(vhds.baothanhhoa.vn) - Thơ là tiếng lòng, có người đã nói vậy. Tôi đã mang tâm thế ấy để tìm đến thơ của nhà thơ Mai Hương - một nhà báo sắc sảo và thiện lương, một người đồng nghiệp mà tôi luôn trân quý và có nhiều dịp làm việc và tiếp xúc.

“Khúc tự ru” của Mai Hương

Thơ là tiếng lòng, có người đã nói vậy. Tôi đã mang tâm thế ấy để tìm đến thơ của nhà thơ Mai Hương - một nhà báo sắc sảo và thiện lương, một người đồng nghiệp mà tôi luôn trân quý và có nhiều dịp làm việc và tiếp xúc.

“Khúc tự ru” của Mai Hương

Tập thơ Khúc tự ru của nhà thơ - nhà báo Mai Hương có thể được xem là tập thơ thứ hai sau tập thơ “Đốm lửa nhỏ” (xuất bản năm 2007). Tập thơ được xuất bản năm 2016 nghĩa là gần 10 năm sau tập thơ đầu. Nếu tập thơ đầu hồn nhiên, trong trẻo vẹn nguyên ký ức của tuổi thanh xuân, sinh viên và bỡ ngỡ những năm đầu lập nghề lập nghiệp thì tập thơ Khúc tự ru lại thao thức bởi những tâm sự còn đó những ngổn ngang.

Tập thơ gồm 79 bài, được chia làm 4 phần: vạch thời gian, khúc tự ru, sạn nước mắt và “nơi ấy là Tổ quốc”.

Mở đầu tập thơ là bài thơ ngắn: “Đời làm báo”, tôi cho là cách tự trào vừa hài hước, vừa dí dỏm của nhà báo, nhà thơ Mai Hương mà thôi. Mà tự trào cũng thật khiêm tốn, dễ thương: “Lang thang”, “Lông nhông”, “Loanh quanh” và “Lêu đêu”, nhưng đừng có đùa “bán nắng mua sương trăm miền”. Và câu này mới thật thấm thía: “Ngày vui trút hết ưu phiền”. Tại sao không phải là ngày buồn mà là ngày vui? Tôi vẫn tin, chị Hương - nhà báo Mai Hương - nhà thơ Mai Hương vẫn luôn da diết với tình đời với tình người. Ưu phiền nhưng phải là ngày vui mới trút, nỗi niềm đó nhưng vẫn da diết một niềm tin.

Trong bài thơ “Trái tim không biết nói”, nhà thơ Mai Hương quả thực đã khiến cho người đọc thấu hiểu: một trái tim không biết nói nghĩa là thế nào? A-Đam, chiếc xương sườn gợi nhớ đến tích xưa còn để lại: Phải chăng E-Va là chiếc xương sườn huyền thoại của A-Đam? Thời gian - số phận khiến cho mỗi người, mỗi cảnh đời dẫu có sự khác biệt. Sự khác biệt ấy có thể là cảnh ngộ, cảnh huống, nhưng bản ngã, tính thiện thì luôn là điều cốt lõi mang tính nhân loại. Sự ứng xử của mỗi người mới là điều đang nói. Hãy xem, Mai Hương ở đây đã chọn cách nào: “Những kỷ niệm thân thương - Xin xếp lại - Trong Hộp đen ký ức - Quá khứ ngủ yên - Đừng trở về thao thức” và cái kết ấy thật đẹp và nên thơ: “Đừng hỏi vì sao trái tim câm lặng - E-Va đợi anh ở phía mặt trời”. Đúng là con gái thật rồi. Trái tim không biết nói mà nói được rất nhiều. Không phải là trái tim câm lặng đâu, mà trái tim ấy luôn có một bến đợi ở phía mặt trời và những điều đẹp đẽ thiêng liêng...

Tôi đã dừng lại thật lâu, thật sâu ở bài thơ “Niềm tin” trong phần “Sạn nước mắt”. Bài thơ đẹp bởi cách trao đổi tương tác niềm tin giữa hai thế hệ. Ở đây, người đọc có thể cảm nhận ở thế hệ bố mẹ và thế hệ những người con của mình. Nếu như phần đầu có vị đắng chát bởi tâm tư “Tôi gục ngã trước niềm tin thánh thiện”, “Tôi đã chết bởi niềm tin đã hết” hoặc “Tôi sẽ dạy con đừng tin tất cả” thì người mẹ và ông bố ấy đã luôn kiên định và tỉnh táo: “Tư duy trẻ thơ mặc định từ đâu” và cuối cùng là niềm tin vẫn thực sự trong sáng thơ ngây như buổi ban đầu: “Con tôi vẫn còn trong sáng thơ ngây - Tôi không nỡ dạy con đừng tin tất cả”.

Với tâm thức ấy, tôi luôn tin thơ Mai Hương thánh thiện, hướng niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc đời và con người.

Nếu được chọn bài thơ hay nhất và hấp dẫn tôi nhất của tập thơ, tôi không ngần ngại chọn bài: “Âm bản”. Bài thơ thật lạ ngay từ nhan đề và cả tứ thơ. Bài thơ bắt đầu từ tứ: “Mượn chiếc kính viễn vọng của Bồ Tát để soi kiếp trước, vọng kiếp sau của chính mình”. Dựa trên hiểu biết thật tài tình về luật nhân quả, tác giả khá thẳng thắn, sắc sảo khi chỉ ra những hệ lụy và lý giải những cảnh huống mà có thể là mình hoặc nhân gian từng trải qua. Là ấu thơ có người mẹ hay phạt đòn, là thanh xuân yêu trong thầm lặng, là thường nhận những trái đắng trong nhân gian từ tình người, tình đời... Tất cả được tác giả lý giải bởi những điều trong tiền kiếp. Điều đáng nói, đáng trọng hơn là tình tiết: “Nhưng may thay, Bồ Tát cho tôi mượn kính viễn vọng này.../ Nên đã kịp sửa mình, cố gắng mỗi ngày”. Sống trọn từng giây, sửa mình từng khắc - đó là những điều đẹp đẽ nhất mà chính tôi đã được ngộ trong “Âm bản” của Mai Hương. Có phải ai cũng đủ dũng cảm, đủ khí phách để tự soi, tự sửa thế đâu? Đáng trọng, đáng thương, đáng quý cũng là lẽ ấy.

Thơ của nhà báo Mai Hương tự nó đã có sự khác biệt. Như những dòng thơ đầu trong bài “Đời làm báo” chị đã nói: “Ngày vui trút hết ưu phiền”. Đời làm báo cho chị nhiều cơ hội, nhiều trải nghiệm, nhiều thấu cảm. Và chị đã dùng những ngân rung của tâm hồn mẫn cảm, đa đoan, đa sự của mình để hướng ngòi bút vào những điều chị tin là đẹp đẽ và thánh thiện nhất. Băng qua vạch thời gian, tìm đến khúc tự ru làm mát tâm hồn, gạt đi những sạn nước mắt ngấn lệ để tìm về nơi ấy là Tổ quốc.

“Truyện cổ tích ba ngàn năm về Trái đất” là một lời cảnh báo đầy trách nhiệm của một nhà báo công dân Mai Hương. Không còn là câu chuyện giữa các thế hệ giữa “ta” và “con” mà là thông điệp cháy bỏng về chung một tình yêu về một hành tinh xanh - là di sản của thế hệ trước, thế hệ hôm nay để lại cho mai sau. Ba ngàn năm ấy là điểm nhìn thời gian và không gian của hôm nay nhìn về trước đó và là mong muốn truyền đến con cháu hôm nay mai sau. Trong câu chuyện ấy có chị gái ta, em trai ta, có mẹ ta và cha ta và lời nhắn nhủ đến “ta viết cho con trước khi về cõi chết.../ Con hãy kể cho muôn vàn hậu duệ của đời con. Bài học đắng cay loài người đang trải/ Để cắt dây oan nhân quả luân hồi/ Xin đừng bức tử hành tinh xanh con đang sống”.

Thơ chưa bao giờ chỉ là sản phẩm của tưởng tượng, của cảm xúc. Thơ luôn là lý lẽ của tâm hồn, của trái tim đầy rung cảm. Thơ chỉ chưng cất khi cảm xúc đong đầy của trái tim đầy thấu hiểu, đồng cảm. Dòng thơ của nhà báo, nhà thơ Mai Hương đầy trách nhiệm, trách nhiệm với từng phút giây mình đang sống, là tiếng nguyện hồn ai cảnh báo sớm những điều vừa lớn lao vừa căn cốt mà nhân loại đã và đang trải qua. Thơ hay vì những tư tưởng lớn lao vì con người và cho con người là vậy.

Trên hết, với tâm hồn nặng lòng với đời với người. Tôi tin vào những dòng thơ ấy, cũng như tin vào tâm hồn ấy, thật đẹp và luôn muốn những tấm lòng giữa nhân gian mãi luôn hẹn nhau ở một điểm!.

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]