(vhds.baothanhhoa.vn) - Ta luôn cần một mái nhà để trở về. Một lẽ đương nhiên, mái nhà ấy phải là mái ấm. Mái ấm làm nên hồn vía nếp nhà với bao yêu thương, che chở. Đôi khi, cũng trộm nghĩ thầm, có bao nhiêu mái nhà đúng nghĩa là mái ấm. Những căn nhà rộng thênh thang, sớm tối chỉ toàn giúp việc, quản gia trông nom chăm sóc… thì có phải không? Những phòng trọ ẩm thấp, ngột ngạt nhưng sớm tối ríu rít mưu sinh, xúc cảm… thì có phải không?

Thương một mái nhà

Ta luôn cần một mái nhà để trở về. Một lẽ đương nhiên, mái nhà ấy phải là mái ấm. Mái ấm làm nên hồn vía nếp nhà với bao yêu thương, che chở. Đôi khi, cũng trộm nghĩ thầm, có bao nhiêu mái nhà đúng nghĩa là mái ấm. Những căn nhà rộng thênh thang, sớm tối chỉ toàn giúp việc, quản gia trông nom chăm sóc… thì có phải không? Những phòng trọ ẩm thấp, ngột ngạt nhưng sớm tối ríu rít mưu sinh, xúc cảm… thì có phải không?

Thương một mái nhà

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sáng sớm, chợ cóc vỉa hè mọi thứ xanh tươi, mơn mởn, rộn ràng. Những người bán hàng xa xôi đều tụ về đây, bán ngô, khoai, sắn, bầu bí, gạo, rau, gà, vịt… hệt phiên chợ quê. Chỉ khác chỗ gọn ghẽ hơn, chóng vánh hơn, quá nửa buổi sáng là sạch bách. Người bán hàng nhớ từng gia đình, từng bếp ăn, sở thích. Nhà này hay nấu món này. Nhà kia thường thích món kia. Đôi khi, củ măng trái mùa, ngọn sắn muối chua, mớ rau tập tàng được những bà mẹ quê hái từ chiều hôm trước… người bán hàng cũng gói ghém theo, mang xuống phố, dúi cho vài nhà trong khu mà nết ăn nết ở họ đã thuộc làu làu. Chợ cóc có cậu bán hàng khỏe mạnh, nhanh nhẹn, mỗi buổi chợ thi thoảng lại thấy vắng mặt, bởi loáng cái cậu đã tạt vào nhà nọ nhà kia làm gà làm vịt, còn cô vợ hiền lành sẽ đứng bán gạo, bán rau. Những ngày trái gió trở trời, vợ chồng cậu mang theo cả tía tô, ngải cứu, trầu không, chanh đào… hái ở vườn nhà cho bà con khu phố, nhà nào có người cảm sốt vì đổi mùa. Không đơn thuần là mối quan hệ giữa người bán, người mua nữa, tình cảm thân thuộc như gia đình, lối xóm. Lâu nay, tôi luôn nghĩ những người như cặp vợ chồng ấy đã thuộc về một phần phố nhỏ. Dáng dấp họ trong từng con ngõ, rẽ vào từng nhà, treo mớ rau, cân khoai lên cửa… mới thật tự nhiên, mộc mạc nhường nào.

Nhiều người thường đặt câu hỏi cho tôi khi có ý định mua nhà: Tại sao nhất thiết cứ phải là khu phố ấy, con ngõ ấy, ở đâu quen đó thôi mà? Thì quả đúng là như vậy, và thực ra cũng chẳng có gì là nhất thiết cả, nhưng bởi lẽ trước đó rất lâu, tôi đã thầm thương mến những mái nhà. Khi chúng tôi gặp được những mái nhà mà thẳm sâu cảm nhận được đó như tổ ấm, thì còn niềm hạnh phúc nào hơn.

Nhớ lần cô bé hàng xóm khóc vì bị trộm lấy mất chiếc xe đạp, ngay hôm sau các ông, các bác đã lụi cụi lắp thêm một cánh cửa chung, đánh cho mỗi nhà một chìa khóa. Nhớ những chiều mưa giông, đi làm về ướt sũng, hàng xóm đã thu gom hết đồ ngoài dây phơi gấp thật gọn gàng mang sang gửi trả. Nhớ những chiều muộn mùi thức ăn thoảng ra hành lang. Biết nhà này đang kho cá. Biết nhà kia đang nướng thịt. Tiếng khoan tiếng nhặt rộn ràng. Bây giờ, ở những khu đô thị mới, trong những căn hộ tinh tươm tiện nghi như khách sạn, có khi chẳng cần biết hàng xóm là ai, và đương nhiên làm sao biết được những sáng, những chiều người ta đang làm gì. Đó là văn minh, mà cũng chất chứa những phần xa cách. Không thể nói là đúng hay sai, nên hay không, nhưng nhạy cảm vẫn chạm vào sự trống vắng khó lý giải.

Thương ta, thương những mái nhà gom góp bao nỗi niềm, nỗ lực, đắp xây. Thương cuộc sống cứ bộn bề, hối hả, mà lắm khi thất thểu nhận ra cố gắng quá cũng chẳng để làm gì. Sóc nâu vẫn đùa nghịch trên từng mái nhà phố cổ. Trên nóc lô cốt xưa giờ toàn những chậu cây đơm nhánh, đơm hoa. Đã có bao người ra đi, bao người trở lại, chỉ mái nhà mãi đó, trong tâm trí an nhiên, khắc khoải muốn quay về.

Tản văn của Lữ Mai



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]