(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Người dân bản Đàn (nay là làng Thái Học), xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy kể với tôi rằng: Rừng lim xanh có từ 200 đến 300 năm trước. Song, có người lại bảo phải 400 đến 500 năm rồi!... Không ai rõ rừng lim cổ thụ nguyên sinh duy nhất của tỉnh Thanh có tự bao giờ! Duy một điều ai cũng rõ, sử làng, lệ làng Thái Học bao đời nay đều gắn với rừng, gắn với việc bảo vệ lim xanh - “báu vật” của làng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện ‘Chi bộ lim xanh’

(VH&ĐS) Người dân bản Đàn (nay là làng Thái Học), xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy kể với tôi rằng: Rừng lim xanh có từ 200 đến 300 năm trước. Song, có người lại bảo phải 400 đến 500 năm rồi!... Không ai rõ rừng lim cổ thụ nguyên sinh duy nhất của tỉnh Thanh có tự bao giờ! Duy một điều ai cũng rõ, sử làng, lệ làng Thái Học bao đời nay đều gắn với rừng, gắn với việc bảo vệ lim xanh - “báu vật” của làng.

Xã Cẩm Tú sau tiếng chuông chùa Mẫu, bình minh sáng rạng trên khắp núi rừng. Ngày mới bắt đầu thật nhẹ trong cảm nhận riêng tôi. Đó là bản nhạc róc rách của suối, tiếng ríu rít của chim rừng và những cơn gió thoảng nơi đại ngàn lim xanh... Sau đêm dài chờ đợi, già làng Cao Văn Đương đích thân dẫn chúng tôi vào mục thị khu rừng. Đồ đoàn gồm là con dao Rựa để phát thực bì, xôi đồ sắn và vài thứ lặt vặt đủ một ngày trải nghiệm xuyên rừng già. Vừa đi già Đương vừa thông báo, lim xanh thuộc rừng phòng hộ, được quy hoạch là rừng giống Quốc gia nên công tác bảo vệ rất nghiêm ngặt. Muốn vào rừng phải báo cáo kiểm lâm địa bàn, các già làng trưởng bản, báo cáo chi bộ Đảng địa phương.

Chinh phục rừng già có tôi, già Đương, bí thư chi bộ Nguyễn Xuân Liên, cùng các già làng là đảng viên Nguyễn Quảng Dân, Nguyễn Văn Quân và Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Thê. Sau 500m cuốc bộ, một gốc lim cổ thụ khiến tôi phải ngỡ ngàng. Già Đương khẳng định, cây cổ thụ này khoảng hơn 200 vanh (người Mường dùng số vanh để tính tuổi của cây), cao hơn 20m, tán rộng đủ cho cả một trung đoàn bộ đội tập hợp... Già Đương dáng người nhỏ thó, khắc khổ, hai hốc mắt sâu hút, ngước nhìn những tán lim bồi hồi kể: “Thời các Lang Mường, bản Đàn nổi tiếng bởi sự no đủ vì có rừng lim xanh. Trong rừng có gỗ để dựng nếp sàn; có suối, có măng; có củ mài, củ sắn và có cả thú rừng nên không lo cái bụng bị đói”...

Dường như tất cả mọi sinh hoạt, tập tục văn hóa của người Mường nơi đây đều gắn với rừng, với lim. Thế mới nói, để giữ được rừng cho bản, bấy giờ luật Mường cũng vô cùng hà khắc! Mỗi tuần các Lang Mường chỉ cho dân bản vào lấy măng, lấy củi 2 lần. Nhà nào khó khăn về nhà ở, có con gà, cỗ xôi báo cáo Lang Mường thì được Lang cho vào rừng đốn gỗ. Đốn 1 hay 2 cây thì phải có trách nhiệm trồng mới, chăm sóc 1, 2 cây để giữ rừng. Nếu gia đình nào cố tình chặt trộm, đốn gỗ quá quy định, hoặc thấy trai bản khác đốn trộm lim mà không báo cáo để Lang Mường và bà con dân bản biết sẽ bị bắt vạ.

Từ năm 1948, khi Chi bộ Đảng Thái Học được thành lập thì mối quan hệ giữa rừng và bà con càng trở nên mật thiết. Các đảng viên chi bộ nơi đây là cầu nối giữa bà con Mường với cán bộ cách mạng; là cơ sở nắm bắt thông tin, liên lạc từ rừng ra bản. Rừng lim trở thành địa bàn đóng quân của bộ đội, chở che cho dân làng.

Ngày nay, trước sự hoành hành của lâm tặc, nhiều cánh rừng nguyên sinh miền Tây Thanh Hóa gần như xóa sổ thì nhiệm vụ bảo vệ rừng lim xanh nguyên sinh duy nhất càng trở nên tối quan trọng. Xem rừng như biểu trưng cho làng, cho bản, “còn rừng còn làng, mất rừng làng mất” nên nhiệm vụ bảo vệ rừng, không của riêng ai. Trong đó, nòng cốt vẫn là Chi bộ Đảng địa phương hay bà con vẫn thường gọi với cái tên trìu mến là “Chi bộ Lim Xanh”. Mặc dù gỗ lim có giá trị kinh tế cao, một thân gỗ bán có giá cả trăm triệu đồng nhưng tất cả bà con dân bản Đàn, đảng viên “Chi bộ lim xanh” không một ai “bán mình” cho lâm tặc, không làm giàu từ “máu” của rừng.

Rừng lim xanh - “Báu vật” được người dân bản Đàn bảo vệ nghiêm ngặt.

Giữa bản nhạc của núi rừng, những câu chuyện sử xưa chúng tôi đang nghe, dường như chính mình được sống lại trong những bản sử thi truyền thống. Bất chợt, Phó Chủ tịch Thê kéo tất cả về với thực tại khi vỗ đùi sực nhớ: “Bí thư Liên. Chiều mai họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 công tác mặt trận nhé! Ngoài các vấn đề về phát triển kinh tế, xã hội thì nhiệm vụ trọng tâm là công tác bảo vệ, phát triển rừng lim xanh! Chớ có quên đề cập tới vấn đề mấy cây lim bị ảnh hưởng từ sâu bệnh dạo trước, phía ngành đã có giải pháp gì chưa?!”

Bí thư chi bộ Liên lắc đầu thầm nghĩ: mình làm Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ban công tác mặt trận, thâm niên cũng gần 2 thập kỷ. Vậy mà lần nào lão gặp cũng nhắc như thể mình quên!... lạ thật, nghĩ rồi Bí thư chi bộ Liên đứng dậy: “Thưa các già, thưa cán bộ Thê, nhiệm vụ những tháng này, do đặc điểm thời tiết nắng nóng nên trọng tâm là tuyên truyền quần chúng về ý thức phòng chống cháy rừng. Thứ đến, nhiệm vụ thường niên là tuần tra, bảo vệ rừng. Những hộ được giao rừng đã báo cáo tình trạng rừng. Qua các báo cáo, có nổi lên vấn đề một số cây lim bị sâu róm, đề nghị chi bộ báo cáo lên trên tìm phương án!”...

Nhìn thẳng chúng tôi, Bí thư chi bộ Liên khẳng khái: “Với cá nhân, nói thêm cho nhà báo biết. Bản thân mình được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, trọng trách phải hoàn thành tốt nhiệm vụ để xứng đáng là đảng viên gương mẫu của chi bộ. Bảo vệ rừng là bảo vệ cho mình nên thường tuần, tôi cũng như các già làng và con cháu lại đồ đoàn lên rừng. Vừa cái nếp truyền thống lâu nay, vừa để khơi dậy tình yêu thương, trách nhiệm với rừng đến thế hệ con cháu. Vào rừng là để kiểm tra tình trạng sinh trưởng, phát triển của lim xanh, vừa kiểm đếm xem có cây nào bị đốn trộm, cây nào bị sâu bệnh không!... Yên tâm mới phát quang thực bì, xới xáo đắp gốc cho những cây con”.

Khi trời đứng bóng, đoàn chúng tôi xuôi bản sau chuyến xuyên rừng. Mặt mũi ai cũng nhễ nhãi mồ hôi, quần áo lấm lem, thế nhưng không một ai kêu mệt bởi chuyến xuyên rừng thật ý nghĩa. Ngồi cùng Hạt phó Hạt Kiểm lâm Cẩm Thủy - Quách Công Thanh sau đó, chính ông cũng phải khẳng định: "Để bảo tồn được rừng lim nguyên sinh duy nhất của tỉnh, đến nay công lao trước hết thuộc về dân bản Mường, nòng cốt là Chi bộ Đảng địa phương".

Thực tế cho thấy, lim xanh còn rất ít, đây là rừng lim nguyên sinh duy nhất của tỉnh có thể cung cấp giống trong chiến lược nhân rộng diện tích lim xanh đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Hiện rừng lim xanh có tổng diện tích gần 30ha, với 1.233 cây, đa phần là cây cổ thụ hằng trăm năm tuổi. Qua báo cáo của chi bộ Đảng Thái Học về tình trạng lim xanh bị sâu bệnh, một số cây bị chết phải đốn hạ! Bà con lo lắng không biết phải bảo vệ thế nào!? Việc này, ông Thanh cho biết: “Đó là tình trạng sâu róm hoành hành giữa năm 2015. Do cây cổ thụ nên phương pháp ngăn chặn, phun thuốc diệt sâu bệnh gặp nhiều khó khăn. Trong khi các ngành chức năng đang nỗ lực tìm giải pháp thì từ năm 2016 trở lại đây, tình trạng sâu bệnh đã không còn hoành hành như trước, không phát sinh, lây lan. Ý kiến bà con là đề xuất giải pháp xử lý đối với mấy cây bị chết thế nào! Nếu lại sâu thì xử lý ra sao?!”...

Rời rừng già, ngang qua những công trình điện - đường - trường - trạm khang trang, Phó Chủ tịch Thê cười hãnh diện: Xã Cẩm Tú không còn độc nhất người Mường, không còn nghèo như trước. Bây giờ, có tới 50% là người Kinh ở xen cư. Cẩm Tú đã hoàn thành chương trình nông thôn mới. Xã có đường quốc lộ dẫn thẳng lên vùng rừng nguyên liệu huyện Bá Thước. Có 4 nhà máy thu hút hàng nghìn công nhân... Nhìn chung, người dân Cẩm Tú nay đã không còn sống phụ thuộc vào rừng, đời sống được nâng lên rõ rệt... Song, dù sự thay đổi nào, bản làng Mường hay người Kinh thì những con người nơi đây vẫn xem rừng lim xanh như “báu vật” luôn che chở, bao bọc cho làng. Bởi vậy nhiệm vụ bảo vệ rừng vẫn được giữ lửa qua các thế hệ.

Câu nói, “còn người bản Đàn thì còn rừng” của già Đương cứ thế văng vẳng theo tôi trên suốt dọc đường về với phố thị!

Đình Giang - Ngọc Thắng

“Năm 1948 bản Đàn được đổi tên thành làng Thái Học với 13 hộ dân Mường. Cũng năm 1948 tổ Đảng Thái Học (nay gọi là Chi bộ Đảng Thái Học - “Chi bộ lim xanh”) thành lập với 6 đảng viên.Nay, “Chi bộ lim xanh” có 26 đảng viên, trong đó đảng viên nhiều tuổi nhất 65 năm tuổi Đảng. Ngoài thực hiện tốt theo tinh thần Nghị quyết Trung ương IV; học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thìnhiệm vụ cốt yếu là giữ lửa truyền thống trong nhiệm vụ bảo vệ rừng”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]