(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang “hụt hơi” trong giai đoạn cuối của hành trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Nếu không có giải pháp đặc thù để đầu tư phát triển toàn diện, thì sự chùng xuống của phong trào là rất dễ xảy ra.

Tin liên quan

Đọc nhiều

"Hành trình" giảm nghèo còn lắm gian truân (Kỳ cuối): Khơi thông con đường giảm nghèo

Nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang “hụt hơi” trong giai đoạn cuối của hành trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Nếu không có giải pháp đặc thù để đầu tư phát triển toàn diện, thì sự chùng xuống của phong trào là rất dễ xảy ra.

Đẩy mạnh sản xuất là mấu chốt

Những năm qua, việc thí điểm xây dựng, triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người nghèo được xem là cơ sở để thu hút sự tham gia của người nghèo. Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững, do Trung ương hỗ trợ là 538.377 triệu đồng, các địa phương đã triển khai 1.211 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, 141 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo do UBND xã làm chủ đầu tư và 28 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất do trạm khuyến nông các huyện nghèo làm chủ đầu tư. Đã có 67.003 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được hưởng lợi từ các dự án, mô hình, trong đó 16.751 hộ đã thoát nghèo. Song, trên thực tế, việc thực hiện một số chính sách giảm nghèo như: đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hoạt động tín dụng chính sách, đào tạo nghề, công tác xã hội hóa giảm nghèo... vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng và chất lượng đội ngũ làm công tác giảm nghèo ở các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Trong khi xuất phát từ thực tế tại các huyện nghèo, muốn giảm nghèo bền vững căn cơ thì phải phát triển sản xuất. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thúc đẩy được sản xuất? Lấy ví dụ tại huyện Cẩm Thủy, nói về kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo, ông Nguyễn Hải Sâm - Trưởng phòng LĐ-TB&XH, huyện cho rằng: Hằng năm, huyện đã chỉ đạo tổ chức thực hiện việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phân tích nguyên nhân nghèo để đưa ra những giải pháp cụ thể tới từng hộ gia đình. Trong đó, tập trung xây dựng và thực hiện 3 đề án đó là: Nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ và an toàn dịch bệnh giai đoạn 2014 - 2020”; củng cố, chuyển đổi hoạt động HTX dịch vụ nông nghiệp và Đề án Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2015 - 2020. Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành các kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Cũng nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 13,9% (2016), xuống còn 2,71% (2019). Năm nay, huyện đang phấn đấu sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,71%, tức là thấp hơn so với mặt bằng chung của tỉnh.

Tại huyện Ngọc Lặc, ông Lê Văn Dũng - Phó phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Để đạt và vượt kế hoạch giảm nghèo của tỉnh giao là từ 4,13% xuống còn 1,07%, ngay từ đầu năm huyện đã ra kế hoạch cho các xã. Theo đó, huyện xác định sẽ tạo việc làm cho người lao động thông qua nhiều hình thức như: Đẩy mạnh xuất khẩu lao động, tạo việc làm tại chỗ, thu hút doanh nghiệp về đầu tư... Việc thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, đang được huyện quan tâm đẩy mạnh, từ năm 2017 đến 2019, địa phương được thụ hưởng 6 dự án chăn nuôi trâu, bò cái sinh sản tại các xã Mỹ Tân, Thạch Lập, Vân Am, Phùng Giáo, Phùng Minh và Lộc Thịnh, với 172 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo tham gia. Kinh phí thực hiện là 3 tỷ 418 triệu đồng. Thông qua dự án, đã khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo vào sự hỗ trợ của Nhà nước; huy động được các nguồn lực của người dân, từ đó có trách nhiệm hơn trong việc phát triển con giống. Đây là một mô hình có tính khả thi cần được nhân rộng để các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Minh Hành - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, đề nghị: Để công tác giảm nghèo bền vững đạt kết quả cao hơn nữa, các huyện miền núi cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo cho người dân, hạn chế, tiến tới xóa bỏ tư tưởng của hộ nghèo trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Một khi các cấp lãnh đạo và cơ quan chức năng ở địa phương phát huy tính năng động, chủ động trong công tác quản lý và chỉ đạo lồng ghép các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, đầu tư đúng đối tượng, đa dạng hóa việc huy động nguồn lực tại chỗ kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, cá nhân và cộng đồng... thì công tác xóa đói giảm nghèo sẽ gặt hái được kết quả khả quan và bền vững.

Đẩy mạnh sản xuất là mấu chốt để giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tạo động lực để người nghèo vươn lên

Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là việc giải quyết đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS còn nhiều bất cập. Phần lớn các huyện nghèo đều nằm ở vùng núi, địa hình chia cắt, quỹ đất sản xuất hạn chế. Trong khi đó, mỗi khi mùa mưa, bão đến lại xảy ra lũ ống, lũ quét gây sạt lở đất, cuốn trôi những thành quả lao động tích lũy được trước đó khiến người dân lại tái nghèo. Ông Mai Xuân Bình - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: Các địa phương cần khơi dậy ý chí chủ động thoát nghèo; hạn chế việc hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo; tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ vay vốn, đầu tư kết cấu hạ tầng, đa dạng hóa các hình thức sinh kế... tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Mai Xuân Bình cũng đề nghị, Nhà nước cấp trên cần có cơ chế khơi thông chính sách tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi. Đồng thời, chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận nguồn lực đất đai, hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn trong nông nghiệp. Bên cạnh việc kêu gọi hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, các địa phương cũng cần chủ động trong việc nghiên cứu, bố trí ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp nhằm tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại, ưu tiên trong việc thực hiện các chương trình, hoạt động khuyến công để nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp ở miền núi.

Chỉ cách đây không lâu, gia đình anh Đinh Văn Đại, ở thôn Tiến Hưng 2, xã Luận Thành (Thường Xuân) không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập bấp bênh, gia đình có 2 cháu thì một cháu bị bệnh thiếu máu, thế nên cuộc sống lại càng thêm phần khó khăn. Thế nhưng năm 2020 anh chị đã viết đơn thoát nghèo để nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Anh Đại chia sẻ: “Thời gian qua các cấp, các ngành, địa phương đã quan tâm hỗ trợ nhiều mặt nhất là tạo điều kiện cho vay vốn để chúng tôi phát triển kinh tế đồi rừng, vươn lên thoát nghèo”.

Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy xã Luận Thành, ông Lê Xuân Bình, cho rằng: Xét cho cùng, cái nghèo xuất phát từ sự lười biếng, chậm đổi mới tư duy sản xuất và tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đưa tiền bạc nhiều chưa chắc giúp dân thoát nghèo, thậm chí vô tình trở thành gánh nặng cho ngân sách. Phải tạo cho đồng bào tâm thế làm chủ, tự quyết định số phận và giúp họ cảm thấy mặc cảm với cái nghèo, thì lúc đó sẽ không còn có cơ hội tái nghèo.

Để có thể tạo sinh kế bền vững cho người nghèo theo ông Cầm Bá Đứng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, thì: "Không chỉ đơn thuần là tạo sinh kế, công ăn việc làm, mà phải tạo việc làm và cơ hội kinh tế tốt hơn cho người nghèo ngay tại chính quê hương của mình. Do đó cần phải tái cơ cấu nông nghiệp để người nghèo ở nông thôn, đặc biệt là ở miền núi, có thể trồng trọt hoặc tham gia các hoạt động nông nghiệp mang lại giá trị cao nhất ở đó. Đặc biệt để phát huy hết nội lực của cộng đồng trong công tác giảm nghèo, cần phải đẩy mạnh chủ trương tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở và cộng đồng, giao vốn trung hạn để địa phương chủ động bố trí vốn trên địa bàn theo thứ tự ưu tiên hằng năm; phát huy vai trò của cộng đồng từ khâu xác định nhu cầu, xây dựng dự án, huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện, thụ hưởng và giám sát, đánh giá".

Đồng quan điểm, ông Chu Đình Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, nhấn mạnh: "Vấn đề mấu chốt để giảm nghèo bền vững chính là phải thay đổi tư duy trong giảm nghèo. Trong đó không chỉ đơn thuần thay đổi tư duy cho người nghèo mà cả chính những cán bộ địa phương, cơ sở. Bởi lâu nay, chúng ta đang có mô hình “trao con cá chứ không phải cần câu”. Điều đó tốt khi trợ cấp đột xuất theo thiên tai, bão lũ hoặc điều kiện đặc biệt khó khăn. Nhưng về lâu dài không hiệu quả, cách giảm nghèo bền vững cho người dân là hỗ trợ tạo việc làm bền vững phù hợp với trình độ, đặc điểm tình hình ngay tại cơ sở. Khi có công việc bền vững người dân sẽ có thu nhập ổn định từ đó họ có thể tham gia BHYT, BHXH. Khi người nghèo đã có đủ những yếu tố này chắc chắn sẽ không có chuyện sau một trận ốm, hay lũ lụt lại quay trở về nghèo".

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020 vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn khi mà tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS vẫn ở mức cao. Vì vậy rất cần sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt hơn của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chung tay góp sức của toàn xã hội và sự nỗ lực vượt bậc của chính người nghèo mới có thể hoàn thành được mục tiêu, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,01%.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]