(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều người mặc định, Văn Đắc là nhà thơ tình của xứ Thanh. Vì thơ tình của ông không tuổi, không mùa “Tóc đà trót nửa hoa râm/ Mà sao xuân cứ vụng thầm nở hoa”. Nhưng sau những con chữ yêu thương, giận hờn, cả thù hận “dọc đường” thì con người ấy hơn tất cả là “đo trời” và đo lòng người: “Có người lấy đũa uốn cong/ Đo trời đất ở trong phòng mà chơi/ Đổ rượu xuống soi mặt cười”.

Nhà thơ Văn Đắc khao khát tìm lại vườn tuổi trẻ

Nhiều người mặc định, Văn Đắc là nhà thơ tình của xứ Thanh. Vì thơ tình của ông không tuổi, không mùa “Tóc đà trót nửa hoa râm/ Mà sao xuân cứ vụng thầm nở hoa”. Nhưng sau những con chữ yêu thương, giận hờn, cả thù hận “dọc đường” thì con người ấy hơn tất cả là “đo trời” và đo lòng người: “Có người lấy đũa uốn cong/ Đo trời đất ở trong phòng mà chơi/ Đổ rượu xuống soi mặt cười”.

Nhà thơ Văn Đắc khao khát tìm lại vườn tuổi trẻ

Tiếp xúc ngoài đời thực, nhà thơ Văn Đắc lúc nào cũng cười, cũng hồn nhiên, cũng “dễ dãi” với mọi người. Thơ ông hồn nhiên như vậy, nhưng lại luôn khắc khoải về đời sống thực tại, luôn lo âu về những đổi thay của nhân tình thế thái.

Hòa vào dòng chảy của thơ ca, Văn Đắc cũng như nhiều nhà thơ khác, trước 1986, thơ gắn liền với hơi thở nóng bỏng và vận mệnh đất nước: “Đường từ làng ta làng sơ tán/ Không dài hơn tấm lòng yêu thương của mẹ/ Mà ngắn trong mắt trắng của quân thù” (Làng sơ tán). Ẩn sau những bài thơ luôn có những hình tượng thơ đẹp, nhiều cảm xúc của một người thơ đa cảm.

Sau 1986, thơ hướng tới cái riêng tư, Văn Đắc cho ra mắt tập thơ “Muộn mằn”. Ông chia sẻ: “Với tôi, cái gì đến dường như đều muộn mằn. Hơn hết đó là khi mình nhận ra cần thay đổi tư duy thơ. Tôi chia sẻ về cá nhân, về những phận người trong cuộc đời này”. Bắt đầu từ những xúc cảm rất riêng và chân thật của mình, dẫu vấn đề rất to lớn, rất chung, hay những chuyện bé tí, rất thân phận thì khi đọc lên người ta vẫn nhận ra chất Văn Đắc: Luôn thành thực với cảm xúc của chính mình.

Sau “Muộn mằn”, tập thơ “Đi tìm thời trẻ trai” (1994), “Trái tim dọc đường” (1999) đầy ắp những tâm sự của ông, sự ngẫm nghĩ về thân phận con người, chứa chất nỗi niềm trần thế. Có những điều thời trẻ yêu không dám viết, mà có viết thì bỏ đó quên đi, hoặc có yêu thì giấu giếm không thể bùng nổ đã được ông thể hiện trong thơ giai đoạn này. Sự thay đổi tư tưởng, gặp được xu hướng đổi mới, thơ tình yêu của ông thoải mái tung tẩy hơn, nhiều bài thơ tình yêu gan ruột, thật lòng, trắc trở đau buồn và khắc khoải ra đời. “Tất cả là cái cớ. Nhưng đó cũng là ấn tượng để mình mơ tưởng về mẫu người, mẫu tình yêu cho thi ca”, ông chia sẻ. Thơ tình yêu của Văn Đắc hay, tình rất tình, chẳng ai phủ nhận. Nhưng chuyện tình yêu không chỉ dành cho riêng 2 người, mà hơn hết là nói cho người thứ 3, để mỗi người đọc có thể rút ra bài học, ngẫm nghĩ cho mình và người khác: “Ai cũng giống nhau cái tình/ Ai cũng giống nhau cái tính/ Thế mà.../ Ai cũng…/ Buộc cái tình thật chặt/ Gửi lời đến với ai đây/ Buông ra thì khổ, cầm tay lại sầu” (Gửi những người đàn bà).

Sự đổi mới trong thơ Văn Đắc bắt nguồn từ cái truyền thống, đổi mới trong cách tìm, cách nhìn đời sống, cách quan sát, đào sâu vào tâm trạng bản thân để gửi tấc lòng của mình tới người khác, tới cuộc đời. “Trường ca Thành Đô” (2003) là tác phẩm mà nhà thơ Văn Đắc trút hết suy ngẫm, chiêm nghiệm của mình vào thơ. Ở đó người đọc có thể nhìn lại những bài học của đất và người Tây Đô. Mở màn là Đêm Thăng Long, cái tên Hồ Quý Ly bắt đầu được khắc trong lịch sử:

“Đêm ấy

Sao chổi như lửa cháy

Đổ xuống cửa thành Đông

Cả kinh thành Thăng Long

Run lên bần bật

Tô Lịch chết và Hoàng Giang lẩy bẩy

Lục thủy hồ dương liễu tóc khô cong

Ngửa mặt Quý Ly, mây quấn một vòng

Con ngựa chiến quỳ dưới chân thở dốc

Đế đô nghìn xưa đè xuống vai Người

Không biết đứng lên hay cúi xuống chịu ngồi?

Người lấy cả tảng ngực trần chống đỡ

Trái tim đập cuống lên như bão gió”

Để rồi sau tất cả:

“Rằng phải

Giữ đất cho dân

Giành lấy dân cho nước

Thành đá là sức của dân

Nhân dân không nhận tên cho mình

Nhân dân gọi

Thành Tây Đô, Thành Nhà Hồ”;

Và hơn hết:

“Thành đá còn

Nhân dân còn

Quý Ly còn

Trong trời bể

Bách Việt - nước Nam ta”.

Quyền năng của người sáng tác không đơn giản là biểu đạt những cảm xúc yêu đương nam nữ, mà còn phải cất lên tiếng nói về cuộc sống ngày hôm nay. Rõ ràng đọc thơ Văn Đắc người ta thấy cái chất Thanh Hóa rất rõ. Đó là cách nghĩ tự nhiên, thật thà, bộc trực, nhưng hơn hết là sự tự tôn: “Đất có màu đỏ của lửa/ Màu sẫm đen của than/ Luyện nên người Thanh Hóa/ Mãi mãi mới luyện ra be bé một tôi/ Tôi mang theo hồn vía của than lửa/ Tan vào đất/ Nếu ai hỏi: Ông ở đâu/ Tôi nói: Tôi người Thanh Hóa/ Cái khuôn đúc sẵn của trời/ Đã xoay đủ cách vẫn trồi tôi ra/ Xứ này vừa thật, vừa mơ/ Rất người mà rất “bay choa” mới tài” (Tôi là người Thanh Hóa). Phẩm chất tự làm chủ mình ấy nếu hiểu sâu ra cũng chẳng phải có ở riêng người Thanh Hóa. Nhưng rõ ràng đây là cách khẳng định, là việc công bố cách sống của mình: “Trời Thanh Hóa của tôi là cái vó/ Thả lúc nào cũng vớt được tôi lên”. Nhiều người đã từng khó chịu vì cho rằng Văn Đắc quá tự phụ, nghĩ mình to quá, mà trời nhỏ bé quá không đủ để che. Nhưng thơ ca ý tại ngôn ngoại, “Mênh mông là trời, ra ngoài mà ngó” còn gì khiêm nhường hơn thế? Đó cũng là cách ông lựa chọn sống đến với đời và với thơ.

Bởi thế mới nói, chẳng nhà thơ nào nỡ và chẳng dại gì tách mình ra khỏi đời sống đương đại. Ở tuổi gần 80, nhà thơ Văn Đắc vẫn trẻ trong tư duy thơ. Ông “khoe” với tôi, từ 2019 đến nay, ông có dự định sẽ in tập “Gió xoáy lên từ cát”. Lấy xúc cảm từ sự khó khăn một thời, mà điển hình là làng Triều của ông “Cửa sông lắm lạch, nhiều sò/ Áo tơi, nón rách đi mò ốc cua” (Làng Triều) đến sự đổ bộ của đô thị vào mỗi làng quê, mỗi người nhà quê. Hình như đến tập này Văn Đắc đã thực sự gắn chất riêng của mình với thời cuộc, và đó cũng là yêu cầu của thơ hiện đại? Những trang bản thảo viết tay của ông về “Chuyện ở một làng biển”, “Làng con gái”, có đau đớn, sự tiếc nuối khi mùa đi qua tuổi, và bao trùm lên hết thảy là tình yêu cuộc sống. Bởi thế đọc thơ của Văn Đắc không bao giờ ta thấy có sự chửi bới, ghét bỏ ai, tức tối điều gì. Thơ ông dễ chịu, đôi khi có tiếng cười vang sảng khoái, nhưng rồi vẫn rất tình, rất người và rất trẻ.

Chả thế mà nhà thơ Ngô Minh nhận xét: “Trong thơ Văn Đắc hình như bài nào cũng có những câu thơ hay, đa nghĩa, đa cảm. Những câu thơ sâu thẳm, lấp lánh ấy có thể viết cảm bình đầy cả trang giấy!”.

Dẫu mùa đi qua tuổi, dẫu tự nhận “Ta như cây thưa thớt lá trong đời” hay “Ta lén khỏi tuổi ta/ Tìm lại vườn tuổi trẻ” thì ông mãi là nhà thơ không tuổi với những khắc khoải về cuộc sống và sự đổi thay của con người.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]