(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm 1975, miền Nam được giải phóng, giang sơn thu về một mối, người lính Bùi Khắc Viên rời tay súng, trở về với cuộc sống đời thường, mang trong mình thương tật chiến tranh, anh là thương binh hạng hai trên bốn. Là người say mê con chữ, sự thôi thúc mãnh liệt như để trả nợ đồng đội, những người còn sống, những người đã nằm lại chiến trường, anh đã sáng tác những vần thơ về những ngày chiến đấu gian khổ, những mất mát hy sinh, những nghĩa tình đồng đội, quân dân ấm áp, những ngẫm ngợi về thời kỳ hậu chiến... Thơ anh là nỗi niềm đau đáu về đồng đội, ai còn, ai mất. “Chất lính” trở thành nguồn cảm hứng xuyên suốt trong bốn tập thơ đã xuất bản: Màu sắc quê hương (In chung, 1974); Lời đồng đội (2013); Chao nghiêng cánh võng (2019); Những cung đường ra trận (2021).

Chất lính trong thơ Bùi Khắc Viên

Năm 1975, miền Nam được giải phóng, giang sơn thu về một mối, người lính Bùi Khắc Viên rời tay súng, trở về với cuộc sống đời thường, mang trong mình thương tật chiến tranh, anh là thương binh hạng hai trên bốn. Là người say mê con chữ, sự thôi thúc mãnh liệt như để trả nợ đồng đội, những người còn sống, những người đã nằm lại chiến trường, anh đã sáng tác những vần thơ về những ngày chiến đấu gian khổ, những mất mát hy sinh, những nghĩa tình đồng đội, quân dân ấm áp, những ngẫm ngợi về thời kỳ hậu chiến... Thơ anh là nỗi niềm đau đáu về đồng đội, ai còn, ai mất. “Chất lính” trở thành nguồn cảm hứng xuyên suốt trong bốn tập thơ đã xuất bản: Màu sắc quê hương (In chung, 1974); Lời đồng đội (2013); Chao nghiêng cánh võng (2019); Những cung đường ra trận (2021).

Chất lính trong thơ Bùi Khắc ViênẢnh: Chi Anh

Sau chiến tranh, trở về với đời thường, cựu chiến binh Bùi Khắc Viên khi nào cũng vọng tưởng về đồng đội, những tháng năm chiến đấu gian khổ, hy sinh: “Thôi lỡ hẹn, mình em về chốn cũ/ Xao xác triền đê, bụi trinh nữ tím chiều/ Ai nhặt hộ cỏ may dính áo/ Ai đưa em về sau nắng hoàng hôn/ Thôi lỡ hẹn, ngày về không hẹn trước/ Thăm thẳm rừng, vời vợi núi sông/ Ai lợp lại mái tranh cho mẹ/ Ai thay cha mai sáng cuốc cày”.

Tuổi thanh xuân các anh để lại nơi chiến trường: Mối tình đầu dang dở, mẹ cha mòn mỏi chốn quê, bỏ lại ước mơ giảng đường đại học, làm thầy giáo đem con chữ cho các em thơ... Sự hy sinh của các anh gieo mầm cho tương lai sự sống, xanh đất, tươi cây. Cuộc đời người lính, đối mặt với quân thù, sống chết trong gang tấc. Anh thấu hiểu sâu sắc điều đó. Có những lúc, xúc cảm thật lãng mạn, tâm hồn người lính nhớ về quê hương, cây đa, sân đình, bến nước, một dáng hình con gái. Nỗi nhớ làm cho trái tim trai trẻ mềm đi, quên hết gian lao, hướng về ngày mai tươi sáng: “Đêm trở mình nhớ tiếng suối reo/ Nhớ núi dăng dăng đá tai mèo/ Nhớ con đường nhỏ xa bản vắng/ Nhớ mảnh trăng non giữa xóm nghèo.../ Nhớ bến sông xưa đêm dưới trăng/ Nhớ mái đình cong, dải yếm hồng/ Nhớ con đường vắng nơi hò hẹn/ Nhớ ngỏ lời yêu ai nhớ không” (Nhớ). Nghĩa tình nặng sâu, nâng đỡ bước chân người lính trên đường trận mạc, vững tay súng bảo vệ quê hương. Tình quê neo giữ, là điểm tựa tinh thần cho các anh tiến bước. Lọc qua nỗi nhớ của người con hiếu thảo, quê hương hiện lên thấm đượm vẻ đẹp hồn hậu, truyền thống. Cảm xúc thật lãng mạn, bay bổng.

Trong đêm hành quân, xung quanh là vắt, muỗi; quần áo sũng ướt, bom dội, lầy lội, các anh vẫn giữ vững đội hình, trái tim rực lửa tình yêu Tổ quốc và nhiệt huyết tuổi trẻ: “Hành quân, hành quân, hành quân/ Đường đi mưa trơn lầy lội/ Ba lô ướt đẫm trên vai/ dọc đường bom dội/ ...Khẩu AK trước ngực/ Ướt đẫm dây treo/ Trái tim nóng rực” (Hành quân mùa mưa). Gian khổ dường như gác lại phía sau, chỉ còn con đường và phía trước, nơi có quân thù. Cảm hứng anh hùng ca kết hợp với cảm hứng lãng mạn cách mạng trong thơ gợi lên hình tượng người lính thật đẹp. Đẹp từ lý tưởng, tâm hồn phơi phới, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc: “Thế hệ tôi giữa hai lần đánh giặc/ Hai mốt năm đánh Mỹ trường kỳ/ Bom đạn dội hai miền Nam - Bắc/ Tổ quốc đêm ngày rầm rập quân đi” (Đi qua cuộc chiến). Hình ảnh thơ mang tầm khái quát về một dân tộc lên đường đánh giặc, hai mốt năm không ngủ, thao thức dõi theo cuộc chiến đấu, biết bao mất mát hy sinh. Có đất nước nào mà ba thế hệ cùng chung chiến hào đánh giặc?.

Nhà thơ không ngại nói về những mất mát, thương đau vì chiến tranh. Bùi Khắc Viên viết những câu thơ buốt nhói: “Đêm thức dậy/ Câu thơ rơi xuống giấy/ Nỗi nhớ về nhau một thuở quân hành/ Đất nước một màu xanh áo lính/ Đồng ruộng xác xơ, mẹ cày cấy nuôi mình/ Giấy báo tử ngược đường ra tiền tuyến” (Thức dậy). Những câu thơ đan xen giữa đau đớn, thù căm và tươi mát, khát vọng hòa bình muôn đời. Thơ giàu gợi nghĩ: từ đổ nát đau thương ta dựng xây cơ đồ. Ánh trăng mát rượi hòa bình, lời ru ầu ơ của bà trầm bổng sau rặng tre vọng về mầm xanh tương lai. Câu thơ “giấy báo tử ngược đường ra tiền tuyến”, nghịch lý khắc chạm nỗi mất mát đau thương. Bài thơ “Nụ hôn ngầm La Khê” là nỗi hụt hẫng nhưng cũng rất nhân văn: “Ngầm La Khê/ Em ở đó không về/ Anh trở lại/ Dòng La Khê bật khóc/ Xuân đâu rồi/ Đồng đội em yên lặng/ Loạt bom thù/ Em nằm lại La Khê”. Bài thơ như một lát cắt về sự chiến đấu hy sinh của cô gái mở đường trên ngầm La Khê. Những câu thơ ngắn, bật lên nức nở.

Cảm hứng về đồng đội tạo thành xương sống cho thơ anh. Tình đồng đội, đồng chí gắn bó keo sơn, nơi lửa đạn sống chết bên nhau. Ngày sau, trở về hậu phương, các anh vẫn sống cùng nhau như thế: nghĩa tình sâu nặng. Nhờ có tình đồng đội, họ đã vượt qua những cám dỗ vật chất đời thường, giữ vững nhân cách, vươn lên sống đẹp. Tiếng gọi đồng đội sao mà da diết: “Về đi đồng đội/ Mẹ già khắc khoải chờ mong/ Bố về niết bàn năm trước/ Có người tàn phai đứng lại/ Lỡ làng không kịp sang ngang” (Đồng đội). Giọng điệu thơ trầm lắng, có gì xa xót nhưng không bi lụy. Quê nhà đang đợi chờ anh. Cha mẹ già khuất núi, người yêu lỡ thì theo năm tháng. Chiến tranh thật tàn khốc, đã làm tiêu tan bao hạnh phúc lứa đôi, cắt chia sự đoàn tụ sum họp gia đình.

Thơ anh hấp dẫn bởi tính phát hiện, đem lại khoái cảm thẩm mỹ cho bạn đọc. Bài thơ “Hai người lính” được lập tứ một cách sáng tạo. Hai người lính, hai đầu chiến tuyến, sau cuộc chiến, ngồi uống rượu cùng nhau, họ mừng cho nhau còn sống trở về, cùng tiếc thương những người nằm xuống, cái chết của đồng đội để “Tổ quốc trời yên biển lặng”. Hạnh phúc thật giản đơn khi con người đã tha thứ cho nhau, cùng hát ca lời hòa hợp dân tộc, hướng tới tương lai tươi sáng. Bên những vần thơ “lửa cháy” là vần thơ “tươi xanh”, nhờ đó làm mềm đi cái khốc liệt của đạn bom: “Em có về nơi kỷ niệm không em/ Đất bom đạn cày đi xới lại/ Con suối nhỏ đầy tiếng cười con gái/ Vọng cung đường câu ví dặm mà thương” hay: “Giữ lấy cung đường cong cả vầng trăng”. Liên tưởng thật phong phú, phải là người trong cuộc mới có những câu thơ chân thật và đẹp như thế.

Trái tim nồng nàn tình yêu Tổ quốc, tình cảm chân thành nồng hậu đó đã tạo nên tính khái quát trong thơ anh. Chiến tranh với bộ mặt xấu xí, tàn bạo là di họa của dân tộc, bất hạnh của con người, cướp đi biết bao khát vọng, ước mơ: “Những khuôn mặt mang hình hài chiến cuộc/ Vết đạn bom nhăn nhúm nét mặt người/ Ta đi trong khói lửa bom rơi/ Thấy khuôn mặt xây hình hài Tổ quốc” (Những khuôn mặt đi qua chiến tranh). Ám ảnh hơn là khuôn mặt đồng đội, ánh mắt người lính trước lúc khép lại, khép lại một khoảng trời, một cuộc đời, thanh thản về với đất mẹ. Đối mặt với cái chết nhưng trái tim người lính không hề khô cằn mà rất bén nhạy. Chỉ cần chạm khẽ, nó sẽ rung ngân những cung bậc tình cảm nồng nàn, lắng sâu: “Ta trở về áo lính hết thời trai/ Đêm phượng vĩ quê nhà ta trở lại/ góc trường xưa, ai đứng đợi ta về” (Đêm phượng vĩ).

Cuộc chiến trong con mắt nhìn rất thơ của người lính, bên cạnh cái trần trụi bom rơi đạn nổ, là vẻ đẹp tươi mát của đời thường, mùi hương bồ kết còn vương trên mái tóc người con gái, một làn tóc rối trên gương mặt người thương, những câu thơ đẹp gợi cảm giác thánh thiện: “Đêm Trường Sơn trăng chia đều hai nửa/ ...Nửa giới tuyến là trăng rơi kẻ lá/ là nơi mẹ ngồi trông tiếng tắc kè khuya/ Là con suối/ Chiều em ra bến tắm/ Nơi anh hẹn về/ Ghép hai nửa vầng trăng” (Hai nửa vầng trăng). Không phải nhà thơ thi vị hóa cuộc sống chiến đấu gian khổ, mà là một nhân sinh quan tích cực được khúc xạ hài hòa qua lý trí và trái tim người lính. Nhà nghiên cứu văn học Việt Nam người Nga Giáo sư Niculin nói đại ý rằng, văn học chiến tranh của ta, nhiều tác phẩm được thanh lọc qua bầu khí quyển trong lành, thơm thảo. Thơ của Bùi Khắc Viên cũng nằm trong trường độ này. Hai tầng cảm xúc thơ “đại bác và hoa hồng” đan cài cùng nhau, làm cho tiếng nói thơ trở nên đa chiều, có độ sâu suy cảm.

Khát vọng được sống, được yêu, được cảm nhận cái đẹp là điều rất thường tình và chính đáng của con người, đặc biệt là người lính. Có thể gọi ra những câu thơ giàu mĩ cảm, xanh tươi sức sống trong các câu thơ: “Nhánh lan rừng trăng đậu nắp ba lô”, “Nửa nụ cười em núi liêu xiêu”, “Thấy trăng rơi đậu mái tóc thề”, “Cỏ may ơi, ai nhặt áo chưa cài”...

Là người con của đất Trạng Quỳnh (Hoằng Lộc, Hoằng Hóa), vùng quê có truyền thống hiếu học và khoa bảng, tuổi trẻ của cựu chiến binh Bùi Khắc Viên được tắm trong môi trường tri thức cao đẹp đó. Bởi vậy, hình tượng người lính trong thơ anh cầm súng chiến đấu là nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc nhưng cũng mang trái tim yêu thương, hướng tới cái đẹp cao cả. Hay nói cách khác, thơ anh mang đậm “Chất lính”, cái khí chất của một người lính dũng cảm và sang trọng.

LÊ XUÂN TOÀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]