(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm trong dòng chảy phát triển của quốc gia, năm 2019 đã đi qua, ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng, Báo Văn hóa & Đời sống xin điểm lại những sự kiện nổi bật trong năm qua.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những thành tựu nổi bật của ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch năm 2019

Nằm trong dòng chảy phát triển của quốc gia, năm 2019 đã đi qua, ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng, Báo Văn hóa & Đời sống xin điểm lại những sự kiện nổi bật trong năm qua.

Các đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Phát - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các đại biểu thăm quan triển lãm “Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa 50 năm thực hiện Di chúc của Bác”.

1. Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa: Những dấu ấn không thể nào quên

Quãng thời gian 990 năm (1029 - 2019) từ khi tên gọi Thanh Hóa hình thành, văn hóa và lịch sử của Thanh Hóa đã là cả một kho tàng khổng lồ, trải qua nhiều triều đại gắn liền với dòng chảy của lịch sử dân tộc. Từ nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ, nhà Hậu Lê, nhà Trịnh, nhà Nguyễn tới thời đại Hồ Chí Minh với hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ, thời kỳ hàn gắn các vết thương chiến tranh, tới thời kỳ đổi mới hội nhập và phát triển, Thanh Hóa đã thực sự trở thành “vùng đất căn bản” của nước Đại Việt hôm qua, của Tổ quốc Việt Nam hôm nay đã tạo nên chương trình Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (tổ chức vào ngày 8/5/2019) với chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước” những dấu ấn không thể nào quên.

Chương trình đã huy động một lực lượng nghệ sĩ, diễn viên hùng hậu hơn 500 người, với nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong nhiều lĩnh vực tham gia biểu diễn. Đặc biệt, chương trình còn có sự góp mặt các chuyên gia pháo hoa, kỹ xảo của

Singapore để thiết kế phần trình diễn pháo hoa độc đáo mở màn chương trình. Theo đó, hơn 2.970 ống pháo hoa được sử dụng thành 3 lần, tạo nên màn trình diễn đầy màu sắc và hấp dẫn, được xem là điểm nhấn của chương trình.

Chương trình nghệ thuật 990 năm Thanh Hóa nhận được nhiều lời khen ngợi của những người yêu văn hóa, lịch sử. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, địa linh, nhân kiệt và khoa bảng. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa; là vùng đất phên dậu, một vùng đất căn bản, đất bản triều...".

Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa không chỉ là hoạt động của địa phương mà còn là chương trình văn hóa mang tầm quốc gia với những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật cũng như sự huy động lực lượng nghệ sĩ từ trung ương tới địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trao tặng Mộc bản triều Nguyễn cho tỉnh Thanh Hóa trong triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay”.

2. Công nhận nhiều khu điểm, tạo đà cho phát triển du lịch

Riêng trong năm 2019, có 9 khu du lịch cấp tỉnh, 41 điểm du lịch đã được công nhận. Tính đến năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đã có 11 khu du lịch cấp tỉnh, 49 điểm du lịch.

Ngoài ra, Vườn quốc gia Bến En (thuộc các huyện Như Thanh, Như Xuân) vốn được mệnh danh từ lâu là “Hạ Long trên cạn của xứ Thanh”; Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh với hệ thống công trình cùng nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học; Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước) sở hữu những bản làng với ruộng bậc thang xanh tươi, nhiều home stay, khu nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên, cảnh vật hùng vĩ, hoang sơ...

Việc các khu du lịch được công nhận khiến công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái được tăng cường. Đồng thời, đẩy mạnh sự quan tâm, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp vào hoạt động du lịch; góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân địa phương, hướng tới xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch xứ Thanh.

3. Du lịch Thanh Hóa, thay đổi tính mùa vụ

Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII xác định phát triển du lịch là 1 trong 5 chương trình phát triển KT-XH trọng tâm. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.

Để thu hút khách du lịch, Thanh Hóa phấn đấu xóa bỏ tính mùa vụ bằng cách đưa ra những sản phẩm hợp lý. Nếu du lịch nghỉ dưỡng biển vẫn đang loay hoay với vấn đề về tính mùa vụ; thì du lịch sinh thái với những ưu thế riêng có, lại cho thấy khả năng thu hút du khách quanh năm và tiến gần đến mục tiêu trở thành sản phẩm du lịch 4 mùa.

Pù Luông - một Sa Pa thu nhỏ của Thanh Hóa.

Đó là một FLC không chỉ bởi chất lượng phục vụ, cơ sở vật chất sang trọng, với hệ thống bể bơi nước mặn, bể bơi vô cực cho đến bể bơi bốn mùa và rất nhiều bể bơi lớn nhỏ khác khiến du khách có thể đến nghỉ dưỡng quanh năm.

Ngoài du lịch biển, khách có thể đến Bá Thước bất cứ mùa nào trong năm. Nơi đây có nhiều “vườn treo trên cao” hay những điểm đến du lịch có độ cao hàng vài trăm đến cả nghìn mét so với mặt nước biển như: Son Bá Mười, bản Đôn, thác Hiêu, Kho Mường, phố Đòn... Vì thế, loại hình du lịch sinh thái, sinh thái cộng đồng, tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng núi, trekking... đang hấp dẫn du khách. Điều đáng nói là hầu hết các khu, điểm du lịch sinh thái và sinh thái cộng đồng đều nằm trong lòng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và rất gần với suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), bản Lác (Hòa Bình)... Đây là một trong những điều kiện đủ để tạo nên một vòng du lịch khép kín, mang đến cho du khách sự trải nghiệm đa dạng, tránh nhàm chán.

Dù du lịch sinh thái và sinh thái cộng đồng ở Thanh Hóa vẫn đang ở giai đoạn bước đầu, vừa tìm hiểu, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Song đó là tín hiệu đầu tiên, là phép thử để ngành du lịch Thanh hóa xóa bỏ tính mùa vụ.

4. Tổ chức nhiều cuộc triển lãm, trưng bày thành công

Trong năm 2019, ngành văn hóa đã phối hợp tổ chức thành công nhiều cuộc trưng bày. Trong đó, đáng chú ý là triển lãm “Dấu ấn vương triều Lý trên đất Thanh Hóa”; “Cổ vật Lý - Trần phát hiện tại Thanh Hóa”; “Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa 50 năm thực hiện di chúc của Bác”; “Kết nối các miền di sản”; “Dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Khách tham quan triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay”.

Đặc biệt, cuộc triển lãm có quy mô lớn đó là “Thanh Hóa xưa và nay” thể hiện được tiến trình phát triển của Thanh Hóa; những đóng góp của Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ lịch sử; những thành tựu, kết quả tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực của tỉnh; nét đặc trưng của vùng đất xứ Thanh từ thời tiền sử - sơ sử đến phong kiến và thuộc địa nửa phong kiến; thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội (1945 - 1975); và Thanh Hóa trong thời kỳ đổi mới. Chương trình bao gồm: Triển lãm ngoài trời từ cầu vượt Đại lộ Lê Lợi đến Khu văn hóa tưởng niệm Bác Hồ (tập trung trưng bày hệ thống panô các hình ảnh, tư liệu, tài liệu về Thanh Hóa theo tiến trình lịch sử). Tại Trung tâm Truyền hình - Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo tỉnh trưng bày gần 4.000 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, cổ vật về lịch sử Thanh Hóa qua các thời kỳ và tuyên truyền cổ động trực quan trên các panô tấm lớn ở những khu vực trung tâm.

5. Đặc sắc các lễ hội

- Lễ hội Mường Khô lúc đầu chỉ là việc thờ cúng của gia đình, một dòng họ sau này trở thành lễ hội lớn của cả một vùng thể hiện nét đẹp trong đời sống tình cảm, tâm linh của đồng bào dân tộc Mường ở Bá Thước.

Năm 2019, đánh dấu sự thành công của lễ hội Mường Khô chính là hình ảnh 300 thiếu nữ Mường mặc trang phục truyền thống mang theo 300 chiếc cồng vừa đi, vừa diễn tấu, hát múa, thể hiện mong muốn giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp.

- Khôi phục lễ dâng trâu tế Trời: Qua gần 3 năm triển khai tôn tạo và phục dựng, lễ hội dâng trâu tế Trời đền Chín Gian (huyện Như Xuân) năm 2019 đã được khôi phục và tổ chức lại sau 75 năm gián đoạn theo nguyện vọng của đồng bào Thái ở Như Xuân.

- Lễ hội Cầu Ngư xuất phát từ tên lễ hội Cầu Mát của cư dân làng Diêm Phố (Hậu Lộc) có từ khi làng mới thành lập vào thời nhà Lê.

Lễ hội Cầu Ngư có ý nghĩa lớn về mặt tâm linh, văn hóa vùng biển cầu mong trời yên biển lặng, thuận lợi cho mùa vụ đánh bắt cá trong năm.

6. Nhiều di sản văn hóa được công nhận cấp Quốc gia

Tính đến nay, Thanh Hóa có 844 di tích được xếp hạng (trong đó, 1 di sản thế giới, 4 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, 697 di tích cấp tỉnh). Năm 2019 đánh dấu một năm thành công của ngành văn hóa khi nhiều hồ sơ xếp hạng di sản, di tích được công nhận.

- Di tích cấp Quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn

Ngày 12/4 (tức ngày 8/3 âm lịch), tại xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, đã tổ chức lễ đón bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn. Giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của đền thờ Lê Hoàn là lối kiến trúc hình chữ Công, có hệ vì kèo đặc trưng gồm giá chiêng, chồng rường, con nhị, kèo góc theo lối dầm đỡ chống nóc... tạo nên một sự liên kết vững chắc đối với các vì cũng như tổng thể ngôi nhà. Đền thờ Lê Hoàn còn có những bức chạm thủng, chạm nổi, chạm bong tinh xảo trên một đồ án bố cục chặt chẽ, thể hiện tư duy thẩm mỹ cao của những nghệ nhân tài hoa. Đặc biệt, đền còn bảo tồn được những tài liệu, hiện vật cổ như văn bia, sắc phong, lệnh chỉ, câu đối, đại tự, hương án, khám thờ, tượng pháp, 14 đạo sắc phong của các đời vua từ năm 1674 - 1887, 6 đạo lệnh chỉ của các chúa Trịnh, chiếc đĩa đá tương truyền là của vua Tống tặng Lê Hoàn...

- Xường giao duyên của người Mường ở Ngọc Lặc được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 2/2019. Xường có nhiều loại: Xường chúc, Xường kể, nhưng phổ biến nhất vẫn là điệu hát Xường giao duyên - điệu hát mát tay kết duyên cho không biết bao nhiêu trai gái bản nên duyên vợ chồng. Hát Xường giao duyên là bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc và đậm nét của người Mường các xã Cao Ngọc, Thạch Lập, Minh Sơn của huyện Ngọc Lặc nói riêng và của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Thanh nói chung.

- Lễ hội Mường Ca Da

Ngày 20/12/2019, lễ hội Mường Ca Da, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Sau khi được phục dựng, lễ hội Mường Ca Da tổ chức 5 năm/1 lần vào tháng 2 âm lịch. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng niệm Thượng tướng Thống lĩnh quân Lò Khằm Ban - vị tướng tài của Lê Lợi đã gắn bó với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và có nhiều công đức tri ân với triều đình nhà Lê từ thế kỷ XV.

- Hang Co Phương (Quan Hóa)

Trong chiến tranh chống thực dân Pháp, đây vừa là kho, trạm quân lương, cũng là nơi trú quân của bộ đội, TNXP và dân quân hỏa tuyến. Theo tài liệu ghi lại, vào khoảng 3h chiều ngày 2/4/1953, máy bay Pháp bất ngờ thay nhau quần thảo, thả bom tàn sát khu vực bản Sại. Đặc biệt, tại hang Co Phương, bom đạn đã đánh sập cửa hang, làm 11 người thuộc tiểu đội dân công hỏa tuyến thuộc xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) đang trú ẩn trong hang bị vùi lấp và đã anh dũng hy sinh, 1 người bị thương nặng được chuyển đến Bệnh viện Hồi Xuân nhưng do vết thương quá nặng đã hy sinh, 1 người ra khỏi hang trước khi bom rơi nên đã sống sót.

Với vị trí chiến lược và sự tổn thất đau thương ấy, hang Co Phương đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

7. Thêm nhiều tour du lịch được mở ra

- Tuyến du lịch tham quan làng cổ Đông Sơn

Làng cổ Đông Sơn nằm bên sông Mã (nay thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) được đánh giá là 1 trong 10 làng cổ đẹp nhất của Việt Nam. Từ đầu thế kỷ XX, tên đất, tên làng Đông Sơn đã trở thành tên gọi cho một nền văn hóa khảo cổ học nổi tiếng thế giới - văn hóa Đông Sơn. Làng cổ Đông Sơn hội đủ 5 di tích về khảo cổ, danh thắng, lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến và kiến trúc. Tour du lịch tham quan làng cổ Đông Sơn được công bố vào ngày 2/3/2019 khiến du khách có thể dừng chân lâu để có dịp tìm hiểu khám phá nhiều hơn về TP Thanh Hóa.

- Tour Quan Sơn - Viêng Xay

Đây là tour đầu tiên được mở, kết nối giữa tỉnh Thanh Hóa với tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Du khách đến với Quan Sơn sẽ có cơ hội được trải nghiệm và tìm hiểu nét văn hóa, phong tục tập quán của 4 dân tộc anh em cùng sinh sống là Thái, Mường, Kinh, Mông.

Tháng 3/2019, tour du lịch Quan Sơn - Viêng Xay đã được công bố và giới thiệu. Theo đó, có 5 tour du lịch nội vùng Quan Sơn, và có 7 tour kết nối Quan Sơn - Viêng Xay.

- Du lịch cộng đồng Linh Trường

Đây là hướng đi mới của huyện Hoằng Hóa nói riêng và ngành du lịch Thanh Hóa nói chung. Mô hình du lịch cộng đồng xã Hoằng Trường bắt đầu đưa vào khảo sát và xây dựng thử nghiệm từ tháng 2/2019. Bước đầu khảo sát thử nghiệm mô hình homestay tại 10 hộ dân trong 4 thôn của xã Hoằng Trường. Du khách tham gia mô hình này sẽ có cơ hội trải nghiệm, khám phá các hoạt động thú vị của đời sống ngư dân vùng biển, khám phá vẻ đẹp của các bãi biển Hải Tiến, hòn Sụp, đảo Nẹ...

P.V


P.V

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]