(vhds.baothanhhoa.vn) - Những chú chim bé bé xinh xinh rồi đây sẽ chỉ còn tồn tại trong tiềm thức của một lớp người mà sau này nếu kể cho con cháu nghe, chúng ta thường bắt đầu bằng câu “Ngày xửa ngày xưa có một loài chim"...

Những cánh chim thơ dại

Những chú chim bé bé xinh xinh rồi đây sẽ chỉ còn tồn tại trong tiềm thức của một lớp người mà sau này nếu kể cho con cháu nghe, chúng ta thường bắt đầu bằng câu “Ngày xửa ngày xưa có một loài chim"...

Những cánh chim thơ dại

Minh họa: Thanh Chung

Tôi mãi miết đứng nhìn đôi chim mỏ chì đậu trên cành me tây khẳng khiu lắc lư cái đầu bé tí ngó nghiêng. Chim trống nhảy mấy bước sát vào chim mái rồi đưa cái mỏ như hai chiếc vỏ trấu rúc vào cổ làm người bạn tình. Sau một hồi tình tự, đôi chim bay về phía những cành non của cây lộc vừng và biến mất trong vòm lá xanh mơn mởn. Tôi bước ra sân trường ngước nhìn và phát hiện cái tổ xinh xinh bằng lá cây được chúng xây trên chạc cây, giấu trong những tán lộc vừng. Vậy là một đôi chim nữa tìm về chốn bình yên này để xây tổ khi mà khắp nơi không còn an toàn để chúng duy trì nòi giống. Bất chợt những ngày xưa đuổi bướm, bắt chim ùa về trong tâm thức của một kẻ hoài cổ.

Ngày còn bé, loài chim này khá quen thuộc với tôi khi xung quanh nhà không bao giờ vắng bóng chim mỏ chì. Chúng làm tổ trên những cành bưởi hay bụi dúi hàng rào quanh vườn. Những cái tổ được đan bện bằng những lá cỏ khô trông rất đẹp và chắc chắn. Chúng cần mẫn bay đi bay về trong nhiều ngày tha những lá cỏ tốt nhất để xây tổ. Loài chim này tuy nhỏ nhưng khéo lắm. Những lá cỏ to chúng đan bên ngoài để cho nắng mưa cũng chẳng ảnh hưởng gì đến các con của mình. Chúng còn biết tha những bông cỏ êm như nhung lót vào bên trong để làm “nệm”. Ẩn sâu trong ngôi nhà kiên cố kia là cái hốc được bện thấp hơn so với cửa ra vào để những đứa con bé bỏng của chúng không thể trườn ra ngoài và có thể rơi xuống đất, những loài chim ăn thịt khác không dễ dàng chui vào bắt đi những đứa con.

Là loài chim thân thiện với con người, những chú mỏ chì với bộ lông màu nâu sẫm và cái mỏ đen đặc trưng đậu đầy trên sân hay mái nhà tìm nhặt những hạt lúa rơi. Ngày mùa, từng đàn tung tăng đi lại trên những con đường quê mà chẳng có chút sợ hãi con người. Những buổi trưa không ngủ, tôi và đứa em trai lang thang quanh vườn nhà tìm những tổ chim mỏ chì để bắt những con non về nuôi trong cái sọ dừa được cạo nhẵn bóng và lót mấy miếng vải rách bên trong. Thoáng thấy bóng người, những chú chim non đã vươn cái cổ dài ngoằng đầu rung rung há miệng chờ ăn. Chúng tôi thường nhai những hạt gạo cho nát ra rồi sún cho từng con. Những cái mỏ non rúc vào miệng những cậu chủ nhỏ hút lấy thứ nước gạo đùng đục rồi ngửa cổ nuốt. Chúng tôi làm hẳn cái gióng để treo chúng lên tránh chuột hay mèo vồ mất. Chẳng mấy chốc những chú chim non đã đủ lông đủ cánh. Chúng bay xung quanh nhà rồi đậu trên cái tổ là chiếc sọ dừa treo lủng lẳng ở đầu hè nhà. Từ lúc mở mắt chào đời, chúng cứ nghĩ những cậu bé kia là cha mẹ của mình và ngôi nhà là chiếc sọ dừa có lót vải êm nên dù lớn lên biết bay, chúng vẫn cứ quấn quýt. Những người lớn chơi chim chẳng ai nuôi mỏ chì vì chúng không biết hót mà chỉ những cậu bé như chúng tôi mới thương loài chim nhỏ thân thiện này. Tuổi thơ chúng tôi gắn liền với những đàn mỏ chì, se sẻ nhảy nhót trên những con đường làng phủ đầy rơm rạ trong những ngày mùa. Thoáng thấy bóng người đi qua, chúng bay rào rào đậu trên những ngọn cây gần đó rồi trong phút chốc lại sà xuống tung tăng tìm lúa rơi. Những đàn chim nhỏ bay lên, sà xuống trên những cánh đồng chiều quê tạo nên không khí thanh bình đến lạ. Nó có thể trở thành những hình ảnh đặc trưng của thôn quê và là chủ thể sáng tạo của nhiều nghệ sĩ.

Tôi xuống phố quen dần với những con đường nhộn nhịp đầy xe cộ, quen dần với ánh đèn đường muôn màu khi chiều tắt nắng. Hình ảnh đàn chim mỏ chì, se sẻ dần vắng bóng và rơi vào quên lãng. Âm thanh ríu ra ríu rít của những buổi trưa đầy nắng thay bằng tiếng xe máy rồ ga phóng ào ào. Có bận tôi vào một cửa hàng bán chim cảnh, đập vào mắt là những chú mỏ chì bé nhỏ bị người ta bắt nhốt cả đàn trong cái lồng sắt rộng. Chúng đu lên thành lồng ngó ra bên ngoài trong vô vọng. Thế giới của những chú chim bé nhỏ tội nghiệp kia giờ là sáu bức thành lồng bằng sắt chẳng khác nào nhà tù. Những chú chim may mắn được người ta mua để phóng sinh thì có cơ hội hòa nhập trở lại với môi trường thiên nhiên nhưng cũng có những đàn chim mỏ chì, se sẻ mà cuộc sống của chúng kết thúc bằng sự tàn độc của con người. Có hôm vào nhà hàng, nhìn những con chim chiên giòn với cái đầu trọc lóc bị thực khách cắn bụp bụp, tôi bỗng rùng mình mà chẳng dám nhìn. Những hôm về thăm quê, tôi đảo mắt tìm lại đàn chim của tuổi thơ nhưng giờ gần như vắng bóng. Người ta bẫy chúng bằng lưới rập, bằng keo dính và bắt đi hàng đàn để bán cho các quán nhậu, nhà hàng, thì dù có sinh sôi nảy nở nhanh như côn trùng cũng không thể nào đáp ứng được. Loài chim mỏ chì thân thương rồi sẽ vắng bóng và tuyệt diệt thôi.

Đang miên man với ký ức về loài chim của tuổi thơ nơi bàn trà khi học sinh đã vào lớp học, tiếng quạ kêu khác thường giữa sân trường làm tôi và mấy anh bạn giật mình ngó ra ngoài. Một con quạ đen đang dang đôi cánh rộng lượn lòng vòng quanh sân. Con quạ nhanh như cắt sà xuống dùng đôi móng vuốt sắc nhọn và cái mỏ của mình phá cái tổ xinh xinh kia để bắt con non. Anh bạn đồng nghiệp vội thả ly trà chạy ra đuổi. Nó hoảng hồn bay vút lên cành me tây trên cao làm cái tổ rơi xuống đất. Ba chú chì non thoát nạn trong gang tấc. Chúng tôi trèo lên cây gác lại cái tổ vì nếu chuyển đi nơi khác thì ba đứa con tội nghiệp kia sẽ chết vì lạc bố mẹ. Vậy là nơi đất lành chim đậu đã không còn bình yên khi mà quạ, bìm bịp, diều hâu... bắt đầu dòm ngó. Cái sân trường đáng yêu kia - nơi có những con người thân thiện liệu có còn bình yên cho những cặp đôi về xây tổ? Thương thay những chú mỏ chì bé nhỏ phải lẫn tránh bao sự bủa vây để tồn tại. Những chú chim bé bé xinh xinh rồi đây sẽ chỉ còn tồn tại trong tiềm thức của một lớp người mà sau này nếu kể cho con cháu nghe, chúng ta thường bắt đầu bằng câu “Ngày xửa ngày xưa có một loài chim"...

Tản văn của Bùi Duy Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]