(vhds.baothanhhoa.vn) - Khu di tích lịch sử Lam Kinh được Nhà nước công nhận di tích Quốc gia năm 1962, đến ngày 27/9/2012 được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt. Vốn đã tồn tại nhiều trăm năm, trải qua nhiều biến cố của lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên cùng với sự tàn phá vô ý thức hoặc có ý thức của con người, khu di tích đã trở thành hoang phế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tu bổ, phục hồi Khu di tích Lam Kinh: Những bài học quý

Khu di tích lịch sử Lam Kinh được Nhà nước công nhận di tích Quốc gia năm 1962, đến ngày 27/9/2012 được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt. Vốn đã tồn tại nhiều trăm năm, trải qua nhiều biến cố của lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên cùng với sự tàn phá vô ý thức hoặc có ý thức của con người, khu di tích đã trở thành hoang phế.

Các tòa miếu Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh sau khi được trùng tu, tôn tạo.

Việc phục dựng Khu di tích Lam Kinh là một công việc kiểu như “mò kim đáy bể”, nhưng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chỉ đạo khoa học về mặt chuyên môn, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa mà đứng đầu là Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa luôn luôn có quyết tâm chính trị rất cao, có biện pháp thực hiện sát sao, nên chúng ta đã làm được và làm có kết quả tốt. Nhìn nhận lại quá trình quy hoạch, tu bổ Khu di tích Lam Kinh, chúng ta có thể rút ra những bài học sau đây:

Trước hết, xác định cơ cấu dự án chính xác

Năm 1961, trong lúc đang khó khăn trăm bề, Bộ Văn hóa - Thông tin và tỉnh Thanh Hóa đã cho xây dựng nhà che bia Vĩnh Lăng hai tầng mái. Hình ảnh công trình này ngày nay đã ăn sâu vào tiềm thức của du khách và có thể nói đã trở thành biểu tượng kiến trúc của khu di tích. Những năm sau đó, một số hạng mục như lăng Lê Thái Tổ, lăng Lê Thánh Tông, bệ rồng Chính Điện cũng được tu bổ và không còn cảnh hoang tàn nữa. Song song với việc bảo vệ, chống xuống cấp công trình, việc khảo cổ học, sưu tầm di vật còn lại trên mặt đất cũng được đẩy mạnh nên đã tập hợp và nhận biết nhiều tư liệu quý giá phục vụ cho công cuộc tu bổ, phát huy giá trị di tích.

Ngày 22/10/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 609/QĐ-TTg phê duyệt Dự án tổng thể Tu bổ, tôn tạo, phục hồi Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Dự án tổng thể đã đưa ra định hướng các nhóm dự án và không xác định tổng mức đầu tư, bao gồm: Nhóm Bảo vệ, tu bổ, phục hồi, tôn tạo các công trình kiến trúc cổ; nhóm cải tạo, xây dựng khu phục vụ quản lý và các hoạt động tưởng niệm; nhóm Phục hồi rừng Lam Sơn, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái. Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa - Thông tin và tỉnh Thanh Hóa đã lập nhiều dự án thành phần để triển khai thực hiện, trong đó các dự án khảo cổ học được chú trọng đi trước một bước. Sau khi nhiều hạng mục tu bổ các lăng và nhà bia hoàn thành, cùng với cầu Bạch được thi công xong, hình hài khu di tích đã dần được phục hồi trên thực địa. Nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đã đến thăm và tìm hiểu về di tích. Nhận thấy cần phải xác lập được định hướng không gian để tu bổ và phát huy tác dụng của di tích, ngày 19/6/2002, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 2016/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể Tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Lam Kinh.

Căn cứ quy hoạch được duyệt, tỉnh Thanh Hóa đã lần đầu tiên xác lập được giới hạn vành đai I và II trên thực địa, thu hồi được toàn bộ đất rừng Lam Sơn đã cho mượn để canh tác, giải phóng mặt bằng hơn 47ha đất tôn tạo hồ và di chuyển hàng chục hộ dân ra ngoài. Cũng từ đó, các hạng mục kiến trúc ở khu trung tâm như các Tòa Miếu, Nghi Môn, Chính Điện... được triển khai khảo cổ học, lập dự án và lần lượt được đầu tư phục dựng.

Có thể khẳng định rằng việc xác lập các nhóm dự án như Quyết định 609/QĐ-TTg đã tạo cơ sở vững chắc để thúc đẩy công tác khảo cổ và nghiên cứu khoa học đi trước, làm cơ sở để lập các dự án tu bổ, xác lập quyền quản lý, phát huy tác dụng di tích và nhiều dự án liên quan khác.

Thứ hai, quyết tâm chính trị của lãnh đạo tỉnh cùng quá trình thực hiện đầu tư cẩn trọng, tạo sự đồng thuận cao

Ở Lam Kinh không còn kiến trúc nhà gỗ mái ngói thời Lê; trên đất nước ta, công trình kiến trúc loại này cũng không còn đáng kể. Đặc biệt, các kiến trúc gỗ của cung đình thời Lê thì hầu như không còn để nghiên cứu, học tập. Vì vậy, trong Quyết định 609/QĐ-TTg, Chính phủ yêu cầu “phục hồi, tôn tạo các hạng mục đã bị phá hủy, bảo đảm cấu trúc theo kiến trúc cổ thời Lê và độ bền vững lâu dài”. Đây vừa là yêu cầu, vừa là định hướng, tạo cơ sở rất quan trọng cho quá trình lập dự án và triển khai tu bổ sau này.

Các công trình trong khu Chính điện thể hiện mọi sự tinh túy của kiến trúc cung đình thời Lê, việc phục dựng những kiến trúc loại này là nhiệm vụ khó nhất trong các nhiệm vụ tu bổ ở khu di tích. Xác định như vậy nên Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thanh Hóa đã thảo luận, nêu quyết tâm thực hiện bằng được và đã thống nhất với Bộ Văn hóa - Thông tin cho làm thí điểm tòa miếu số 5 trước để rút kinh nghiệm. Tòa miếu số 5 là toà chính trong hệ thống 9 tòa miếu xếp thành hình vòng cung ôm lấy phía sau tòa Chính điện.

Căn cứ tài liệu khảo cổ về nền móng còn sót lại, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cho lập mô hình bằng gỗ tỷ lệ 1/50 của tòa miếu số 5 để xin ý kiến các nhà khoa học khảo cổ, khoa học kiến trúc cũng như các chuyên gia am hiểu về kiến trúc thời Lê. Khi triển khai thi công, tỉnh cũng tổ chức một tổ cố vấn khoa học giúp xem xét chất lượng đục chạm, chất lượng thi công các cấu kiện, nhất là cấu kiện gỗ. Bên cạnh đó, phương án thiết kế được thông qua hội đồng khoa học Bộ Văn hóa - Thông tin, đã tạo ra sự đồng thuận cao trong giới chuyên môn và những người quan tâm đến di tích. Với cách làm cẩn trọng như vậy, việc phục dựng Tòa miếu số 5 đã được thực thi có chất lượng tốt. Từ đó, các Tòa miếu 3,4,6,7 và Nghi Môn có cơ sở để triển khai phục dựng tiếp và đã thành công.

Công trình kiến trúc lớn nhất là Chính Điện được Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo UBND tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho làm hội thảo khoa học trước. Từ kết quả đó, lập phương án thiết kế tu bổ, xin ý kiến các nhà khoa học trước khi lập dự án đầu tư. Cách làm như vậy đã thu hút được nhiều ý kiến giá trị, tạo được sự đồng thuận rất cao. Có thể nói, toàn bộ công trình kiến trúc quan trọng ở khu Chính Điện đã được phục dựng đúng vị trí, đúng kích thước, đúng kiểu dáng kiến trúc thời Lê.

Thứ ba, đầu tư đến đâu phát huy giá trị ngay đến đó

Ngay khi đầu tư phần khung Tòa miếu số 5, được sự nhất trí của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cho lập dự án nội thất đồ thờ để đầu tư. Cùng với nguồn cung tiến từ người dân mà nội thất đồ thờ tòa miếu đồng bộ, trang nghiêm.

Còn nhớ thời kỳ từ 2003 về trước, sự tranh cãi có nên tu bổ kiến trúc gỗ khu Chính Điện tại vị trí nguyên gốc hay để nguyên vết tích nền móng đã đưa đến một đề xuất xây dựng khu Chính Điện theo lối cổ nhưng tách ra vị trí khác trong khu rừng Lam Sơn. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã kiên định cùng Bộ Văn hóa - Thông tin nên đề xuất ấy không được chấp nhận. Nếu đề xuất xây dựng khu Chính Điện mới được chấp nhận, chắc chắn các công trình này sẽ chỉ là kiến trúc thời nay, không có giá trị gì về lịch sử cũng không mang lại ý nghĩa thành kính của hậu thế với tiền nhân, sức thu hút khách đến Lam Kinh sẽ chẳng có gì đáng kể.

Các công trình di tích ở Lam Kinh bao gồm rất nhiều hạng mục khác nhau. Từ kiến trúc khung gỗ như các Tòa Miếu, Chính Điện đến kiến trúc gạch đá như Giếng cổ, sông Ngọc, Sân Rồng hoặc kiến trúc hỗn hợp như nhà che bia... Tất cả đều được thực hiện tu bổ theo một quy trình như đã trình bày trên. Do vậy, có thể nhìn nhận chất lượng tu bổ khá tốt và làm bài học để triển khai tu bổ các di tích lớn trong tỉnh như đền Bà Triệu, đền Đồng Cổ...

Diện mạo các kiến trúc chính của khu thành điện Lam Kinh đã khá đầy đủ, một số kiến trúc vòng ngoài như lăng, nhà bia... đã được phục dựng hầu hết. Để các kiến trúc này bền lâu, phát huy giá trị tốt chúng tôi đề nghị cần có các biện pháp sau đây:

Cần có biện pháp bảo trì thường xuyên, hiệu quả

Công trình kiến trúc gỗ ở Lam Kinh đều là công trình mái dốc, lợp ngói, cửa có ngạch và có nhiều chi tiết kết cấu tiếp xúc trực tiếp với bên ngoài. Tất cả chúng đều đặt trong tổng thể khu rừng Lam Sơn có mật độ cây khá dày. Do vậy, trong lòng nhà luôn có sự tương đồng với môi trường bên ngoài. Mỗi khi trời mưa, nhất là khi mưa dầm dề, hoặc những trận mưa lớn và kéo dài đột biến như năm 2017,... làm cho trong lòng nhà luôn có độ ẩm rất lớn, kết cấu nhanh bị hư hao, xuống cấp. Đất Lam Kinh phù hợp cho mối sinh sôi nên khi làm nền nhà người ta đều rải thuốc chống mối. Nhưng không có loại thuốc nào tồn tại vĩnh viễn trong lòng đất ẩm, chỉ có tác dụng ngăn mối xâm thực công trình trong một số năm nhất định. Vì vậy, phải thường xuyên kiểm tra tình hình thực tế của các công trình nhất là các kiến trúc ít tường bao che về độ ẩm, độ bền của cấu kiện, tác động cơ học của con người đến cấu kiện, sự xô lệch do gió mưa bão lũ và tình hình co ngót vật liệu... Từ đó cần thường xuyên có kế hoạch lau chùi, chống mối, chống mọt, thay thế những chi tiết mục mại, nứt vỡ, chặt bỏ những cành cây vướng vào mái ngói, không để xảy ra hàng loạt hỏng hóc rồi mới vội vàng đi sửa chữa.

Các cấu kiện ở đây thường rất lớn so với nhiều công trình cổ khác, chỉ cần thay một viên ngói, một viên gạch lát cũng phải đặt hàng từ nhiều ngày và không thể tìm trên thị trường. Thay một cấu kiện gỗ vừa cần gỗ nhiều vừa rất khó lắp dựng vì các cấu kiện xung quanh đều to và nặng. Vì vậy, việc bảo trì công trình kiến trúc gỗ, mái ngói ở Lam Kinh luôn cần một khoản kinh phí không nhỏ. Ban quản lý di tích cần phải chủ động lập kế hoạch để công việc không bị ngưng trệ. “Của bền tại người”, nếu chúng ta chăm chút thường xuyên thì công trình sẽ được khắc phục hư hỏng kịp thời, không có chuyện “cái sảy nảy cái ung”.

Chú trọng công tác bảo vệ, phòng chống cháy nổ

Rừng Lam Sơn mang lại không gian thành kính cho khu thành điện nhưng ẩn chứa rủi ro về cháy nổ rất cao. Cùng với đó, du khách đến tham quan cũng tạo ra áp lực về phòng, chống cháy nổ... Những công trình kiến trúc gỗ cần phải được thường xuyên kiểm tra những mầm mống tiềm ẩn của cháy nổ như việc thắp hương, đèn, nến và dây dẫn điện dọc kết cấu. Thậm chí việc đốt vàng mã khi hạ lễ cũng phải được quy định ngặt và kiểm tra thường xuyên để không có mầm mống gây cháy nổ nào không được kiểm soát hiệu quả.

Lam Kinh độc đáo ở chỗ có không gian thiên tạo và nhân tạo hài hòa, tạo ra một cảnh sắc rất thú vị. Công tác tu bổ, phục hồi Khu di tích Lam Kinh đã tạo nên nhiều kinh nghiệm quý cho chúng ta và đóng góp rất lớn vào sự thú vị ấy. Lam Kinh còn nhiều hạng mục kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật khác chưa được phục dựng như tả vu, hữu vu, cầu gỗ qua sông Ngọc, Tường Thành, đền Bà Hàng Dầu... Nhu cầu ấy cần một khoảng thời gian và kinh phí không nhỏ. Với cách làm như thời gian vừa qua, Thanh Hóa có thể huy động được vốn từ nhiều nguồn, tu bổ, phục dựng được các hạng mục còn lại để có thể phát huy giá trị đầy đủ của Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, góp phần phục vụ ngày một tốt hơn khách tham quan và mọi người đến tìm hiểu di tích.

KTS Lê Hồng Cẩm


KTS Lê Hồng Cẩm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]