(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu kể tên những vùng đất - làng cổ của xứ Thanh, sẽ không thể thiếu Kẻ Bôn - Cổ Bôn, nay là xã Đông Thanh (Đông Sơn). Đi qua thời gian với những thăng trầm phát triển là những “trầm tích” văn hóa lắng đọng. Để hôm nay, nhắc đến Cổ Bôn, đó vẫn là niềm tự hào về truyền thống học hành, khoa cử, văn hóa, lịch sử.

Về làng Cổ Bôn xưa

Nếu kể tên những vùng đất - làng cổ của xứ Thanh, sẽ không thể thiếu Kẻ Bôn - Cổ Bôn, nay là xã Đông Thanh (Đông Sơn). Đi qua thời gian với những thăng trầm phát triển là những “trầm tích” văn hóa lắng đọng. Để hôm nay, nhắc đến Cổ Bôn, đó vẫn là niềm tự hào về truyền thống học hành, khoa cử, văn hóa, lịch sử.

Về làng Cổ Bôn xưaĐền thờ Đức Thánh cả Đế Thích cổ kính trong không gian văn hóa vùng đất Cổ Bôn.

Đông Sơn... Tứ Bôn và lễ tục tôn vinh việc học

Làng Cổ Bôn xưa gồm bốn làng nhỏ: Kim Bôi; Ngọc Tích; Phúc Triều và Quỳnh Bôi. Ở đó, mỗi làng lại có mô hình giống một xã. Bởi vậy ngoài tên Cổ Bôn thì dân gian thường gọi là Tứ Bôn. Tứ Bôn nổi tiếng với truyền thống học hành, khoa bảng gắn liền tên tuổi của nhiều bậc đại khoa đỗ đạt lưu danh sử sách. Và để ngợi ca việc học ở Cổ Bôn, trong dân gian xứ Thanh vẫn lưu truyền những câu nói: “Đông Sơn Tứ Bôn, Hoằng Hóa Lưỡng Bột”. Trong lịch sử thi cử thời phong kiến, riêng Tứ Bôn có tới 7 vị đỗ đại khoa. Hoàng giáp Lưu Ngạn Quang (đỗ khoa Tân Sửu 1481 dưới triều vua Lê Thánh Tông) là người mở đầu cho truyền thống khoa bảng ở Cổ Bôn.

Việc học và những người đỗ đạt cao ở đất Cổ Bôn xưa được cực kỳ coi trọng, gắn liền với đó là hai lễ tục đẹp diễn ra vào tháng Giêng hàng năm: lễ Triều quan và Khảo thí.

Theo đó, lễ Triều quan diễn ra vào sáng mùng 2 Tết Nguyên đán. Những thành viên trong hội Tư văn (gồm những người đậu Tú tài trở lên) của làng khăn áo chỉnh tề, tập trung ở nhà Thánh lễ Đức Khổng Tử và Thất thập nhị hiền. Sau đó, hội Tư văn sẽ cử 12 người mặc áo thụng (màu xanh hoặc đen), đội mũ tế, đi giày tế đến gia đình các vị khoa bảng, có tài đức, được người dân trong làng trọng vọng để làm lễ tưởng niệm. Những người được hậu sinh làm lễ Triều quan ở Cổ Bôn có thể kể đến: Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi, Hoàng Giáp Lưu Ngạn Quang, Tiến sĩ Lê Khả Trù, Thám hoa Thiều Sĩ Lâm...

Sau lễ Triều quan là lễ Khảo thí vào ngày 16 tháng Giêng. Vào buổi sáng Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng), các gia đình có con đang “dùi mài kinh sử” sẽ làm lễ cúng gia tiên. Sau đó, vào buổi chiều cùng nhau góp tiền, gạo làm cỗ tết ở nhà thầy dạy học, gọi là “cỗ đồng môn”. Cỗ được bày biện để cúng gia tiên nhà thầy, sau đó diễn ra với sự tham gia của cả học trò cũ đã đỗ đạt và người đang theo học. Đến sáng ngày 16, các học trò chuẩn bị sẵn giấy bút, tập trung ở nhà Thánh lễ của làng. Các bậc cao tuổi, học vấn sâu rộng trong làng sẽ trực tiếp ra đề và ban giám khảo là toàn bộ hội Tư văn. Việc chấm điểm, bình xét, xếp giải thí sinh tham gia lễ Khảo thí diễn ra nghiêm túc, công khai. Người đỗ đầu và đủ 18 tuổi, có tài đức được đặc cách xét vào hội Tư văn ngay trong năm. Bên cạnh, những người có công trong việc dạy học, dù chỉ là ông đồ làng thì vẫn coi trọng, hậu thế nhớ tên, văn bia lưu truyền.

Nhớ về hội làng Cổ Bôn

Cổ Bôn không chỉ nổi tiếng với truyền thống học hành, khoa bảng mà còn có “kho tàng” văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc được lưu truyền. Người dân Cổ Bôn vẫn luôn tự hào: “Có nơi đâu bằng phong cảnh Cổ Bôn ta/ Trải bốn mùa đàn độc xướng ca/ Kể trong trấn Thanh Hoa là đệ nhất”.

Khác với nhiều làng quê, Cổ Bôn có bốn làng, mỗi làng lại có vị Thành hoàng làng được người dân suy tôn, thờ phụng riêng. Theo đó, Thành hoàng làng Ngọc Tích là Đế Thích, hiệu Đức Thánh cả. Từ Thần phả của làng, người dân địa phương tin rằng, Đức Thánh cả khi xưa đã mộng báo giúp nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược. Về sau, cũng chính Đức Thánh cả đã phù trợ cho Bình Định Vương Lê Lợi đánh thắng giặc Minh.

Thành hoàng làng Phúc Triền Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi - “Bậc danh nho đỗ cao, được ba vua tri ngộ, đức nghiệp và tiếng tăm hơn cả các nho thần đầu đời Trung hưng” (sử gia Phan Huy Chú); cùng với cha mình là Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi, Đăng Quận công Nguyễn Khải lại được dân làng Kim Bôi suy tôn làm Thành hoàng. Việc những gia đình danh giá, có truyền thống làm quan lớn trong lịch sử phong kiến dân tộc vốn không phải chuyện hiếm. Nhưng, cả cha và con đều được người dân ở một vùng đất nổi tiếng “văn vật” suy tôn Thành hoàng làng có lẽ cũng là chuyện hy hữu.

Về làng Cổ Bôn xưa

Người dân Cổ Bôn xưa nay là xã Đông Thanh luôn tự hào về truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa tốt đẹp trên quê hương.

Và ở làng Quỳnh Bôi, Thành hoàng làng là Hắc Bạch Đại vương. Đây cũng là vị Thành hoàng làng có liên quan tới Đăng Quận công Nguyễn Khải. Tương truyền, khi Đăng Quận công Nguyễn Khải đem quân đi đánh nhà Mạc, ông nhìn lên ngọn núi đầu làng có con cáo trắng đứng trên tảng đá, trên bầu trời có tán mây che, cho rằng cáo trắng là vị thần hiển linh nên ông đã quỳ xuống khấn nguyện được phù trợ để “phò Lê diệt Mạc”, đánh thắng kẻ thù, nếu thắng sẽ thờ phụng và tâu xin với triều đình sắc phong. Về sau quả nhiên thắng trận. Giữ lời hứa, Đăng Quận công Nguyễn Khải đã xây bệ thờ thần linh, sau đó triều đình sắc phong Hắc Bạch Đại vương.

Tuy là Tứ Bôn - bốn làng có bốn vị Thành hoàng làng song không đơn giản “thánh làng nào làng ấy thờ” mà vẫn có sự gắn kết bền chặt. Minh chứng là lễ hội làng Cổ Bôn, diễn ra vào ngày 20 tháng Giêng hàng năm.

Theo lời kể của các vị cao niên trong làng, hội làng Cổ Bôn xưa kia diễn ra trang nghiêm. Trung tâm tổ chức lễ hội là Áng tế - khu đất cao, bằng phẳng, phân thành hai cấp: Nền đất cao là bệ thờ các vị thần linh, Thành hoàng làng và nền thấp hơn làm sân tế. Trên nền đất cao, đặt bệ thờ của Hắc Bạch Đại vương; Đế Thích và Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi và cuối cùng là Đăng Quận công Nguyễn Khải. Trước đó, các làng sẽ rước kiệu (8 đến 16 người khiêng) đưa linh vị các Thành hoàng làng với sự tham gia đông đủ của bô lão và người dân tập trung về Áng thờ. Ban tế gồm đông đủ các thành phần trong làng và chủ tế bao giờ cũng là Lý trưởng.

Nói về nguồn gốc của hội làng Cổ Bôn, người dân địa phương vẫn kể lại: Xa xưa, một năm vào ngày 19 tháng Giêng, làng bị giặc đến tàn phá, sát hại nhiều người vô tội. Về sau dân làng cùng nhau sắm sửa lễ vật để nhớ về người đã khuất. Qua thời gian trở thành hội làng. Bên cạnh các nghi thức tế lễ, hội làng Cổ Bôn hấp dẫn hơn với các trò diễn dân gian, như: đánh cờ; trò Tiên Cuội; trò Thủy phường; trò Ngô phường; trò Lan phường; trò Lăng ba khúc... Ngoài lễ hội Cổ Bôn, còn có lễ Rước Bóng diễn ra vào ngày 27 tháng 2 (âm lịch) cũng vô cùng hấp dẫn...

Tuy nhiên, vì nhiều lý do dẫn đến lễ tục truyền thống- nét đẹp văn hóa nơi vùng đất Cổ Bôn đang dần bị mai một, chỉ còn “sống” trong ký ức của một số bậc cao niên trong làng. Ông Lê Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thanh, cho biết: “Cổ Bôn, nay là xã Đông Thanh là vùng đất cổ, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa dân gian đặc sắc. Trải qua thời gian với sự đổi thay của lịch sử, nhiều di tích bị xuống cấp, lễ tục đẹp không được tổ chức dẫn đến mai một, thất truyền. Hiện nay, trên địa bàn xã có 11 di tích đã được xếp hạng và lễ hội Rước Bóng được duy trì tổ chức thường xuyên, thu hút người dân địa phương và người xa quê nhớ về nguồn cội. Mong muốn bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống do cha ông xưa sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đông Thanh hy vọng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp và ngành chuyên môn, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở Cổ Bôn sẽ từng bước được khôi phục”.

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]