(vhds.baothanhhoa.vn) - Cách trung tâm huyện Ngọc Lặc gần 10km, xã miền núi Cao Ngọc là không gian - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa Mường đặc sắc.

Về nơi lưu giữ giá trị văn hóa Mường

Cách trung tâm huyện Ngọc Lặc gần 10km, xã miền núi Cao Ngọc là không gian - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa Mường đặc sắc.

Về nơi lưu giữ giá trị văn hóa MườngNghề dệt thổ cẩm ở xã Cao Ngọc không chỉ được bảo tồn mà ngày càng phát triển.

Tìm về xã Cao Ngọc, ấn tượng đầu tiên là những ngôi nhà cũ, mới đan xen nhau tựa lưng vào núi, tạo nên không gian bản làng bình yên. Bên cạnh những nhà sàn gỗ lâu năm, là nhà sàn mới được xây bằng vật liệu bê tông. Cuộc sống hiện đại với nhiều đổi thay, nhưng với người dân địa phương, nhà sàn dường như đã trở thành một phần “hồn cốt”. Ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ nhà sàn ở Cao Ngọc hiện đang chiếm khoảng 25%. Và điều đáng mừng, xu hướng xây nhà đang được nhiều người dân lựa chọn là mô hình nhà sàn truyền thống.

Là xã tương đối rộng với 10 thôn (làng) và hơn 5.100 nhân khẩu Cao Ngọc có đến 98% là đồng bào dân tộc Mường. Người Mường đến Cao Ngọc sinh sống từ rất sớm, đời nối đời trên vùng đất được ông cha khai phá, dựng nên bản làng, các thế hệ người Mường tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống và không quên gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Dễ hiểu vì sao, mỗi khi nhắc đến không gian văn hóa Mường, nhiều người lại nhắc đến Cao Ngọc.

Nhắc đến văn hóa Mường, không thể không nhắc đến 3 di sản văn hóa của người Mường huyện Ngọc Lặc đã vinh dự được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: trò diễn Pôồn Pôông; hát Xường giao duyên; nghệ thuật trình diễn dân gian hát Sắc bùa. Điều thú vị, ở Cao Ngọc, cả 3 loại hình di sản kể trên đều đang được lưu giữ và phát huy tốt giá trị.

Theo chân anh Phạm Văn Hải, công chức văn hóa xã hội xã Cao Ngọc, chúng tôi về làng Lỏ (Lọ) tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng - người nghệ nhân già được ví như “người giữ hồn” bản Mường. Nghệ nhân Phạm Thị Tắng là một trong những người hiểu rõ về văn hóa Mường. Không chỉ vậy, bà vẫn là người nhảy Pôồn Pôông đẹp nhất, thuộc nhiều và hát Xường giao duyên hay nhất, cũng đồng thời là người thường xuyên dẫn đầu các Phường Chúc trong nghệ thuật trình diễn dân gian hát Sắc bùa.

Bên trong căn nhà sàn truyền thống của nghệ nhân Phạm Thị Tắng, ngoài cây bông nhiều bậc là rất nhiều những bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành ghi nhận đóng góp, cống hiến của bà cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Không quá lời khi nói rằng, như một cái duyên, cả cuộc đời bà là sự gắn bó, say mê và đắm đuối với văn hóa Mường.

Bên khung cửa sổ nhà sàn, nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng (người dân trong vùng thường gọi bà là Máy Tắng) kể cho chúng tôi nghe về văn hóa Mường và nét đẹp mỗi loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

Theo quan niệm của người Mường, bà Máy là người được ma Nổ (ông tổ của nghề thuốc Nam) tin tưởng giao cho trọng trách hái thuốc nam (lá cây rừng) về chữa bệnh cho người dân trong làng bản. Bà Máy phải là người có đức được cộng đồng người Mường tín nhiệm. Một bà Máy tài giỏi là người có nhiều con mày, con nuôi (những người được bà Máy cứu chữa khỏi bệnh). Sau khi đã khỏi bệnh, để trả ơn ma Nổ, con mày, con nuôi sẽ dựng cây bông tại nhà bà Máy. Để hàng năm, tổ chức lễ hội Pôồn Pôông (lễ hội vui chơi, hát múa bên cây bông).

Trong lễ hội Pôồn Pôông thì phần lễ vô cùng quan trọng. Đây là nghi lễ mang đậm màu sắc tâm linh, thể hiện lòng thành kính của con mày, con nuôi và bà Máy với ma Nổ. Sẽ có những mâm lễ do con mày, con nuôi chuẩn bị để bà Máy dâng lên ma Nổ, mời ma Nổ về dự lễ và cho phép lễ hội diễn ra. Trước bàn thờ ma Nổ, trong trang phục truyền thống, bà Máy sẽ thực hiện nghi lễ “báo cáo” với ma Nổ, thần linh bằng các bài hát văn vần (xường đang). Qua đó, kể lại huyền thoại từ lúc có trời đất, con người, rồi việc lập làng bản… báo cáo thần linh về mùa màng bội thu, cầu cho mưa thuận gió hòa. Khác với lễ hội truyền thống ở các huyện miền xuôi diễn ra vào ngày cố định, lễ hội Pôồn Pôông của người Mường thường tổ chức vào mùa xuân (tháng 3 âm lịch). Sau những nghi lễ là các trò chơi múa hát quanh cây bông. Trong trang phục truyền thống, đàn ông, phụ nữ sẽ cũng nhau “tái hiện” lại việc chia đất, chia nước, săn bắn thú dữ, cấy cày… rồi hát những bài xường giao duyên, để từ lễ hội, không ít trai gái đã nên duyên vợ chồng.

Khác với lễ hội Pôồn Pôông, hát Sắc bùa lại là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian với các Phường Chúc. Đó là khi trong làng nhà ai đó có việc vui (về nhà mới, lấy vợ, lấy chồng…) đặc biệt là mừng năm mới. Lúc này, đội Phường Chúc sẽ mang cồng chiêng đi hát chúc mừng. Mới đây, nghệ thuật trình diễn dân gian hát Sắc bùa của người Mường huyện Ngọc Lặc vinh dự được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Và người Mường xã Cao Ngọc tự hào là một trong những địa phương bảo tồn tốt loại hình văn hóa này.

Về nơi lưu giữ giá trị văn hóa MườngNghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Tắng.

Theo chia sẻ của công chức văn hóa xã hội xã Cao Ngọc anh Phạm Văn Hải: Hàng năm (khi chưa xảy ra đại dịch COVID-19) vào mỗi đêm giao thừa, đội Phường Chúc của xã Cao Ngọc lại ra trung tâm huyện để “đi chúc”, rồi hát các bài xường mừng năm mới, tạo không khí rộn rã, tươi vui. Nhằm phát huy tốt hơn nữa các loại hình văn hóa Mường tại địa phương, đầu năm 2022 xã Cao Ngọc đã thành lập CLB hát Xường giao duyên với 27 thành viên. Đây cũng là CLB xường giao duyên đầu tiên được thành lập trên địa bàn huyện Ngọc Lặc.

Về Cao Ngọc, tìm hiểu về văn hóa Mường, nhận thấy điều thật thú vị, trong mọi sinh hoạt văn hóa của đồng bào Mường nơi đây, không bao giờ thiếu đi âm vang tiếng cồng chiêng. Với người Mường, cồng chiêng giữ vai trò quan trọng. Vì vậy ở tất cả các nhà văn hóa làng bản trong xã đều có cồng chiêng để trưng bày và đánh trong những dịp lễ, tết. Cồng chiêng và cây bông là hai “biểu tượng” văn hóa của người Mường ở Cao Ngọc.

Ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống ông cha của đồng bào Mường xã Cao Ngọc còn hiển hiện ngay trong đời sống hàng ngày. Trong khi, nhiều nơi nghề dệt thổ cẩm đã và đang dần mai một, thất truyền thì ở Cao Ngọc, nghề dệt thổ cẩm đang ngày càng phát triển. Không hiếm những hộ gia đình trên địa bàn xã có 3, 4 khung dệt. Tiêu biểu như cơ sở sản xuất thêu dệt hàng thổ cẩm dân tộc Mường Bảo Hằng (làng Nhỏi). Sản phẩm dệt thổ cẩm ở Cao Ngọc tập trung chủ yếu vào trang phục như váy, khăn, chăn, ga… không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ mà còn đưa ra các địa phương khác trong và ngoài tỉnh tiêu thụ. Bên khung dệt, người phụ nữ Mường thoăn thoắt đôi tay, liên tục đôi chân không ngơi nghỉ và miệng cười nói rôm rả. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống mang lại thêm thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào Mường nơi đây.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]