(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhạc sĩ Văn Hòe sinh năm 1929 ở xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia (nay là phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn). Ông có thời gian làm Trưởng đoàn chuyên gia giúp Đoàn ca múa của nước bạn Lào, Trưởng đoàn văn công du kích Trường Sơn, Trưởng đoàn kiêm Chỉ đạo nghệ thuật đoàn Ca Múa Thanh Hóa... Rồi sau đó làm Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

Nhạc sĩ Văn Hòe mê hò đò dọc sông Mã

Nhạc sĩ Văn Hòe sinh năm 1929 ở xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia (nay là phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn). Ông có thời gian làm Trưởng đoàn chuyên gia giúp Đoàn ca múa của nước bạn Lào, Trưởng đoàn văn công du kích Trường Sơn, Trưởng đoàn kiêm Chỉ đạo nghệ thuật đoàn Ca Múa Thanh Hóa... Rồi sau đó làm Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

Nhạc sĩ Văn Hòe mê hò đò dọc sông Mã

Hơn 70 năm làm nghề, ông được đồng nghiệp và khán giả ghi nhận qua các ca khúc nổi tiếng như: Xe anh lại đi (1968), Khi tiếng khèn ngân vang (1985), Dòng sông quê hương (1986), Hương quế Thường Xuân (1990),... Ông còn có một số công trình lý luận, tiểu luận đã công bố về cồng chiêng Thái - Thanh Hóa, nhạc múa Xuân Phả, âm nhạc lễ hội Thành hoàng, Cung đàn bạc mệnh của Vương Thúy Kiều, hát nhà trò Văn Trinh Thanh Hóa, phân tích Hò đò dọc sông Mã…

Nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh nền âm nhạc dân gian Thanh Hóa xuất hiện từ sớm, cách ngày nay trên dưới 3.000 năm, khi mà trên mặt trống đồng Ngọc Lũ có họa tiết hình ảnh hòa tấu dàn nhạc gồm 4 chiếc trống đồng, 9 chiếc cổng trên giá và người thổi kèn.

Sau khi nghỉ hưu, nhạc sĩ Văn Hòe tập trung hiệu đính lại các độc bản và dị bản ký âm vô số những giai điệu cũ, các mô tả sinh hoạt múa hát còn thấp thoáng nơi này nơi kia để biên soạn thành những tổng phổ dầy dặn cho thấy các sinh hoạt ấy vốn không giản đơn và quá mộc mạc; xác định các trình thức biểu diễn, phân định vai trò các nhạc cụ...

Ông nhớ lại thời kỳ biên soạn tổng phổ bộ gõ của nhạc lễ sưu tầm ở làng Phú Khê (nay thuộc xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa). Lúc đó ông và nghệ nhân Nguyễn Văn Đính hoàn toàn căn cứ trên bản ký âm cổ gồm bốn dàn chiêng trống hùng hậu với hàng nghìn nhịp phách hoàn hảo. Bản tổng phổ thành công mà theo nhà nghiên cứu Phan Bảo: Tương đương một tòa kiến trúc. Rồi việc ông trực tiếp khảo sát, hiệu đính từ nhiều nguồn, xác lập lại nhiều vũ hình, vũ điệu, ca từ và trình thức các lớp lang. Đặc biệt là trong cuốn sách “Âm nhạc dân gian Thanh Hóa” (Nxb Thanh Hóa, 2015) ông đã dành công sức chú tâm nghiên cứu cơ cấu khúc thức rành rọt của hò - một hình thức hát ca tập thể cơ bản phác nên chân dung tình cảm người Thanh Hóa.

Xứ Thanh phong phú và đa dạng hệ thống giao thông đường thủy. Bên cạnh sông Mã còn có các chi lưu như sông Chu, sông Cầu Chày, sông Bưởi,... Chính điều kiện địa lý ấy đã xuất hiện rất nhiều con đò dọc chuyên chở hành khách và lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền trong tỉnh. Đò dọc xứ Thanh phát triển từ rất sớm, cho đến thập niên 50 thế kỷ XX. Từ những con đò dọc ấy thì tiếng hò xuất hiện. Nhạc sĩ Văn Hòe lý giải, nếu hò sông Hương là chèo để hò thì hò đò dọc sông Mã là hò để chèo. Nghĩa là để thay đổi cách chèo chống thì phải thay đổi điệu hò. Chẳng hạn, đang chèo xuôi nhịp chèo khoan thai, ngắn gọn, hoặc gặp đoạn sông nước chảy xuôi rất xiết mà con thuyền lại phải lên ngược dòng không thể dùng chèo được trai đò phải dùng sào để chống ngược... thì người chỉ huy phải hò chống sào.

Thường xuyên thay đổi cách chèo, khiến hò đò sông Mã được chia thành nhiều loại, như: hò rời bến, hò nhịp đôi, hò đường trường, hò làn ai, hò làn văn, hò niệm phật, hò cầu chúa, hò ru ngủ, hò chống sào, hò vượt thác, hò kéo thuyền, hò vác cạn, hò cập bến... Bởi thế mà ông mê và chuyên tâm tìm hiểu hò sông Mã.

Ông đã ghi lại tới vài ngàn câu hò sông Mã. Thảng hoặc trong khi vừa nhớ lại những chuyện cũ, ông vừa ngân lên những câu hò lúc hùng hồn mà rất lãng mạn, khi lại nhẹ nhàng giản đơn. Tôi hỏi: Đến tuổi này, còn điều gì khiến ông tiếc nuối? Ông chỉ cho tôi tư liệu về các hình thức sinh hoạt hát xướng cửa đình cửa phủ, các vũ điệu nơi đền miếu và ca nhạc sân khấu như hát đúm, hát ca trù, xường, khặp…. “Đầy đủ rồi đấy, nhưng tôi chẳng còn sức làm, nhờ người đánh máy thì không biết nhạc, nhờ người có trình độ âm nhạc thì họ bận bịu nhiều thứ... Thôi đành để đó, rồi tính tiếp”, nhạc sĩ Văn Hòe chia sẻ.

Thuộc thế hệ “cây đa cây đề” trong làng nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Văn Hòe đã trải qua 94 năm tuổi đời, 74 năm tuổi Đảng, nhưng còn nhớ rành rọt từng câu hò. Đi qua cả 2 cuộc chiến, là vốn sống, là tình yêu của ông với quê hương đất nước. Gắn bó với âm nhạc kể từ năm 1948, khi mới 19 tuổi đến nay, ông làm việc mà không nghĩ về vật chất, “tôi dễ vui, chỉ cần ai ngân nga bài ca của mình là tôi hạnh phúc lắm rồi”.

Ông quan niệm, âm nhạc là nghệ thuật động, tiết tấu của âm nhạc là tiết tấu của đời sống. Vì thế, ở từng giai đoạn của đời sống, tiết tấu của âm nhạc cũng có sự thay đổi. Nhạc sĩ Văn Hòe cho rằng. "Người ta hay so sánh âm nhạc hiện nay với trước kia, điều đó chưa hẳn đúng. Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, hòa nhập với cả thế giới, con người cũng phải sống gấp, sống vội vàng, vì thế tiết tấu âm nhạc hiện nay nhanh, mạnh. Âm nhạc hiện nay thiên về giải trí, mà chúng tôi vẫn thường đùa, đó là “âm nhạc tiêu mỡ, âm nhạc tiêu phở”.

Ông tự hào mình là người Thanh Hóa. Vì thế, ông dành hầu hết gần 100 ca khúc của mình để viết về quê hương. “Bác Hồ từng nói: “Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng/ Ruộng đồng man mác, xóm làng liên miên”. Đất địa linh sinh nhiều nhân kiệt. Không riêng gì tôi mà nhiều người tự hào về điều này”, nhạc sĩ Văn Hòe chia sẻ. Chính vì thế mà ông một đời sống liêm khiết, không màng vật chất. Âm nhạc là nguồn sống, là điệu tâm hồn, “khi sáng tác được một câu hát, một điệu nhạc, con người tôi bỗng trẻ trung hơn”.

Lặng lẽ sống nhưng với những gì đã cống hiến, ông thực sự hài lòng với chính mình.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]