(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII đã xác định giảm nghèo nhanh và bền vững là một trong 5 chương trình KT-XH trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020. Đến ngày 27/5/2016, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 289-QĐ/TU về ban hành Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020. 5 năm qua với nhiều nỗ lực quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng và nhân dân, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thực hiện chương trình này, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.

Tin liên quan

Đọc nhiều

"Hành trình" giảm nghèo còn lắm gian truân (Kỳ 1): Bước đột phá trong công tác giảm nghèo

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII đã xác định giảm nghèo nhanh và bền vững là một trong 5 chương trình KT-XH trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020. Đến ngày 27/5/2016, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 289-QĐ/TU về ban hành Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020. 5 năm qua với nhiều nỗ lực quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng và nhân dân, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thực hiện chương trình này, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.

Bằng việc cụ thể hóa mục tiêu giảm nghèo và những giải pháp thiết thực, hiệu quả, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều mô hình, dự án mới triển khai, từng bước phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi diện mạo nông thôn, nhất là ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển...

Càng khó càng quyết tâm giảm nghèo

Sau nhiều lần lỡ hẹn, tôi trở lại Quan Sơn lần này lại đúng vào đợt mưa như trút nước. Suốt hành trình dài gần 200 km, tôi cứ mải ngắm cảnh vật, bản làng... cuộc sống của bà con nơi đây dường như đã đổi thay nhiều. Những ngôi nhà sàn, nhà bê tông cốt thép mới được xây dựng thay cho nhưng nhà tranh vách đất ngày xưa. Ruộng lúa nước san sát, thay thế dần những nương lúa bậc thang nằm cheo leo lưng chừng núi. Và vui nhất là đường lên biên giới đã được mở rộng thênh thang, trải nhựa phẳng lỳ, thay cho con đường lầy lội trước đây.

Vào bản Hạ, xã Sơn Hà, tôi khá bất ngờ bởi gần 4 km đường quanh bản được bê tông hóa, điện lưới kéo về tận từng hộ gia đình, có trường học, công trình nước sạch, sân bóng chuyền, nhà văn hóa cộng đồng, tivi, xe máy hầu như nhà nào cũng có... Gặp chúng tôi tại Nhà văn hóa bản được xây dựng khang trang, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Hà Văn Khương, vui vẻ cho biết: Bản Hạ đã đổi thay rồi. Hồi chưa có đường, hiếm lắm mới thấy xe ô tô chạy; xe máy thì đoạn đi, đoạn phải dắt, cực lắm. Lúc đó, nghèo đói, túng thiếu đeo bám người dân bản. Thậm chí, vào những ngày Tết, vẫn có nhà đi vay gạo ăn. Những năm gần đây, được sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền vận động bà con trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà theo hướng hàng hóa, đời sống nhân dân đã đổi thay nhanh chóng. Có điện, có đường, có trường học cho các cháu nên bà con trong bản vui lắm. Trước đây, toàn bản Hạ có 120 hộ thì có 30 hộ nghèo (2016), thì đến nay chỉ còn 7 hộ nghèo. Năm nay bản sẽ phấn đấu thoát nghèo thêm 3 hộ nữa...

Để minh chứng cho lời nói và thực tế của bản, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Hà Văn Khương dẫn chúng tôi đến nhà anh Lò Văn Tùng. Ngồi trong ngôi nhà sàn kiên cố, anh Tùng không giấu được niềm phấn khởi. Bởi chỉ cách đây hơn 5 năm, gia đình sống trong ngôi nhà tranh tre tạm bợ. Không biết chữ, lại lập gia đình và sinh con sớm nên cuộc sống của gia đình Tùng cứ quay quắt trong nghèo khó. Anh Tùng chia sẻ: "Được Nhà nước hỗ trợ cho con bò giống và ngân hàng chính sách tạo điều kiện vay vốn 50 triệu đồng tôi mừng lắm. Lại được sự giúp đỡ của bác bí thư chi bộ và các đảng viên trong bản, vợ chồng tôi đã biết cách chăn nuôi bò, vào rừng trồng luồng, trồng vầu để có thu nhập. Rồi mỗi tháng đi làm thêm, khai thác nứa, vầu cũng được hơn 5 triệu đồng, đủ tiền chi phí và phụng dưỡng bố mẹ và nuôi các con ăn học".

Ông Lò Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 6 bản thì cả 6 đều đạt chuẩn NTM. Những năm qua, chính quyền địa phương tích cực đẩy mạnh chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững thông qua việc tập trung sản xuất nông - lâm nghiệp, trồng rừng, khai thác lâm sản, phát triển cây luồng...Nhờ đó, đời sống của bà con trong xã được nâng lên rất nhiều, toàn xã có 52 hộ dân tự viết đơn xin thoát nghèo, trong đó bản nhiều đơn nhất là bản Lầu, với 14 hộ. Năm 2019 xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người là 33,3 triệu/ người/ năm. Đến nay, xã chỉ còn 32 hộ nghèo, chiếm 0,7%.

Mô hình ươm giống vầu ở Quan Sơn đang phát huy hiệu quả trong công tác giảm nghèo.

Đem câu chuyện giảm nghèo của bản Hạ (xã Sơn Hà), gặp ông Chu Đình Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, ông chia sẻ: Gần đây, huyện có nhiều giải pháp mở hướng xóa nghèo bền vững cho người dân. Một trong những cách làm hay, thiết thực và được đồng bào ủng hộ, đó là cho “dân mình cái cần câu để phát triển sản xuất...". Chẳng hạn, khi được Nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ 10 triệu đồng để mua bò thì hộ nghèo phải bỏ thêm 10 triệu đồng để mua giống bò lớn hơn và trồng cỏ, làm chuồng nuôi bò. Cách làm này đã gắn trách nhiệm của hộ nghèo với đồng vốn bỏ ra, cho nên việc đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt rất có hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai mô hình kinh tế như: Nuôi lợn lai lòi, thâm canh cây chuối tiêu hồng, khoai sọ mán, gấc, phục tráng rừng luồng, tại các xã Trung Thượng, Trung Hạ, Sơn Lư, Tam Lư, Sơn Thủy... Bởi vậy, công tác giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện đã có bước đột phá. Toàn huyện đã giảm nghèo từ 3.606 hộ, chiếm 41,87% (năm 2016), xuống còn 977 hộ, chiếm 10,73% (năm 2019). Đến nay, toàn huyện đã có 2 xã và 41 bản đạt chuẩn NTM. Tiêu chí xã so với toàn tỉnh đứng thứ 22 và đứng thứ 6 trong 11 huyện miền núi, tiêu chí bản đứng thứ 7 trong 11 huyện miền núi...

Nếu như công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở Quan Sơn được coi là bước đột phá thì ở Như Xuân lại là một kỳ tích. Con số, năm 2020 toàn huyện sẽ giảm còn 2,03%, giảm 35,33% so với năm 2015, bình quân hàng năm giảm 7,07% là minh chứng thuyết phục khẳng định sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị huyện. Điều quan trọng hơn đó chính là ý thức vươn lên của mỗi người dân trong thực hiện công tác giảm nghèo.

Ông Đỗ Tất Hùng - Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Như Xuân, cho biết: Những năm qua, huyện luôn xác định công tác giảm nghèo là cả một “hành trình dài” chứ không chỉ có ngày một, ngày hai. Giảm nghèo nhanh nhưng phải bền vững. Để bền vững được thì huyện đẩy mạnh phát triển các mô hình, cách thức sản xuất cho bà con. Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã phân bổ trên 64 tỷ đồng cho các xã thực hiện các dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Từ đó, tinh thần vượt khó, ý chí tự vươn lên thoát nghèo của nhân dân từng bước được nâng cao, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu chính đáng, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh. Cũng nhờ đó, tháng 3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 275/QĐ-TTg công nhận Như Xuân ra khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a.

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ xã nghèo giảm nhanh theo từng năm, nếu như năm 2016 toàn tỉnh có 100 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%, thì đến nay chỉ còn 7 xã... Đáng ghi nhận nhất là ở khu vực 11 huyện miền núi giảm 40.890 hộ nghèo (từ 57.684 hộ xuống còn 16.794 hộ), từ 25,79% xuống 7,3%, bình quân giảm 4,62%/năm. Rõ ràng, Quyết định 289-QĐ/TU của Tỉnh ủy Thanh Hóa về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016-2020 là cơ sở, mục tiêu quan trọng, làm căn cứ cho các địa phương cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch giảm nghèo, gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả

Nói về động lực mang lại thành quả trong công tác giảm nghèo những năm qua, ông Lê Minh Hành - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, cho rằng: Dấu mốc quan trọng đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo là nhờ thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Từ đó tỉnh cũng đã kết hợp nhiều nguồn vốn để hỗ trợ hộ nghèo, tạo sinh kế để người nghèo tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, nhất là các chủ trương về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và các chính sách khác đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân.

Thực tế, nhiều địa phương trong tỉnh nhờ ý thức tự vươn lên của người dân nên công tác giảm nghèo đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tại Thường Xuân, theo Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Cầm Bá Đứng, cho biết: Đến nay huyện đã xây dựng được 29 mô hình với 1.570 hộ, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động tại địa phương. Từ đó góp phần giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo, từ 22,18% (năm 2015), xuống còn 13,77% (năm 2018). Dự kiến đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 7%.

Tại các hội nghị chuyên sâu về công tác giảm nghèo, nhiều đại biểu cho rằng, việc thay đổi nhận thức của hộ nghèo đối với công tác giảm nghèo, nhất là những trường hợp tự nguyện xin thoát nghèo trên địa bàn tỉnh là rất đáng biểu dương. Đó là những tấm gương sáng để những hộ nghèo nào còn có tư tưởng ỷ lại, chưa có sự nỗ lực vươn lên nhìn vào để phấn đấu và “soi” lại mình. Bởi việc giảm nghèo muốn đạt hiệu quả cao và bền vững thì không ai khác, chính các hộ nghèo cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, cố gắng vươn lên.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]