(vhds.baothanhhoa.vn) - Đến thăm làng Bàn Thạch, thuộc xã Xuân Quang cũ (nay là xã Xuân Sinh), huyện Thọ Xuân, khách tham quan sẽ bị cuốn hút bởi phong cảnh nơi đây. Điều đặc biệt, rẽ từ đường ven hồ vào bên trong một ngõ nhỏ, sẽ mở ra một không gian nghệ thuật vô cùng ấn tượng. Không ai nghĩ được rằng, ở một vùng quê nông thôn thuần chất này lại có cả một bảo tàng hội họa, điêu khắc đồ sộ đến thế. Đó chính là tư gia “hương hỏa” của nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ, cũng là nơi ông trưng bày những tác phẩm nghệ thuật của mình.

Người nghệ sĩ “lực điền”

Đến thăm làng Bàn Thạch, thuộc xã Xuân Quang cũ (nay là xã Xuân Sinh), huyện Thọ Xuân, khách tham quan sẽ bị cuốn hút bởi phong cảnh nơi đây. Điều đặc biệt, rẽ từ đường ven hồ vào bên trong một ngõ nhỏ, sẽ mở ra một không gian nghệ thuật vô cùng ấn tượng. Không ai nghĩ được rằng, ở một vùng quê nông thôn thuần chất này lại có cả một bảo tàng hội họa, điêu khắc đồ sộ đến thế. Đó chính là tư gia “hương hỏa” của nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ, cũng là nơi ông trưng bày những tác phẩm nghệ thuật của mình.

Người nghệ sĩ “lực điền”Ngoài 80 tuổi nhưng nhà điêu khắc, họa sĩ Lê Đình Quỳ vẫn miệt mài sáng tạo.

Ngoài trời là khu trưng bày với hàng chục mẫu tượng đài được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, còn trong nhà là hàng trăm bức họa lấp đầy khoảng trống của bức tường. Lê Đình Quỳ và vợ, bà Lê Thị Hiệp, thực sự là một cặp “trời sinh” tác tạo nên một gia thế với dàn con cháu, chắt đông đúc; cũng song hành trên con đường nghệ thuật, say sưa hiến mình cho điêu khắc và hội họa. Bà Hiệp cũng là họa sĩ, ngoài việc thực hiện chức phận người phụ nữ của gia đình, bà luôn sát cánh, giúp chồng làm giàu kho tàng nghệ thuật. Con cháu của Lê Đình Quỳ coi các tác phẩm nghệ thuật của cha mẹ, ông bà là “gia bảo”; không chỉ vậy, cả gia tài nghệ thuật này cùng những công trình tượng đài mà ông xây dựng suốt dọc dài đất nước, xứng đáng là những “bảo vật” của cả nước.

Lê Đình Quỳ xuất thân từ một gia đình nông dân. Cha mẹ ông một đời chỉ biết cày cuốc, vậy nhưng lại hữu duyên sinh hạ được một người con đa tài mà giới nghệ sĩ mệnh danh là người “ba trong một”: Họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà nghiên cứu thiên văn vũ trụ. Xin phép được gọi ông là người nghệ sĩ “lực điền”, bởi năng lực sáng tạo của ông rất dồi dào và hiếm có. Ông như một “lực điền” cày cuốc trên cánh đồng nghệ thuật, từ khi bắt đầu sự nghiệp ở tuổi đôi mươi cho đến nay đã hơn 80 xuân, dường như chưa một ngày ông ngừng nghỉ.

Lê Đình Quỳ học nghệ thuật điêu khắc tại Liên Xô cũ. Ông thuộc thế hệ những người sinh ra và lớn lên trong chiến tranh. Rất nhiều người bạn đồng niên khác của ông đã cầm súng trước khi trở thành thầy giáo, kỹ sư, bác sĩ, nhà thơ... Nhưng đối với Lê Đình Quỳ, cuộc đời trao cho ông một sứ mệnh khác: Làm người nghệ sĩ, và ông đã thực hiện thành công sứ mệnh ấy. Bằng trí tuệ và tài hoa của mình, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ đã dựng nên hàng chục tượng đài kỳ vĩ trải dọc đất nước. Dẫu không cầm súng như bao chàng trai Việt Nam khác, nhưng đề tài chiến tranh cách mạng luôn được ông quan tâm đặc biệt, như một sự tri ân những người đã ngã xuống trong quá khứ đau thương và oai hùng của dân tộc.

Tại các triển lãm, những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc đã để lại những dấu ấn cực kỳ sâu đậm trong tác phẩm của Lê Đình Quỳ, cả điêu khắc và hội họa. Trò chuyện về con đường nghệ thuật của mình, Lê Đình Quỳ kể: Ngay từ những năm 60, khi chiến tranh đang xảy ra rất ác liệt ở Hàm Rồng, ông là sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật, đã tham gia trong đội thi công tượng đài dân quân Nam Ngạn, một tượng đài duy nhất ở Việt Nam được dựng lên ngay trong chiến đấu, dưới mưa bom bão đạn. Nguyên mẫu tượng chính là những anh chị dân quân tiêu biểu của đất Hàm Rồng anh hùng.

Đã có rất nhiều mẫu tượng đài được Lê Đình Quỳ sáng tác ngay trong chiến tranh, như tượng đài “Hàm Rồng chiến thắng” với hình tượng tiêu biểu là cô gái Hàm Rồng căng tràn sức trẻ, đang trong thế vươn lên trời cao, nâng đỡ người con gái ấy là dãy núi mang hình đầu rồng, bên dưới là dòng sông Mã đang cuộn sóng mãnh liệt, biểu tượng của hồn thiêng sông núi quê hương bồi đắp nên sức mạnh chiến thắng. Ngoài ra, Lê Đình Quỳ còn sáng tác mẫu tượng đài chiến thắng B52, tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường và vẽ tranh về cuộc chiến đấu của quân và dân Thanh Hóa chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Bức tranh “Nữ dân quân Nam Ngạn - Hàm Rồng”, chất liệu sơn mài được sáng tác từ năm 1969, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người con gái xứ Thanh trong những khoảng lặng của cuộc chiến.

Trên dải đất hình chữ S, từ Bắc chí Nam, dường như nơi đâu cũng có sự góp mặt của Lê Đình Quỳ ở lĩnh vực điêu khắc. Ông đã dựng hàng chục tượng đài hoành tráng ngoài trời, như: Tượng đài danh nhân Nguyễn Trãi, tượng đài Không quân ở Quân chủng Phòng không - Không quân (Hà Nội), tượng đài “Chiến thắng Đồng Lộc” (Hà Tĩnh), tượng đài TNXP ở Hàm Rồng (Thanh Hóa), tượng đài vua Quang Trung và tượng đài “Bất khuất” (những người tù chín hầm), ở thành phố Huế, tượng đài “Vĩnh Long chiến thắng” tại tỉnh Vĩnh Long, “Chiến thắng Nghĩa Lộ” (Yên Bái), tượng đài liệt sỹ ở tỉnh Lai Châu và “Khát vọng thống nhất” bên cầu Hiền Lương (Quảng Trị).

Là một người được đào tạo chính quy chuyên ngành mỹ thuật, thế nhưng kiến thức của Lê Đình Quỳ không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực này. Sự rung cảm trước những vẻ đẹp huyền bí của thiên nhiên vũ trụ và cuộc sống con người đã cho ông những giây phút thăng hoa trong nghệ thuật tạo hình, đồng thời thổi bùng trong ông niềm đam mê khám phá. Ông đã làm giới nghiên cứu khoa học bất ngờ đến sửng sốt bởi một công trình nghiên cứu về thiên văn - vũ trụ khá độc đáo và giàu sức thuyết phục về nguồn gốc hệ mặt trời. Là nghệ sĩ tạo hình, hoàn toàn “ngoại đạo” với khoa học thiên văn và vũ trụ, vậy mà ông lại hăm hở bước vào thế giới của những vì sao chỉ bằng sự nghiên cứu “đơn thương độc mã”, không qua bất cứ trường lớp chính quy nào của chuyên ngành khoa học vốn rất cao siêu này.

Chính kiến thức uyên thâm về vũ trụ đã giúp cho trái tim nghệ sĩ của Lê Đình Quỳ có thêm những nhịp đập mới mẻ. Ông đã bộc lộ niềm say mê khoa học, chuyển tải những quan điểm, lập luận riêng của mình về nguồn gốc vũ trụ vào nghệ thuật, bởi vũ trụ vô biên bí ẩn đã hấp dẫn ông, như giáo sư M.Faber - Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ - đồng cảm nhận: Vũ trụ là “nguồn gây sảng khoái tâm hồn; nguồn gợi cảm sáng tạo; nguồn thách thức trí tuệ con người”. Vì thế mà tác phẩm của Lê Đình Quỳ dù là tranh hay tượng đều rất đồ sộ, hoành tráng, với những đường nét, hình khối khoẻ khoắn và khoáng đạt. Đó là cách ông phá bỏ cái khung trời trong tầm nhìn thông thường, để bay lên cao mà ngắm nhìn một thế giới rộng lớn đến vô cùng. Tác phẩm của Lê Đình Quỳ biểu đạt một tình yêu lớn đối với quê hương, đất nước, con người và thiên nhiên, cũng biểu đạt sâu sắc nhân sinh quan về vũ trụ.

Xem tranh của Lê Đình Quỳ, ta cảm nhận ông đi theo nhiều trường phái, từ cổ điển đến hiện thực và siêu thực. Đó là những con đường của khát vọng vươn tới đỉnh cao sáng tạo. Chiến tranh khốc liệt, thảm họa ô nhiễm môi trường, sự sinh diệt luân hồi của vũ trụ, hay vẻ đẹp bình dị của cuộc sống, cảm giác hạnh phúc, hồi ức tuổi thơ trong sáng hồn nhiên... Tất cả những hiện thực và trải nghiệm sống động đó đã tạo nên những nốt thăng, giáng mãnh liệt trong cách pha phối của nghệ thuật hội họa Lê Đình Quỳ. Có thể là sắc điệu dịu dàng thanh thoát, những nét chuốt trìu mến hồn hậu trong các bức phác thảo chì than, chân dung về người thân, bạn bè. Có thể là những gam màu đối lập và đường nét hình khối dữ dội, bứt phá, trong các tác phẩm đề tài chiến tranh; có thể là những miếng mảng đa sắc diện trong mảng đề tài khắc họa nền văn hóa truyền thống và lịch sử; cũng có thể là sự nghiêm cẩn trong một thế giới tâm linh hay những bí ẩn của thiên nhiên vũ trụ... Lê Đình Quỳ ghi dấu ấn nghệ thuật riêng bằng những phương thức phi thông thường, đó là sự trừu tượng hóa xúc cảm, trừu tượng hóa những tri thức khoa học. Từ thế giới hiện thực đến thế giới siêu thực là sự thăng hoa của lý tính và mỹ cảm, chứ không phải là sự xa rời, thoát ly thực tiễn cuộc sống. Những vấn đề mà ông quan tâm và chuyển tải rất sinh động, gần gũi với cuộc sống, thậm chí là những vấn đề rất thời sự, rất nhạy cảm. Tranh của ông không dừng lại ở sự trải nghiệm của vốn sống hay sự thăng hoa của cảm xúc, mà còn bày tỏ quan điểm khoa học về sự vật, hiện tượng trong thế giới tự nhiên.

Một Lê Đình Quỳ với lòng yêu nghề mãnh liệt, sức sáng tạo dồi dào, đó là cảm nhận chung của đồng nghiệp, công chúng yêu điêu khắc và hội họa. Người nghệ sĩ “lực điền” ấy cày cuốc trên cánh đồng nghệ thuật suốt cả đời người, và luôn bội thu sau mỗi mùa màng. Ông đã gặt hái một khối lượng khổng lồ gồm hàng ngàn bức tranh lớn nhỏ, hàng chục tượng đài kỳ vĩ trên khắp đất nước, tổ chức nhiều triển lãm cá nhân, tham gia hàng chục triển lãm nghệ thuật trong nước và quốc tế. Năm 2007, Lê Đình Quỳ đã vinh dự được nhận giải thưởng nhà nước với các tác phẩm tượng đài: Lão dân quân Hoằng Trường, Không quân Việt Nam và Chiến thắng Đồng Lộc.

Dù đã ở độ tuổi “bát thập niên giai lão”, nhưng Lê Đình Quỳ dường như vẫn đang sống ở độ tuổi thanh xuân nhất của sáng tạo nghệ thuật. Đứng xem ông vẽ tranh hay đắp tượng, thấy những bắp tay cuồn cuộn nổi lên, vạm vỡ, khỏe khoắn như một chàng trai tuổi đôi mươi. Ông dốc lòng làm người đầy tớ cần lao trung thành của nghệ thuật tạo hình. Để dành trọn được tâm sức cho nghệ thuật như vậy, phải kể đến công lao của người vợ tào khang, bà Lê Thị Hiệp, đã luôn ở bên động viên, khích lệ, đồng sáng tạo, để có một “ngôi sao” Lê Đình Quỳ lấp lánh trên bầu trời nghệ thuật nước nhà.

MAI HƯƠNG


MAI HƯƠNG

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]