(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm nay kỷ niệm 128 năm ngày mất của Tiến sĩ Tống Duy Tân - người con ưu tú của làng Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc (15/10/1892 - 15/10/2020). Ông là lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ thứ XIX.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tống Duy Tân nhà chí sĩ yêu nước trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX

Năm nay kỷ niệm 128 năm ngày mất của Tiến sĩ Tống Duy Tân - người con ưu tú của làng Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc (15/10/1892 - 15/10/2020). Ông là lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ thứ XIX.

Tiến sĩ Tống Duy Tân. (ảnh tư liệu)

Tống Duy Tân sinh năm Mậu Tuất (1838) dưới triều vua Minh Mạng, tự là Cơ Mệnh, hiệu là Báo Tiền tại làng Đông Biện, tổng Bồng Thượng, nay là làng Bồng Trung, xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Sinh trưởng trong một vùng quê nổi tiếng về khoa bảng nên ông đã theo nghề bút nghiên rất sớm. Thiếu thời ông theo học với ông Lê Khắc Úy người làng Bồng Thượng, sau đó ra Nam Định theo học với ông Phạm Văn Nghị ở làng Tam Đăng, phủ Nghĩa Hưng, nay là làng Tam Quan, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Năm 1875 (Ất Hợi), Tống Duy Tân dự kỳ thi Hội, đã chiếm bảng vàng đậu "Tiến sĩ” được vua ban "áo mũ cân đai" về quê "vinh quy bái tổ". Dưới triều Nguyễn, Tống Duy Tân là người đậu đại khoa đầu tiên ở quê hương Vĩnh Tân (nay là xã Minh Tân). Sau khi đậu Tiến sĩ thường gọi là quan "Nghè”, ông được phong Hàn lâm Biện tu và giữ chức Thừa biện tại Bộ Hình dưới triều vua Tự Đức.

Năm 1876, ông được cử làm phúc khảo trường thi Nam Định, sau đó được bổ nhiệm làm tri phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Thời kỳ làm quan ở đây, ông đã thể hiện lòng thương người lao động, ghét cường hào nên được dân mến phục. Từ lòng yêu nước thương dân, ông được dân đồng tâm đề nghị triều đình Huế bổ nhiệm giữ án sát một tỉnh lớn. Triều đình Huế đồng ý phê chuẩn nhưng ông đã từ chối vì thấy rõ sự nhu nhược, bất lực của triều đình trước họa xâm lăng. Ông lấy cớ về quê chịu tang mẹ, xin nghỉ và mở trường dạy học vào năm 1878.

Thời kỳ này, cuộc đấu tranh giữa phe chủ chiến và phe chủ hòa diễn ra ác liệt. Trong một chuyến về Thanh Hóa, Tôn Thất Thuyết đã gặp và trao đổi với Tống Duy Tân. Biết ông là người nghĩa khí, có lòng yêu nước đã đặc cách cử ông làm đốc học Thanh Hóa, rồi Thượng biện Tỉnh Vụ, rồi Chánh xứ Sơn Phòng. Trong thời kỳ làm quan ở tỉnh nhà, ông đã dốc lòng dốc sức, trên tất cả các mặt, chuẩn bị cho việc ngăn hiểm họa xâm lược của Pháp.

Năm 1885, khi vua Hàm Nghi gửi chiếu Cần Vương chống Pháp, ông đã kịp thời hưởng ứng và nhanh chóng xây dựng lực lượng. Chính tại đình Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc, đã diễn ra hội nghị do Tôn Thất Thuyết chủ trì. Lực lượng chống Pháp có Tống Duy Tân tham gia vào giữa năm 1886. Ngoài ra còn có Trần Xuân Soạn, Phan Bá Vành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt, Cao Bá Điền, Hà Văn Mao...

Dưới sự lãnh đạo của Tống Duy Tân, cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh đã bùng nổ nhanh chóng và trở thành một trong những trung tâm của phong trào khỏi nghĩa cần Vương chống Pháp ở Thanh Hóa. Hai làng Bồng Trung và Đa Bút là căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa, là nơi tập hợp nhân dân Thanh Hóa đứng dậy chống Pháp. Trong hai năm 1885 - 1886, dưới sự lãnh đạo của Tống Duy Tân, nghĩa quân Hùng Lĩnh đã xây dựng lực lượng, vừa vận động nhân dân ủng hộ căn cứ, vừa tổ chức chống trả những cuộc tấn công của kẻ địch. Ngoài ra còn mở rộng phạm vi hoạt động, phối hợp với các cuộc khởi nghĩa khác chi viện cho khởi nghĩa Ba Đình.

Ngày 8/11/1885, giặc Pháp từ Thanh Hóa ngược dòng sông Mã đổ bộ vào Bồng Trung. Binh lính từ sông lên, xông vào làng đã bị đánh chặn lại, bật khỏi căn cứ, rút về tỉnh lỵ Thanh Hóa. Ngay đêm đó, trong buổi mừng chiến thắng được tổ chức tại đình Bồng Trung, Tống Duy Tân đã nói với nghĩa quân và dân làng: "Tôi xin hiến dâng đứa con trai này cho Tổ quốc", đó là con trưởng Tống Nhữ Mai người đã đậu cử nhân, được giao nhiệm vụ lên miền Thượng du Thanh Hóa và ra Bắc liên kết với các toán nghĩa quân khác, mua sắm vũ khí. Tống Nhữ Mai đã hy sinh anh dũng trên đường đi làm nhiệm vụ vào ngày 15/9/1886. Như vậy, cả bốn người con trai của Tống Duy Tân đều hy sinh trong phong trào Cần Vương.

Ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh đã làm cho bọn Pháp mất ăn mất ngủ, lồng lộn tìm mọi biện pháp, thủ đoạn trấn áp. Lợi dụng tâm lý nôn nóng của kẻ thù, ông đã bố trí sẵn trận địa rồi cử người làng Đa Bút đi báo tin cho Pháp nơi hoạt động của nghĩa quân. Ngày 22/12/1885, Pháp tập trung quân theo đường sông Mã. Chúng đổ bộ lên bãi ven đê, đánh vào làng Bồng Trung mở đường tiến vào Đa Bút. Nghĩa quân vừa đánh vừa rút, vừa nhử địch. Tới chùa Đa Bút thì bị nghĩa quân ba mặt đổ ra tấn công. Trận đánh diễn ra ác liệt. Tới khi ngớt tiếng súng, giặc mới dám xông vào làng thì nghĩa quân đã rút lui an toàn sang địa bàn khác tiếp tục hoạt động.

Đầu năm 1886, có sự phối hợp của Cao Bá Điền, nghĩa quân tập hợp lực lượng tấn công vào tỉnh lỵ và chặn đứng một toán lính Pháp càn quét ở làng An Bình (Yên Định). Đến giữa năm 1886, nghĩa quân Hùng Lĩnh xuống đóng quân tại làng Phi Lai (Hà Trung) để chiến đấu hỗ trợ cho khởi nghĩa Ba Đình.

Tháng 1 năm 1887, khởi nghĩa Ba Đình thất thủ, tức tốc Tống Duy Tân ra Bắc vận động phong trào Văn Thân phối hợp ủng hộ phong trào chống Pháp ở Thanh Hóa. Trong những năm sau, ông đã chỉ đạo cả hoạt động của nghĩa quân sông Đà (thời kỳ này nghĩa quân Hùng Lĩnh tạm phân tán), ông đã liên hệ với Đề Kiều, Đốc Ngữ, hoạt động ở vùng Hưng Hóa, Sơn Tây để ủng hộ phong trào Thanh Hóa và nghĩa quân Hùng Lĩnh. Đối với địa bàn miền Trung, ông đã liên hệ với nghĩa quân Phan Đình Phùng ở Hương Khê, Hà Tĩnh, vươn xa hơn ông còn liên hệ với phong trào nông dân khởi nghĩa ở Yên Thế, Bắc Giang do Đề Thám lãnh đạo.

Năm 1889 - 1890, dù Ba Đình, Ma Cao thất thủ, nghĩa quân Hùng Lĩnh vẫn tồn tại ở Bồng Trung, Đa Bút và ngày càng được củng cố trở thành lực lượng chiến đấu mạnh nhất ở Thanh Hóa, nối liền giữa phong trào miền xuôi với miền núi. Dưới sự lãnh đạo của Tống Duy Tân và Cao Bá Điền, nghĩa quân Hùng Lĩnh cơ động linh hoạt như đánh mai phục sâu hoặc chống trả khi bị bao vây. Từ năm 1889 - 1892, nghĩa quân Hùng Lĩnh đã chiến đấu trên địa bàn rộng lớn từ Thọ Xuân sang Nông Cống, Thiệu Hóa đến Yên Định, Bồng Trung, Đa Bút, Vĩnh Lộc và vùng núi Thường Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh. Trên bước đường chiến đấu đầy gian khổ hy sinh, nhiều thủ lĩnh nghĩa quân bị bắt, có người hy sinh nhưng họ thà chết không chịu khuất phục trước kẻ thù.

Trong tình thế giặc đông, vũ khí đầy đủ luôn được tăng lực lượng, nghĩa quân ngày càng khó khăn vì lương thực, vũ khí đạn dược thiếu. Tống Duy Tân bàn với Cao Bá Điền cùng các tướng sĩ phân tán lực lượng về các địa phương, chỉ để một lực lượng nhỏ bền vững sang trấn Quan Hóa, Mường Kỷ, tức là Nhâm Kỷ ngày nay thuộc hai xã Kỳ Tân và Văn Nho, huyện Bá Thước. Tháng 5 năm 1892, nghĩa quân phối hợp với lực lượng nghĩa quân sông Đà do Đốc Ngữ lãnh đạo tiến sang tấn công quân Pháp làm nên chiến thắng vẻ vang Mường Kỷ.

Giặc Pháp tuy có bị tổn thất qua các cuộc giao chiến với nghĩa quân Hùng Lĩnh nhưng luôn được tăng quân, chúng quyết tâm cô lập tiêu diệt nghĩa quân. Sau khi nghĩa quân sông Đà rút đi, lực lượng nghĩa quân suy yếu. Để tránh sự lùng sục của quân thù, Tống Duy Tân đã về ẩn ở hang Dong thuộc tổng Thiết Ống (nay là huyện Bá Thước) và cuối cùng sáng ngày 5/10/1892 đã bị thực dân Pháp bắt giữ.

Kẻ thù tìm mọi cách mua chuộc, ông không màng danh lợi, cương quyết không khuất phục trước kẻ thù. Chúng đã nhốt ông vào trong cũi giải về tỉnh lỵ. Trên đường đi ông đã cắt ngón tay lấy máu viết trên song cũi vần thơ khí phách:

Nguyện kế tiên vương khu cảnh ngoại

Thủy tri kim ngã tại lung trung.

Dịch là:

Nguyện kế tiên vương trừ giặc nước

Ai hay nay lại ở trong lồng.

Thất bại trước ý chí bất khuất, lòng yêu nước của Tống Duy Tân, ngày 15/10/1892 giặc Pháp đã đem ông ra xử chém tại thị xã Thanh Hóa. Khi sắp hành hình, ông bình tĩnh hướng về nhân dân, lưu luyến vĩnh biệt rồi đọc câu đối cho con cháu ghi lại lời tâm huyết cuối cùng của mình:

Nhi kim thủy liễu tiền sinh thái

Tự cổ do truyền bất tử danh.

Dịch là:

Món nợ tiền sinh nay mới trả

Cái danh bất tử trước còn truyền.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của Tống Duy Tân trải qua 7 năm đầy gian khổ hy sinh, nhưng với lòng yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm, mặc dù vũ khí thô sơ trước kẻ thù hùng mạnh, nhưng nghĩa quân Hùng Lĩnh đã làm cho quân Pháp nhiều phen thất điên bát đảo. Nó thể hiện ý chí của một dân tộc nhỏ bé nhưng không bao giờ khuất phục trước thế lực ngoại bang xâm lăng. Nó thể hiện ý chí của Tống Duy Tân và quân dân ta "Thà chết chứ không chịu làm nô lệ, thà chết vinh còn hơn sống nhục...".

Đền thờ Tống Duy Tân tại TP Thanh Hóa.

Tống Duy Tân đã mất đi nhưng khởi nghĩa Hùng Lĩnh và tên tuổi nhà chí sĩ yêu nước sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam. Ngày nay nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Nam Định, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, rồi các trường học, khối phố đã đặt tên ông. Tống Duy Tân đã trở thành tên gọi thiêng liêng. Đền thờ và lăng mộ của Tống Duy Tân ở quê hương đã được xếp hạng di tích quốc gia, được nhân dân giữ gìn tôn tạo, bốn mùa hương khói. Khi nói về Tống Duy Tân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói khi đang hoạt động ở Pháp: “Tống Duy Tân là nhà đại trí thức, đấu tranh dũng cảm chống bọn xâm lược Pháp... Tôi kính trọng tất cả những Tống Duy Tân... Cái chết của họ làm cho Tổ quốc họ sống lại, lòng can đảm của họ bất diệt” (Tuyển tập Hồ Chí Minh tập 1).

Lê Văn Sự


Lê Văn Sự

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]