(vhds.baothanhhoa.vn) - Trịnh Khả người làng Kim Bôi, huyện Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc ngày nay) là bậc khai quốc công thần, làm quan dưới 3 triều vua: Lê Thái tổ, Lê Thái tông, Lê Nhân tông, được ban quốc tính họ vua gọi là Lê Khả. Tổ tiên ông đời trước làm quan triều Trần có công lớn trong việc bình Chiêm, diệt Nguyên Mông. Đến đời cha ông là Trịnh Quyện giữ Tổng chính, sinh được 4 người con trai, Trịnh Khả là con út. Về Thái úy Trịnh Khả, Vua Lê Thánh tông đã viết trên tấm bia đền thờ ông: Công danh cái thế truyền đời mãi/ Trung hiếu truyền gia tước mãi còn...

Trịnh Khả - khai quốc công thần thời Lê sơ

Trịnh Khả người làng Kim Bôi, huyện Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc ngày nay) là bậc khai quốc công thần, làm quan dưới 3 triều vua: Lê Thái tổ, Lê Thái tông, Lê Nhân tông, được ban quốc tính họ vua gọi là Lê Khả. Tổ tiên ông đời trước làm quan triều Trần có công lớn trong việc bình Chiêm, diệt Nguyên Mông. Đến đời cha ông là Trịnh Quyện giữ Tổng chính, sinh được 4 người con trai, Trịnh Khả là con út. Về Thái úy Trịnh Khả, Vua Lê Thánh tông đã viết trên tấm bia đền thờ ông: Công danh cái thế truyền đời mãi/ Trung hiếu truyền gia tước mãi còn...

Trịnh Khả - khai quốc công thần thời Lê sơĐền thờ Thái úy Trịnh Khả ở làng Giang Đông, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc.

Thuở nhỏ, Trịnh Khả rất ham đọc sách, thường nằm nghỉ ngơi ở chùa Kiều Sơn (chùa Vĩnh Nghiêm, Vĩnh Hòa ngày nay). Sách “Thanh Hóa tỉnh, Vĩnh Lộc huyện chí” (NXB Thanh Hóa, 2010) tác giả Lưu Công Đạo viết: Năm 1407, sau khi nhà Hồ thất bại, nhà Minh đặt ách cai trị lên đất nước ta, chúng đã sai Trương Phụ đi khắp các quận huyện nước Nam xem phong thủy. Một hôm đến xã Kim Bôi (Vĩnh Hòa ngày nay) ngắm kỹ non nước địa hình thì thấy: “Hướng Càn có đồn binh, hướng Cấn có chỗ lên ngựa..., trong đất ấy ắt sẽ sinh ra tướng giỏi”.

Đặc biệt, tại trang 62, 63 tác giả có viết: Năm 16 tuổi, một hôm Trịnh Khả dắt trâu đi cày về ngồi nghỉ tại cổng chùa Kiều Sơn, Trương Phụ thấy ông kỳ lạ cho rằng đây là người mình đang cần tìm. Nhìn dung mạo khôi ngô, mày rồng, trán hổ, tai dày dính thịt, mắt nhỏ ẩn thần, ông lập tức hỏi: “Con là ai, ngồi đây có công cán gì”. Trịnh Khả trả lời: “Tôi là người nông canh nhàn hạ câu cá, ngồi đợi quạt gió cỏ Nam thơm, đa tạ quan nhân đã để mắt tới kẻ hèn mọn. Có quan hệ gì đâu?”. Trương Phụ vừa nghe nói, thất sắc đáp lại rằng: “Ngươi có tướng mạo phi thường, nhưng lời nói lại càng phi thường hơn”. Rồi lại nói: “Câu cá phải có bạn cùng câu, ấy cỏ Nam thơm phải có người thưởng ngoạn cùng, ngươi cũng không phải là ngoại lệ, kẻ tiền bối của ta sau này ta sẽ bắt được ngươi”. Tức thì ông đứng dậy cười và nói: “Có việc nhà bức bách, vả lại phải xin cha mẹ mới đi được”, rồi về nói với mẹ rằng: “Con là người nước Nam, sao lại yên việc với bọn giặc Ngô”, bèn trốn đến gia đình người cô ở Duyên Phúc.

Thời gian không lâu giặc Minh kéo đến nhà tìm ông không được chúng quay sang giết cha ông ném xác xuống sông Mã. Lúc ấy là ngày 14 tháng 9. Hai ngày sau Trịnh Khả mới biết chuyện, men theo bờ sông tìm cha, đến Hà Uyên (vực Tôm ngày nay) bỗng thấy có 2 người đương vớt xác thân phụ ông lên đem chôn, khi lại gần ông bàng hoàng sợ hãi ôm xác cha tìm nơi cao an táng. Lại thấy một ông lão tóc bạc chắp tay hướng về phía ông mà nói rằng: “Cát địa ở trước mặt ông đó sao không mang đến táng ở đó, đất bằng huyệt khởi, chỉ có lòng đất mới giữ được lâu… sau 3 năm sẽ phát phúc”. Ôm xác cha táng ở đó rồi về xã Diên Phúc chịu tang cha, vừa căm thù giặc quyết chí báo thù. Nghe tin Lê Lợi đang náu mình ở Lam Sơn ngầm nuôi binh mã, ông liền vác gươm tới xin theo. Ông là một trong 18 vị tướng lĩnh tham gia Hội thề Lũng Nhai do Lê Lợi tổ chức.

Đến với Lê Lợi, Trịnh Khả được tin dùng, ông được phong làm Phó chỉ huy lực lượng quân Thiết Đột. Ngày 7 tháng 2 năm 1418, Lê Lợi tổ chức lễ tế cờ, bố cáo với thiên hạ bắt đầu cuộc khởi nghĩa chống quân Minh đô hộ. Nhiều trận đánh lớn của nghĩa quân Lam Sơn với quân Minh diễn ra, điển hình là trận ở Lạc Thủy đã khiến giặc Minh tơi bời, chém được ba nghìn thủ cấp, bắt sống được gần một nghìn tên.

Để trả thù và uy hiếp lòng tin của Nhân dân đối với Lê Lợi và nghĩa quân, giặc Minh đã kéo đến Phật Hoàng quật mộ lấy thi hài của thân phụ Lê Lợi, chúng loan báo khắp nơi rằng ngôi huyệt đại phát của dòng họ Lê không còn, theo Lê Lợi chỉ có đổ máu vô ích mà thôi.

Lúc bấy giờ Trịnh Khả đến trước mặt Lê Lợi xin được làm việc lớn, mang thi hài của thân phụ thủ lĩnh trở về. Ông đội cỏ bơi tới bến Dao Xá Thượng, đến trước mũi thuyền, lúc bấy giờ quân Minh đang ngủ say, Trịnh Khả liền lấy cái tiểu đựng xương cốt thân phụ Lê Lợi đem về. Tỉnh giấc, quân Minh kiểm tra không thấy hài cốt tổ tiên của Lê Lợi, bọn chúng vô cùng sợ hãi cho rằng việc ấy là do trời giúp Lê Lợi. Mưu trả thù không thành, giặc Minh tức tốc kéo quân đánh vào Lam Sơn lần thứ 2. Trận đánh quá bất ngờ khiến nghĩa quân Lê Lợi bị tổn thất nặng phải rút lên núi Chí Linh. Trong bối cảnh đó, Lê Lợi muốn có sự giúp đỡ của Ai Lao, ông đã cử Trịnh Khả là người vừa thông thạo tiếng nói, ứng xử nhanh nhẹn thông minh, nắm vững đường đi lối lại sang làm sứ giả. Triều đình Ai Lao đồng ý giúp Lam Sơn một số quân và voi chiến, binh khí cùng với lương thực. Với thành công lớn trong chuyến đi sứ, Trịnh Khả đã góp phần quan trọng vào việc khôi phục lực lượng của nghĩa quân Lam Sơn. Tháng 10 năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn ồ ạt tiến công vào Nghệ An, Trịnh Khả là một trong những tướng lĩnh cầm quân tham gia cuộc tấn công quan trọng này, ông trực tiếp chỉ huy quân đánh nhau với giặc đến mấy mươi trận lớn nhỏ, trận nào ông cũng là người xung phong lên đầu hãm giặc, lập công. Lê Lợi đánh giá rất cao tài năng và cống hiến to lớn của Trịnh Khả.

Tháng 9 năm 1426 nghĩa quân Lam Sơn tiến quân ra Bắc, lúc này Trịnh Khả cùng với các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện và Đỗ Bí chỉ huy ba đạo quân có nhiệm vụ uy hiếp mặt Nam của thành Đông Quan, đồng thời sẵn sàng chặn đứng đường viện binh của giặc từ Vân Nam tràn qua, lập được nhiều chiến công xuất sắc đánh thắng 3 trận lớn đó là trận Ninh Kiều, trận Nhâm Mục, trận Xa Lộc. Đáng chú ý, ở trận Ninh Kiều, Trịnh Khả đã có công chỉ huy phục binh bất ngờ đánh cho Trần Trí một trận tơi bời, phải tháo chạy về Đông Quan, ngay sau đó Ninh Kiều được xây dựng thành căn cứ rất lợi hại của nghĩa quân Lam Sơn.

Ngày 10 tháng Giêng năm Đinh Mùi (1427), Trịnh Khả tiến binh về phía Bắc bờ sông Lô bao vây thành Đông Quan, Vương Thông sợ hãi cấp báo với nhà Minh. Nhà Minh sai Liễu Thăng, Mộc Thạnh chia đường sang cứu viện, nhưng quân tiếp viện bị nghĩa quân mai phục tiêu diệt, tướng Liễu Thăng bị chém đầu. Nghe tin quân Liễu Thăng thất bại, Mộc Thạnh gom quân chạy về. Trịnh Khả tổ chức tung quân đuổi đánh ở Đan Xá và Lãnh Châu, quân Mộc Thạch đại loạn, quân ta chém được hơn một vạn thủ cấp, bắt được hơn nghìn người ngựa cùng nhiều khí giới, lương thảo không kể xiết. Mộc Thạnh một mình cưỡi ngựa chạy trốn, thoát chết. Lãnh Châu và Đan Xá là hai đòn cực mạnh cuối cùng, góp phần đánh gục hoàn toàn cuồng vọng của Vương Thông nói riêng và triều đình nhà Minh nói chung. Vương Thông phải xin hòa, rút quân về nước.

Niên hiệu Thuận Thiên nguyên niên 1428 Lê Lợi dẹp yên giặc Minh, phong tước công hầu, ban quốc tính. Trịnh Khả được ban hàm Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Tả lân Hộ vệ tướng quân, được ban túi Kim Ngưu và Ngân Phù. Năm 1429 nhà Lê cho khắc biển ghi tên tuổi của các vị khai quốc công thần, trong đó có Trịnh Khả.

Năm 1434, thừa lệnh Vua Lê Thái tông, Trịnh Khả đem quân sang giúp Ai Lao, cùng năm ông được cử làm tướng tiên phong cầm quân đi đánh giặc Chiêm Thành giành thắng lợi được phong làm Thái úy, ban cho sáu chữ “Công thần thủ tướng Phụ chính”. Trịnh Khả là lão thần dưới triều Lê sơ, trải qua 3 đời vua, công lao rực rỡ. Sau vụ án Lệ Chi Viên, ông cũng bị hàm oan, đã bị triều Lê sơ giết hại cùng các con trai ngày 26-7-1451. Năm 1453, Vua Lê Nhân tông nắm quyền nhiếp chính mới minh oan và truy phong Liệt Quốc Công. Khi Vua Lê Thánh tông lên ngôi (6-6 năm Canh Thìn 1460), nhớ tới ơn cứu mẹ (vì khi bà Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao có mang, Vua Lê Thái tông nghe gièm pha nghi ngờ, giam bà ở Hoa Viên, may được Trịnh Khả cứu giúp, sau sinh ra Lê Thánh tông) đã gia phong cho Trịnh Khả là Hiển Ứng vương Thượng đẳng Phúc thần, lệnh cho làng Kim Bôi (làng Giang Đông, xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Lộc ngày nay) lập đền thờ ông. Đền thờ và bia ký được xây dựng trên triền đồi, hướng Nam nhìn ra dòng sông Mã.

Đền được xây dựng gồm Nghinh môn (Cổng), đền chính, hậu cung và nhà bia. Tấm bia đã ghi nhận thân thế sự nghiệp của Trịnh Khả, bằng chữ Hán kiểu chữ Khải đặt trên lưng rùa đá do Nguyễn Mộng Tuân soạn và Nguyễn Thiên Lộ khắc.

Do giá trị kiến trúc và công lao của ông, đền thờ Bia ký Trịnh Khả đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 2015 ngày 16-12-1993 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Từ năm 2010, di tích đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt trùng tu, tôn tạo với tổng mức đầu tư là 9 tỷ 874 triệu đồng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia. Hiện nay di tích đang được trùng tu theo thiết kế.

Bài và ảnh Lê Văn Sự



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]