(vhds.baothanhhoa.vn) - Làng Bất Căng nay thuộc xã Xuân Hồng (Thọ Xuân) khi xưa còn được biết đến với tên gọi Kẻ Căng - Đa Căng. Trong đó, tên gọi Bất Căng được hiểu là “không sợ khó khăn”. Tương truyền, tên gọi Bất Căng do chính Bình Định Vương Lê Lợi đặt khi tiến đánh đồn Đa Căng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Trên đất Kẻ Căng

Làng Bất Căng nay thuộc xã Xuân Hồng (Thọ Xuân) khi xưa còn được biết đến với tên gọi Kẻ Căng - Đa Căng. Trong đó, tên gọi Bất Căng được hiểu là “không sợ khó khăn”. Tương truyền, tên gọi Bất Căng do chính Bình Định Vương Lê Lợi đặt khi tiến đánh đồn Đa Căng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Trên đất Kẻ CăngCùng với đình làng, chùa Phúc Long cũng là "điểm tựa" tâm linh, chiêm bái cho người dân địa phương và du khách khi về với Bất Căng.

Từ trận đánh lịch sử

Nằm bên hữu ngạn sông Chu, theo sử liệu lưu giữ tại địa phương, Kẻ Căng - Bất Căng khi xưa thuộc trại Đa Căng, rồi sách Đa Căng. Từ trước thế kỷ thứ X, vùng đất này đã có con người đến đây cư ngụ. Tương truyền, vua Lê Đại Hành là con nuôi ông Lê Đột ở làng Mía đã nhiều lần qua bến đò Căng nên hiểu rõ tầm quan trọng của vùng đất này. Vì vậy sau khi lên ngôi, nhà vua đã sai con trai Lê Long Đĩnh về đây thành lập sách Đa Căng (lấy bến đò Căng là tên chung cho cả vùng). Đến khoảng thế kỷ thứ XV, sách Đa Căng được chia nhỏ thành nhiều làng, trong đó Bất Căng là trung tâm của cả vùng.

Nhắc đến Đa Căng, hậu thế còn nhớ đến trận đánh đồn Đa Căng của nghĩa quân Lam Sơn đã đi vào sử sách. Khi Bình Định Vương Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm lược được kẻ sĩ bốn phương tìm về dưới trướng giúp sức. Tuy nhiên, thời gian đầu thế giặc mạnh, hơn 6 năm nghĩa quân Lam Sơn bị kẻ thù vây hãm. Sách Địa chí huyện Thọ Xuân viết: “Lê Lợi nhận thấy muốn thắng được kẻ thù tất phải huy động được đông đảo sức người, sức của, tức là hoạt động của nghĩa quân phải chuyển hướng xuống vùng đồng bằng đông dân, nhiều phương tiện vật chất khác. Thực hiện theo kế của Nguyễn Chích, Lê Lợi quyết định đưa lực lượng nghĩa quân rời bỏ căn cứ núi rừng ở Thanh Hóa để tiến vào chiếm lấy Nghệ An... Để đánh lạc hướng chú ý của quân Minh, ngày 20 tháng 9 năm Giáp Thìn, Lê Lợi đích thân chỉ huy quân sĩ và dùng voi đánh úp đồn Đa Căng”.

Cũng theo sách Địa chí huyện Thọ Xuân, từ Đa Căng theo đường sông Chu (sông Lương) hoặc đường bộ lên Lam Sơn khoảng 20 km. Xuôi theo sông Lương hoặc theo các nhánh sông đầu thời Tiền Lê dễ dàng tỏa đi các miền đồng bằng Thanh Hóa, ngược lên Đồng Cổ (Yên Định) gặp sông Mã cũng thuận lợi. Đóng đồn ở Đa Căng, giặc Minh hòng án ngữ con đường đi lại trên sông Chu và con đường nhỏ độc đạo đi vào Nghệ An cũng như đi xuống các huyện đồng bằng đất rộng người đông.

Về trận đánh vào đồn Đa Căng của nghĩa quân Lam Sơn, sách Lam Sơn thực lục viết: “Trẫm dẫn quân đánh thành Đa Căng, giặc bị chém đầu và chết đuối hơn 1.000 tên. Ngụy Tham chính Lương Nhữ Hốt chỉ kịp chạy thoát thân. Ta đoạt được khí giới nhiều vô kể, thành và hào của giặc đều bị đốt. Đô chỉ huy Hoa Anh đem quân tới cứu. Ta đánh thắng, giặc thua to chạy vào Tây Đô. Bao nhiêu vợ con của giặc bắt được không nỡ giết tha về hết”.

Về căn cứ đồn Đa Căng, theo sử liệu đây là nơi giặc Minh đóng đồn và giao cho Tham chính Lương Nhữ Hốt cai quản. Đồn Đa Căng phòng thủ vô cùng kiên cố. Giặc Minh chỉ cho một bà lão làm nghề đỡ đẻ ra vào hầu hạ vợ con quan, tướng. Tuy nhiên, kẻ thù không ngờ chính bà lão đã làm nội ứng cho nghĩa quân Lam Sơn. Lợi dụng quân giặc không đề phòng, bà lão đã quan sát kỹ cách bố trí canh phòng, nơi cất giấu kho quân lương và mật báo cho nghĩa quân Lam Sơn, góp phần vào sự toàn thắng của trận đánh đồn Đa Căng. Theo các cụ cao niên trong làng, Đa Căng được hiểu là “nhiều khó khăn”, vì thế sau khi san phẳng đồn Đa Căng, Bình Định vương Lê Lợi đã cho đổi tên thành Bất Căng với nghĩa “không sợ khó khăn”.

Với thắng lợi ở trận đánh vào đồn Đa Căng, con đường vận chuyển quân lương vào Nghệ An và thông thương với các vùng miền đã được “giải phóng”. Từ đây mở ra giai đoạn mới cho khởi nghĩa Lam Sơn để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Và vùng đất cổ xưa

Ngày nay, về lại Bất Căng, dấu tích của trận đánh năm xưa còn lưu lại ở những địa danh, tên gọi như: xóm Đồn (nơi giặc Minh đóng quân); nền Quan (nền nhà tướng giặc Lương Nhữ Hốt ở); mả Bộ (nơi chôn xác giặc sau trận đánh đồn Đa Căng)... theo người dân địa phương, khi xưa ở làng Bất Căng còn có đền thờ vị nữ thần Đinh Thị Am. Tương truyền, bà chính là người năm xưa đã có công giúp Bình Định Vương Lê Lợi công phá đồn Đa Căng. Sau khi bà mất, nhà vua đã sai người dân lập dựng đền thờ.

Cũng theo các cụ cao niên trong làng vì Lê Long Đĩnh - con trai vua Lê Đại Hành là người hơn 1.000 năm trước lập nên sách Đa Căng nên dễ hiểu vì sao ở vùng đất này thuở xưa, tất cả người dân đều mang họ Lê. Về sau quá trình du nhập có thêm một số dòng họ khác, tuy nhiên họ Lê ở Bất Căng vẫn chiếm số đông. Trong đó, thành hoàng làng là ông Lê Năng Trường. Ông làm quan dưới thời vua Lý Cao tông chuyên phụ trách các nghề thủ công. Chính ông đã có công truyền dạy nghề đan lát cho người dân Đa Căng. Vì vậy ông được xem là ông tổ của nghề đan lát ở Bất Căng và được suy tôn là thành hoàng làng.

Trên đất Kẻ CăngNăm 2020, với tấm lòng công đức của người dân địa phương và con em xa quê, hậu cung đình làng Bất Căng đã được tôn tạo khang trang.

Sản phẩm đan lát thủ công ở Bất Căng xưa kia nổi tiếng khắp cả xứ Thanh, đi vào thành ngữ dân gian, như: “Bồ Bất Căng, năng làng Chè”; hay “Gái Hậu Hiền, sen làng Hổ, gạo Quán Trổ, rá rổ Bất Căng”... Bác Lê Công Minh bậc cao niên làng Bất Căng cho biết: “Dòng sông Chu không chỉ tạo nên vượng khí về mặt tâm linh cho vùng đất Bất Căng mà còn là đường thủy thuận tiện vận chuyển lâm sản gỗ, luồng, vầu, tre, nứa, bương từ miền ngược về để người dân Bất Căng có nguyên liệu đan bồ, cót, nong, nia, rế, trành... Dù ngày nay, nghề đan lát ở Bất Căng đã đi qua giai đoạn phát triển cực thịnh và đã nhiều mai một, song một làng nghề đan lát thủ công có tuổi đời gần cả nghìn năm như Bất Căng thì có lẽ trong cả nước cũng không nhiều”.

Là vùng đất cổ nên Bất Căng từ xa xưa đã có sự hiện hữu của các công trình kiến trúc - văn hóa gắn liền với tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương. Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh làng, ông Lê Công Minh chia sẻ: Đa Căng khi xưa là vùng đất rộng lớn, trong đó Bất Căng vẫn được xem là “trung tâm” của sách Đa Căng. Ở phía Tây Nam làng có ngôi đình bề thế - nơi hội họp của người dân. Giữa làng là đình Thanh Cung (người dân thường gọi là đình làng Bất Căng) nơi thờ thành hoàng làng Lê Năng Trường - ông tổ của nghề đan lát và bà Nguyễn Kính Phi - vợ vua Lê Thánh tông, bà là người con của làng Bất Căng nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, được vua Lê Thánh tông hết sức yêu thương... Trải qua thời gian, các công trình kiến trúc phần lớn chỉ còn nền móng cũ. Những năm qua, với sự chung sức, đồng lòng của người dân Bất Căng, bước đầu đã khôi phục được ngôi chùa cổ Phúc Long và hậu cung đình Thanh Cung bằng nguồn xã hội hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh cho người dân địa phương.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]