(vhds.baothanhhoa.vn) - Làng Nghĩa Kỳ là một trong những địa chỉ đỏ, lá cờ đầu về tinh thần yêu nước, phong trào cách mạng của tỉnh.

Về Nghĩa Kỳ để hiểu thêm một di tích lịch sử

Làng Nghĩa Kỳ là một trong những địa chỉ đỏ, lá cờ đầu về tinh thần yêu nước, phong trào cách mạng của tỉnh.

Về Nghĩa Kỳ để hiểu thêm một di tích lịch sử

Ngược dòng lịch sử

Thôn Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc) nay, xưa thuộc Kẻ Đẽn, rồi đổi qua các tên: làng Rào, làng Phúc Tường. Kể từ năm 1946, làng chính thức mang tên Nghĩa Kỳ (Cờ khởi nghĩa).

Từ thế kỷ thứ XIX, đình làng Nghĩa Kỳ đã được xây dựng làm nơi tụ họp để bàn bạc, quyết định những việc quan trọng của làng. Đây còn là địa điểm diễn ra các sự kiện lịch sử tiêu biểu ở địa phương trong thời kỳ hoạt động bí mật của Đảng và phong trào Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (Cách mạng Tháng Tám 1945).

Theo sách Lịch sử xã Vĩnh Hòa, lãnh đạo Việt Minh của làng đã tổ chức rải truyền đơn kêu gọi Nhân dân đấu tranh chống chính sách cướp bóc của Nhật. Nội dung truyền đơn tố cáo âm mưu thâm độc của phát xít Nhật, kêu gọi Nhân dân không đi phu cho Nhật, không bán nông sản cho Nhật. Vụ bông năm 1944, làng Phúc Tường phải bán cho Nhật 200kg bông với giá rẻ mạt. Trước thực tế bất công ấy, Nhân dân trong làng đã đoàn kết kiên quyết đấu tranh không một nhà nào, người nào bán bông cho Nhật.

Trước đó, tháng 6-1928, tiểu tổ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở huyện Vĩnh Lộc được thành lập, do đồng chí Trịnh Huy Quang - một người con của làng làm Bí thư tiểu tổ. Tại đây, đồng chí Trịnh Huy Quang đã xây dựng được cơ sở quần chúng cách mạng.

Trong thời kỳ hoạt động bí mật, năm 1936, đồng chí Trịnh Huy Quang, cùng em trai là Trịnh Huy Lãng (còn có tên là Trần Tiến Quân) và các đồng chí khác đã đứng ra tổ chức và lãnh đạo Hội Tương tế ái hữu, với mong muốn tập hợp quần chúng đấu tranh, chống cường quyền bạo lực, phát triển dân trí, cải cách hương thôn, đòi tự do dân chủ. Ngoài ra, nhiều tổ chức cách mạng đã ra đời như: Mặt trận phản đế cứu quốc làng Phúc Tường (thành lập năm 1940); Mặt trận Việt Minh làng Phúc Tường (1943); Trung đội tự vệ làng Phúc Tường (1945). Đặc biệt, tối 18-8-1945, tại đình làng, đồng chí Trần Hữu Hỡi, Phó Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Vĩnh Lộc đã đọc lệnh Tổng khởi nghĩa và giao nhiệm vụ cho các đồng chí Trịnh Huy Tự - Tổng chỉ huy và Cao Ngọc Oanh, Cao Ngọc Tôn chỉ huy lực lượng tự vệ của xã Vĩnh Hòa xuống khu vực miền xuôi làm nhiệm vụ giành chính quyền.

Những năm tháng cách mạng sục sôi ấy đã rèn luyện, bồi dưỡng nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung trưởng thành. Trong đó, đồng chí Trịnh Huy Quang sau này là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa giai đoạn 1936-1939; đồng chí Trần Tiến Quân, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa từ năm 1964 đến năm 1977.

Và những mong muốn của người dân làng Nghĩa Kỳ

Làng Nghĩa Kỳ là một trong những địa chỉ đỏ, lá cờ đầu về tinh thần yêu nước, phong trào cách mạng của tỉnh. Huyện Vĩnh Lộc có 61 cán bộ lão thành cách mạng, thì riêng làng Nghĩa Kỳ có 13 người (chiếm gần 22%). Hiện nay, vẫn còn 3 đồng chí lão thành cách mạng, huy hiệu 75 năm tuổi Đảng hiện đang sinh sống tại làng. Đó là các cụ Lê Văn Trực (SN 1923), Trịnh Thị Vẹt (SN 1924), Trịnh Thị Tân (SN 1930). Tự hào về mảnh đất con người nơi đây, cụ Lê Đảng (SN 1930), đọc 4 câu thơ: "Phúc Tường quang cảnh tuyệt vời/ Đa làng tỏa bóng đình ngồi họp chung/ Trước làng sông Mã uốn cong/ Cái nôi cách mạng ghi công nhiều người”. Nối tiếp lịch sử ấy, những thế hệ đi sau luôn giác ngộ cách mạng, yêu thương đoàn kết, và giữ vững truyền thống hiếu học.

Hiện nay, 300 hộ dân trong thôn Nghĩa Kỳ đang phấn đấu xây dựng thành công thôn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2021. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, các tài liệu văn tự cổ về đình Nghĩa Kỳ không còn lưu giữ, nhiều đồ thờ, sắc phong bị phá hủy, thất lạc. Xác định đình làng là một trong những di tích lịch sử quan trọng của địa phương, năm 2006, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận ủng hộ của toàn thể Nhân dân và các nhà hảo tâm, con em xa quê, di tích đình Nghĩa Kỳ đã được trùng tu, tôn tạo lại trên nền móng cũ. Cứ đến ngày 15 tháng Giêng tổ chức hội làng; ngày 14 tháng 11 âm lịch tổ chức ngày giỗ Thành hoàng làng, con cháu khắp nơi trở về thắp nén nhang cầu mong bình yên, may mắn. Ngôi đình cũng đang được lập hồ sơ trình các ngành, các cấp có thẩm quyền xem xét xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ông Vũ Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, cho biết: "Ghi nhận công lao của cán bộ, đảng viên và Nhân dân làng Phúc Tường từ khi có Đảng lãnh đạo (1930) đến ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Đảng và nhà nước đã quyết định công nhận 16 đồng chí là cán bộ lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa và 5 gia đình có công với nước. Trân trọng quá khứ để xây dựng cuộc sống ngày nay tốt đẹp hơn, Nhân dân xã Vĩnh Hòa nói chung, thôn Nghĩa Kỳ nói riêng thực sự mong muốn đình Nghĩa Kỳ trở thành một di tích lịch sử. Đây là sự tri ân của người đời sau với tiền nhân, đồng thời là niềm tự hào, sự phấn đấu vươn lên nối tiếp truyền thống của các thế hệ mai sau”.

Đình Nghĩa Kỳ, dẫu bao lần bị tàn phá bởi chiến tranh và thiên tai, nhưng dòng chảy văn hóa, lịch sử gắn liền với không gian mái đình vẫn thấm đẫm qua bao thế hệ người dân địa phương. Chắc chắn nếu được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong việc giữ gìn những nét đẹp văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, Nhân dân.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]