(vhds.baothanhhoa.vn) - Văn hóa được ví như “nguồn lực nội sinh”, “sức mạnh mềm” khơi dậy tinh thần, nghị lực, khát vọng xây dựng, cống hiến, phát triển quê hương, đất nước.

Văn hóa xứ Thanh - những cánh én dệt mùa xuân khát vọng

Văn hóa được ví như “nguồn lực nội sinh”, “sức mạnh mềm” khơi dậy tinh thần, nghị lực, khát vọng xây dựng, cống hiến, phát triển quê hương, đất nước.

Văn hóa xứ Thanh - những cánh én dệt mùa xuân khát vọngRực rỡ sắc màu văn hóa tại Liên hoan Văn hóa dân tộc lần thứ XIX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa - 2022.

Từ khát vọng dân tộc…

Ngay từ những ngày đầu tiên đất nước ta có Đảng, tại Cương lĩnh chính trị đầu tiên năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa của dân tộc. Và đến năm 1943, khi nước nhà còn chưa giành được độc lập, Đảng ta đã đề ra “Đề cương văn hóa Việt Nam”, trong đó chỉ rõ văn hóa cũng là một mặt trận, sánh ngang vũ đài với chính trị - kinh tế.

Xuyên suốt tiến trình lịch sử, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” – câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là động lực, vừa là “kim chỉ nam hành động”. Trên hành trình vươn tới tương lai, mỗi người dân đất Việt ghi đậm trong tâm trí nhiệm vụ “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Bản sắc văn hóa dân tộc Việt là cái tồn tại vững bền, là điều thiêng liêng trong hành trang mỗi người con trên dải đất hình chữ S này trân trọng, gìn giữ như kho báu đời mình. Hơn một nghìn năm Bắc thuộc, ngay cả những “đêm trường tăm tối” ấy cũng không đủ sức khiến dân tộc Việt chấp nhận cúi đầu “đồng hóa”. Đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, khi gót giày thực dân, đế quốc chà đạp lên quyền tự do, dân chủ của dân tộc lại chính là lúc mặt trận văn hóa sục sôi ý chí, nêu cao khẩu hiệu “văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa”, “tiếng hát át tiếng bom”… Văn hóa là mặt trận, thành trì vững chãi, có sức mạnh hiệu triệu lòng dân, tạo thành cơn sóng lớn góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Chỉ riêng tính kế thừa của văn hóa cũng đã đủ cho thấy chiều sâu, tâm hồn dân tộc lắng đọng qua hàng nghìn năm lịch sử với bao thăng trầm, biến động. Vì lẽ đó, văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc; văn hóa còn thì dân tộc còn... Đó là tổng kết sâu sắc, thể hiện cái tâm và cái tầm đối với “nguồn sức mạnh nội sinh” quý giá ấy.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định quan điểm: “Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”, “phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất” để xây dựng và phát triển đất nước. Và điều này được khẳng định tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa được tổ chức năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu nêu bật những thành tựu của văn hóa nước nhà trong thời gian qua: Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới gần đây, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc.

… đến “tiểu vùng văn hóa” xứ Thanh

Trong những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở đã có sự quan tâm, lãnh đạo, định hướng trong xây dựng và phát triển văn hóa tỉnh Thanh Hóa; chỉ đạo, quản lý, triển khai thực hiện một cách đồng bộ công tác xây dựng và phát triển văn hóa; xử lý các vi phạm, sai phạm trong lĩnh vực văn hóa đảm bảo kịp thời. Chính vì vậy, chất lượng công tác văn hóa trong giai đoạn vừa qua được nâng lên. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống (văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể) được quan tâm. Hệ thống thiết chế văn hóa được tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng. Các hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật phát triển tích cực hơn, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng Nhân dân được phát triển mạnh mẽ; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách cho mỗi người dân Thanh Hóa, xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được kết quả bước đầu, góp phần vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Theo dòng thời gian, cùng biết bao nỗ lực cố gắng, ý chí sinh tồn, tài năng, sức sáng tạo, qua các nền văn hóa - văn minh, xứ Thanh - “một Việt Nam thu nhỏ”, đã ghi dấu ấn sâu đậm về “địa điểm nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thống và vĩ đại”, là “nơi căn bản của nước Nam”... Những trầm tích lịch sử - văn hóa ấy đã kết tinh, lắng đọng, hòa quyện vào nhau dệt nên bức tranh di sản đa sắc, đa thanh, độc đáo, hấp dẫn. Theo số liệu thống kê, trên mảnh đất xứ Thanh hiện có 1.535 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, bảo vệ, trong đó có 854 di tích đã được xếp hạng. Xứ Thanh vinh dự và tự hào có 1 di sản văn hóa thế giới là Thành Nhà Hồ, 5 di tích quốc gia đặc biệt; 14 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 139 di tích quốc gia, 709 di tích cấp tỉnh... Toàn tỉnh hiện có 403 lễ hội, lễ tục truyền thống gắn liền với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được Nhà nước công nhận. Hoạt động lễ hội, các sự kiện văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua được tổ chức quy mô, mang đậm giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa xứ Thanh. Việc tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, lễ hội lớn đã khẳng định bề dày truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hóa Thanh Hóa, thông qua đó quảng bá, giới thiệu rộng rãi văn hóa, con người Thanh Hóa với công chúng, bạn bè trong nước và quốc tế, nâng cao vị thế của văn hóa xứ Thanh. Đây là tài sản vô giá, nguồn lực nội sinh quan trọng, động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quê hương, đất nước.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững được xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, mang tính chiến lược, cốt lõi. Thống nhất quan điểm chỉ đạo, trong thời gian qua, việc xây dựng con người Thanh Hóa được cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở triển khai một cách đồng bộ thông qua các phong trào: “Xây dựng gia đình văn hóa; “Công dân kiểu mẫu”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”; “Xây dựng phong cách nhà giáo, trường học thân thiện, học sinh tích cực”...

Với những gì đang có, ngành văn hóa chính là đội quân xung kích, mũi nhọn góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh và đất nước, “tạo nền tảng để tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn về văn hóa của khu vực và cả nước” theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Bài và ảnh: Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]