(vhds.baothanhhoa.vn) - Làm quan dưới triều vua Lê Thánh tông, Thái úy Sùng Quận công Lê Thọ Vực - dũng tướng xứ Thanh vẫn được các tài liệu sử ngợi ca bởi sự oai phong, lẫm liệt phi thường khi ông vào Chiêm Thành, Bồn Man... bắt tướng giặc như chốn không người, đóng góp nhiều công trạng cho việc giữ yên biên cương Đại Việt. Sau khi “thác”, ông được dân gian suy tôn là “Đức Ông”, đời nối đời phụng thờ.

Thái úy Lê Thọ Vực: Từ dũng tướng trong lịch sử đến “Đức Ông” Hàn Sơn

Làm quan dưới triều vua Lê Thánh tông, Thái úy Sùng Quận công Lê Thọ Vực - dũng tướng xứ Thanh vẫn được các tài liệu sử ngợi ca bởi sự oai phong, lẫm liệt phi thường khi ông vào Chiêm Thành, Bồn Man... bắt tướng giặc như chốn không người, đóng góp nhiều công trạng cho việc giữ yên biên cương Đại Việt. Sau khi “thác”, ông được dân gian suy tôn là “Đức Ông”, đời nối đời phụng thờ.

Thái úy Lê Thọ Vực: Từ dũng tướng trong lịch sử đến “Đức Ông” Hàn SơnSau khi mất, Thái úy Sùng Quận công Lê Thọ Vực được người dân lập đền thờ phụng.

Ghé thăm cụm di tích danh thắng Hàn Sơn - Ba Bông trên địa bàn xã Hà Sơn (Hà Trung), du khách đắm say trước cảnh sắc thiên nhiên vùng sông nước quyện trong không gian văn hóa tâm linh đặc sắc. Tại đây, ngoài đền Ba Bông (đền Bông, đền Cô Bơ...) còn có đền Hàn Sơn - còn gọi là đền Đức Ông.

Theo sách Địa chí huyện Hà Trung: “Căn cứ vào các tài liệu sử sách, bia ký và truyền thuyết dân gian, nhân vật được thờ ở đền Hàn Sơn (tức đền Đức Ông) chính là Lê Thọ Vực - người có công to lớn trong việc bình định Chiêm Thành và khai hoang vỡ đất vùng đất Đại Lại xưa để lập ra sở đồn điền và làng, xã xung quanh vùng Hà Sơn, Hà Lĩnh, Hà Đông... của Hà Trung nay”.

Về nhân vật Lê Thọ Vực, sách Thanh Hóa chư thần lục viết: “Húy là Thọ Vực. Là người hình dung cao lớn, tính nết thông minh. Khoảng năm Quang Thuận đời Lê có giặc Chiêm Thành xâm lấn, thần vâng mệnh dẫn binh mà tiễu trừ, xông vào trận bắt sống tướng giặc. Được phong là Bình chương Quân quốc trọng sự. Sau khi mất được ban phong và sai dân lập đền thờ”.

Sách Thanh Hóa tỉnh Vĩnh Lộc huyện chí (Vĩnh Lộc phong thổ chí) viết bởi Tiến sĩ Lưu Công Đạo, tri huyện Vĩnh Phúc (tức Vĩnh Lộc) thời vua Gia Long cũng nhắc đến vị danh tướng: “Xét rõ xưa nay truyền lại, ông người thôn Đoài, xã Thái Đường họ Lê, tên húy là Thọ Vực, nổi danh ở vào thời Lê Thánh tông. Theo quốc sử, khi vua Lê Thánh tông thân chinh đánh dẹp giặc Chiêm Thành, bao vây thành Đồ Bàn, lúc đó ông không sợ nguy hiểm, lên trước phá thành, bắt sống được chúa giặc là Trà Toàn, rồi cho hắn con đường sống. Toàn liền dập đầu bái lạy”. Đến khi Trà Toàn được đưa lên thuyền để ra Bắc, khi nhìn thấy Lê Thọ Vực đã kinh hãi, vua Lê Thánh tông chỉ vào Lê Thọ Vực và nói với Trà Toàn đây chính là người dẫn quân vào thành đầu tiên. Sau trận thắng ở thành Đồ Bàn, bắt được chúa Chiêm là Trà Toàn, khi về triều bình công khen thưởng, Lê Thọ Vực được phong chức Thái úy, tước Sùng Quận công, đứng đầu hàng võ quan trong triều.

Dẫn ra như vậy để thấy rằng, Đức Ông tại đền Hàn Sơn linh thiêng được hậu thế suy tôn, phụng thờ là nhân vật lịch sử có thực. Cuộc đời binh nghiệp của ông đã tận hiến cho sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn và mở rộng cương thổ quốc gia Đại Việt.

Dưới triều Lê Nhân tông, Lê Thọ Vực là tướng nắm quyền chỉ huy vệ cấm binh bảo vệ Hoàng cung. Nhờ có công trong việc hạ bệ Lê Nghi Dân, phò lập Lê Tư Thành (tức Lê Thánh tông) nên ông được lĩnh chức Tả đô đốc, tham dự triều chính. Lê Thọ Vực là người có tài dẹp loạn, do vậy dưới thời vua Lê Thánh tông, tài năng của ông luôn được phát huy.

Theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh, trong thời vua Lê Thánh tông, ở biên giới phía Bắc nhà Minh vẫn thường cho quân Quảng Tây, Vân Nam xâm lấn đất đai, cướp phá của dân lành nhưng chưa dẫn đến va chạm lớn với quân ta. Ở phía Nam (giáp Chiêm Thành) và phía Tây giáp Bồn Man, Ai Lao, Lão Qua (nay đều thuộc nước Lào), tuy các nước này đã chịu làm nước phiên thuộc của Đại Việt, chịu cống nạp cho Thánh tông nhưng thỉnh thoảng vẫn đem quân quấy phá miền biên cương của ta và âm mưu liên kết với nhà Minh để gây chiến. Do vậy, vua Thánh tông đã tăng cường phòng thủ và nhiều lần cho quân đi đánh dẹp. Nhiều lần Lê Thọ Vực đã làm tướng cầm quân đi biên ải, lập nhiều chiến công, nổi danh miền biên cương.

Đầu năm Hồng Đức thứ 10 (1479), tướng Bồn Man là Lệ Khai liên kết với Tri châu Ninh Viễn (vùng Điện Biên, Lai Châu, Sơn La ngày nay) mưu chiếm vùng này; cũng trong năm ấy, nước Lão Qua sai quân sang cướp phá nước ta từ châu Lang Chánh sang phủ An Tây, rồi lan xuống Lâm An, Quỳ Hợp... Trước tình thế đó, tháng 8-1479 vua Lê Thánh tông đã thân chinh đốc thúc các tướng đem 18 vạn quân, chia làm 5 đạo tiến theo 5 đường để chinh phạt các nước Ai Lao, Bồn Man và Lão Qua. Trong đó, đạo thứ 2 do Sùng Quận công Lê Thọ Vực chỉ huy đi đánh Bồn Man.

Sách Văn tài võ lược xứ Thanh viết về sự kiện này: “Tướng quân Lê Thọ Vực đã dẫn quân theo đường châu Trà Lân (vùng Tây Nghệ An, tức Tương Dương, Kỳ Sơn) tiến đánh Bồn Man. Chẳng bao lâu bình định toàn bộ Bồn Man, thừa thắng tràn sang đánh Lão Qua, tiến quân vào tận kinh thành Luông Pha Băng... Quân của Lê Thọ Vực và quân của tướng Lê Lộng tiếp tục tấn công Lão Qua, vượt Luông Pha Băng (tục gọi Mường Luông) tiến quân đến tận biên giới Miến Điện. Khi quân Đại Việt tiến đến biên giới của hai nước Lão Qua - Miến Điện, vua nước Miến Điện đã gửi thư chúc mừng đến Lê Thọ Vực. Bình định xong vùng phía Tây biên cương, đại quân khải hoàn về kinh đô Thăng Long. Sau chiến dịch bình Tây này, Lê Thọ Vực được thăng Bình chương quân quốc trọng sự, Phú quốc công”.

Không chỉ là viên tướng dũng mãnh nơi sa trường, Lê Thọ Vực còn được sử liệu nhắc đến là người có nhiều kế sách. Theo sử liệu, khi nhà Minh nghe tin vua Lê Thánh tông đem đại quân bình định các nước phía Tây, muốn gây sức ép và răn đe nước ta, bèn cho quan Quảng Tây sai người tràn sang châu Lộc Bình (Lạng Sơn nước ta) để cướp bóc của cải. Triều đình Đại Việt bàn kế sách giải quyết, Lê Thọ Vực đã khảng khái: “Nhà Minh quen thói từ trước hay tràn vào cướp bóc nước ta. Nay bệ hạ phải cho Đông Các soạn điệp văn gửi sang châu Tư Lăng trách họ không biết ngăn cấm dân trong hạt để sang gây hấn đất ta, bắt phải trả lại những thứ đã cướp bóc” (sách Văn tài võ lược xứ Thanh).

Sau khi tướng quân Lê Thọ Vực qua đời, được triều đình nhà Lê đưa về an táng ở quê nhà và lập dựng đền thờ. “Theo Nhân dân địa phương cho biết, lúc Sùng Quận công mới mất, đền thờ được đặt ở khu vực đền Bông bây giờ. Sau đó một thời gian thì đền mới được đưa đến đặt ở sườn núi Hàn với cái tên đầy tôn kính: Đền Đức Ông Sùng Quận công. Trên sườn núi Hàn, đền Đức Ông Sùng Quận công xưa gồm 4 cung rất uy nghi và tráng lệ ở sát bờ sông Lèn. Cung tứ thờ Đức ông Lê Thọ Vực, cung nhất, cung nhị thờ hệ thống Mẫu, cung tam thờ hội đồng chư vị. Qua khảo sát nghiên cứu thì thấy rõ vị thần được thờ chủ yếu ở đây là Đức ông Lê Thọ Vực, còn hệ thống Mẫu và thờ hội đồng là do người đời sau đưa vào để phối thờ. Đó cũng là điều thường gặp ở các đền khác trên địa bàn Thanh Hóa và cả nước nói chung” (sách Địa chí huyện Hà Trung).

Trải qua nhiều thế kỷ, đền Đức Ông (đền Hàn Sơn) trên địa bàn xã Hà Sơn đã được Nhân dân địa phương và du khách xa gần hảo tâm công đức, đóng góp kinh phí để tôn tạo di tích xứng tầm công lao của tiền nhân. Ông Nguyễn Văn Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Sơn cho biết: “Đền Đức Ông hay còn gọi là đền Hàn Sơn nằm trong cụm di tích thắng cảnh Hàn Sơn - Ba Bông (đền Hàn Sơn; đền Ba Bông; chùa Ngọc Sơn). Với những giá trị lịch sử văn hóa và tín ngưỡng tâm linh, di tích là điểm đến dâng hương chiêm bái, vãn cảnh được du khách xa gần biết đến trong hành trình về xứ Thanh nói chung và vùng sông nước ngã ba Bông nói riêng”.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]