(vhds.baothanhhoa.vn) - Vương Duy Trinh, quê ở làng Phú Diễn, huyện Từ Liêm (nay là Văn Trì, xã Minh Khai, quận Từ Liêm), TP Hà Nội. Ông có giai đoạn từ 1889 - 1906, ở Thanh Hóa và làm Tổng đốc. Trong thời gian hơn 15 năm đứng đầu một tỉnh lớn, ông luôn luôn chăm lo đến việc ổn định dân tình đặc biệt là vùng thượng du, quan tâm đến việc học trong dân. Ông được coi là minh chứng rõ nét nhất về tài năng, đức độ và sự cống hiến không mệt mỏi đối với vùng đất Thanh Hóa.

“Thanh Hóa quan phong” - sưu tầm các sáng tác dân ca, phong tục tập quán

Vương Duy Trinh, quê ở làng Phú Diễn, huyện Từ Liêm (nay là Văn Trì, xã Minh Khai, quận Từ Liêm), TP Hà Nội. Ông có giai đoạn từ 1889 - 1906, ở Thanh Hóa và làm Tổng đốc. Trong thời gian hơn 15 năm đứng đầu một tỉnh lớn, ông luôn luôn chăm lo đến việc ổn định dân tình đặc biệt là vùng thượng du, quan tâm đến việc học trong dân. Ông được coi là minh chứng rõ nét nhất về tài năng, đức độ và sự cống hiến không mệt mỏi đối với vùng đất Thanh Hóa.

“Thanh Hóa quan phong” - sưu tầm các sáng tác dân ca, phong tục tập quán

Trong thời gian ở vùng đất này ông biên soạn 2 bộ sách: Thanh Hóa kỉ thắng (ghi chép các thắng tích về lịch sử, diên cách - quá trình hình thành và thay đổi đơn vị hành chính, núi sông, hang động, đền chùa và các nhân vật lịch sử, danh nhân,... tỉnh Thanh Hóa) và Thanh Hóa quan phong sưu tầm thơ ca dân gian của tỉnh Thanh Hóa. Đây được xem là những “bảo bối” văn hóa mà lớp tiền bối để lại cho hậu thế.

Thanh Hóa quan phong của Vương Duy Trinh gồm 140 trang sưu tầm về sáng tác dân ca, phong tục tập quán ở 19 châu, huyện tỉnh Thanh Hóa. Tuy vậy, các sáng tác này không chỉ của riêng người Thanh Hóa mà còn có cả của địa phương khác, được người dân xứ Thanh trong quá trình bôn ba tìm kế sinh nhai tập hợp và truyền bá về địa phương mình sinh sống.

Mở đầu Thanh Hóa quan phong là bài thơ gồm 13 câu, về cơ bản đã giới thiệu một cách chung nhất lịch sử, danh thắng của vùng đất thang mộc: Vâng trời mở vận/ Tỉnh Thanh thang mộc nước nhà/ Nay Thanh Hóa trước Thanh Hoa/ Thanh Đô, Thanh Nội, Đường là Ái Châu/ Đời Tần Tượng quận ở đâu/ Cửu Chân đời Hán chỉn hầu cũng đây/ Kể danh thắng thì: Nước xanh khéo đặt, non lạ khôn bày/ Mà khí thiêng nung đúc những ngày/ Vật vã tốt người cũng hay/ Thói đất tình trời/ Thấy chưng thuở lí hạng ca dao chi tác/ Một nơi một khác/ Chép lại để đợi khách quan phong coi thử. Từ khí thiêng ấy, Vương Duy Trinh ghi lại những việc ở 19 châu, huyện, tập trung vào các chủ đề tín ngưỡng, phong tục, kinh nghiệm dân gian về thời tiết, mùa vụ sản xuất nông nghiệp, cha mẹ giáo huấn con cái, khuyên con chuyện học hành, vợ chồng khuyên nhau làm điều tốt, hát giao duyên, hát phong tình, hát mừng được mùa...

Bản sách Thanh Hóa quan phong kí hiệu VHv.1370 do Hải Dương Liễu Văn đường khắc in lại dựa trên Hạc Thành Mật Đa tự tàng bản chính là cơ sở để Ths. Vũ Ngọc Định giảng viên Trường Đại học Hồng Đức dùng làm cơ sở để khảo, chú, phê bình. Ngoài ra, cuốn sách còn có sự tham gia của GS.TS Đinh Khắc Thuân và PGS.TS Nguyễn Tá Nhí, những chuyên gia đầu ngành chữ Hán và chữ Nôm... Với kết cấu gồm 3 phần: Phiên diễn âm Nôm; Một số bài viết ngắn khảo sát về nội dung tiêu biểu trong sách..., và Nguyên văn chữ Nôm, Thanh Hóa quan phong (NXB Thanh Hóa, 2020) đã cho độc giả cái nhìn tổng thể, một sự đánh giá trân trọng về những đóng góp của Vương Duy Trinh và những nhà nghiên cứu trước đó. Với những bài viết: Đóng góp của Vương Duy Trinh nhìn từ sách Thanh Hóa quan phong; Chế độ “trần thi quan phong”; Chữ Thái cổ Thanh Hóa trong sách Thanh Hóa quan phong; Các chủ đề phản ánh trong Thanh Hóa quan phong; Ngôn ngữ địa phương Thanh Hóa trong Thanh Hóa quan phong; Thể loại thơ trong Thanh Hóa quan phong; Sách Thanh Hóa quan phong phản ánh ngành nghề sản xuất của người dân xứ Thanh; Về tín ngưỡng thờ thần, thờ Thành hoàng, Ths. Vũ Ngọc Định đã một lần nữa giới thiệu lại những việc “trần thi quan phong” tốt đẹp của nước ta thời kỳ đầu thế kỷ XX.

Theo Ths. Vũ Ngọc Định, dưới góc độ truyền bản và phổ biến tri thức bản địa, Thanh Hóa quan phong đã đưa những tri thức về thiên nhiên, nông nghiệp, thời vụ trong nông nghiệp, tín ngưỡng của người dân ở các huyện trong tỉnh. Ngoài ra, chính nhờ những thông tin Thanh Hóa quan phong đưa ra, đặc biệt thông tin tiếng Thái có 35 phụ âm, cách đọc các phụ âm đó trong tiếng Việt là cơ sở quan trọng giúp những nhà nghiên cứu tìm hiểu về sự diễn tiến và phát triển của tiếng Thái, chữ Thái và quan trọng hơn là sự gợi mở thêm hướng nghiên cứu về ngữ âm địa phương của đồng bào các dân tộc miền Tây Thanh Hóa. Ths.Vũ Ngọc Định khẳng định: “Cho dù số lượng chữ không nhiều, nhưng đây là những chữ Thái được viết theo lối cổ, lối viết mà những người am hiểu chữ Thái cũng rất khó khăn trong việc đọc và viết. Đồng thời, Thanh Hóa quan phong đã góp phần hoàn thiện chữ và âm đọc của chữ Nôm. Vì thế, đọc một tác phẩm ra đời gần 120 năm trước, nhưng chúng ta vẫn ngỡ do tác giả đương thời sáng tạo, bởi có ít từ Việt cổ, rất ít câu mượn hoàn toàn chữ Hán. Một số câu mượn hoàn toàn chữ Hán thì lại rất thông dụng, phổ biến, giúp người đọc tiếp cận nội dung từng đoạn, từng bài thơ tương đối dễ dàng".

Khảo cứu Ngôn ngữ địa phương Thanh Hóa trong sách Thanh Hóa quan phong, Ths. Vũ Ngọc Định đã chỉ ra được lý do giàu sắc thái thổ ngữ trong “lời ăn tiếng nói” ở tỉnh Thanh. Xét về địa lý, Thanh Hóa được đóng khung bởi ba mặt núi, một mặt biển; xét về phương ngữ, tiếng địa phương Thanh Hóa được coi là một thổ ngữ chuyển tiếp giữa phương ngữ Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Những giá trị mà Thanh Hóa quan phong của Vương Duy Trinh mang lại không chỉ góp phần khẳng định tính phổ quát của địa lý, phương ngữ vùng mà còn thể hiện tính cá biệt của đất và người Thanh Hóa. Tuy vậy, đây cũng chính là những khó khăn đối với Vũ Ngọc Định, anh chia sẻ: “Có nhiều khó khăn trở ngại trong quá trình làm việc. Bởi trong nội dung, ngôn từ của Thanh Hóa quan phong đã và đang còn chứa đựng nhiều câu hỏi cần giải đáp, cần giải quyết cho triệt để. Dù đã hết sức cố gắng, nhưng vẫn còn một số sai sót và kết quả công việc chưa thực sự khiến tôi hài lòng”.

Cuốn sách Thanh Hóa quan phong (NXB Thanh Hóa, 2020) ra đời đáp ứng sự quan tâm của các nhà nghiên cứu Hán, Nôm và cả sự mong chờ của những người yêu mến và quan tâm đến phong tục, tập quán của mảnh đất xứ Thanh. TS Gia Khuê, người cùng thời với Vương Duy Trinh, nhận định: “Sách tựa như ánh trăng chiếu tỏ vậy”. Rõ ràng, dưới ánh trăng chiếu tỏ ấy, Ths.Vũ Ngọc Định đã cởi được một số nút thắt trong việc dịch, chú và giới thiệu kho tàng văn hóa dân gian của Thanh Hóa, để chúng ta hiểu về văn hóa phong tục của người dân ở từng địa phương của xứ Thanh cách đây hơn một thế kỷ và trước đó, đồng thời học hỏi, rút ra thêm một số kinh nghiệm trong cuộc sống của ngày hôm nay.

Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]