(vhds.baothanhhoa.vn) - Như một quy luật của trời đất, mỗi năm khi những người nông dân quê tôi thu hoạch vụ mùa xong là lúc để lại cánh đồng quê cho nước lũ tràn về, đọng lại. Cả tháng trời ngâm mình trong nước, cánh đồng như được nghỉ ngơi để chất hữu cơ dồn về, tạo thành những mảng phù sa bồi đắp nguồn dưỡng chất cho đất mẹ thêm màu mỡ.

Nhớ mùa nước nổi

Như một quy luật của trời đất, mỗi năm khi những người nông dân quê tôi thu hoạch vụ mùa xong là lúc để lại cánh đồng quê cho nước lũ tràn về, đọng lại. Cả tháng trời ngâm mình trong nước, cánh đồng như được nghỉ ngơi để chất hữu cơ dồn về, tạo thành những mảng phù sa bồi đắp nguồn dưỡng chất cho đất mẹ thêm màu mỡ.

Nhớ mùa nước nổi

Mỗi khi thấy cánh đồng làng trắng băng màu nước, tụi nhỏ lại thi nhau bơi lội. Sau những trận mưa kéo dài nước bắt đầu ào ào chảy về len lỏi đến tận ngõ xóm. Nước sông cũng dâng cao vì nước từ trên thượng nguồn liên tục chảy xuống xối xả. Để tránh ngập úng trong dân, người ta sẽ đóng cống điều tiết lại nếu mực nước sông cao hơn mực nước đồng. Đó là lúc cả cánh đồng ngưng đọng lại, nước không chảy nữa và lững lờ nằm im, chỉ thi thoảng có các loại cá đớp động thành những vòng tròn lăn tăn trên mặt nước.

Thời gian này, người dân quê tôi bắt đầu mưu sinh bằng những phương tiện đánh bắt phần lớn là tự chế. Người chuyên nghề thì dùng thuyền cóc bằng nan hoặc thuyền tôn thả lưới giữa cánh đồng. Mùa này bác Luận hàng xóm thường lội nước đến ngực sâu đóng cọc và dùng mành tre chặn dòng để đơm bằng chiếc đó, chiếc đụt. Bọn nhỏ chúng tôi thường dùng rổ chắn, rồi đạp đạp chân kiểu đánh dậm để đón lấy những con cá, tép nhỏ. Chị gái tôi thì dùng sào thả vó cho được nhiều. Mấy anh thanh niên thì sắm cần ngồi câu cả buổi… Rồi thì mỗi người cũng có được những thành quả của mình. Tôi nhớ có hôm chị tôi cất được cả vài cân tôm tép, mẹ đem kho rồi đem một ít sang cho mấy nhà bên cạnh. Nhà bác Luận năm nào cũng đơm được nhiều, ăn không hết nên đem phơi để dành mùa đông ăn dần. Còn gia đình bác cả tôi không làm ruộng, cứ phải đi mua của người chuyên đánh bắt ở trong làng.

Nhớ mùa nước nổi

Những ngày nước nổi là những ngày trâu bò thiếu cỏ tươi, chủ yếu là chúng ăn rơm rạ qua ngày. Thi thoảng bố mẹ lại bảo chúng tôi lùa trâu, bò ra những gò đất cao để cho chúng rộng chân, rộng cẳng. Chỉ có những đàn vịt là tung tăng bơi lội thỏa thích. Lúc này thời tiết đã sang thu nên trẻ con trong làng không còn cởi trần bơi lội nữa. Có những năm nước lụt chưa kịp cạn thì đã dâng lên sau những đợt mưa dài ngày. Khi nước lấn dần lên gò cao là chúng tôi lại rủ nhau đi mò khoai, nhổ lạc cùng gia đình. Có khi còn lặn xuống nước để nhổ cả cây khoai nước về làm thức ăn cho đàn lợn. Để rồi ôm được thứ rau ấy về nhà thì toàn thân ngứa ran. Vào mùa lũ, rau muống là loại cây thích nghi tốt nhất, nước dâng đến đâu, chúng vươn cao đến đó. Bố tôi thường dùng chậu rồi lội nước đến bụng để hái rau muống về xào lên với tỏi thơm lừng. Có lần, bố còn bắt được cả rổ ốc nhồi đem về làm sạch rồi nấu với chuối xanh.

Khi nước sông dâng lên là người dân thi nhau đi vớt củi. Có khi nước dâng đến cả lưng đê, sủi bọt trắng xóa, chảy cuồn cuộn, người dân vẫn lao ra vớt những cành củi. Không ít người còn dùng rổ để hớt những thứ mùn từ cành cây, lá cây rừng đang trôi nhanh trên dòng nước cuốn. Đó là một công việc rất nguy hiểm nhưng vì thiếu củi đốt nên người dân trong làng không muốn bỏ lỡ cơ hội này. Bố mẹ tôi năm nào cũng vớt được vài xe cải tiến, đợi nắng lên là đem phơi khắp sân vườn.

Dù đời sống lúc bấy giờ còn khó khăn nhưng tôi cảm nhận được, mùa nước nổi cũng là lúc tình cảm anh em, làng xóm ở quê tôi như lớn hơn thường ngày. Giờ đây, cuộc sống nông thôn đã hiện đại, nhà nào cũng nấu bằng gas, bằng điện, không ai còn đi vớt củi nữa. Mùa nước nổi xưa chỉ còn trong ký ức vì các làng xã nay đã có trạm bơm tiêu nước khi mùa bão đến. Riêng tôi thì vẫn vẹn nguyên những kỷ niệm của một thời xa xăm ấy bởi nó đã góp phần nuôi chúng tôi khôn lớn.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]