(vhds.baothanhhoa.vn) - Đến một lúc nào đó bạn lại nhớ về những ký ức đẹp ngày còn thơ, trong đó có ký ức của những buổi vui chơi cùng với đám bạn cùng xóm; những trò chơi dân gian dễ chơi nhưng đầy cuốn hút. So với các bạn thành phố, tuổi thơ của chúng tôi không đủ đầy về vật chất nhưng nó rực rỡ sắc màu và cực kì thú vị.

Ký ức những ngày hè rực rỡ

Đến một lúc nào đó bạn lại nhớ về những ký ức đẹp ngày còn thơ, trong đó có ký ức của những buổi vui chơi cùng với đám bạn cùng xóm; những trò chơi dân gian dễ chơi nhưng đầy cuốn hút. So với các bạn thành phố, tuổi thơ của chúng tôi không đủ đầy về vật chất nhưng nó rực rỡ sắc màu và cực kì thú vị.

Ký ức những ngày hè rực rỡ

Niềm vui của trẻ con ngày xưa khác trẻ con bây giờ nhiều lắm. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Miền quê cát cháy đã bước vào mùa mưa, những cơn mưa rào ý nghĩa với đời sống của người dân, với cây trồng sau bao ngày khô nắng, hạn hán. Những giọt nước trời thấm vào lòng đất hóa giải sự khô cằn của cỏ cây hoa lá và lòng người, khiến chúng trở nên xanh tươi, mát mẻ. Thời điểm hiện tại, tôi không còn háo hức với mùa hè nữa. Bởi với người đã đi làm thì hè hay đông, nắng hay mưa cũng đều giống nhau. Thế nhưng, trong lòng tôi luôn nhớ về những ngày thơ yên ả khi còn là đứa trẻ hồn nhiên bên gia đình.

Ngày hè của chúng tôi với đầy đủ gam màu tối - sáng. Cứ thi học kỳ hai xong, chị em tôi thay nhau lùa bò đi thả. Nhà tôi hồi ấy có một cặp bò mẹ con. Sáng sớm, tôi bận bộ đồ cũ mèm, đội cái nón sấp mặt rồi lăm le cây roi đi sau mẹ con nhà bò. Tôi thả bò ở đám ruộng bên kia đường. Trong lúc những chú bò gặm cỏ, tôi tranh thủ cắt cỏ, đem về để đến tối cho bò ăn thêm. Nếu không cắt cỏ, tôi hái rau muống nước mang về cho lợn. Sau trận mưa rào, bầu trời hửng nắng, những ngọn rau muống xanh mơn mởn, vươn dài lên tận bờ ruộng. Chỉ cần túm một ngọn là kéo lên cả vạt. Cũng có khi tôi ngồi yên nhìn đàn bò ngoạm cỏ rào rạo. Tôi biết rõ tính khí của từng con, thậm chí biết chúng thích ăn loại cỏ nào. Tôi căn thời gian bằng cách lắng nghe chiếc bụng của mình, khi nào thấy đói thì tôi cho bò về nghỉ trưa.

Những ngày mùa đi qua, cánh đồng chỉ còn trơ những gốc rạ, tôi không cần dắt bò nữa mà thả cho chúng đi theo đàn. Đám trẻ chăn bò trong làng tụ lại với nhau, móc cua, bắt cá, nướng khoai. Buổi chiều, nắng bớt gắt và gió bớt hanh, chúng tôi rủ nhau thả diều. Những cánh diều được làm vụng về từ giấy vở học sinh và thanh tre chuốt mỏng hay chiếc túi nilong đi chợ. Chúng tôi vứt dép và nón một góc, chạy chân trần trên cỏ thi xem diều của ai bay cao hơn. Có bữa tôi ham vui quên để ý, bò nhà tôi lẻn vào vườn người ta phá phách làm mẹ phải đem tiền đi chuộc. Tôi bị đánh nhưng vẫn không chừa.

Tôi nhớ những đêm mất điện, mẹ trải chiếu ra giữa sân. Mấy chị em nằm ngắm bầu trời đêm hè. Ở quê, kể cả những hôm có điện thì bầu trời cũng rất quang mây. Gió thổi mát rượi và tôi cứ thế ngủ khi nào không biết. Vui nhất là những buổi tối mấy chị em ra vườn bắt đom đóm chơi. Những con đom đóm lập lòe bay từ bụi cây này sang bụi cây khác. Chị em tôi bắt được rất nhiều nhưng rồi đều thả ra vì sợ đom đóm chết sẽ học ngu. Kỳ lạ là bây giờ đom đóm rất ít. Tôi gần như không thấy những đốm nhỏ nhấp nháy mỗi khi về quê.

Làng tôi dần dà trở nên khá giả hơn. Nhà giàu trong xóm bắt đầu sắm ti vi. Vì nghỉ hè không cần phải học bài nên buổi tối tụi tôi được đi coi phim thoải mái. Ăn cơm xong, chúng tôi sẽ chạy ngay sang nhà có ti vi để xí chỗ. Thời đó, những bạn nhà có ti vi được lũ trẻ chúng tôi “o bế”, “xu nịnh” vì sợ nhỡ không may làm bạn giận, bạn sẽ không cho sang nhà xem ti vi nữa. Hè năm nào ti vi cũng chiếu lại bộ phim Tây du ký, hết phim cũng 9-10 h tối, lúc về chẳng cần bật đèn pin tôi cũng nhớ hết đoạn đường nào có mô đất nhô cao, đoạn nào lõm ổ gà. Có lẽ tôi đi bằng cảm giác nhiều hơn.

Nhiều lắm lắm những kỷ niệm của tuổi thơ cứ hiện về. Chợt nghĩ, niềm vui của trẻ con ngày xưa khác trẻ con bây giờ nhiều lắm. Trẻ con bây giờ, ngoài giờ học trên trường, ngoại trừ những trẻ em vùng sâu, vùng xa nghèo khó thì hầu như dành phần lớn thời gian bên các thiết bị điện tử với những trò chơi “hiện đại” mà ít gần gũi với thiên nhiên, với câu chuyện, lời ru của mẹ! Phải chăng điều đó đã khiến cho các em ít gắn bó với đồng quê và cảm giác mát mẻ của những buổi trưa hè dưới bóng cây trứng gà. Thậm chí, chúng dễ dàng quên hơi ấm của mẹ, không nhìn ra sự tần tảo của cha, rồi hình thành nên sự vô cảm khi trưởng thành chăng?

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]