(vhds.baothanhhoa.vn) - Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên cùng với các giá trị văn hóa truyền thống, huyện Như Thanh đã và đang hướng đến đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Trong đó, chú trọng việc đề cao vai trò của người dân bản địa tham gia kinh doanh, quảng bá hình ảnh điểm đến, hướng tới việc cung cấp đa dạng sản phẩm du lịch cho du khách khi đến với Như Thanh.

Quan tâm phát triển du lịch cộng đồng ở huyện miền núi Như Thanh

Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên cùng với các giá trị văn hóa truyền thống, huyện Như Thanh đã và đang hướng đến đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Trong đó, chú trọng việc đề cao vai trò của người dân bản địa tham gia kinh doanh, quảng bá hình ảnh điểm đến, hướng tới việc cung cấp đa dạng sản phẩm du lịch cho du khách khi đến với Như Thanh.

Quan tâm phát triển du lịch cộng đồng ở huyện miền núi Như Thanh

Như Thanh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng.

Nhiều điều kiện để xây dựng điểm đến hấp dẫn

Nằm trên vùng núi thấp phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, Như Thanh có vị trí giao thông thuận lợi, trung tâm huyện cách TP Thanh Hóa gần 40 km về phía Tây Nam, cách Khu Kinh tế Nghi Sơn khoảng 30 km và cách Cảng Hàng không Thọ Xuân gần 40 km. Đặc biệt, hệ thống giao thông quốc lộ và tỉnh lộ qua địa bàn huyện đang dần được hoàn chỉnh. Đây chính là điều kiện cơ bản mang lại khả năng tiếp cận tốt cho hoạt động du lịch của huyện.

Hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển du lịch, huyện Như Thanh tiếp tục hướng đến phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, đặc biệt là khu vực phụ cận Vườn quốc gia Bến En. Về cảnh quan thiên nhiên, đồi núi của huyện chủ yếu là đồi núi thoải, hồ nước rộng, tạo nên vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn, sơn thủy hữu tình. Đặc biệt, tài nguyên du lịch nhân văn, bản sắc văn hóa các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện gần như giữ gìn được nguyên vẹn. Trong đó phải kể đến những trò chơi dân gian, ẩm thực, lễ hội, phong tục tập quán hay những nếp nhà sàn cổ yên bình trong không gian rừng núi.

Cho đến nay, trên địa bàn huyện, nhiều lễ hội truyền thống vẫn được gìn giữ, phát huy, tiêu biểu như: Lễ hội Kin Chiêng Bọoc Mạy của người Thái làng Rọoc Răm (xã Xuân Phúc), lễ hội Sết bóc Mạy (xã Cán Khê), lễ hội cúng cơm mới của người Mường (xã Phượng Nghi)... Cùng với đó là nhiều loại hình văn hóa dân gian còn lưu giữ trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng như: Khặp Thái, hát dân ca, hát ru, xường của dân tộc Mường, khua luống, cồng chiêng, điệu Lăm Vông... Đặc biệt, tại một số địa phương trên địa bàn huyện Như Thanh, người dân còn lưu giữ được nhiều bí quyết về chế biến các món ăn truyền thống, đặc sắc của đồng bào người Mường, Thái.

Bà Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết, những năm qua lượng khách du lịch và doanh thu từ du lịch của huyện đang ngày càng tăng cao. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đón được gần 632 nghìn lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,5%/năm, tổng thu từ du lịch đạt 456,6 tỷ đồng. Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có trong phát triển du lịch, trong những năm qua, huyện đã chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất du lịch. Tuy nhiên, hoạt động du lịch mới chỉ phát triển tập trung tại một số điểm như Vườn Quốc gia Bến En, Phủ Na... mà chưa khai thác được nét đẹp riêng có từ các nguồn tài nguyên nhân văn phong phú gắn với thiên nhiên và con người nơi đây. Theo đó, để nâng cao đời sống Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giữ gìn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, việc phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng đã và đang được huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng.

Để người dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình

Có thể nói, trong giai đoạn vừa qua, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả nhất định. Song, theo đánh giá, so với tiềm năng hiện có, du lịch của huyện chưa phát triển tương xứng, chất lượng thấp, sản phẩm du lịch còn nhiều hạn chế. Mặt khác, thực tế hiệu quả từ du lịch chưa đóng góp nhiều trong việc cải thiện cuộc sống của người dân địa phương, tỷ trọng kinh tế du lịch đạt thấp trong cơ cấu các ngành kinh tế của huyện.

Nhằm khai thác tiềm năng, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng, trong thời gian qua, huyện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư du lịch cộng đồng, chủ động mời các đoàn chuyên gia đến tham quan, khảo sát và tư vấn. Gần đây nhất, vào cuối tháng 3-2021, huyện Như Thanh đã đón đoàn chuyên gia du lịch cộng đồng đến khảo sát một số địa điểm như: làng Xuân Tiến (xã Xuân Khang), làng Lúng (xã Xuân Thái), làng Rọoc Răm (xã Xuân Phúc) và một số khu vực phụ cận Vườn Quốc gia Bến En.

Qua khảo sát, các chuyên gia du lịch cộng đồng cho rằng, với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi Tập đoàn Sun Group đã quyết định đầu tư dự án Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En, thì việc đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện, đặc biệt là các địa phương phụ cận dự án càng trở nên cần thiết. Việc phát triển du lịch cộng đồng không chỉ hướng tới thu hút đa dạng các phân khúc khách hàng mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân bản địa. Bởi, đây là hướng phát triển mang tính bền vững, để họ phát triển kinh tế trên chính mảnh đất của mình, từ đó người dân sẽ tự có ý thức trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa, giữ gìn và phát huy giá trị cảnh quan tự nhiên.

Tuy nhiên, để tạo được điểm nhấn và sức hút đối với du khách, du lịch cộng đồng huyện Như Thanh cần được quy hoạch một cách cụ thể, rõ ràng, từ 1/2000 đến 1/500, để tránh sức ép từ hoạt động du lịch mang lại trong tương lai. Đặc biệt, việc quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng vùng phụ cận quanh dự án của Tập đoàn Sun Group cần tạo ra sự khác biệt chứ không phải dịch vụ ăn theo... phát triển hướng tới các giá trị văn hóa, bản sắc địa phương, có như vậy mới có thể phát triển du lịch bền vững và không làm “tổn thương” cộng đồng bản địa.

Hiện nay, huyện đã xây dựng chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tập trung các tiềm năng, lợi thế vốn có để phát triển các nhóm du lịch: nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp vui chơi giải trí cao cấp Bến En, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch cộng đồng.

Theo đó, đối với sản phẩm du lịch cộng đồng, trong thời gian tới huyện Như Thanh sẽ thực hiện thí điểm tại một số điểm đến như: hang Ngọc (xã Xuân Khang), đồng Bổi (xã Hải Long), thác nước Bò Lăn (xã Thanh Tân). Qua đó rút kinh nghiệm và dần mở rộng quy mô, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng ra các địa phương khác theo mức độ tăng trưởng và nhu cầu của khách du lịch. Mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng hướng đến trở thành dòng sản phẩm riêng biệt và nổi bật trong hệ thống sản phẩm du lịch của huyện, góp phần bảo vệ và phát triển tài nguyên du lịch, trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Đây cũng chính là cách trao “cần câu” sinh kế cho người dân địa phương, tận dụng tối đa những thế mạnh sẵn có về tiềm năng, nguồn lực, tạo nên sức hút và phát triển đa dạng sản phẩm du lịch đặc trưng trên địa bàn huyện Như Thanh.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]