(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể luôn được huyện Nông Cống quan tâm thực hiện. Qua đó, không chỉ góp phần lưu giữ nét văn hóa độc đáo của địa phương, mà còn đáp ứng nhu cầu đời sống văn hoá tín ngưỡng của Nhân dân.

Nông Cống: Quan tâm giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá phi vật thể

Trong những năm qua, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể luôn được huyện Nông Cống quan tâm thực hiện. Qua đó, không chỉ góp phần lưu giữ nét văn hóa độc đáo của địa phương, mà còn đáp ứng nhu cầu đời sống văn hoá tín ngưỡng của Nhân dân.

Nông Cống: Quan tâm giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá phi vật thể

Lễ hội đền Mưng (xã Trung Thành).

Nếu về xã Trung Thành vào dịp tháng 2, tháng 3 (âm lịch), du khách sẽ được tham dự lễ hội đền Mưng do người dân làng Côn Sơn tổ chức. Đây là nét sinh hoạt tín ngưỡng dân gian được hình thành trong cộng đồng dân cư ở vùng ven sông Lãng từ lâu đời. Lễ hội được tổ chức hằng năm nhằm tưởng nhớ công ơn của Chàng Út Đại vương - người đã cùng các anh em và cha mình đứng lên tụ binh khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường ở thế kỷ thứ VII. Trong đó, tháng Giêng gọi là lễ hội bơi thở hay còn gọi là lễ hội bơi đua (đua thuyền), diễn ra từ ngày mùng 2 đến mùng 5 (âm lịch). Tháng 3 là lễ hội chèo rước, diễn ra vào các ngày từ mùng 1 đến mùng 8 (âm lịch).

Phần lễ và phần hội diễn ra trong không gian rộng lớn từ đền Mưng - sông Lãng Giang - ngã ba Vua Bà (đền thánh mẫu) với sự tham gia của Nhân dân làng Côn Sơn, xã Trung Thành và Nhân dân các vùng lân cận. Hình thức tế lễ, tục lệ, trò diễn dân gian cùng các làn điệu dân ca ở đây mang đậm nét sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, phản ánh ước muốn của người nông dân về mùa màng tươi tốt, con người hòa thuận, nhân khang, vật thịnh. Trải dài trong suốt nhiều thế kỷ đến nay lễ hội đền Mưng vẫn được người dân địa phương giữ gìn và ngày càng phát huy giá trị. Đến nay, lễ hội đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Xác định rõ ý nghĩa, vai trò quan trọng của các di sản văn hóa phi vật thể đối với việc nâng cao đời sống văn hóa cho người dân, huyện đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo vệ, phát huy, phục dựng các loại hình văn hoá phi vật thể. Trong đó, tiêu biểu nhất là các lễ hội đã và đang được duy trì tổ chức hằng năm như: lễ hội đền Mưng, lễ hội đền Bà Triệu (xã Trung Thành), lễ hội đình làng Đông Cao (xã Trung Chính), lễ hội đền thờ Vũ Uy, lễ hội đền thờ Lê Hiểm - Lê Hiếu (xã Tân Phúc), lễ hội đền Tam Giang (xã Tế Nông), lễ hội đền thờ tướng quân Đỗ Bí (xã Minh Nghĩa), lễ hội chùa Vĩnh Thái (xã Hoàng Giang)… Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn nhiều di sản văn hoá phí vật thể có giá trị tiêu biểu khác đã và đang được phục dựng, phát huy như: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong Nhân dân, tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng, thờ mẫu của người Việt, hát chèo, hát văn…

Trong những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, các lễ hội được tổ chức theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Việc phân cấp tổ chức lễ hội theo quy mô từng cấp, từng cơ sở gắn liền với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao truyền thống kết hợp với yếu tố hiện đại đã tạo điều kiện cho Nhân dân, chính quyền và đoàn thể cơ sở được trực tiếp tham gia tổ chức và thực hiện, qua đó đã phát huy tính sáng tạo, kế thừa truyền thống văn hóa, tập quán tốt đẹp của người dân.

Nông Cống: Quan tâm giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá phi vật thể

Cán bộ xã Trung Chính tuyên truyền người dân giữ gìn nếp sống văn hoá.

Từ năm 2017-2022, huyện đã tổ chức chỉ đạo, thành lập được 25 câu lạc bộ (CLB) văn hoá, văn nghệ. Trong đó, có 7 CLB hát chèo ở xã Trung Thành, Hoàng Giang, Tế Thắng, Trường Sơn, Thăng Long, Vạn Thắng và Công Liêm. Các CLB, đội văn nghệ được thành lập, thường xuyên hoạt động không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ của Nhân dân mà còn phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị của địa phương. Để duy trì hoạt động thường xuyên, các CLB, tổ, đội văn nghệ xây dựng tiêu chí sinh hoạt CLB rất bài bản, nội dung biểu diễn phong phú, đa dạng, đa phần hướng về các thể loại văn nghệ truyền thống như hát chèo, thơ ca…

Tiêu biểu nhất phải kể đến CLB văn nghệ dân gian thôn Giá Mai, xã Tế Thắng được thành lập năm 2006, trên cơ sở đội chèo truyền thống của thôn, hiện đang thu hút được gần 15 người tham gia, với đủ các thành phần lứa tuổi. Hoạt động của CLB luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện và được đông đảo quần chúng Nhân dân ủng hộ, có tác động tích cực trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo nền tảng thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương.

Nhận thức của cán bộ, Đảng viên và Nhân dân trong việc giữ gìn phát huy giá trị văn hoá phi vật thể trên địa bàn huyện những năm qua đã có sự chuyển biến tích cực. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy, phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Từ đó, góp phần hình thành nhiều sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]