chuộng.

Như Văn


Như Văn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]