(vhds.baothanhhoa.vn) - Khu di tích đền Nưa - Am Tiên (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn) được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2009, không chỉ được biết đến là nơi Bà Triệu dấy binh đánh tan quân xâm lược phương Bắc, mà còn là một trong những nơi có huyệt đạo linh thiêng bậc nhất nước ta.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuân về lễ hội Đền Nưa - Am Tiên

Khu di tích đền Nưa - Am Tiên (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn) được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2009, không chỉ được biết đến là nơi Bà Triệu dấy binh đánh tan quân xâm lược phương Bắc, mà còn là một trong những nơi có huyệt đạo linh thiêng bậc nhất nước ta.

Theo chân những người con xứ Thanh du xuân dịp đầu năm, du khách không thể không đặt chân đến với di tích lịch sử Am Tiên nằm trên đỉnh núi Nưa (thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn). Bạn có thể chọn đi theo Quốc lộ 47 về phía Tây khoảng 30 km, đi xe buýt số 17 xuống điểm đỗ ngã ba xã Tân Ninh hoặc đi con đường liên xã Đông Yên để đến núi Nưa.

Dãy núi Ngàn Nưa còn được biết đến là một danh thắng linh thiêng bậc nhất xứ Thanh. Với độ cao hơn 500m so với mực nước biển, quanh năm sương trắng giăng mờ khiến cảnh sắc nơi đây đã ghi dấu chân của du khách và là một điểm du xuân lý thú của những ngày đầu năm mới. Trên đỉnh Ngàn Nưa chính là Am Tiên, tương truyền đây là một trong những huyệt đạo linh thiêng bậc nhất của nước Nam, bên cạnh Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Yên Tử (Quảng Ninh), núi Bà Đen (Tây Ninh). Huyệt đạo Am Tiên là nơi giao thoa của đất, trời và con người.. “Điểm” huyệt thiêng được khoanh vùng rộng khoảng vài chục mét vuông, theo kế hà hồ đó là Thiên - Địa - Nhân - Hợp - Nhất, 4 hướng đều có 4 bát hương và ở giữa một bát hương của thổ thần ứng với Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.Trên dãy núi Ngàn Nưa còn có giếng Tiên, cao 580m so với mực nước biển nhưng nước không bao giờ cạn, múc bao nhiêu đầy bấy nhiêu. Thời Bà Triệu khởi nghĩa đây được coi là nguồn nước để phục vụ sinh hoạt cho nghĩa quân.Ngoài ra, giếng Tiên còn gắn liền với nhiều giai thoại khác nhau, du khách đến đây thường lấy nước lên uống, rửa mặt, đắp mắt để cầu mong một năm mát mẻ, không ốm đau, bệnh tật. Có người còn cho rằng nước giếng Tiên có thể chữa khỏi bệnh đau đầu, chẳng hạn lấy nước gội lên đầu lát sau thấy khỏi bệnh, hay các người già trong làng khi ốm đau thường bảo con cháu lấy nước giếng Tiên về uống sẽ khỏi. Thậm chí, nhiều người không quên xin nước về để thắp hương cúng gia tiên.

Lễ hội đền Nưa.

Lễ hội đền Nưa - Am Tiên được bắt đầu từ ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm và kéo dài cho đến cuối tháng. Ngoài phần lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi... còn có phần hội, tổ chức các hoạt động văn nghệ đặc sắc do các nghệ sỹ đến từ các đội văn nghệ quần chúng của địa phương, ngoài ra còn có các hoạt động giao lưu thể thao.

Ông Lê Bật Sơn thủ từ tại đây cho biết: Những ngày này, du khách ở khắp mọi nơi đã tụ họp về đây để tham gia lễ hội truyền thống đền Nưa - Am Tiên. Trước đây để lên được đền, các phật tử phải đi bộ qua 7 dãy núi hiểm trở, vách đá cheo leo, vô vàn khó khăn. Nhưng cũng chính những khó khăn ấy mà du khách càng cảm nhận hơn sự kỳ vĩ và sâu thăm thẳm của dãy núi Ngàn Nưa. Núi có chiều dài với 20 km, làm lên bức trường thành Đông Nam hùng mạnh, một vùng thung lũng rộng lớn, dưới chân núi là đồng bằng châu thổ, đất đai màu mỡ từ xa xưa. Những năm gần đây lượng du khách đến thăm lễ hội ngày càng tăng, bình quân mỗi năm từ 2 - 2,5 vạn lượt khách. Chuẩn bị cho ngày diễn ra lễ hội đền Nưa - Am Tiên, chúng tôi cũng đã phân công chặt chẽ cho từng bộ phận để làm sao khi du khách về đây du xuân vãn cảnh được thanh thản và thoải mái nhất. Để công tác quản lý lễ hội thực sự đi vào nền nếp, theo ông Bùi Kim Dậu - Trưởng phòng VHTT huyện Triệu Sơn, cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản gửi đến địa phương và khu di tích về thực hiện công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2019.

Đông đảo du khách về tham dự lễ hội đền Nưa - Am Tiên đầu xuân.

Theo đó, trước mùa lễ hội, địa phương đã tiến hành xây dựng kế hoạch, thành lập ban tổ chức lễ hội và phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên; công tác thông tin tuyên truyền được quan tâm chú trọng thông qua nhiều hình thức nhằm giới thiệu về di tích, lễ hội... đến với đông đảo nhân dân và du khách. Bên cạnh đó, tích cực vận động nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội, hạn chế thắp hương, đốt vàng mã; cắt cử người trông coi, thu gom tiền giọt dầu, đồ lễ, rác thải... tạo cảnh quan sạch sẽ, tăng phần trang nghiêm cho di tích.

Hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được bố trí khoa học, hợp lý, xa khu vực di tích. Các điểm kinh doanh phải ký cam kết về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; không tăng giá, ép giá du khách; không bày bán không để các hiện tượng mê tín dị đoan, thu vé xe cao tại di tích, lễ hội.

Đồng thời, lực lượng công an thường trực, kiểm tra và giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, các phương tiện xe máy ô tô đến với khu di tích được hướng dẫn vào bãi xe đảm bảo an toàn. Đến với đền Nưa - Am Tiên vào những ngày đầu xuân, du khách sẽ được đắm chìm trong bạt ngàn lau trắng quyện mình vào mây và gió trời để tạo nên những con đường quanh co vây quanh là làn sương mờ bao phủ. Hòa mình vào tiết trời xuân mới cùng linh khí trời đất, du khách như được bồng bềnh trong một miền cổ tích và cùng tin vào những điều tốt đẹp của một ngày mai tươi sáng.

Bảo Thanh


Bảo Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]