(vhds.baothanhhoa.vn) - Lâu lắm, tôi mới thấy mẹ an nhàn, duyên dáng như tên Duyên của mẹ trong chiếc áo dài màu thiên thanh. Cánh tay áo đã che đi vết sẹo trộn bùn đất nhựa cây của lá, gai sắc nhọn. Thế nhưng lớp phấn trang điểm chẳng thể che hết vết bầm tím dưới mắt mẹ. Nhìn vào những vết thương trên cơ thể mẹ bước chân tôi nặng trĩu chẳng muốn bước về phía chiếc xe hoa đang đợi ngoài đầu ngõ. Tôi thầm hỏi, chẳng biết hai đứa em có đủ can đảm can ngăn, bênh vực mẹ khỏi những trận đòn của bố khi tôi lấy chồng xa.

Chiếc vòng của mẹ

Lâu lắm, tôi mới thấy mẹ an nhàn, duyên dáng như tên Duyên của mẹ trong chiếc áo dài màu thiên thanh. Cánh tay áo đã che đi vết sẹo trộn bùn đất nhựa cây của lá, gai sắc nhọn. Thế nhưng lớp phấn trang điểm chẳng thể che hết vết bầm tím dưới mắt mẹ. Nhìn vào những vết thương trên cơ thể mẹ bước chân tôi nặng trĩu chẳng muốn bước về phía chiếc xe hoa đang đợi ngoài đầu ngõ. Tôi thầm hỏi, chẳng biết hai đứa em có đủ can đảm can ngăn, bênh vực mẹ khỏi những trận đòn của bố khi tôi lấy chồng xa.

Chiếc vòng của mẹ

Minh họa: Tranh sơn dầu của họa sĩ Đỗ Duy Tuấn

Bên dưới khán đài, dân làng trò chuyện với nhau “cô dâu khóc vì hạnh phúc khi thoát khỏi phận gái ế của làng”, lẫn trong tiếng nhạc và lời chúc phúc của cậu dẫn chương trình.

Tôi khóc cười chua chát khi họ gọi tôi là “gái ế”. Thanh xuân của tôi từng có nhiều chàng trai theo đuổi. Nhưng những chàng trai cứ lần lượt ngang qua đời tôi khi đến nhà chứng kiến những lần bố say. Một lần, người con trai tôi thương đến nhà xin phép bố mẹ cho tôi cùng anh đi dự sinh nhật. Nhưng bố không trả lời, bố nói với tôi: “Con bảo nó quỳ xuống xin phép rồi bố cho mày đi chơi với nó”. Anh chào bố mẹ rồi lặng lẽ ra về. Vài tháng sau tôi nghe tin anh kết hôn với cô gái làng bên là bạn học của tôi.

Một đêm nằm cùng mẹ bên gốc rơm, tôi hỏi tại sao mẹ không lựa chọn cách khác ngoài sự chịu đựng như cách mà những người đàn bà khác từng buông bỏ. Mẹ im lặng nhìn vào cây thập tự lập lòe thứ ánh sáng của một vì sao lạc lối.

*

Sớm ấy, tiếng chuông nhà thờ gióng những hồi chia ly. Mẹ đeo lên cổ Duyên chiếc vòng gắn cây thập tự rồi bố gánh Duyên và hành lý trên đôi quang thúng theo dòng người đi về phía biển.

Trong sự lắc lư, nhốn nháo, chen chúc, xô đẩy Duyên nghe mọi người nói chuyện với nhau: “Chúa và Đức Mẹ đã rời miền Bắc vào Nam...”. Họ tin rằng ở miền Nam sẽ được hưởng thụ cuộc sống no ấm, hạnh phúc như trên thiên đường bằng sự che chở, bao bọc của Chúa trời.

Một ngày, dòng người dừng lại bên cửa sông trước khi lên con thuyền đánh cá ra biển. Mẹ nhường cho Duyên nắm cơm vụn đã gần hết trong cuộc hành trình ròng rã suốt mấy ngày đêm. Duyên liếm láp những hạt cơm cuối cùng bám dính trên chiếc lá chuối để vỗ yên cơn đói. Đến khi mọi người hò nhau lên thuyền, Duyên cảm nhận bờ vai của bố như oằn xuống, ngả nghiêng trên đôi chân xiêu vẹo khi bước lên tấm ván gỗ hẹp tranh giành lối lên thuyền. Bước chân bố hụt hẫng, chao đảo khiến Duyên bị hất khỏi chiếc thúng lẫn trong dòng người. Duyên khóc gọi bố mẹ nhưng dòng người xô đẩy khiến Duyên chỉ nhìn thấy đôi mắt thảng thốt của bố mẹ rồi bị đẩy lùi lại phía sau đám đông. Duyên nhoài tay níu với nhưng thuyền đã rời bến khi số lượng người trên khoang quá tải. Mấy ngày, Duyên đứng nơi cửa sông đợi chờ người thân nhưng đáp lại Duyên chỉ là những đàn chim thiên di ngược sóng bay đi. Duyên chạy theo hướng bay của bầy chim rồi ngất đi vì kiệt sức. Khi tỉnh dậy Duyên thấy mình đang nằm trên chiếc chõng che trước căn nhà tường đất mái gianh dưới cây sấu già. Người đàn bà mặc chiếc áo nâu nhiều miếng vá, hàm răng nhuộm đen phảng phất mùi trầu cau nhìn Duyên cười hiền từ. Bà gọi đứa con trai mang bát cháo loãng rồi xúc cho Duyên ăn. Bà vuốt mái tóc hỏi han Duyên về gia đình, quê quán. Duyên cảm thấy có chút sợ hãi với người xa lạ. Duyên giơ cây thập tự trên chiếc vòng cho bà xem. Đôi mắt bà ngân ngấn nước nhìn Duyên thương cảm. Bà bảo, năm ngoái cũng nhiều đứa trẻ lạc đến làng bên từ những đoàn người di cư vào miền Nam. Cháu cứ ở lại đây, nhà ta tuy nghèo nhưng ta đủ sức khỏe để cưu mang cháu.

Bà thắp nén nhang lên bàn thờ khấn người chồng linh thiêng phù hộ cho Duyên sớm tìm lại người thân. Duyên thốt lên “a chú bộ đội” khi nhìn vào tấm di ảnh người đàn ông đội chiếc mũ gắn ngôi sao. Chú bộ đội thường mang cho Duyên lương khô, nước uống trong những giấc mơ Duyên lịm đi vì đói mệt... Khi tỉnh dậy Duyên chẳng tìm thấy vết dấu của thức ăn vương vãi nhưng cơn đói khát trong người đã qua đi. Đêm qua, Duyên lên cơn sốt, trong cơn mơ màng Duyên thấy chú bộ đội bế mình đi dọc triền đê rồi đặt vào khoảng sân trước căn nhà dưới bóng cây sấu. Chú xoa đầu bảo Duyên ở lại đây còn chú phải trở về đơn vị chiến đấu cùng đồng đội.

Sau khi nghe Duyên kể lại giấc mơ, bà Dung ôm mặt khóc. Bà bảo bố thằng Dần đấy, bố nó hy sinh trong trận đánh cứ điểm trên Điện Biên.

Sau vụ mùa, bà đưa Duyên đến nơi cửa sông hỏi han tin tức và nhắn nhủ với những người di cư vào miền Nam về bé gái lạc đến gia đình bà. Tháng ngày, Duyên cùng bà đến cửa sông nhưng nơi ấy chỉ còn những con thuyền ngược sóng ra khơi cùng bầy chim thiên di theo sóng trở về. Một lần, Duyên nghe một ngư dân nói với bà về chiếc thuyền chở quá số lượng người nên sóng đã nhấn chìm họ xuống đại dương. Duyên nắm bàn tay nhỏ bé lên cây thập tự nguyện cầu bình an cho bố mẹ nhưng con sóng ồn ào vẫn không mang điều diệu kỳ về báo tin vui cho cô bé ngày nào nay đã vào lớp một.

Đám trẻ trường làng thường chặn đường đi học về giật đứt chiếc vòng trên cổ Duyên. Cây thập tự làm chúng lạ lẫm, hoài nghi, bực tức vì người lớn bảo “những người bỏ quê vào Nam là kẻ xấu”. Chúng quăng qua lại cho nhau cười khoái trá dưới rặng xoan cạnh ao bầu. Chúng bảo Duyên là đứa con gái bị cha mẹ vứt bỏ để theo giặc. Những lúc như thế Dần thường chạy đến giành lại sợi dây cho Duyên. Đôi khi không giành lại được, Dần giật chiếc mũ rơm trên đầu bọn trẻ ném xuống ao bầu khiến chúng thêm hậm hực. Chúng xúm vào đánh cho Dần một trận đau điếng. Chúng quy tội cho Dần: “là con liệt sĩ mà bênh vực đứa con gái của kẻ trốn vào miền Nam theo giặc”.

Thế rồi sự kỳ thị của đám trẻ làng với Duyên cũng tan vào cuộc chiến tranh chia ly Nam Bắc. Dần và thanh niên trong làng lần lượt nhập ngũ trong sự thấp thỏm ngóng chờ tin của những người phụ nữ nơi hậu phương.

Sau ngày đất nước giải phóng, làng quê rậm rịch đám cưới của những người lính trở về từ tiền phương. Đã có mấy đám đánh tiếng hỏi bà Dung về người con gái xinh đẹp sống cùng gia đình bà. Nhưng bà muốn cậu con trai yên bề gia thất rồi mới tính chuyện trăm năm cho người con gái bà cưu mang. Mỗi lần đi ăn cỗ về bà thường nhắc Dần lập gia đình. Bà mai mối những cô gái làng trên, xóm dưới nhưng chỉ vài lần Dần đến gặp mặt rồi chán nản buông xuôi. Bận sau, những cô gái ấy thường sợ hãi tránh mặt khi nhìn thấy khuôn mặt nhăn nheo vết bỏng và vết sẹo dài như con rết trên cái đầu trọc lốc của Dần. Họ lo sợ sau này Dần sẽ chạy khắp xóm làng cởi bỏ quần áo băng bó cho người đi đường giống như người đàn ông bị thương vào đầu ở xã bên.

*

Mẹ kể, bà nội đã rất băn khoăn khi để bố lấy mẹ nhưng khi tuổi già đến quãng xế chiều bà đành buông xuôi theo duyên phận. Bởi chỉ có mẹ không cảm thấy sợ khuôn mặt nhăn nhó và con rết trên đầu của bố.

Ngày tôi còn bé, bố chẳng bao giờ đánh mắng mẹ bởi sức lực của bố đã thấm vào mạch cuốc cày nơi ruộng vườn. Lần đầu tiên tôi chứng kiến bố mẹ to tiếng cãi nhau nhưng sau đó lại làm lành với nhau bằng nụ cười pha sự mệt nhoài ngoài ruộng lúa. Đến khi hai đứa em song sinh của tôi chào đời, vết thương trên đầu bố theo thời gian trở nặng. Những khi vết thương đau nhức, bố uống rượu thay cho những viên thuốc giảm đau không còn tác dụng với người bị bệnh kinh niên.

Bố bỏ mặc ruộng đồng, la cà ngoài quán rượu đầu làng khi nghe những gã đàn ông trong làng mỉa mai “là thằng đàn ông mà không thể sinh con trai nối dõi tông đường”. Những đêm say khướt về nhà, bố kéo mẹ ra khỏi giường, trút lên cơ thể mẹ sự đau nhức, bực bội bằng nắm đấm, vật ngửa, cào xé... bằng sức lực của người được luyện rèn trong quân đội.

Ba chị em tôi gắng sức kéo mẹ thoát khỏi trận đòn rồi cài then nhốt bố trong nhà. Bố thường gào thét, chửi rủa đến nửa đêm rồi đi ngủ khi đã mỏi mệt. Bốn mẹ con chúng tôi dắt díu nhau ra nằm cạnh gốc rơm sương đêm buông ướt đẫm. Hai đứa em song sinh thút thít bảo: “Vì bà nội đặt tên bố là Dần nên bố dữ dằn như hổ!”.

Rượu biến bố từ người đàn ông chịu khó thành kẻ ngày ngày mơ hồ trong cơn say, gánh nặng cơm áo đè thêm đôi vai mẹ.

Vài sào ruộng chẳng đủ cơm gạo cho gia đình năm miệng ăn. Sau quãng thời gian cấy hái, mẹ lại cùng những người hàng xóm vào rừng hái măng rừng về bán cho những người đi chợ. Mẹ đi rừng từ sáng sớm đến chiều muộn, về nhà với những vết sẹo của lá, gai sắc nhọn cào cứa trên cánh tay.

Một chiều, thấy mẹ ngồi sau xe chú hàng xóm. Bố bỏ cốc rượu dở dang trên chiếc chõng tre ở quán đầu làng đuổi theo về ngõ. Mẹ vừa xuống xe, bố lao đến giật tóc giáng nắm đấm vào mặt dù mẹ đã giải thích chiếc xe đạp bị hỏng phải gửi nhà người quen để đi nhờ xe. Hôm ấy, nắm đấm của bố đánh gẫy những chiếc răng của mẹ. Tôi lao đến giật tay bố ra khỏi mái tóc mẹ. Tôi gọi hai đứa em đến khênh bố rồi trói bố vào chiếc cột giữa nhà.

Tối ấy, tôi xúc những thìa cháo cho mẹ. Tôi muốn hỏi mẹ chịu đựng đau khổ vì yêu thương hay đền đáp những ân tình. Nhưng cây thập giá trên chiếc vòng của mẹ đã cho tôi câu trả lời.

*

Đêm tân hôn, chồng hôn lên vầng trán tôi rồi tắt điện đi ngủ. Tôi nghĩ, có lẽ chúng tôi vừa trải qua ngày cưới mệt nhoài nên anh muốn tôi nghỉ ngơi. Lạ nhà cùng mùi rượu phả ra từ chồng khiến tôi khó ngủ. Ánh đèn ngủ mờ ảo hắt lên tấm ảnh cưới khiến tôi nghĩ về mẹ. Đám cưới của bố mẹ từng hứng chịu nhiều lời bàn tán của dân làng. Lúc rước dâu từ nhà bác họ về nhà bà nội có kẻ còn ác miệng mỉa mai đúng là “bông hoa nhài...”. Nhưng lúc ấy bà nội đã trở nên sắt đá khi trải qua sự tàn khốc của chiến tranh bà bảo “ma chê cưới trách” hơi sức đâu mà làm vừa lòng thiên hạ". Chỉ mong hai đứa sớm có con cho bà bế bồng là bà cảm thấy mãn nguyện với tuổi gần đất xa trời.

Người làng nói, khuôn mặt tôi giống mẹ từ đôi môi đỏ, làn da trắng hồng đến đôi mắt ướt, lông mày lá liễu... Mong rằng tôi sẽ không bạc phận như thanh xuân của mẹ. Tôi chạm lên mái tóc đã điểm sợi bạc của chồng. Cả tôi và anh đều không còn trẻ nữa nên tôi tin anh sẽ trân trọng hạnh phúc chúng tôi gây dựng.

Tôi quen anh khi hai đứa em song sinh gửi thông tin của tôi lên chuyên mục tìm bạn bốn phương của tờ báo ngoài thủ đô. Ngày đó, tôi đã rất bất ngờ khi nhận được thư anh gửi. Những câu từ giản dị nhưng chân thành, giàu nghị lực của anh khiến tôi cảm mến pha chút tò mò. Tôi viết thư hồi âm, gặp mặt rồi nên duyên chồng vợ. Mọi việc diễn ra nhanh chóng vì tôi và anh đã nhàm chán với cảm giác cô đơn.

Tiếng chuông từ chiếc điện thoại của chồng kéo tôi thoát khỏi dòng suy nghĩ. Dòng tin nhắn khiến tôi chết lặng: “Em vừa sinh. Anh đến thăm con”. Đầu óc tôi choáng váng như những lần bố đánh mẹ nhưng trúng vào đầu tôi. Cô gái phía bên kia òa khóc khi nghe tôi giới thiệu là vợ anh. Thì ra đám cưới vội vàng là cách anh chối bỏ trách nhiệm với cô gái mồ côi không được gia đình anh chấp thuận.

Chuyến xe đêm đưa tôi trở về nghiêng ngả trên đoạn đèo quanh co. Nghe tiếng tôi khóc bé gái ngồi cạnh hỏi: “Cô cũng đi tìm mẹ à?”. Nó rụt rè đưa cho tôi xem mảnh giấy mẹ để lại trong chiếc làn nhựa ngày nó chào đời. Tôi bắt gặp trên cổ nó mặt dây chuyền hình tượng Phật. Tôi thầm hỏi, phải chăng đó cũng là kỷ vật như chiếc vòng của mẹ, thứ biểu tượng mô phỏng từ cõi tâm linh có thể giúp phụ nữ thoát thai khỏi những bất hạnh, khổ đau?.

Truyện ngắn của Kiều Xuân Quỳnh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]