(vhds.baothanhhoa.vn) - Suy ngẫm về phong cách làm việc của Bác Hồ, nội dung tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và những câu chuyện kể về phong cách làm việc của Bác là 3 phần rất rõ ràng, cụ thể của cuốn sách để tất cả chúng ta có thêm điều kiện rèn giũa bản thân, khởi động một năm mới học theo phong cách làm việc của Người.

Ngày xuân nhớ Bác - học theo Người sửa đổi lối làm việc

Suy ngẫm về phong cách làm việc của Bác Hồ, nội dung tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và những câu chuyện kể về phong cách làm việc của Bác là 3 phần rất rõ ràng, cụ thể của cuốn sách để tất cả chúng ta có thêm điều kiện rèn giũa bản thân, khởi động một năm mới học theo phong cách làm việc của Người.

Ngày xuân nhớ Bác - học theo Người sửa đổi lối làm việc

Đó là câu chuyện vô cùng cảm động: hai bàn tay, qua lời kể của thư ký Vũ Kỳ, giữa cuộc trò chuyện của anh Ba (Bác Hồ) trước khi ra đi tìm đường cứu nước với một người bạn - anh Lê năm 1911. Anh Ba ngỏ lời với anh Lê rằng muốn đi nước ngoài, ra nước Pháp và các nước khác, sau khi xem xét họ làm thế nào thì sẽ trở về giúp đồng bào nước mình. Anh Lê băn khoăn tiền ở đâu ra; anh Ba đã giơ hai bàn tay mà nói rằng: đây tiền đây, chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Và hành trình ấy chỉ có anh Ba can đảm ra đi, làm nhiều nghề như phụ bếp, bồi bàn, quét tuyết. Cũng trên hành trình ấy anh Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc mình, cứu giúp đồng bào mình khỏi ách xiềng xích và nô lệ.

Hay chuyện nhân hội nghị cán bộ chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc họp vào thu đông năm 1952. Hôm Bác Hồ đến dự hội nghị, trời lại mưa to, gió lớn vậy mà Người vẫn đến đúng hẹn, đúng giờ. Khi Bác đến nơi chỉ với câu nói: “Hôm nay trời mưa to nước chảy xiết, nếu đợi cho nước rút sợ các chú chờ lâu” đã khiến cho ai nấy đều cảm động, thêm phần kính yêu Bác. Khi thấy Bác sang được, đồng bào cũng bắt chước lội và đều sang được hết. Đúng là “Bất cứ việc gì to hay nhỏ, mình có quyết tâm thì không những làm được mà còn lôi cuốn được những người khác cùng làm và làm thành công”. Đó thực sự là một bài học mà bất cứ ai dự hội nghị hôm ấy đều ghi nhớ và tất cả chúng ta hôm nay khi đọc lại đều thấm thía.

Cuốn sách cũng đăng lại bài viết “Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh và vấn đề đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong giai đoạn hiện nay” của Đại tá, PGS. TS Nguyễn Văn Thế - Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng năm 2016 trên báo Đảng Cộng sản Việt Nam điện tử. Bài viết có đoạn: “Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh đối lập hoàn toàn và xa lạ với lề lối, cách thức làm việc mang nặng cảm tính chủ quan, phất phơ cốt cho hết ngày không quan tâm đến chất lượng, hiệu quả công việc; làm việc một cách tự do, tùy tiện, gặp chăng hay chớ, thiếu điều tra nghiên cứu, thiếu kế hoạch; thiếu ngăn nắp, luộm thuộm, lề mề chậm chạp, không coi trọng thời gian, lãng phí sức người sức của; làm việc thiếu cụ thể thiết thực; thiếu tầm nhìn xa trông rộng…”. Thiết nghĩ những biểu hiện ấy đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự rất cần cán bộ lãnh đạo thẳng thắn nhìn ra, khắc phục cho được và kiên quyết sửa đổi lối làm việc.

Trong sách “Phong cách làm việc của Bác Hồ” đăng trọn vẹn nội dung cuốn “Sửa đổi lối làm việc” của Bác. Tôi đặc biệt chú ý đến phần Bác nhắc nhở về việc chống thói ba hoa, trong đó có mục d, Báo cáo lông bông. Bác Hồ giải thích: Đó là báo cáo giả dối, thành công ít thì suy ra nhiều, hoặc là báo cáo chậm trễ, trong báo cáo không nêu rõ vấn đề. Theo Người: gặp mỗi vấn đề đều phải kinh qua 3 bước: đề ra nó, phân tách nó (điều tra, nghiên cứu, sắp đặt) và giải quyết nó. Tại sao gọi là vấn đề, tức là việc có mâu thuẫn, phải nghiên cứu cái gốc của mâu thuẫn, phân biệt rõ cái nào là mâu thuẫn chính và cái nào là mâu thuẫn phụ. Có lẽ, giờ đây khi làm cán bộ lãnh đạo, hoặc ở vị trí tham mưu cho lãnh đạo, công việc soạn báo cáo - trí tuệ của tập thể hay trước khi chuẩn bị một bài diễn thuyết thì những nguyên tắc căn bản mà Bác Hồ đã chỉ ra cần được thấu triệt và thấm nhuần để thực hiện hiệu quả.

Đọc chuyện kể về Người - từ câu chuyện đầu tiên ra đi tìm đường cứu nước bằng hai bàn tay với một ý chí sắt đá, trái tim yêu thương đồng bào cháy bỏng; hay những ngày hoạt động cách mạng nơi núi rừng Pắc Pó vừa gian khó, vừa thanh bạch, kiên cường của Người; rồi năm tháng gắn bó với đồng bào cả nước... Ở đâu, những người đã từng gặp gỡ Bác Hồ, được trò chuyện, cùng sinh hoạt, lao động, sản xuất, hoạt động cách mạng cùng Người đều tìm thấy cho mình những bài học sâu sắc, chân thực, truyền cảm hứng về tấm gương mẫu mực trong cách sống, làm việc, ứng xử của một Người Việt Nam đẹp nhất: Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người đã trở thành huyền thoại ngay khi Người đang sống. Chuyện rằng: kết thúc chiến dịch Biên giới, nhiều tốp dân công trở về gặt hái, say sưa kể chuyện Bác Hồ đi chiến dịch mà không hề hay biết Bác đang ở bên cạnh mình. Bác cũng tham gia kể những câu chuyện ngày xưa, đôi lúc xen vào chuyện tiếu lâm. Họ đã kể về Bác như một huyền thoại nào đó rất quen thuộc....

Bác Hồ của chúng ta là vậy!. Tôn kính Người, yêu Bác thấy lòng ta trong sáng hơn. Làm theo Người, học theo Người trong cách làm việc: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít mà những tính tốt như sau (nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm ) ngày càng thêm”.

Xuân mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Đất nước phồn vinh, mừng Nhân dân hạnh phúc xin chúc cho mỗi người chúng ta, trước khi làm bất cứ việc gì trong bổn phận và chức trách của mình hãy tự hỏi: Lòng mình đã biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào hay chưa?

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]