(vhds.baothanhhoa.vn) - (Đọc tập thơ “Đặt mồi rắc thính buông câu” của Lê Ngọc Minh, Nxb Văn học-2023)

Theo câu lục bát tìm vần

(Đọc tập thơ “Đặt mồi rắc thính buông câu” của Lê Ngọc Minh, Nxb Văn học-2023)

Theo câu lục bát tìm vần

1.Cánh cò miền lúa không sang/ Thương câu lục bát lang thang tìm vần (Vắng)

Tôi phải mượn ý hai câu thơ trên để đặt tên cho bài viết về tập thơ Đặt mồi rắc thính buông câu (Nxb Văn học, 2023) của nhà văn Lê Ngọc Minh. Mượn rồi, đặt tên bài viết rồi, tôi vẫn còn tính thêm vài ba cách đặt nữa song không thấy có cách nào hay hơn, sát hơn với nội dung, với thi hứng, thi cảm và thi pháp mà tác giả đã thể hiện trong cuốn sách.

2.Đặt mồi rắc thính buông câu là tập thơ gồm 44 bài, được chia thành 2 phần: Miền quê và Thao thức.

Ở mỗi phần đã nêu, Lê Ngọc Minh đã dùng chính những câu thơ, rất thơ của mình làm lời tựa, như một thủ pháp gợi mở, tụ kết nội dung ý tưởng của từng phần.

“Ngày xưa rau má rau khoai/ Đỡ lòng đứt bữa Giêng, Hai cơ hàn/ Bây giờ rau má rau lang/ Lên ngôi đặc sản nhà hàng gắn sao” (Hoa Thanh Quế) là tựa của phần I - Miền quê.

17 bài thơ của phần này được tác giả viết với tất cả tâm hồn trực cảm, cận cảm nhất với quê hương xứ sở sinh thành. Đó là dòng sông Mã, là mẹ, là vợ, là ngọn Vọng phu, là “Biển Đông hùng vĩ phía núi Sầm”, là những gốc duối thiêng lấm tấm chân nhang, là hình ảnh tắm trăng của gái quê mượt mà…

Từ tập thơ “Chơi oẳn tù tì”, xuất bản năm 2014, Lê Ngọc Minh đã có những câu thơ viết về mẹ làm trào nước mắt các hiếu tử: “Một đời mưa nắng dầm dề/ Bấc hao dầu cạn còn gì nữa đâu (Mẹ ốm).

Nay, trong tập “Đặt mồi rắc thính buông câu” đọc bài thơ “Cơm dâng” của Lê Ngọc Minh, tôi phải cố ghìm lại tiếng khóc:

Mẹ ơi sao mẹ không về

Cơm thơm nguội ngắt canh se

cọng cần.

Mẹ không về bởi vì:

Bây giờ sông cái về trời

Sông con sông nhánh mồ côi một đàn.

Khóc trong âm ỉ kinh kệ và khói nhang buồn, tác giả như hiểu được quy luật:

Thôi rồi mẹ về với cha

Niết bàn chỉ có hương hoa khí thần.

(Cơm dâng)

Và tác giả tiếp tục ngày ngày cúng cơm ba lần trong tuần 49 ngày của mẹ với sự thành kính nhớ thương khó thể nguôi ngoai: “Xin lạy mẹ con đặt cơm”.

Sông Mã với Lê Ngọc Minh là dòng sông của cả cuộc đời. Con sông của “Bến Than một thuở hẹn thề thương nhau” (Hoa Thanh Quế), con sông của những câu hát ghẹo tình “Tốt gió thuyền đậu bờ nam/ Làm thơ gửi lại em khoan lấy chồng“ (Ca dao Thanh Hóa)... Thế nên, mỗi khi được về với sông quê, lòng tác giả hoan hỉ tựa “con sóng đang phương gió nồm”. Vui là thế nhưng anh cứ luôn nặng lòng với điệu hát huầy dô nặng nhọc, và:

Níu neo với những con sào

Nông sâu bến nước nơi nào đò đưa.

(Huầy dô hát ở trên thuyền)

Miền quê trong Lê Ngọc Minh còn là hình ảnh “căn tính” anh lính đảo về phép tết, rửa mặt tưới cây từng giọt cặn trong thau, là vị tướng quân một thời “Đường 9, Trường Sơn, Nam Lào” khi về già cứ thiết tha một nỗi tâm tư: “Còn ai đồng đội nơi nào thương vong?” (Bức tranh). Trong miền quê ấy, tác giả cũng không hề “giấu giếm” các mảng quê kiểng thúng - mủng - dần - sàng nhưng không kém phần nền nã như cau tươi bổ bốn, như người khách vào làng, gặp ai cũng niềm nở chào hỏi. Vì thế, Lê Ngọc Minh đã từng dặn vợ, vốn là con gái đất Thăng Long lần đầu về thăm quê chồng:

Dốc Xây qua đất Ninh Bình

Bên kia xứ Bắc, bên mình

miền Trung…

Dặn xong thì “dọa”:

Làng thương vuông vắn tứ bề

Làng không thương chỉ mình về

mình thôi.

(Dọa vợ)

Phần hai của tập “Đặt mồi rắc thính buông câu” có tên là Thao thức, gồm 27 bài. Tác giả cũng lấy hai câu thơ của mình làm tựa: “Dây oan buộc chặt dây thương/ Càng đau đớn phận, càng vương víu tình”. Đó là hai câu rút trong bài: “Khấn mộ Đạm Tiên”.

Đọc các thi phẩm trong phần này, tôi nhận ra rằng, Lê Ngọc Minh luôn nhạy bén, nhạy cảm tìm được những cơ duyên thông minh để tựa vào những trí tuệ khổng lồ mà bộc lộ ra thơ có tầm kiến văn từ các vầng hào quang bất tử ấy. Nó chính là đây:

Trong bài “Đọc Kiều” nhân gặp được hai câu “Ngổn ngang trăm mối bên lòng/ Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình”, tác giả, sau những “Trước đèn/ Đặt xuống/ Cầm lên”, đã sáng tạo nên hai câu kết thật bất ngờ và cũng thật lay thức: “Phải là phơi trải hết mình/ Chăm vun tận độ riêng thành mình riêng”. Phải chăng đây chính là thiên chức của người nghệ sĩ nói chung và người thơ nói riêng là: Đã viết, đã sáng tạo thì phải viết, phải sáng tạo về những gì trăn trở nhất, làm rung lên “thần kinh” xã hội, phải viết cho hay và cái hay đó không hề bị các cái hay đã có làm chìm ngợp, làm bóng phủ?

Và, nhân chuyện đề xuất cải tiến tự dạng chữ quốc ngữ của ai đó khiến cho dư luận cồn lên đầy bức xúc. Lê Ngọc Minh cũng bị cuốn vào cơn bức xúc mang tính xã hội ấy:

Cứ lo cái sự nhố nhăng

Khiến cho quốc ngữ lằng nhằng

ẩm ương.

Lo là thế nhưng tác giả đã gặp được một “cứu nhân” thần thông, có vạn phép an bài:

Đêm mơ thấy Hồ Xuân Hương

Mắng lũ ngọng “ấy ái uông”, yên lòng.

(Giấc mơ thấy Hồ Xuân Hương)

Sự nhạy cảm của Lê Ngọc Minh còn được thể hiện ở những việc rất thường nhật, ví dụ như một nhịp võng đưa. Từ một nhịp đưa của cánh võng dù nơi thị thành không có tiếng kẽo kẹt, tác giả thấy nó thiếu vắng làm sao cái gốc gác truyền thống mà cứ sau mỗi lần “ạ ời” của bà, của mẹ là tiếng ngân thảo thơm đưa bao hồn trẻ thơ trong mát vào giấc ngủ an lành. Từ sự vắng thiếu ấy, Lê Ngọc Minh đã bật ra hai câu thơ da diết như một lời tâm giao, nhắc nhở:

Cánh cò miền lúa không sang

Thương câu lục bát lang thang

tìm vần.

(Vắng)

Sự nhạy cảm của Lê Ngọc Minh không ít lần trở thành sự liên cảm độc đáo, đó là khi bất chợt gặp nỗi buồn:

Cỏ cây còn có tâm hồn

Côn trùng còn biết bồn chồn tìm nhau

Cớ chi tôi cứ u sầu

Vì tôi có tránh được đâu, phận người.

(Làm sao cất được gánh sầu?)

Đó còn là khi bất ngờ nhận ra một “nét thu” khác thường:

Sáng nay mấy lẻ sương giăng

Áo em làm mới cũ càng nét thu.

(Nét thu)

Và cả khi đau xót tiễn đưa một bạn văn chương rời cõi tạm:

Nhân gian một cõi mộng suông

Tan mơ ai cũng tìm đường phiêu linh

Người đi để lại dáng hình

Hoa gạo ơi, vẫn cứ tình đa đoan.

(Khóc Đoàn Lê)

Và, còn cả những khi trong túi hết nhẵn tiền:

Kiếp nhân sinh kiếm tiền như leo dốc

Tiền vào nhà khó. Gió đi hoang.

(Ta cười với gió đi hoang)

Cái “sầu”, cái buồn trong thơ Lê Ngọc Minh là cái sầu bản tính của con người. Sầu, buồn nhưng tác giả không vì đó mà ủy mị, yếm thế. Là người đã từng gạ vay ai đó giọt cô liêu cuối cùng, nhưng sự gạ vay, hỏi mượn này là để:

Pha mực tím vẽ chiều không đại hàn.

(Vay mua bảy giọt cô liêu)

Là làm cho sự thao thiết của nỗi lòng trở nên sống động. Sự sống động có kiểm chứng, có đích hướng hy vọng, tin yêu:

…Từ trang giấy, trang giấy

và trang giấy

Những con chữ, anh đã viết

Nhất loạt đứng lên

Căng ngực

Đồng thanh

NIỀM TIN.

(Vĩnh cửu)

Và cao hơn nữa là nhân ái, giao hòa:

Hình như dung nạp mới là nhân sinh.

(Hình như)

3.Dồn nén bảy năm mới có một tập thơ. Đó là sự gạn lọc nghiêm cẩn của Lê Ngọc Minh. Thơ anh điển nhã nghiêm trang nhưng luôn mới mẻ trong từng câu chữ và đặc biệt là không nhạt. Lê Ngọc Minh mang sự xúc cảm rói tươi từ cái ngày thấy “… một dáng sông trôi/ Có đôi lá quế lá sồi cung quăng” (Bắt đầu từ tháng Giêng) mang đến hôm nay cái mới mẻ chiêm nghiệm: “Nhặt nụ cười buổi sáng/ Tôi biết ngày vừa bớt một yêu tinh/ Nhặt được lạ lùng ánh mắt/ Tôi ngược dốc đời nhấm nháp, thời Xanh” (Nhặt). 44 bài thơ giống như những truyện ngắn mini trăn trở nỗi lòng trước thế sự, trước những tình cảm lớn gắn bó với quê hương xứ Thanh, với người thân, bè bạn, đồng nghiệp bằng số phận (có khi là thân phận). Mạch nguồn cảm xúc và trách nhiệm nhân thế của người thơ là luôn mải miết đi tìm cái mới, sự yêu tin như câu lục bát đi tìm vần điệu giữa ngổn ngang ngôn từ cảnh huống để trở thành một câu lục bát đích thực.

Trần Đàm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]