(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhắc đến xã Đa Lộc (Hậu Lộc), ta nhớ đến vùng quê ven biển với những Hanh Cát, Hanh Cù gắn liền hình ảnh mẹ Tơm và những con người “Sống trong cát, chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời” đã đi vào lịch sử, văn chương... Đi qua thời gian cùng những thăng trầm, biến thiên của lịch sử, Đa Lộc hôm nay là sự lắng đọng của “phù sa văn hóa” trong không gian làng biển.

Trong không gian văn hóa quê hương Mẹ Tơm

Nhắc đến xã Đa Lộc (Hậu Lộc), ta nhớ đến vùng quê ven biển với những Hanh Cát, Hanh Cù gắn liền hình ảnh mẹ Tơm và những con người “Sống trong cát, chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời” đã đi vào lịch sử, văn chương... Đi qua thời gian cùng những thăng trầm, biến thiên của lịch sử, Đa Lộc hôm nay là sự lắng đọng của “phù sa văn hóa” trong không gian làng biển.

Trong không gian văn hóa quê hương Mẹ Tơm

Căn nhà của gia đình Mẹ Tơm ở làng Hanh Cù đã được trùng tu khang trang, là di tích lịch sử cách mạng - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống.

Xã Đa Lộc được hình thành nhờ sự bồi tụ của sông Lèn (sông Ngu Giang) - một nhánh của sông Mã và sông Lạch Trường. Người xưa tin rằng, xa xưa vùng đất này vốn chìm trong đại dương. Trải qua những cuộc biến thiên, vận động của tự nhiên đã dần tạo nên vùng đất bên bờ biển. Đa Lộc ngày nay, mang dáng dấp của bàn chân đang “dấn” ra biển. Ở đó, lòng bàn chân là những cánh đồng Mỹ Điền, Yên Lộc, Yên Đông, Đông Hòa, Vạn Thắng, Ninh Phú... Căn cứ vào các tài liệu khảo cổ (di chỉ Gò Trũng và di chỉ văn hóa Hoa Lộc), các nhà nghiên cứu cũng xác định, ở vùng đất ven biển Đa Lộc có sự xuất hiện, quần cư sinh sống của con người từ rất sớm.

Sống nơi “đầu sóng ngọn gió”, công việc làm ăn phần lớn phụ thuộc vào tự nhiên. Dễ hiểu vì sao, người dân Đa Lộc có đời sống văn hóa tín ngưỡng tâm linh đậm nét. Trong đó, nổi bật là tín ngưỡng thờ các vị thần biển. Trong mỗi gia đình, mỗi con thuyền đều có ban thờ thần biển để hành lễ trước mỗi chuyến vươn khơi, nhằm cầu mong điều tốt đẹp. Đặc biệt là tín ngưỡng thờ “Tứ vị Thánh nương” - tín ngưỡng khá phổ biến của cư dân ven biển.

Theo sách “Thanh Hóa chư thần lục” và truyền thuyết dân gian, “Tứ vị Thánh nương” chính là vợ vua và công chúa nhà Tống (phương Bắc). Tương truyền, khi bị quân Mông - Nguyên đánh bại, vua nhà Tống đem theo gia quyến lên thuyền chạy ra biển. Tuy nhiên, thế cùng lực tận, lại bị kẻ thù truy sát, đành phải trẫm mình xuống biển. Thi hài vợ vua Tống và các vị công chúa trôi đến cửa Cờn (Nghệ An) thì dừng lại. Cư dân vạn chài nhìn thấy, thương xót nên lo liệu việc chôn cất chu toàn, dựng am nhỏ hương khói. Người đi biển khi ra khơi vào lộng vẫn thường lên đây thắp hương cầu khấn. Đến thời nhà Trần, khi nhà vua đem quân đi đánh giặc Chiêm Thành, đêm xuống qua cửa Cờn dừng nghỉ liền mộng thấy người phụ nữ dáng vẻ quý phái tự xưng vợ vua nhà Tống, nay được thượng đế phong cho làm vị thần biển, nguyện phù trợ vua nhà đánh giặc lập công. Đến thời Hậu Lê, câu chuyện Tứ vị Thánh nương hiển linh phù trợ vua Lê Thánh Tông đánh giặc Chiêm lại được nhắc đến... Sự linh ứng của Tứ vị Thánh nương được các triều đại phong kiến trong lịch sử nhiều lần ban sắc phong. Và tục thờ Tứ vị Thánh nương nhanh chóng “lan” ra các xã biển từ Nghệ An ra Thanh Hóa.

Trong tác phẩm “Thần, người đất Việt”, tác giả Tạ Chí Đại Trường lại có góc nhìn khác. Ông cho rằng, có mối liên hệ giữa tục thờ Tứ vị Thánh nương với tín ngưỡng cổ của người Chăm. Theo ông, Tứ vị Thánh nương là nữ thần biển Po Riyak có nguồn gốc từ văn hóa Chăm. Qua quá trình tiếp biến văn hóa, mà nữ thần biển (của người Chăm) đã “nhập” vào hệ thống Tứ vị Thánh nương của người Việt.

Và tại xã biển Đa Lộc xứ Thanh, Tứ vị Thánh nương được thờ ở đền Thánh Cả - Thượng đẳng linh từ (tức thần ở làng là Thượng đẳng linh thiêng). Di tích lịch sử văn hóa đền Thánh Cả tọa lạc ở trung tâm làng Vạn Thắng, hướng mặt ra biển. Đền được khởi dựng vào thời Nguyễn với quy mô vào loại lớn bậc nhất ở xứ Thanh thời bấy giờ. Điều này được thể hiện qua kiến trúc nghi môn bề thế, uy nghiêm, cổ kính còn tồn tại cho đến ngày nay. Và tín ngưỡng thờ Tứ vị Thánh nương cùng với di tích đền Thánh Cả qua thời gian đã trở thành “điểm tựa” tâm linh của người dân biển Đa Lộc...

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết: “Đa Lộc là xã ven biển với diện tích rộng, dân số đông. Trên địa bàn xã hiện có 2 di tích đã được xếp hạng. Nếu đền Thánh Cả là di tích lịch sử văn hóa, nơi người dân gửi gắm ước vọng được các vị thần linh phù trợ, chở che bình an, no đủ... thì di tích lịch sử cách mạng nhà Mẹ Tơm lại là dấu tích khẳng định tinh thần yêu nước, đóng góp, hy sinh của người dân biển Đa Lộc cho phong trào cách mạng của dân tộc. Nơi đây, còn là “địa chỉ đỏ” nhắc nhớ, giáo dục truyền thống cho lớp lớp thế hệ cháu con”.

Tôi theo chân người cán bộ xã về làng Hanh Cù, nơi có căn nhà mẹ Tơm (Nguyễn Thị Quyển) năm xưa. Tại đây, hơn 80 năm trước, căn nhà tranh đơn sơ trên bãi cát ven biển đã trở thành cơ sở bí mật diễn ra hoạt động cách mạng sôi nổi.

Gia đình mẹ Tơm vốn nghèo, kiếm sống bằng nghề cắt tóc, làm mướn, vậy nhưng lại giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Năm 1942, đồng chí Tố Hữu vượt ngục về Thanh Hóa đã ở tại nhà mẹ Tơm. Năm 1943, khi cơ quan Tỉnh ủy chuyển về Hanh Cù, bí mật đóng tại nhà mẹ Tơm. Gian buồng tranh vách đất nhà mẹ trở thành nơi làm việc, in ấn tài liệu của Tỉnh ủy Thanh Hóa lúc bấy giờ; tờ báo “Đuổi giặc nước” cũng ra số đầu tiên tại nhà mẹ Tơm. Rồi báo, tài liệu sau khi in lại được hai con trai mẹ (đồng chí Vũ Văn Sồ, Vũ Đức Hậu) dấu trong “tráp” cắt tóc phân phát đi Nga Sơn, Hoằng Hóa... Cũng tại đây, đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy với sự tham gia của các đồng chí: Tố Hữu, Lê Tất Đắc, Hoàng Tiến Trình... nhằm phát triển lực lượng vũ trang, tự vệ du kích, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.

Đồng chí Lê Tất Đắc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trong bài “Cá nước” in trên Báo Nhân Dân (số ra ngày 2-9-1958) đã từng viết: “Trong một thời gian dài hoạt động, cơ quan Tỉnh ủy được bảo vệ an toàn, công tác bảo mật phòng gian rất tốt. Mẹ Tơm cùng chồng lo việc cơm nước, giặt quần áo, canh gác cảnh giới nơi gần nhà, ngày ngày mẹ đi chợ Mành, các thôn xóm để bán rau đồng thời làm nhiệm vụ tuyên truyền rải truyền đơn, phát báo”. Và trong bài thơ “Mẹ Tơm”, đồng chí Tố Hữu cũng nhớ lại: “...Chợ xa Mẹ gánh mớ rau xanh/ Thêm bó truyền đơn gọi đấu tranh/ Bãi cát vàng xưa in bóng Mẹ/ Chiều về... Hòn Nẹ... Biển reo quanh”. Mẹ Tơm làm cách mạng, ngoài những vất vả, khó khăn, còn phải chấp nhận đau thương, hy sinh: “...Một đêm mưa ướt bãi cồn/ Chúng về chúng trói cả hai con/ Máu con đỏ cát đường thôn lạnh/ Bóng Mẹ ngồi trông vọng nước non” (Mẹ Tơm).

Mẹ Tơm - người mẹ Việt Nam bình dị với những dãi dầu, tần tảo nắng mưa nhưng cũng thật vĩ đại khi “tạc” mình vào lịch sử dân tộc. Cách mạng thành công, đất nước đi qua hai cuộc chiến vệ quốc, đánh đổi bằng những máu xương, nước mắt, hy sinh để hai tiếng “Độc lập” được cất lên trọn vẹn... Trở về căn nhà xưa, Mẹ Tơm đã không còn, cảnh vật cũng nhiều thay đổi nhưng những hiện vật, chiếc “tráp” cắt tóc, chum đựng gạo... cũng đủ sức “gợi” lại câu chuyện lịch sử. Để chúng ta thêm thấu hiểu và trân quý cống hiến của lớp lớp thế hệ cha ông cho nền độc lập dân tộc.

Bài và ảnh: Trang Bùi



Từ khóa:Mẹ Tơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]