(vhds.baothanhhoa.vn) - Ở đây cỏ tranh quanh năm xanh tốt, hoa trắng đồi, cong mềm triền dốc. Ven đường, ven nhà, ven đồi, ven suối hay trên những triền núi cao, vực sâu chỗ nào cũng có mặt của cỏ tranh. Người ta bảo nơi nào cỏ tranh mọc được, nơi đó có dấu chân người Mông; nơi nào người Mông đến được, nơi đó có dấu chân bộ đội biên phòng. Nghĩa là hai vai người lính mang quân hàm xanh không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ cột mốc, biên cương Tổ quốc mà còn ba bám, bốn cùng với đồng bào Mông nơi lưng chừng trời, lưng chừng núi, các anh đến với bà con bằng cái tình quân dân, cái nghĩa đồng bào.

Đi qua vùng cỏ tranh

Ở đây cỏ tranh quanh năm xanh tốt, hoa trắng đồi, cong mềm triền dốc. Ven đường, ven nhà, ven đồi, ven suối hay trên những triền núi cao, vực sâu chỗ nào cũng có mặt của cỏ tranh. Người ta bảo nơi nào cỏ tranh mọc được, nơi đó có dấu chân người Mông; nơi nào người Mông đến được, nơi đó có dấu chân bộ đội biên phòng. Nghĩa là hai vai người lính mang quân hàm xanh không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ cột mốc, biên cương Tổ quốc mà còn ba bám, bốn cùng với đồng bào Mông nơi lưng chừng trời, lưng chừng núi, các anh đến với bà con bằng cái tình quân dân, cái nghĩa đồng bào.

Đi qua vùng cỏ tranhBộ đội Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Quan Sơn) tuần tra vùng biên. Ảnh: Thế Anh

“Mình đi Xía Nọi trước, trời mùa này nhanh tối và hay mưa về chiều, đi bản sâu và xa trước để buổi trưa còn kịp rút ra nếu để chiều mới vào gặp mưa sẽ phải cắm bản”, Thượng úy Hà Văn Quỳnh thông báo lịch trình với chúng tôi.

Thượng úy Hà Văn Quỳnh thuộc đội vận động quần chúng cùng với Trung tá Trịnh Văn Quân, đội trinh sát, 2 trong 3 cán bộ được cất cử làm nhiệm vụ tại tổ công tác Sa Ná thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, nhận nhiệm vụ “làm cán bộ đường lối” cùng chúng tôi lên “vi hành” trên “ba bản Mông”. Ba bản Mông là tên gọi tắt của ba bản người Mông gồm: bản Mùa Xuân, bản Xía Nọi (xã Sơn Thủy) và bản Ché Lầu (xã Na Mèo) đều nằm cheo leo trên dãy Pù Mằn, dãy núi cao nhất, dốc nhất với đỉnh cao hơn 1.200m. Gần hai mươi năm trở lại đây, người Mông ở Quan Sơn đã định canh định cư thành làng, thành bản và ngày một đông hơn vừa do yếu tố sinh tự nhiên vừa vì người Mông từ các địa phương khác di cư đến.

Trời khô ráo nhưng con đường từ Xía Nọi ra Mùa Xuân chẳng mấy dễ đi, những vệt bánh xe tạo ra các rãnh nham nhở mặt đường vặn vẹo con wave vừa thay lốp của Thượng úy Quỳnh khiến tôi ngồi đằng sau cũng vài phen xanh mặt. Con đường đất đỏ như thách thức bản lĩnh người cầm lái, dù rằng mỗi tháng anh cũng vài ba bận qua lại. Ba lần bánh xe trượt quay tít không bám lên được nên tôi hoặc phụ anh đẩy xe hoặc đi bộ để anh tự loay hoay tìm lối mà trườn xéo lên giữa mê cung lốt bánh xe nham nhở trên mặt con đường liên bản chỉ rộng chừng hơn một mét. Độ gần hai cây số thôi nhưng chúng tôi mất gần một tiếng mới thoát ra khỏi con đường đau khổ ấy.

“Chắc đêm qua đoạn này mưa phùn nên mới trơn thế”, Thượng úy Quỳnh phân bua sau lần thứ ba cho tôi cuốc bộ vượt dốc.

Trong cái rủi có cái may, nếu đường đẹp, xe cứ bon bon chạy chắc gì tôi đã có cơ hội để ngắm nhìn cảnh đẹp nơi rẻo cao này, chắc gì tôi có cơ hội để hít hà bầu không khí trong lành này. Nếu không đi con đường vừa xấu vừa bẩn vừa dốc vừa trơn này sao chúng tôi hiểu được những gian truân, khó nhọc của bà con đồng bào người Mông vẫn ngày ngày đánh vật với nó, sống chung với nó như một phần cuộc sống của mình. Và tôi càng không thể thấm thía được nỗi nhọc nhằn của những người lính biên phòng đang ngày đêm giữ yên biên cương Tổ quốc.

Chúng tôi có bữa cơm chiều cùng trưởng bản Mùa Xuân và các thầy cô giáo cắm bản. Tôi mừng lắm vì tình cờ gặp lại chú bộ đội biên phòng Thao Văn Chứ, người hai năm trước đã làm bạn đồng hành với tôi từ Đồn Biên phòng Hiền Kiệt đến Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Na Mèo. Chứ khoe với tôi vừa xây xong nhà năm ngoái. Chứ đi biền biệt hai ba tháng mới về thăm ba mẹ con được vài ngày rồi lại đi, trong nhà còn có thêm hai mẹ con cô em gái. Em gái Chứ lấy chồng bên Mường Lát nhưng làm giáo viên mầm non ở bản Mùa Xuân nên hai vợ chồng mỗi người mỗi nơi, một vài tháng mới về thăm một hai ngày, chị dâu em chồng cùng cảnh nên quan tâm chăm sóc và yêu thương nhau lắm. Chứ là người đầu tiên của bản Mùa Xuân trưởng thành bằng con đường học vấn để trở thành bộ đội biên phòng. Tôi có ý động viên Chứ cố gắng khắc phục khó khăn vất vả, một mai được bố trí công tác gần nhà sẽ đỡ hơn. Chứ bảo các thầy cô giáo cắm bản mới vất vả. Các thầy cô không chỉ xa nhà, mà công tác trên ba bản Mông này đường sá đi lại, thời tiết mưa gió rét mướt, đói no mùa giáp hạt cùng với dân bản. Nhà ở, trường lớp còn tạm bợ, học sinh thì lớp dồn lớp góp thế mà các thầy cô vẫn bền bỉ, vẫn vui vẻ lạc quan và theo đuổi đam mê, trao gửi yêu thương qua từng con chữ. Vẫn cái chất giọng trầm ấm và cách nói chuyện chậm rãi, Chứ bộc bạch tâm sự cùng tôi như với một người thân trong nhà. Tôi nhớ đến câu nói hồi sáng của Trung tá Trịnh Văn Quân, người có thời gian gắn bó với đồng bào Mông mười năm có lẻ, anh bảo “một khi người Mông đã quý, đã tin ai đó thì họ sẵn sàng moi gan ruột của mình ra mà sống với người đó. Nhưng một khi bị mất niềm tin thì người Mông sẽ thu mình lại như con nhím trong rừng, con rùa trong hang đá…”.

“Mưa thế này mai anh em ta lại mệt đấy”.

Đã quen với sự đỏng đảnh của thời tiết miền sơn cước, cũng đã quen với việc đẩy xe hàng cây số vì đường trơn sình lầy đất chét bánh xe, nên cái sự thản nhiên trong câu nói của anh Quỳnh cũng dễ hiểu. Anh bảo bây giờ đã đỡ vất hơn nhiều so với mấy năm trước. Ngày trước phải để xe tận ngoài Son, ngoài Hiềng, rồi cuốc bộ cả chục cây số mới vào đến Ché Lầu, nghỉ qua đêm, sáng mai đi sớm vào Mùa Xuân, vào Xía Nọi, phương tiện duy nhất là “đi xe của bộ”. Tháng đôi ba lần cuốc bộ vài chục cây đường rừng, đường núi, vượt dốc, vượt suối đến từng bản, từng cột mốc, từng khu rừng thuộc biên phòng quản lý là chuyện bình thường. Đó mới chỉ là tuần tra kiểm soát thông thường chưa kể đánh án ma túy, phải ăn dầm ở dề trong rừng, trong núi hay vùng giáp biên thiếu thốn đủ bề, muỗi vắt chẳng lúc nào buông tha, tội phạm hoạt động ngày càng phức tạp, tinh vi và manh động.

Câu chuyện bộ đội biên phòng chung lưng đấu cật cùng với người dân vượt lên cái đói cái nghèo đã không còn mới, hình ảnh những người lính mang quân hàm xanh cùng lên nương trồng vầu, trồng rừng, cùng cấy cùng cắt lúa, cùng khai khẩn mở rộng đất sản xuất với bà con đồng bào người Mông đã không còn xa lạ. Từ 2,5 ha giờ đây bà con bản Mùa Xuân đã có hơn 11 ha trồng lúa nước hai vụ như chia sẻ của ông Thao Văn Dia - trưởng bản. Từ chỗ phá luồng, phá vầu tự nhiên để lấy đất trồng lúa, trồng ngô trên nương giờ đây người dân Ché Lầu lại cùng những người áo lính cấy lại cây vầu để có thêm nguồn thu cải thiện đời sống. Đồng bào Xía Nọi trước đây chỉ biết ngô nương, lúa rẫy thì hai năm nay họ đã biết trồng cây lúa nước, bộ đội biên phòng vừa hỗ trợ giống lúa, phân tro, vừa hướng dẫn kỹ thuật cấy hái. Cây vầu, cây quế, cây mỡ Nhà nước hỗ trợ đang dần phủ xanh đồi trọc, Xía Nọi đang thay đổi sau một thời gian dài chủ trương ba bám bốn cùng của bộ đội biên phòng được triển khai. Cây vầu đã lên xanh, cây gừng, cây khoai mán đã cho thu hoạch vụ đầu, người dân Ché Lầu đã có thêm nhiều nguồn thu hơn ngoài con gà, cây lúa. Ché Lầu đã không còn đói, người dân hăng say làm ăn để thoát nghèo, cùng với sự giúp sức thông qua các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước và sự động viên tinh thần, tuyên truyền, vận động, góp công góp sức của những người lính mang quân hàm xanh.

Đêm nay ở Mùa Xuân lất phất mưa, chưa cóng như khi vào chính đông nhưng đủ xuýt xoa như dưới xuôi đón khí lạnh đầu mùa. Bản Mùa Xuân có điện hơn năm nay rồi, nhưng cái thứ ánh sáng yếu ớt tỏa ra từ một vài bóng đèn led ấy bị bóng đêm đen đặc của núi rừng mênh mông nuốt trọn, đêm trở nên sâu hun hút, tôi bất giác nghĩ đến câu chuyện của Thiếu tá Hà Văn Minh, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, nói về các loại tội phạm thường hoạt động mạnh về đêm. Biết đâu đấy trong bóng đêm bao phủ khắp núi rừng ở một đường mòn, lối mở, hay khe suối mùa nước cạn ngoài kia một hoạt động phi pháp nào đó đang diễn ra, một âm mưu đen tối nào đó đang được tiến hành. Và những người lính mang quân hàm xanh cũng đang ẩn mình vào rừng, vào đêm, vào những vạt cỏ tranh ướt đẫm sương đêm theo dấu tội phạm để “cất vó”.

NGUYỄN HẢI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]