(vhds.baothanhhoa.vn) - Cái tên Hưng đồ cổ được nhiều người trong giới biết đến khá lâu rồi, nhưng mãi dịp Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa, khi góp hơn 80 cổ vật trưng bày tại Triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay”, thì hầu như ai cũng biết đến Nguyễn Hải Hưng và Lâm Sơn Trang (khu phố 3, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc).

Từ tay chơi bình dân đến người sở hữu khối đồ cổ giá trị

Cái tên Hưng đồ cổ được nhiều người trong giới biết đến khá lâu rồi, nhưng mãi dịp Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa, khi góp hơn 80 cổ vật trưng bày tại Triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay”, thì hầu như ai cũng biết đến Nguyễn Hải Hưng và Lâm Sơn Trang (khu phố 3, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc).

Từ tay chơi bình dân đến người sở hữu khối đồ cổ giá trịAnh Nguyễn Hải Hưng nâng niu tượng thần đèn thời kỳ văn hóa Đông Sơn.

Sinh ra trong một gia đình đông con ở huyện Nga Sơn, anh Nguyễn Hải Hưng (sinh năm 1968) từ nhỏ đã thiếu thốn đủ bề. Học hết lớp 4, anh phải theo cha đi làm thuê kiếm sống. Năm 1985, anh cùng gia đình rời quê hương lên huyện Vĩnh Lộc để lập nghiệp. Duyên đồ cổ đến với anh rất tình cờ. Từ việc đi chở thuê cho những người săn lùng và buôn đồ cổ, anh đã đam mê lúc nào không hay. Vốn là người nhạy bén, anh nảy ra ý tưởng đi tìm mua đồ cổ để bán kiếm lời. Mua được 10 món, anh giữ lại 1 món mình yêu thích nhất.

Cuộc hành trình đến với cổ vật của anh bắt đầu từ những chuyến đi như thế, rồi dần dà anh đã biết “lắng nghe” thông điệp, những câu chuyện ẩn sau mỗi cổ vật. “Thời điểm tôi tìm mua được nhiều cổ vật nhất là khoảng từ năm 2012 đến 2014. Vài năm thôi, bộ sưu tập của tôi đầy lên trông thấy. Giờ nhìn lại, mới thấy mình thời điểm đó quá mạo hiểm”. Đưa sự thắc mắc về số lượng 50.000 cổ vật ra hỏi. Anh trả lời ngay: “Mọi người nghĩ đồ cổ không phải là đồ xưa cũ. Tôi không quan tâm nhiều đến số lượng, quan trọng là thái độ ứng xử, trân trọng những cái mình đang có”. Trong khi hầu hết mọi người chơi đồ cổ đều cất giấu rất kỹ món đồ của mình thì anh lại trưng hết ra. “Sưu tầm cổ vật mà cứ “nhốt” lại thì rất vô vị. Tôi nghĩ, cổ vật phải được trưng bày để mọi người có thể ngắm nhìn, tìm hiểu những giá trị văn hóa lịch sử mà cha ông để lại”, anh Hưng bộc bạch.

Tôi hỏi nhỏ: Món cổ vật nào anh phải mua với giá cao nhất trong bộ sưu tập của mình. Anh cười, nói: "Giá cổ vật vô cùng lắm, còn tùy thuộc vào thời điểm, sự am hiểu của người bán… chứ không như món đồ bình thường, giá cao thì quý hiếm. Có được món đồ cổ chủ yếu là cơ duyên và gặp may. Trong hành trình đến với cổ vật, không phải lúc nào cũng gặp may. Nhưng tôi nghĩ mình là người có phần may mắn. Nhiều người quá đắm đuối lao theo mà bị mất rất nhiều tiền. Còn tôi, không hoàn toàn là buôn bán, tôi tìm mua vì thích, vì say mê. 10 năm gần đây mua được cái gì là tôi để sưu tầm chứ không bán. Người ta có tiền đầu tư bất động sản còn tôi dồn hết vào đồ cổ”.

Từ tay chơi bình dân đến người sở hữu khối đồ cổ giá trịCác gian trưng bày được anh Hưng phân loại theo từng triều đại lịch sử.

Trong bộ sưu tập của anh, có chiếc trống đồng Đông Sơn có từ thế kỷ 7 trước Công nguyên; tượng thần đèn thời kỳ văn hóa Đông Sơn, rồi chiếc ấm tổ ong thời nhà Hồ, ấm đầu rồng đuôi vẹt nhà Lý... Đó là một hành trình sưu tầm đầy vất vả, vì không chỉ tiêu tốn tiền bạc mà còn cả tâm huyết, và lòng yêu nghề của anh.

Không chỉ sưu tầm được gần 50.000 cổ vật, anh còn sở hữu 5 ngôi nhà cổ. Trong đó đáng chú ý nhất là 2 nếp nhà có từ năm thứ 7 vua Thành Thái (Thành Thái thất niên) và năm thứ 3 vua Khải Định (Khải Định tam niên). Những ngôi nhà cổ được bài trí khéo léo, bắt mắt, bên trong là toàn bộ gia tài đồ cổ mà anh có được.

Hai năm gần đây, dịch COVID-19 bủa vây ngành du lịch, khu du lịch Lâm Sơn Trang im ắng, nhưng anh thì vẫn chăm chút từng viên đá, lối đi, miệt mài lau chùi từng hiện vật. Anh tự hào giới thiệu về cái cổng với 100 viên đá lăn được xếp theo mô hình Thành Nhà Hồ. “Tôi muốn mọi người đến với không gian này sẽ trân trọng hơn những giá trị văn hóa cổ, yêu hơn lịch sử quê hương và tự hào mình là người Thanh Hóa”, anh Hưng bày tỏ.

Từ một người chở thuê đồ cổ, rồi buôn đồ cổ để kiếm tiền chăm lo cuộc sống gia đình, nay Nguyễn Hải Hưng mong muốn lưu giữ những món đồ này để giữ lại nét đẹp của thời gian cho con cháu, để những người trẻ khi nhìn vào sẽ thấy được vẻ đẹp lao động, nét tài hoa, sự anh thông của các bậc tiền nhân.

“Tôi có được như ngày hôm nay là nhờ đúc rút và học hỏi, tìm tòi mà ra. Không gì là không thể, chính công việc sẽ đốc thúc mình học hỏi từng ngày. Đồ cổ cũng vậy, nếu không tìm hiểu thì sẽ chẳng có giá trị”, anh Hưng tâm sự về nghề.

Sưu tầm đồ cổ là thú vui của những người có tiền. Tuy nhiên, người có rất nhiều tiền cũng chưa chắc đã mua được những món đồ quý hiếm. "Nhiều người cho rằng nghề này bạc lắm. Con cái nhiều khi cũng không vừa lòng với tôi, chúng nó bảo sau này nếu bố không đủ sức khỏe thì trao lại cho nhà nước, chứ bọn con không đủ am hiểu cũng không tỉ mỉ cả ngày xoay quanh một cái lọ gốm như bố được. Tôi sống đơn giản nên luôn tâm niệm rằng, mỗi người một lựa chọn, một nghiệp duyên. Nếu thực tâm yêu nó thì nó sẽ không phụ mình”.

Hành trình 30 năm tìm kiếm, sưu tầm cổ vật của Nguyễn Hải Hưng có đủ cả mất mát và những niềm vui. Có thể ai đó vẫn gọi anh là Hưng đồ cổ, còn anh nói: Tôi thích được gọi là người yêu và mê đồ cổ.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]