(vhds.baothanhhoa.vn) - Xuất thân trong gia đình nghèo, cha mất sớm, nhưng vốn là người ham học lại có chí khí lớn, giỏi văn chương kim cổ, Nguyễn Đình Giản quê ở làng Vĩnh Trị, nay là thôn Vĩnh Trị 2, xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) không chỉ đỗ tiến sĩ, ông còn nổi tiếng cương trực, khảng khái, trung nghĩa.

Thượng thư Nguyễn Đình Giản: Một đời trung nghĩa

Xuất thân trong gia đình nghèo, cha mất sớm, nhưng vốn là người ham học lại có chí khí lớn, giỏi văn chương kim cổ, Nguyễn Đình Giản quê ở làng Vĩnh Trị, nay là thôn Vĩnh Trị 2, xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) không chỉ đỗ tiến sĩ, ông còn nổi tiếng cương trực, khảng khái, trung nghĩa.

Thượng thư Nguyễn Đình Giản: Một đời trung nghĩaNhà thờ Nguyễn Đình Giản ở thôn Vĩnh Trị 2, xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Về năm sinh và mất của cụ Nguyễn Đình Giản có nhiều tài liệu ghi khác nhau, nhưng tư liệu của họ tộc Nguyễn Đình khẳng định ông sinh năm 1736 mất năm 1792.

Theo “Vĩnh Trị sự tích” thì làng này ra đời từ trước thời điểm “loạn 12 sứ quân” với việc một số gia đình tới đây cư ngụ. Bởi đây là vùng đất cận sông thuận lợi cho việc trồng trọt và đánh bắt thủy sản. Lúc đầu lập ấp có tên là Bình Trị phường, sau đó đổi thành Bất Trị trang, rồi Hữu Trị và đến đầu thế kỷ XV, Lê Lợi sau khi thắng giặc Minh lên ngôi năm 1428 đặt là Vĩnh Trị.

Trải qua gần 6 thế kỷ, từ ngôi làng cổ xanh mướt nổi tiếng với nghề nấu rượu, may mặc, thêu và làm đồ trang trí đến nay đang xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, thôn Vĩnh Trị 2 vẫn giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa quý giá. Đó là đình Chánh, di tích lịch sử cấp tỉnh. Nơi đây thờ Thành hoàng làng có công giúp Vua Lê Đại Hành đánh thắng giặc Tống, sau này lại linh ứng giúp Bình Định vương Lê Lợi khi hành quân qua đoạn sông Mã tránh được bão gió, đánh thắng giặc Minh. Nơi đây còn có nghè thờ Lê Nhữ Bật, tiến sĩ thời Lê Thế tông, làm quan đến chức Lại Khoa đô cấp sự, rồi sau khi mất đi được truy tặng Công Bộ thượng thư tước Nhâm quận công và triều đình sắc phong “phúc thần”, tọa lạc ngay ở đầu làng. Giữa làng là Văn chỉ thờ Khổng Tử và ghi danh những vị đỗ đại khoa quê Vĩnh Trị.

Trong số 7 vị đỗ đại khoa ở làng Vĩnh Trị, không thể không nhắc tới Thượng thư Nguyễn Đình Giản. Về đền thờ Nguyễn Đình Giản, di tích lịch sử cấp quốc gia đã được dòng tộc và địa phương xây dựng thật khang trang và quy mô, đọc những dòng chữ ghi trên tấm bia “Nguyễn Thượng thư bia ký” đề ngày 1 tháng 11 năm Tự Đức thứ 9 (1856) hậu thế có thể nhìn lại, hiểu thêm cuộc đời một con người.

Ông đỗ Đệ Tam giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu (1769) đời Lê Hiển tông. Rồi kinh qua các chức vụ: Hàn lâm hiệu khảo, Đốc đồng Nghệ An, Sơn Tây đạo giám sát ngự sử, Đốc trấn Cao Bằng, Kinh Bắc hiến sát sứ, Phó đô ngự sử... Năm Bính Ngọ (1786), khi quân Tây Sơn tiến đánh thành Thăng Long, ông đem binh cần vương bảo vệ kinh thành, được trao chức Binh bộ Thượng thư Bình chương quân quốc trọng sự. Kịp lúc quân Tây Sơn kéo đến, vua Lê bỏ thành sang cầu viện phương Bắc, ông bị thất lạc, không kịp theo hầu, bèn ẩn vào vùng Lập Thạch, Bất Bạt, trấn Sơn Tây kết nạp hào kiệt, tính mưu dẹp quân Tây Sơn. Trong khi chưa kịp phát động thì con gái yêu của ông bị giặc bắt làm vợ và chuyển thư của con gái để chiêu dụ ông. Ông mắng rằng: “Định dùng con gái yêu của ta để lấy cớ làm loạn nghĩa quân thần chăng! Trời không kéo dài vận nước cho nhà Lê, ta chỉ có chết mà thôi”. Quân Tây Sơn tấn công bắt sống được ông, đem giam trong ngục, dùng lời lẽ ngon ngọt dụ dỗ, uy hiếp, nhưng cuối cùng không khuất phục được, bèn giết hại ông trong ngục. Tuy vậy, ông vẫn được quân Tây Sơn cho dùng quan quách theo nghi thức đại thần.

Ông mất năm 1792, thọ 57 tuổi, di cảo của ông đến nay chỉ còn vài bài thơ. Nếu Khuyến tử (Khuyên con) với ý “Ở chốn thanh quang, người chẳng trách/ Làm nơi u ẩn, qủy không hờn/ Nên thua, cuộc định nào suy tính/ Được mất, sự thường nọ nghĩ toan/ Yên nghiệp, vẹn đời, con trọn hiếu/ Dân lành, tôi giỏi, nước nhà yên, để khuyên con giữ lấy mình nhưng cũng không quên đạo hiếu, trung; thì bài “Lâm tử thời cảm tác” (Cảm tác trước khi tử tiết) với ý Hận nỗi gươm thiêng của bậc trung thần Vương Thục không thể báo đáp, Trách vì Chính khí ca của Văn Sơn có thừa. Bởi “Ngày trắng, ngước trông tôn miếu cũ/ Thân này đã nguyện thuộc vua nhà”. Và sau này trong bài “Tự thán” ông đã thể hiện cá tính của mình. Hiếm người nào ngồi tù mà tinh thần lạc quan xem như lẽ “hưng suy” của cuộc đời:

"Ngày trước làm quan ngày nay làm tù

Một mình chiếm cả hai thú phong lưu

Làm quan chưa đủ thỏa được chí ta

Ở ngục ai hay tả được sầu ta

Những sự tươi héo không phải tầm thường

Đời mình xuất xử cũng do tiền định

Xưa nay hưng suy chỉ là việc thường

Cốt ở lòng ta không hề oán trách".

(Theo bản dịch trong cuốn Hoàng Việt thi tuyển, NXB Văn học, 2007).

Từ chính cuộc đời và những bài thơ còn để lại, ông đều thể hiện chí khí của mình. Lịch sử có thể đánh giá Nguyễn Đình Giản là “ngu trung”, nhưng lựa chọn của ông là sự kiêu hãnh của kẻ sĩ, chỉ thờ một vua.

Thượng thư Nguyễn Đình Giản: Một đời trung nghĩaBà Lê Thị Quý, dâu trưởng dòng họ Nguyễn Đình thắp hương lên bàn thờ cụ Nguyễn Đình Giản.

Với những đóng góp của Thượng thư Nguyễn Đình Giản, sau này, vào thời kỳ đầu của quốc triều Tự Đức, bề tôi trong nội các đem những việc tiêu biểu mạo muội dâng lên, vua xem và hết lòng khen ngợi và truy phong Bút phong thần cho cụ.

Ông cũng chính là niềm tự hào của người dân Hoằng Quang nói chung, làng Vĩnh Trị nói riêng. Trong đền thờ của ông hiện vẫn còn bảo lưu nhiều giá trị kiến trúc đặc sắc thời Nguyễn. Giới thiệu với chúng tôi bức đại tự treo ở gian giữa ghi 3 chữ lớn “Trung nghĩa từ” (đền thờ bậc trung nghĩa), ông Nguyễn Đình Chuyên, hậu duệ đời thứ 14 cho biết: “Cụ Nguyễn Đình Giản chính là tấm gương sáng để rất nhiều thế hệ vùng đất này và các lớp hậu duệ họ Nguyễn Đình noi theo. Phải khẳng định cụ không chỉ có tài học mà còn là người nổi tiếng cương trực khảng khái, là bậc trung quân hiếm có của nhà hậu Lê”. Là dâu trưởng dòng họ Nguyễn Đình, bà Lê Thị Quý cho biết, đền thờ được xây dựng cách đây trên 160 năm và đến ngày nay sau nhiều lần xây dựng, tu bổ, con cháu vào những ngày lễ đều đến thắp hương cúng cụ, mong cụ phù hộ cho con cháu học hành tiến tới, cống hiến được nhiều cho quê hương, đất nước.

Bài viết có sử dụng tư liệu sách “Lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Quang 1947-2020” (NXB Thanh Hóa, 2020); “Địa chí văn hóa Hoằng Hóa” (NXB Khoa học Xã hội, 2000).

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]