(vhds.baothanhhoa.vn) - Di tích lịch sử quốc gia Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang tại xã Định Hòa (Yên Định) đã được phục dựng với diện mạo tôn nghiêm, xứng tầm vị thế của di tích thời Lê Sơ - nơi thờ các vị khai quốc công thần họ Ngô triều Hậu Lê và Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.

Thăm Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang

Di tích lịch sử quốc gia Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang tại xã Định Hòa (Yên Định) đã được phục dựng với diện mạo tôn nghiêm, xứng tầm vị thế của di tích thời Lê Sơ - nơi thờ các vị khai quốc công thần họ Ngô triều Hậu Lê và Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.

Thăm Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc QuangNghi môn - cửa vào di tích Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang.

Chuyện kể về tiền nhân

Tìm về mảnh đất Đồng Phang, nay thuộc xã Định Hòa, huyện Yên Định, ăm ắp những câu chuyện lịch sử thời Hậu Lê được người dân nơi đây kể lại với lấp lánh niềm tự hào. Đây là nơi xuất hiện dòng họ Ngô với những nhân vật lịch sử: Ngô Kinh, Ngô Từ, hai vị khai quốc công thần triều Hậu Lê. Đặc biệt, vị khai quốc công thần Ngô Từ còn là cha đẻ của Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.

Vương triều Hậu Lê do Bình Định Vương Lê Lợi sáng lập sau 10 năm “nếm mật nằm gai” với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hùng tráng là dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Sau thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, vua Lê Thái Tổ đăng quang đã không quên việc định công trạng của tướng sĩ. Và cha con Ngô Kinh, Ngô Từ đều được xếp vào hàng khai quốc công thần.

Khi khai quốc công thần Ngô Kinh mất, triều đình nhà Lê đã gia ân truy tặng tên thụy là Dụ Khê Thượng sĩ, đưa về an táng tại quê nhà Đồng Phang, được Nhân dân lập đền thờ, gọi là “Phúc Quang Từ đường”. Tiếp đến là Ngô Từ, với sự tận tâm cống hiến suốt ba triều vua nên khi ông mất, nhà vua ban tặng tên thụy là Bàng Khê Thượng sĩ, gia phong tước vương. Mộ táng ngay cạnh lăng mộ cha đẻ Ngô Kinh và được cháu con thờ tự tại Phúc Quang Từ đường.

Tưởng nhớ công đức của hai vị khai quốc công thần, dưới triều vua Lê Thánh Tông, triều đình đã cấp cho con cháu họ Ngô 300 mẫu ruộng để dùng vào việc hương khói, cúng tế.

Con gái Ngô Từ là Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, người đã sinh ra vua Lê Thánh Tông - một trong những vị vua anh minh, lỗi lạc bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Về xuất thân, đức hạnh của Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, cả lịch sử và truyền thuyết dân gian đều dành cho bà sự kính ngưỡng. Theo đó, dân gian vẫn lưu truyền những câu chuyện “Cốc thần giáng sinh”; “Mộng Hoàng long”; “Mộng Kim đồng”… để nhắc đến bà với sự xuất thân kỳ lạ và cao quý. “Bia Khôn Nguyên Chí đức” tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh dựng năm 1498 đã nêu súc tích và đầy đủ về con người bà: “Dùng lẽ để thờ người trên, lấy ân tiếp kẻ dưới, được Thái Tông hoàng đế yêu thương rất mực. Đầu lòng sinh được Thao Quốc trưởng công chúa, thứ đến sinh Thánh Tông hoàng đế (Lê Thánh Tông). Hoàng Thái hậu ở ngôi Đông Triều, công lao to lớn, phúc lộc dồi dào, thần minh giúp được thọ khang, trời ban cho sự vui sướng. Người thường lấy đức cần kiệm để giáo hóa thiên hạ, dùng điều khoan hậu để khuyên bảo quan gia. Thánh Tông hoàng đế tuy là bậc hùng tài đại lược, thần vũ anh minh mà mỗi khi tuân theo lời dạy bảo của mẹ thì ngày đêm kính cẩn chuyên cần. Lễ nhạc văn chương rạng rỡ đáng kể, sĩ phong dân tục bỗng chốc thuần hậu đều là sức của Hoàng Thái hậu vậy…”.

Lưu truyền về ân đức của Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao và vua Lê Thánh Tông, sử sách cùng dân gian còn nhắc đến vụ án “Lệ Chi Viên” được giải quyết minh bạch để lấy lại công bằng cho danh thần Nguyễn Trãi mãi mãi về sau.

Sinh thời, Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao vẫn thường xuyên về bái yết sơn lăng (Lam Kinh) và dâng hương tiên tổ ở quê ngoại (Đồng Phang). Để thuận tiện cho Thái hậu có chốn nghỉ ngơi mỗi lần về thăm quê ngoại, đức vua Lê Thánh Tông đã cho xây dựng tại đây Điện Thừa Hoa. Bởi vậy, sau khi bà mất, Điện Thừa Hoa đã trở thành nơi thờ tự Hoàng Thái hậu, về sau dân gian còn gọi là Phủ Nhì. Cũng tại Điện Thừa Hoa, Nhân dân trong làng còn thờ Thánh Tông Hoàng đế, Sảnh mục Hoàng hậu….

Tưởng nhớ công đức của Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao và các bậc tiên tổ, khai quốc công thần nhà Hậu Lê, hàng năm vào ngày 26 tháng 3 âm lịch, Nhân dân địa phương vẫn duy trì lễ tục mở hội Phủ Nhì.

Lịch sử đi qua để lại cho hậu thế vùng đất cổ Đồng Phang, nay là xã Định Hòa quần thể di tích Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang linh thiêng. Vậy nhưng, qua thời gian hàng trăm năm, đến cuối thế kỷ XX, di tích Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang chỉ còn lại những dấu tích khiến hậu thế nuối tiếc xót xa.

Tôn tạo, phát huy giá trị di tích

Mong muốn khôi phục quần thể không gian di tích xưa, với rất nhiều nỗ lực của ngành chuyên môn và chính quyền, Nhân dân địa phương, năm 1995, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận Từ đường Phúc Quang xã Định Hòa là di tích lịch sử cấp quốc gia. Điều này dường như chưa đủ nói lên tầm vóc, giá trị của quần thể di tích khởi dựng dưới thời Lê Sơ. Bởi lịch sử và những ghi chép trước đó đều khẳng định về sự tồn tại song song của hai công trình di tích: Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang.

Nếu Từ đường Phúc Quang là công trình được khởi dựng vào khoảng những năm 40 của thế kỷ XV sau khi Ngô Kinh, rồi Ngô Từ mất, là nơi thờ tự thủy tổ dòng họ Ngô ở đất Đồng Phang và hai vị khai quốc công thần, thì Điện Thừa Hoa khẳng định sự ngưỡng vọng, đức hạnh của Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Gắn liền với việc xây dựng di tích còn có Lễ hội Phủ Nhì được tổ chức và duy trì trải suốt hàng trăm năm qua. Theo những bậc cao niên trong làng, thì việc tế lễ ở hội Phủ Nhì trước đây do các quan bộ Lễ (nhà Lê) chủ trì, việc hành lễ theo nghi thức cung đình, được coi là quốc lễ. Những người trông coi Điện Thừa Hoa do triều đình cắt cử. Và dưới triều Nguyễn, việc tế lễ ở Phủ Nhì do quan hàng tỉnh chủ trì.

Thăm Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc QuangÔng Trần Công Cẩn cảm thấy vinh dự khi góp phần nhỏ vào việc bảo vệ di tích.

Vì vậy, để khẳng định đúng tầm vóc và giá trị của di tích, với sự nỗ lực trong việc xây dựng hồ sơ, tìm kiếm, sưu tầm tài liệu… của hậu thế dòng họ Ngô, chính quyền các cấp, ngành chuyên môn, năm 2016 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây được xem là bước đầu cho việc khôi phục giá trị của quần thể di tích.

Bà Lê Thị Hương, công chức Văn hóa - xã hội xã Định Hòa, cho biết: “Năm 2017, di tích Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang bắt đầu được phục dựng với tổng kinh phí dự toán 59 tỷ đồng. Trong đó, riêng Công ty CP Him Lam và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt hỗ trợ 49 tỷ đồng. Di tích sau khi phục dựng đã trở thành điểm đến tham quan, dâng hương, thực hành tín ngưỡng cho người dân, du khách trong và ngoài địa phương”.

Ông Trần Công Cẩn, người trông coi di tích, chia sẻ: “Di tích Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang là niềm tự hào của Nhân dân vùng đất cổ Đồng Phang hàng trăm năm qua. Là một người dân, tôi thấy mình vinh dự vì góp phần nhỏ vào việc trông coi, chăm sóc, khói hương cho tiền nhân”...

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]