(vhds.baothanhhoa.vn) - Cũng như rất nhiều ngành kinh doanh khác, năm 2021 ngành xuất bản đã chịu ảnh hưởng nặng nề do COVID-19. Nhà xuất bản (NXB) Thanh Hóa cũng không là ngoại lệ, do thị trường truyền thống bị thu hẹp, sức mua giảm sâu do tăng trưởng kinh tế thấp... Tuy vậy, với sự quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực lớn của cán bộ, nhân viên, năm 2021 đơn vị đã đạt được không ít niềm vui.

Nỗ lực để nhận niềm vui

Cũng như rất nhiều ngành kinh doanh khác, năm 2021 ngành xuất bản đã chịu ảnh hưởng nặng nề do COVID-19. Nhà xuất bản (NXB) Thanh Hóa cũng không là ngoại lệ, do thị trường truyền thống bị thu hẹp, sức mua giảm sâu do tăng trưởng kinh tế thấp... Tuy vậy, với sự quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực lớn của cán bộ, nhân viên, năm 2021 đơn vị đã đạt được không ít niềm vui.

Nỗ lực để nhận niềm vuiMột số đầu sách nổi bật của Nhà xuất bản Thanh Hóa trong năm 2021.

Những khó khăn thách thức

Ông Hoàng Văn Tú, Chủ tịch, kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV NXB Thanh Hóa, cho biết: Trước khi có dịch, mỗi năm NXB Thanh Hóa cấp giấy phép xuất bản trên 500 đầu sách. Đến năm 2020, số lượng giảm xuống còn 466 đầu sách, số bản in và doanh số đạt dưới 80%. "Đến năm 2021, cố gắng lắm, chúng tôi có được 351 đầu sách. Số bản sách năm 2021 thực hiện ước đạt 969.374 bản; văn hóa phẩm thực hiện ước đạt 640.000 bản/1.118.400 bản so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 5.000.000 đồng/tháng, bằng 96% so với năm 2020”.

Trong số các nguyên nhân sụt giảm số lượng là thị trường sách liên kết “đóng băng”. Ở hai đầu đất nước, 2 thị trường sách lớn là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội năm 2021 hoạt động cầm chừng, để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, việc đường sách TP Hồ Chí Minh đóng cửa 2 lần khiến ngành xuất bản cả nước trống hoàn toàn mảng liên kết.

Nguyên nhân căn cơ vẫn là thói quen đọc sách thay đổi, người Việt ngày càng... lười đọc. Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2020, trung bình mỗi người Việt đọc 4,13 đầu sách/năm. Tuy vậy, trong đó lại chủ yếu là sách giáo khoa và sách tham khảo. Nếu chỉ tính phần sách phổ thông thì mỗi người dân Việt trung bình đọc 1 cuốn sách/năm. Ngay với NXB Thanh Hóa, từ năm 1979 đến 1992, dù chỉ với 369 đầu sách các loại nhưng số lượng bản in là 3.462.052 bản, còn đến hiện nay là 351 đầu sách nhưng chỉ đạt 969.374 bản.

Và dịch bệnh COVID-19 giống như một cú “bồi” thêm những khó khăn. Vấn đề đặt ra với ngành xuất bản nói chung và NXB Thanh Hóa nói riêng là thay đổi để tồn tại.

Nâng cao chất lượng sách

Ngoài danh mục sách phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc như các tài liệu của Tỉnh ủy, các sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác, là các sáng tác văn học-nghệ thuật và công trình sưu tầm, truyền thống yêu nước, cách mạng, công trình văn học tiêu biểu; sách và văn hóa phẩm phục vụ cho thiếu niên và nhi đồng; các loại lịch b-lốc, lịch tờ... Và, tạo “hứng khởi” đọc sách, xây dựng thương hiệu riêng cho NXB Thanh Hóa, đó là những đầu sách về văn hóa xứ Thanh.

Trong số 6 đầu sách được Nhà nước “đặt hàng” với NXB Thanh Hóa trong năm 2021, có thể khẳng định những cuốn sách “xưa” mà nguyên giá trị nay đã có sức hấp dẫn đặc biệt với bạn đọc, làm tăng thêm hình ảnh xứ Thanh trong mắt bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Nhắc đến Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh, ngoài “Thanh Hóa quan phong”, “Thanh Hóa kỷ thắng” là bộ tư liệu lịch sử văn hóa quý của địa phương. Dưới ngòi bút của Vương Duy Trinh, “cái đẹp” của xứ Thanh được thể hiện ở hai khía cạnh “cảnh thắng” và “nhân thắng". Hoàng Giáp Nguyễn Thượng Hiền đã cảm thán mà thốt lên: “Đọc sách của Vương Duy Trinh biên soạn, như được mở mang tầm mắt, bỗng như thấy mình được băng qua muôn ngọn núi cao, hàng vạn hang động. Danh thắng núi sông gắn kết người và vật, nơi ấy là nơi tiếng tăm lừng lẫy”. Tiếc là “Thanh Hóa kỷ thắng” chưa có bản dịch nào để giới thiệu rộng rãi cho bạn đọc ở Thanh Hóa và cả nước. Vì thế, cuốn sách ra đời vừa thỏa mãn được nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc, vừa thể hiện sự nỗ lực của NXB Thanh Hóa; sự cẩn trọng, nghiêm túc người dịch, hiệu đính.

Ngoài ra, cuốn sách “Thúc ước Thanh Hóa” của Nhà nghiên cứu Đào Huy Phụng thêm một lần nữa nhắc nhở người hôm nay truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của địa phương; cổ vũ mọi người giữ gìn mỹ tục, thuần phong, nêu cao đạo đức, đạo lý “kính lão trọng xí”, “tôn sư trọng đạo”... Dù ra đời cách đây vài trăm năm, nhưng nhiều nội dung trong thúc ước vẫn còn ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong việc vận dụng xây dựng quy ước, quản lý vận hành xây dựng làng xã văn hóa mới hiện nay ở nước ta nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Cuốn sách còn là nguồn tài liệu có giá trị nghiên cứu về nhiều mặt: văn bản học, sử học, luật học, quản lý làng xã, phong tục tập quán... của người xưa.

Niềm vui lớn nhất của NXB Thanh Hóa trong năm 2021 là tác phẩm “Tinh hoa văn hóa xứ Thanh” của cố Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, đoạt giải B, Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ Tư (tháng 11-2021). Đây là công trình dày dặn và công phu, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy, quảng bá những tinh hoa về đất và người Thanh Hóa đến mọi miền đất nước. Ông Hoàng Văn Tú, Chủ tịch, kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV NXB Thanh Hóa, cho biết: “Từ lúc “thai nghén” đến khi tác phẩm ra đời, Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ đã làm việc cần mẫn, khoa học, nghiêm túc. Trước khi cuốn sách xuất bản, ông đã cho ra mắt độc giả hàng chục cuốn sách, từ nghiên cứu, biên khảo, địa chí, truyện, tiểu thuyết lịch sử, văn hóa dân gian đến kịch bản sân khấu. Và với 2.000 trang sách “Tinh hoa văn hóa xứ Thanh", ông đã vẽ nên bức tranh về tinh hoa văn hóa Việt Nam thu nhỏ. Điều đáng tiếc nhất là Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ đã ra đi trước khi Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ Tư tôn vinh kết tinh thành quả một đời nghiên cứu, nghiền ngẫm của ông về vùng đất con người Thanh Hóa”.

Năm 2021, một năm nỗ lực để nhận những niềm vui. Nhưng để đạt được mục tiêu, NXB Thanh Hóa ngoài việc tự lực khai thác bản thảo trong và ngoài tỉnh để xuất bản, phát hành; tập trung khai thác mảng sách nghiên cứu văn hóa; tăng cường thêm đội ngũ cán bộ, nhân viên, biên tập viên để đáp ứng tốt nhiệm vụ thì còn cần nhiều sự trợ lực khác. “Để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của tỉnh giao, góp phần phát triển văn hóa đọc, NXB Thanh Hóa tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, bộ, ngành và tỉnh xem xét chuyển đổi mô hình hoạt động cho NXB về đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh xem xét đầu tư về cơ sở vật chất cho đơn vị hoạt động”. Đó là mong muốn của cả tập thể cán bộ, biên tập viên, người lao động của NXB Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]