(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu không có sự thay đổi, người dân chỉ không bị đói, chứ chẳng bao giờ dám mơ có thể khá, chứ nói gì đến giàu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện Nghị quyết 13 của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa: Tích tụ, tập trung đất đai để nông nghiệp bứt phá (Kỳ 2): Những cách làm linh hoạt, sáng tạo

Nếu không có sự thay đổi, người dân chỉ không bị đói, chứ chẳng bao giờ dám mơ có thể khá, chứ nói gì đến giàu.

Bốc thăm chia đất

Ông Nguyễn Thế Ngãi - Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Giao chia sẻ: "Từ cuối năm 2016, Đảng ủy xã đã triển khai và có nghị quyết về chuyển đổi đất. Đầu năm 2017, chúng tôi bắt đầu thành lập ban chỉ đạo của xã và thôn, xây dựng đề án thực hiện, trong đó vấn đề mấu chốt nhất là triển khai và yêu cầu đảng viên, cán bộ các đoàn thể phải thấu hiểu các bước thực hiện để phân tích cho nhân dân lợi ích của việc chuyển đổi từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, mỗi nhà thay vì 5-6 thửa ruộng ở cách xa nhau, thì rất cần việc dồn lại thành một thửa để thực hiện tích tụ ruộng đất".

Theo lời của ông Ngãi, các thôn tiến hành rất nhiều cuộc họp. Cũng một vấn đề thôi nhưng có thôn phải họp 6 đến 7 cuộc để nhân dân hiểu và đồng thuận. Chỉ riêng việc để người dân chấp nhận việc bốc thăm cũng đủ thấy vất vả. Bởi tâm lý, ruộng nhà tôi đang đẹp, nhỡ bốc phải đất xấu thì quá thiệt à? Nhưng cán bộ xã đã dần dần giúp người dân hiểu rằng, tại sao có những người làm ruộng xấu bao năm mà họ chẳng kêu ca gì. Xã đưa ra phương án: Nếu vùng sâu trũng thì tặng hệ số “k+”, còn nếu ô thửa đẹp thì nhận hệ số k-. Nhưng rất may là cuối cùng nhân dân lại nghĩ: Cũng là bà con trong làng, không nên dùng đến hệ số k. “Chẳng có gì khó bằng việc phân chia đất, bởi người nông dân luôn coi đó là tài sản của họ. Nhưng chúng tôi đã làm được. Người dân đã hiểu, từ những mảnh ruộng manh mún, nhỏ lẻ, khó canh tác, máy móc công nghiệp không vào được, đến nay, với những ô thửa lớn máy cấy, máy cày đã giúp người dân giảm nhiều chi phí công lao động, thuận tiện cho công tác canh tác và trông coi hoa màu, nâng cao năng suất” - ông Nguyễn Thế Ngãi chia sẻ.

Người dân Thiệu Giao thực sự phấn khởi vì năm 2019 xã Thiệu Giao đạt thu nhập 41 triệu/ người/ năm và mục tiêu đến cuối năm 2020 xã sẽ đạt 46 triệu/ người.

Cứ theo nghị quyết mà làm

Khá nhiều xã, thôn khi bắt đầu quá trình tích tụ, tập trung đất đai dù tuyên truyền nhiều cuộc, dù người dân đã đồng thuận, nhưng vẫn rất khó khăn để thực hiện. Đơn giản, theo cách lý giải của lãnh đạo xã Nga Trường (huyện Nga Sơn) là vì họ thiếu quyết liệt trong thực hiện, và quan trọng hơn hết là nghị quyết của Đảng bộ xã chưa đưa điều này vào khâu trọng tâm, trọng điểm.

Mô hình trồng khoai tây của HTX dịch vụ Nông nghiệp Nga Trường (Nga Sơn).

Làm phó chủ nhiệm từ năm 2005 đến 2016, và đến nay là Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp Nga Trường (Nga Sơn), ông Bùi Văn Hồng cho biết: "Trước thực tế tại địa phương, mỗi một khẩu ruộng đồng chiêm chỉ có 1 sào, đồng bái là 100m2. Nếu không có sự thay đổi, người dân chỉ không bị đói, chứ chẳng bao giờ dám mơ có thể khá, chứ nói gì đến giàu. Người dân ở Nga Trường chỉ làm được vụ mùa, 2 vụ còn lại ruộng đồng bỏ không, thực sự nếu không bắt tay vào, chúng tôi cảm thấy hoang phí. Vì thế, dù ban đầu có từ thuyết phục đến “cưỡng ép” chúng tôi căn cứ và yêu cầu người dân thực hiện theo Nghị quyết 03 và Nghị quyết 16 về tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Nga Sơn, đồng thời cho người dân hiểu rằng, không để ruộng bỏ hoang, họ không làm thì để người khác làm. Chúng tôi không thu ruộng, không lấy ruộng của họ".

Chẳng ai ngờ, đến nay, ngoài vụ mùa do người dân trồng lúa thì HTX Nga Trường đã đứng ra làm thêm 2 vụ, liên kết với Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina trồng 60 ha khoai tây Alantic với 200 hộ dân tham gia. Để khuyến khích bà con nông dân sản xuất khoai tây theo hình thức tập trung, HTX đã chủ động đầu tư 80% giống, phân bón cho nông dân và ký kết hợp đồng tiêu thụ với công ty. Trong các vụ trước, theo tính toán của người dân, sau hơn 3 tháng trồng, mỗi ha khoai tây thu được 16-18 tấn, trừ mọi chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 70 triệu đồng/ha/vụ. Với hiệu quả gấp 2,5 lần trồng lúa, người nông dân Nga Trường tiếp tục mở rộng diện tích đất trồng khoai tây.

Nếu như chỉ tiêu đầu năm huyện Thường Xuân giao xã Thọ Thanh phải tích tụ tập trung 51 ha, thì đến nay, do làm tốt, họ lại được giao lên gần gấp đôi (tức là 105 ha) khi chỉ còn vài tháng của năm 2020. Điều đó, khẳng định rằng phải có cách làm linh hoạt thì xã mới được tin tưởng giao thêm. Chia sẻ với chúng tôi, bà Vũ Thị Thu Phương - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Chúng tôi thấy điểm đặc biệt của Nghị quyết 13 là có chính sách hỗ trợ. Tranh thủ lợi thế đó, chúng tôi tuyên truyền cho bà con hiểu hơn sự thuận lợi trong việc tích tụ tập trung đất đai".

Với những cách làm dù chưa đột phá nhưng được lòng dân, bộ mặt nông thôn Thọ Thanh đã thực sự thay đổi và khởi sắc. Vì thế, đây cũng là một trong số ít xã trên địa bàn tỉnh, trước khi đạt chuẩn NTM thì tất cả các thôn đã về đích thôn NTM. Đây là sự cố gắng lớn, trong đó có đóng góp của quá trình dồn điền, đổi thửa và tích tụ đất đai. Bởi, khi thực hiện được điều đó thì đời sống của người dân được nâng cao, việc xã hội hóa dễ dàng hơn nhiều, tỉ lệ hộ nghèo gần như chạm đáy chỉ còn 1,2%.

Và trở lại với mô hình hỗn hợp

Dù là xã đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi đất, để tích tụ tập trung đất đai, nhưng lãnh đạo và nhân dân Thiệu Giao cho rằng: Mô hình VAC mà cụ thể lúa - cá kết hợp trồng hoa màu là thích hợp với địa phương này. “Việc chuyên canh nông nghiệp là rất khó. Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa rồi chỉ tiêu về nông nghiệp chỉ còn 15% vì thế muốn nâng cao thu nhập cho người dân thì phải dựa vào nhiều nguồn khác nhau" - ông Nguyễn Thế Ngãi -Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Giao chia sẻ.

Xã Quảng Giao (huyện Quảng Xương) dù triển khai kế hoạch tập trung diện tích 30 ha đất ở khu vực sông Hùng Bình và triền sông Kênh Bắc, nhưng sau 3 năm triển khai cũng chỉ tích tụ, tập trung được 8ha. Lý do rất đơn giản, cơ chế của Luật Đất đai cho phép tích tụ nhưng không được thay đổi hiện trạng. Lại thêm, đồng đất sâu trũng và xen canh, xen cư nhiều. Đặc biệt, địa thế đất khiến việc trồng lúa kém hiệu quả, mặt bằng đồng ruộng không đáp ứng được diện tích để thực hiện cơ giới hóa. Vì thế, lãnh đạo xã dự tính cho chuyển đổi mục đích để người dân kết hợp làm lúa cá, và trồng các loại cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm kết hợp. Ông Nguyễn Duy Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Giao cho biết: Để quy thành cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa thì với Quảng Giao là không hiệu quả. Quay lại mô hình VAC như trước đây là phù hợp nhất. Tuy vậy, hiện tại ở địa phương mô hình trang trại kết hợp với chăn nuôi cá - lúa vẫn còn rất nhỏ và manh mún".

Nhiều xã thuộc vùng trũng ở huyện Nông Cống như Thăng Long, Tế Lợi, Trung Chính, Minh Nghĩa, Trường Giang... đang thực hiện rất tốt mô hình lúa - cá. Đánh giá từ thực tế sản xuất cho thấy, sau khi thu hoạch, ngoài thu nhập từ cây lúa, 1 ha sản xuất còn cho 2 tấn cá/năm, tổng giá trị sản xuất đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3 đến 4 lần so với trước khi chưa thực hiện chuyển đổi.

Mô hình trồng cây hỗn hợp giúp anh Nguyễn Mạnh Hùng, xã Xuân Hoà (Như Xuân) thu nhập 500-700 triệu mỗi năm trừ các chi phí.

Còn với huyện miền núi Như Xuân, những năm qua, đã ban hành nhiều đề án để khuyến khích, đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp. Không thực hiện được mô hình VAC nhưng các mô hình hỗn hợp được địa phương này quan tâm hơn cả. Tính đến tháng 9/2020, trên địa bàn huyện đã phát triển được gần 1.000 ha cây ăn quả. Trong đó 300 ha cây ăn quả tập trung với một số loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao, như: Cam đạt giá trị 550 triệu đồng/ha, dưa hấu đạt giá trị 210 triệu đồng/ha, bưởi đạt giá trị 575 triệu đồng/ha, ổi đạt giá trị 400 triệu đồng/ha. Theo ông Phạm Văn Tuấn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Như Xuân: Hiện nay cây ăn quả toàn huyện gần 400 ha, tập trung chủ yếu trồng cam, và bưởi da xanh. Nếu trước năm 2018, Như Xuân mới chỉ có 5ha cam Vietgap thì hiện nay đã có thêm 69 ha nữa. Trước đây huyện có cơ chế hỗ trợ cho mỗi ha cam là 20 triệu/ha, theo tinh thần Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đó là cải tạo vườn tạp gắn với phát triển cây ăn quả. Đây cũng là hướng đi của chúng tôi, từ việc dồn điền, đổi thửa, tập trung đất đai sản xuất với quy mô lớn và áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn Viet gap để sản phẩm của nhân dân đi vào các chuỗi siêu thị, giảm tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không an toàn.

Nghị quyết 13 ra đời ngày 11/1/2019 nhưng phải đến 10 tháng sau (ngày 10/10/2019) mới ban hành Bộ tiêu chí sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, và đến tháng 1/2020 đã có các biện pháp triển khai thực hiện chính sách khuyến khích tích tụ tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Tuy vậy, đến lúc này Sở TN&MT cũng chưa có hướng dẫn gửi các huyện tổ chức thực hiện. Điều đó cho thấy, dù chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể, song, ngành nông nghiệp, các địa phương và đối tượng chủ thể là doanh nghiệp, người dân, đã vào cuộc quyết liệt. Từ việc thay đổi nhận thức, chấp nhận xu hướng xã hội và thị trường để người nông dân trong tỉnh có cơ hội thay đổi đời sống kinh tế của gia đình mình nói riêng và địa phương nói chung.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]