(vhds.baothanhhoa.vn) - Không chỉ nổi danh với truyền thống hiếu học, khoa bảng, vùng đất Cổ Đằng xưa (nay là huyện Hoằng Hóa) còn là không gian văn hóa giàu giá trị với quần thể kiến trúc (đền, chùa, nghè…) lưu giữ qua thời gian. Trong đó, đình Bảng Môn (Bảng Môn đình) và đình Phú Khê với dấu ấn thời gian, giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, được xa gần biết đến.

Những ngôi đình cổ trên đất Hoằng Hóa

Không chỉ nổi danh với truyền thống hiếu học, khoa bảng, vùng đất Cổ Đằng xưa (nay là huyện Hoằng Hóa) còn là không gian văn hóa giàu giá trị với quần thể kiến trúc (đền, chùa, nghè…) lưu giữ qua thời gian. Trong đó, đình Bảng Môn (Bảng Môn đình) và đình Phú Khê với dấu ấn thời gian, giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, được xa gần biết đến.

Những ngôi đình cổ trên đất Hoằng HóaĐình Bảng Môn - nơi thờ Thành hoàng làng Nguyễn Tuyên, nổi bật với những giá trị kiến trúc, điêu khắc.

Bảng Môn Đình và vị Thành hoàng làng có công “bình Chiêm”thời Lý

Ghé thăm Bảng Môn đình, du khách được đắm mình trong không gian văn hóa cổ kính, linh thiêng mà gần gũi với cây đa, giếng nước, sân đình và mái ngói phủ rêu thời gian của một trong những đình làng được đánh giá là đẹp nhất xứ Thanh. Ở Bảng Môn đình còn là câu chuyện về Thành hoàng làng - danh tướng Nguyễn Tuyên giúp vua Lý dẹp giặc Chiêm Thành ở phương Nam.

Thần phả trang Bột Đà, huyện Cổ Đằng, phủ Hà Trung nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa ghi ngắn gọn song khá đầy đủ: Nguyễn Tuyên sinh ngày 10 tháng 3 (âm lịch) năm Đinh Sửu (1017), ông lớn lên với dung mạo và cốt cách hơn người. Năm 17 tuổi đã nổi tiếng đức độ, khoan dung, chí dũng phi thường, lại văn võ song toàn, nổi danh khắp vùng.

Theo sử sách, vào thời Lý ở vùng đất phương Nam, nước Việt bị giặc Chiêm Thành lấn chiếm bờ cõi, quấy phá không ngừng. Trước thế giặc mạnh, nhà vua phải đích thân ra trận. Khi qua vùng đất Bột Đà thấy địa thế rộng rãi, thủy bộ đều thuận lợi nên nhà vua đã hạ lệnh dừng quân, hạ trại, chiêu mộ tướng sĩ, tích trữ quân lương. Đêm xuống ở trang Bột Đà, trong chập chờn giấc ngủ nhà vua thấy thần linh hiện linh với ánh hào quang rực rỡ ở ba phía trong làng. Tỉnh dậy, cho rằng đây là nơi “địa linh nhân kiệt” nên cho lập đàn cầu tế, ra lời hiệu triệu, mở cuộc thi tài, tìm tướng giỏi giúp nhà vua dẹp giặc.

Chàng trai Nguyễn Tuyên khi ấy đã thể hiện tài trí hơn người, lần lượt vượt qua các đối thủ, khẳng khái bày tỏ kế sách dẹp giặc khiến vua và tướng sĩ khâm phục. Sau đó, vua Lý đã phong ông là đại tướng tiên phong bình Chiêm. Đồng thời cho tuyển mộ thêm binh sĩ, cùng tiến xuống phương Nam. Không bao lâu đã đại phá giặc Chiêm, bắt sống Chiêm chủ là Xạ Đẩu, vua tôi ca khúc khải hoàn.

Trên đường trở về kinh đô Thăng Long, qua trang Bột Đà, không quên ơn thần linh hiển hiện báo mộng, nhà vua đã hạ lệnh làm lễ tạ, phong thần và cho lập miếu thờ tại ba phía của làng (miếu Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam). Với tướng Nguyễn Tuyên, vì đã lập công lớn nên được đặc cách ở lại quê nhà bái yết tiên tổ, vấn an cha mẹ rồi mới trở ra kinh đô.

Tương truyền, khi Nguyễn Tuyên về đến đầu làng thì mây đen, giông tố nổi lên, phút chốc người và ngựa cùng “hóa” tại chỗ. Đó là ngày 21 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (1037). Thương tiếc vị tướng trẻ tài hoa, vua Lý đã ban phong thần hiệu, sắc phong “Thượng đẳng phúc thần đại vương”, cấp tiền lập đền thờ, giao dân làng trông coi cẩn trọng. Đến các triều đại về sau, ông tiếp tục được phong “Thượng đẳng Đại vương linh thần”, đồng thời được Nhân dân tôn vinh là Thành hoàng làng, quanh năm hương khói phụng thờ vô cùng chu đáo.

Sau khi tướng Nguyễn Tuyên bất ngờ hóa thân tại quê nhà thì người dân đã lập đền thờ ngay tại vị trí ông “hóa” theo kiểu “Thượng sàng hạ mộ”. Có nghĩa là bên trên là ban thờ, phía dưới là mộ phần. Mỗi năm hai lần, vào ngày 10 tháng 3 và 21 tháng Chạp âm lịch, Nhân dân trong làng cùng nhau tổ chức lễ hội tưởng nhớ ngày sinh và kỵ (mất) của vị Thành hoàng làng. Trong đó, đặc biệt lễ hội vào ngày 21 tháng Chạp thu hút đông đảo người dân, du khách xa gần cùng về tham gia, là nét đẹp văn hóa ở vùng đất học.

Cũng theo người dân địa phương, từ vị trí có đền thờ Thành hoàng làng Nguyễn Tuyên, vào thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ XV) Bảng Môn đình bắt đầu được khởi dựng phía ngoài. PGS Nguyễn Du Chi trong cuốn Địa chí văn hóa Hoằng Hóa viết: “Do trước đây mấy thế kỷ làng chưa có văn chỉ nên đình, ngoài chức năng hội họp bình thường của cộng đồng làng xã, còn là nơi hội họp của hội tư văn, nơi đón nhận chúc mừng những người đỗ đạt của cộng đồng, trong đó có 12 vị tiến sĩ vinh quy về làng… nghĩa là đình kiêm thêm chức năng của một văn chỉ. Nó ra đời trên đất có truyền thống học hành khoa bảng nên đã được Nhân dân địa phương đặt cho cái tên rất đẹp: Bảng Môn (cửa vào của các nhà khoa bảng)”.

Tọa lạc ở vị trí trung tâm của làng xưa kia, đình Bảng Môn bố cục hài hòa và nổi bật bởi các mảng chạm khắc gỗ tinh xảo, tuyệt đẹp, đa dạng đề tài (long, ly, quy, phượng, hưu, tiên nữ…). Đáng chú ý còn có đề tài sinh hoạt cuộc sống với những cảnh “điều voi, cưỡi ngựa, cưỡi sư tử”. Cũng theo PGS Nguyễn Du Chi: “Đình Bảng Môn là một công trình kiến trúc đáng quý. Mặc dù đã được tu sửa nhiều lần nhưng đình còn giữ được nhiều mảng chạm khắc của hai thời kỳ phát triển trong lịch sử nghệ thuật kiến trúc dân tộc. Đó là cuối thế kỷ XVI và cuối thế kỷ XVII. Quý hơn nữa vì đây là một trong số ít đình làng còn lại đến nay của cả nước có tuổi đời từ cuối thế kỷ XVI”.

"Tiếng nức cõi Thanh, danh lừng đất Phú"

Cùng với đình Bảng Môn, đình Phú Khê (còn gọi là đình Thượng) ở xã Hoằng Phú gắn liền với huyền tích về nhị vị Thành hoàng làng họ Chu (Chu Minh, Chu Tuấn), có công giúp vua Lý đánh giặc ngoại xâm.

Tương truyền, gia đình họ Chu ở phương Bắc vốn hiếm muộn con cái, vì thương mến cảnh sắc phương Nam nên đã hành hương đến ngôi chùa cổ Bảo Phúc ở Phú Trừng trang (nay là làng Phú Khê) lễ phật, cầu con. Về sau người vợ mang thai hạ sinh hai người con trai khôi ngô, đẹp đẽ vô cùng. Tưởng nhớ ơn đức của Phật tổ ở ngôi chùa Bảo Phúc, khi hai người con khôn lớn thì cha con họ Chu đã cùng nhau xuôi về phương Nam dâng lễ tạ. Tuy nhiên, gần đến nơi thì cơn đại hồng thủy dâng cao, nhấn chìm tất cả. Sau trận thiên tai, người dân Phú Trừng trang thấy có hai người đàn ông nổi trên mặt nước, dáng ngồi bồng bềnh như đức phật, trôi theo hướng về chùa Bảo Phúc. Cho là sự lạ nên đã chôn cất, đắp mộ thờ tự.

Những ngôi đình cổ trên đất Hoằng HóaĐình Phú Khê được nhà bác học Lê Quý Đôn ngợi ca là “tiếng nức cõi Thanh, danh lừng đất Phú”.

Đến thời Lý, khi nhà vua đi đánh giặc ở phương Nam đã dừng chân ở Phú Trừng trang. Đêm xuống, vua thấy có hai người con trai mặt đẹp như ngọc cùng đến trước mặt tự xưng là con của gia đình họ Chu, xin được “âm phù dương trợ” mong nhà vua sớm thắng trận trở về.

Quả nhiên trong trận chiến sau đó với giặc, khi trận thế bất phân thắng bại thì từ Phú Trừng trang bỗng đâu mây đen giông tố nổi lên, tụ về nơi giặc đóng, biến thành cơn cuồng phong khiến giặc không đánh mà bại. Thắng trận trở về, vua không quên ơn thần hiển linh giúp đỡ đã ban cho lễ vật và ban tiền bạc tu bổ lăng mộ. Về sau, khi đình dựng lên, hai anh em họ Chu được người dân địa phương suy tôn là Thành hoàng làng. Nhà bác học Lê Quý Đôn xưa kia có dịp qua đây, đã chấp bút cho bản thúc ước của làng, ngợi ca: “Đình ta nay: tiếng nức cõi Thanh, danh lừng đất Phú, mạch du long quanh quất một bầu” (theo bản Thúc ước của làng Phú Khê hiện còn lưu giữ).

Đình Phú Khê nổi bật với kiến trúc đồ sộ, bề thế và thoáng đãng. Trong đó, điểm nhấn là tòa đại đình 5 gian, kích thước lớn (dài gần 20m, rộng hơn 14m). Các mảng chạm gỗ khỏe mạnh nhưng vẫn mềm mại, không rườm rà, cân đối với khối cao rộng của kiến trúc. Diện mạo hiện tại của di tích là kết quả của lần đại trùng tu năm 1855 (thời vua Tự Đức). Tại di tích hiện còn lưu giữ một số hiện vật giá trị, như: ngai thờ, bài vị…

Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc, điêu khắc… tồn tại trong không gian văn hóa làng quê thuần Việt, đình Bảng Môn và đình Phú Khê là di sản văn hóa vô giá để đời nối đời bảo tồn, gìn giữ và trao truyền cho hậu thế.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]