(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã bao năm rời quê lên phố, nhưng cứ mỗi mùa mưa tháng tám, nghe tiếng rít của gió, tiếng gầm của mưa, tôi lại hướng ánh mắt âu lo về phía quê nhà. Ở đó tôi còn những người bà con cũ vẫn đang theo nghề canh nông.

Ký ức quê nhà những mùa lụt cũ

Đã bao năm rời quê lên phố, nhưng cứ mỗi mùa mưa tháng tám, nghe tiếng rít của gió, tiếng gầm của mưa, tôi lại hướng ánh mắt âu lo về phía quê nhà. Ở đó tôi còn những người bà con cũ vẫn đang theo nghề canh nông.

Ký ức quê nhà những mùa lụt cũ

(Ảnh minh họa)

Những cơn mưa khiến người xa xứ thêm nhớ quê nhà. Tôi đứng lên, bước ra khỏi căn phòng làm việc vươn vai nhìn mưa, lòng lắng lại. Ký ức những mùa lụt cũ cứ thế hiện về. Ấy là những ngày tháng tám, sau những trận mưa cả cánh đồng làng trắng băng, nước nổi lên ở những ruộng khoai lang, người làng đội mưa ra đồng đưa khoai về để tránh bị ngâm nước quá lâu. Nhưng sức người hữu hạn, khó để tránh được những củ khoai lang bị ngâm trong nước bốc mùi thum thủm.

Thế nhưng có khoai để ăn đã tốt lắm rồi. Hồi ấy khoai lang là một trong những lương thực chủ đạo, chê khoai thủm khi lúa chưa gặt, thì chỉ còn cách nhịn đói. Những nồi khoai luộc xong phải ăn nóng để át đi mùi thum thủm. Với những nông dân ở vùng chiêm trũng muốn cũng khó có những củ khoai lang ngâm nước bốc mùi ấy để ăn trong những ngày giáp hạt tháng tám.

Nhớ là, mỗi mùa mưa ngập đồng, sau khi nông dân vùng đồng bái đưa khoai về nhà, nhiều nông dân vùng đồng chiêm lại đến những ruộng khoai vừa thu hoạch, chân đạp xuống đất ướt mót những củ khoai còn sót lại. Chỉ cần chân chạm vào củ khoai nhiều người đã reo vang giữa ruộng. Những âm thanh rất khó tả. Nhiều khi người thu hoạch khoai đi trước, người mót khoai với chiếc giỏ bên hông hay chiếc bồ trên lưng bước ngay theo sau, chân dậm xuống đất mong khoai còn sót lại. Hình ảnh cho thấy sự khó khăn thời bao cấp, nhưng cũng rất đáng nhớ, thôi thúc chúng tôi phải học hành để hy vọng có thể thoát được cái đói, cái nghèo.

Có lần cùng mẹ thu hoạch khoai, nhìn thấy con bé có lẽ chỉ nhỏ hơn mình một hai tuổi, tóc đuôi bò, chiếc áo rách bươm, đeo chiếc bồ cao hơn cả vai. Nó mót khoai trên ngay phần ruộng nhà tôi. Ánh mắt của nó chầm chậm, hằn lên cái đói và mất ngủ. Tôi đã cố tình để lại vài củ khoai trên ruộng. Tôi chẳng biết làm thế có đúng không, vì ngay đến phần khoai thu hoạch được sau trận mưa cũng chẳng thể đủ cho mấy miệng ăn chờ vụ lúa tháng mười. Mẹ biết tôi đã cố tình làm thế, nhưng chẳng nói gì. Mẹ cũng sinh ra từ vùng đồng chiêm trũng ấy, lấy chồng lên đồng bái, nên mẹ hiểu cái cơ cực của người dân khi đứt bữa...

Ở đồng bái còn có khoai gối vụ, chứ vùng đồng chiêm thì chỉ trông vào cây lúa. Năm nào mùa mưa qua nhanh, nông dân còn có thể thu hoạch được, chứ những năm mưa dầm thì cả cánh đồng lúa như biển nước mênh mông, sóng dập dềnh, nhìn thôi đã ngao ngán. Những người nông dân buồn rầu đẩy chiếc thuyền nan ra ruộng dùng hái ngoắc từng ngọn lúa lên cắt xong rồi tuốt vào thuyền. Một hình ảnh dù không muốn nhưng vẫn phải chấp nhận, bởi khi ấy việc tiêu thủy gần như không chủ động. Mỗi mùa mưa lụt nước từ thượng nguồn sông Hoạt, sông Lèn sầm sập đổ về, không còn chỗ cho nước ở những cánh đồng quê tôi tiêu thoát. Những thuyền lúa dù được đưa về nhà, nhưng chỉ là cái cách để người nông dân bớt tiếc xót thành quả lao động của mình. Những hạt lúa ngâm lâu ngày trong nước đã nảy mầm còn ăn sao được nữa, chỉ còn cách giã ra cho gia súc, gia cầm. Mỗi mùa lụt người dân làng lúa lại phải trông vào những mảnh ruộng ở mạn đồng bái sót lại những củ khoai bốc mùi thum thủm.

Ở làng quê khi nước lụt nổi lên trên những cánh đồng, những dòng sông, cũng là thời điểm những chiếc vó, chiếc đơm, chiếc đó lại được người làng gỡ từ bếp đem ra đặt ở những nơi nước chảy để đón cá. Nhiều khi đặt vó xong quay lại nước đã cuốn đi mất, nhiều người để nguyên bộ quần áo đang mặc nhảy xuống dòng sông để mong có thể vớt được, bởi đó là công cụ của họ mỗi khi nước lụt về.

Mất lúa, mất khoai, còn mất luôn những chiếc vó là mất mát quá lớn. Nhà nông chẳng biết trông ai lúc ấy ngoài sự thương xót của ông trời. Một nền nông nghiệp lệ thuộc vào thiên nhiên, con người phải chấp nhận sự may rủi. Khó khăn là thế nhưng những đứa trẻ sinh ra ở nông thôn vẫn lăn lóc để lớn lên.

Đã bao năm rời quê lên phố, nhưng cứ mỗi mùa mưa tháng tám, nghe tiếng rít của gió, tiếng gầm của mưa, tôi lại hướng ánh mắt âu lo về phía quê nhà. Ở đó tôi còn những người bà con cũ vẫn đang theo nghề canh nông. Biết rằng bây giờ việc trị thủy đã hiện đại lắm rồi. Cũng chẳng còn ai phải ăn khoai lang mùa lụt, chẳng còn những chiếc thuyền chở lúa mầm về nhà trong sự tiếc xót nữa. Càng không còn những người nông dân với chiếc bồ thì thụp lội trên cánh đồng mót khoai. Tất cả đã là quá vãng. Một nông thôn mới với hình ảnh người nông dân làm chủ những công nghệ trên ruộng đồng theo hướng thuận thiên.

Nghe mưa nhớ quê, bởi ký ức không dễ phai mờ...

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]