(vhds.baothanhhoa.vn) - Một thời, bà con ở nhiều thôn, bản miền núi xứ Thanh, thuộc vùng lõi, vùng đệm rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh... chặt rừng, phá rừng, sẵn sàng làm “lâm tặc” khi có thể. Giờ đây, mọi thứ đã khác, ngoài bảo vệ rừng, người dân còn biết trồng, chăm sóc quản lý rừng. Và những con người làm nên “cuộc cách mạng” thay đổi nhận thức, đến hành động - không còn phá rừng ấy, tôi gọi họ là những “người hùng” trên mặt trận dân vận, tuyên truyền.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dân vận khéo “cầu nối” giữa Đảng và Dân (Kỳ 2): Dân vận cho những cánh rừng nguyên xanh

Một thời, bà con ở nhiều thôn, bản miền núi xứ Thanh, thuộc vùng lõi, vùng đệm rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh... chặt rừng, phá rừng, sẵn sàng làm “lâm tặc” khi có thể. Giờ đây, mọi thứ đã khác, ngoài bảo vệ rừng, người dân còn biết trồng, chăm sóc quản lý rừng. Và những con người làm nên “cuộc cách mạng” thay đổi nhận thức, đến hành động - không còn phá rừng ấy, tôi gọi họ là những “người hùng” trên mặt trận dân vận, tuyên truyền.

Khi dân vận là “chìa khóa” để giữ rừng

Con đường ngược lên huyện vùng cao Như Xuân (Thanh Hóa) đã thuận hơn trước. Như Xuân đã thoát ra khỏi huyện nghèo với những bước chuyển mình, từ phát triển kinh tế, cho tới hạ tầng giao thông... Đi tìm câu trả lời cho những thành quả đáng tán dương đó, nhiều điều khiến tôi không khỏi ngạc nhiên.

Điều này phần nào được lý giải qua câu chuyện bên bàn nước với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Như Xuân - Nguyễn Xuân Ái. Ông Ái đánh giá cao về sự ổn định, công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Như Xuân. Là huyện có diện tích rừng lớn với nhiều loại hình rừng, lại có địa bàn giáp ranh với tỉnh Nghệ An, nhưng lại có sự ổn định cao về rừng, độ che phủ rừng lớn, không xảy ra chặt phá rừng, cháy rừng... Song hành với đó, nhờ tuyên truyền, dân vận đã thay đổi được nhận thức của bà con, không phụ thuộc vào rừng, tạo ra sự chuyển biến.

Rừng được bảo vệ toàn diện, từ trách nhiệm của cán bộ ngành kiểm lâm, cho tới chính quyền địa phương. Rừng được giao đến từng hộ dân quản lý, phát triển và gắn cùng trách nhiệm. Nhiều địa phương ngoài sự phối hợp đồng bộ của các cấp ngành, đoàn thể, các chi bộ Đảng ở cơ sở, thậm chí thành lập cả hợp tác xã bảo vệ và phát triển rừng... Nhờ đó, mà tỷ lệ cũng như độ che phủ rừng của Như Xuân luôn nằm trong tốp đầu cả tỉnh.

Những kiểm lâm viên ngoài trọng trách bảo vệ rừng thì họ cũng là những “chiến sĩ” trên mặt trận tuyên truyền.

Ông Lê Thanh Chương - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện thì “bước chuyển mình” để có thành quả đó, bắt đầu từ khi thực hiện Hướng dẫn số 373/MTTH-CCKL ngày 01/08/2014 giữa MTTQ và Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, về xây dựng mô hình khu dân cư “3 không” trong công tác bảo vệ rừng. 3 không - là không sử dụng cưa xăng, súng săn, bẫy bắt vào việc khai thác gỗ, săn bắt, động vật rừng trái phép; không tự ý khai thác gỗ, rừng tự nhiên trái phép để làm nhà, buôn bán lậu; không sử dụng lửa bừa bãi trong sinh hoạt, sản xuất để xảy ra cháy rừng.

"Nói 3 không nhưng không dễ” - ông Chương bảo. Để thực hiện được 3 không, thì phải đồng bộ nhiều giải pháp. Vai trò của dân vận, của tuyên truyền là chủ đạo. Từ các phòng, ban của huyện, đến chính quyền các xã, và chi bộ các khu dân cư. Ở mỗi cấp ngành có vị trí, vai trò khác nhau, đảng viên là nòng cốt, là người đi đầu của phong trào... Thành quả ghi nhận thời gian qua, toàn huyện đã thành lập được 127 tổ tuyên truyền bảo vệ rừng ở khu dân cư và xây dựng được 127 quy chế hoạt động.

Thống kê 6 tháng đầu năm 2020, đã nhân rộng ở 91 khu dân cư “3 không”, nâng tổng số khu dân cư “3 không” trên địa bàn huyện là 110 khu. 100% các hộ gia đình trong thôn đều tham gia ký cam kết thực hiện bảo vệ rừng. Đó chỉ mới là 1 trong số 28 mô hình điểm trong công tác tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng của huyện này mà tôi cập nhật.

Ngoài những phong trào trong nhân dân, đoàn thể chính trị, thì một trong những lực lượng được xem là vất vả, trọng trách nhất chính là những cán bộ kiểm lâm. Bên cạnh trọng trách là những người giữ rừng, bám rừng để bảo vệ tài nguyên rừng thì mỗi cán bộ kiểm lâm viên cũng là "chiến sĩ" trên mặt trận dân vận.

Chuyến tuần tra cùng anh em cán bộ kiểm lâm (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng) mà tôi đồng hành hãy còn nhớ mãi. Chuyến đi từ rạng sáng, đến khi nhá nhem mới trở về chốt. Chuyến đi suôn sẻ, không gặp bất trắc cũng không phát hiện đối tượng chặt phá rừng. Những câu chuyện của các anh cũng giúp tôi thấu hiểu hơn chuyện gian nan giữ rừng, việc ăn rừng, ở rú vất vả và trọng trách như thế nào. Không chỉ lương thấp, không được thường xuyên về nhà mà bản thân các anh phải gánh trách nhiệm quản lý hàng trăm héc ta rừng trên vai... Anh Triệu Văn Hùng (quê huyện Hoằng Hoá) thâm niên gần 20 năm của đội, nghiêm nghị: “Nếu để xảy ra tình trạng mất rừng, lâm tặc khai thác rừng thì hình thức kỷ luật là rất cao. Nhẹ thì thuyên chuyển công tác, nghiêm trọng thì khởi tố, buộc thôi việc, cốt yếu những người bảo vệ rừng phải có tình yêu đối với rừng. Rừng còn thì mình còn”.

Rồi,... những lần giáp mặt chiến đấu với kẻ thù. Chuyện các anh em bị ghì súng, kề dao, đe dọa, khủng bố... là thường xuyên. Anh Hùng cho biết thêm, những nơi có địa hình xa xôi cách trở như vùng giáp ranh với tỉnh Nghệ An còn giàu tài nguyên rừng là khu vực thường xuyên xuất hiện lâm tặc và khó kiểm soát. Bên cạnh những đối tượng bất chấp pháp luật, manh động thì đối với người dân, ngoài việc nhắc nhở, xử phạt thì nhiệm vụ quan trọng khác là vận động, là tuyên truyền và giáo dục họ không tái phạm. Vận động được người dân đó mới là thành công!

Để người dân không còn phụ thuộc vào rừng

Chủ tịch UBND xã Hóa Quỳ (Như Xuân) Lê Phúc Hải cho rằng, để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức sống không phụ thuộc hoàn toàn vào rừng, phá rừng thì gốc ngọn của vấn đề, phải thay đổi được chất lượng cuộc sống. Đầu tiên phải là tạo sinh kế, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế bền vững...

Mờ sáng, con đường dẫn vào thôn Xuân Đàm (xã Hóa Quỳ) - thôn vùng lõi vườn Quốc gia Bến En hãy còn ghềnh thác, trơn trượt. Ông Hải cho tôi hay, trước kia một đặc trưng của người dân thôn, chủ yếu sống phụ thuộc vào rừng, vào suối nguồn, mang tính tự túc. Cái nghèo, cái đói luôn đeo đẳng. Năm 1992, Vườn Quốc gia Bến En được khoanh vùng quy hoạch, diện tích đất ở, đất canh tác của người dân “bỗng” trở thành vùng lõi, vùng đệm của vườn quốc gia. Đất ở không được cấp trích lục, đất sản xuất cũng không, mọi quyền lợi trên đất bằng... không. Cuộc sống của người dân lại trở nên lay lắt. 3 thôn khác gồm Xuân Thành, Luống Đồng, Thanh Lương cũng thuộc vùng đệm vườn quốc gia. Quy hoạch đã khiến cuộc sống, sinh hoạt và tập tục canh tác của họ vướng mắc bởi nhiều quy định cấm cản.

Những khó khăn trên đã nhiều lần chính quyền các cấp kiến nghị ra Bộ NN&PTNT, trình Thủ tướng tìm hướng giải quyết cho bà con. Trong khi chờ, thì nhiệm vụ với địa phương là lo sinh kế, duy trì cuộc sống của người dân, vận động, tuyên truyền người dân không vi phạm các quy định vềbảo vệ rừng, về xây dựng cũng như các vi phạm khác...

Cũng theo ông Hải, việc tạo sinh kế, vận động người dân xây dựng các mô hình giảm nghèo là khó, bởi căn nguyên về nguồn vốn là rào cản. Vay vốn ngân hàng không thể vì không có sổ đỏ để tín chấp. Vận hội đến với bà con khi, ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng phục vụ người nghèo, tách khỏi Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam. Theo đó, chế độ tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ chính sách, vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng căn cứ cách mạng và mở rộng hình thức cho vay thông qua tín chấp đối với các hộ nghèo...

Tìm được nguồn vốn cho bà con, phải làm sao để bà con mạnh dạn vay vốn lại cả một quá trình. Ông Hải căn ke nhớ lại thời điểm bấy giờ, khi có nguồn vốn, có định hướng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp cho bà con nhưng bà con lại không dám vay vốn ngân hàng. Thậm chí vận động được hộ vay vốn thì nguồn vốn vay lại sử dụng sai mục đích. Nói thật tưởng đùa, có hộ vợ vừa lấy tiền vay về bị chồng lấy mua rượu, mua thịt ăn dần, ăn mòn. Có hộ vay về để mua trâu, mua bò nuôi thì lại lấy tiền mua xe máy tàu trưng diện...

Dù nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Bến En nhưng nhờ công tác “dân vận khéo” người dân thôn Xuân Đàm, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân đã biết phát triển kinh tế, không chặt phá rừng như trước.

Ông Phùng Bá Hồng - Giám đốc NHCSXH huyện Như Xuân cho biết, thời điểm những năm trước, khi sự phối hợp giữa NHCSXH với chính quyền, cơ sở chi bộ các thôn, bản chưa được gắn kết. Công tác vận động, tuyên truyền chưa được triển khai sâu, rộng, thường xuyên. Kể từ khi NHCSXH ký ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể, cũng như triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đến các chi bộ tại địa phương, phát huy tối đa vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách... thì đồng vốn ngân hàng với bà con dần phát huy hiệu quả. Đời sống của người dân được nâng lên, cuộc sống không còn phụ thuộc vào rừng, ý thức bảo vệ, phát triển rừng trở thành lẽ sống...

Chỉ trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 kết quả thực hiện các chương trình tín dụng cho thấy, NHCSXH Như Xuân đã giúp cho hơn 15 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, với số tiền lên tới hơn 466 tỷ đồng. Trong đó, chương trình cho vay giúp người dân phát triển sản xuất là gần 200 tỷ đồng với hơn 5 nghìn lượt hộ vay vốn... Từ những nguồn vốn vay, đã giúp cho gần 5 nghìn lượt hộ nghèo được cải thiện về đời sống, gần 2 nghìn hộ có sự chuyển biến về nhận thức và cách làm ăn... Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Như Xuân từ 37,36% xuống còn 7,8% với gần 5 nghìn lượt hộ thoát nghèo.

“Có thể nói, nơi đâu triển khai nguồn vốn tín dụng tốt, nơi đó trở thành “điểm sáng” trong thoát nghèo của địa phương” - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Như Xuân Lê Thanh Chương đánh giá.

Đặc biệt, công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân chính là một trong những “mấu chốt” giúp huyện tự tin xóa tên khỏi danh sách huyện nghèo 30a, giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]