(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi trở lại đại ngàn Thường Xuân vi vu gió thổi, giữa hương thơm phảng phất của hoa dại, trộn lẫn trong những tiếng chiêng, tiếng Khặp ngân lên trên mỗi bản làng, chợt nhận ra vùng biên đang khoác lên mình tấm áo mới...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trên đại ngàn Thường Xuân

Tôi trở lại đại ngàn Thường Xuân vi vu gió thổi, giữa hương thơm phảng phất của hoa dại, trộn lẫn trong những tiếng chiêng, tiếng Khặp ngân lên trên mỗi bản làng, chợt nhận ra vùng biên đang khoác lên mình tấm áo mới...

Xây dựng Đảng là then chốt

Dưới tiết trời oi ả của những ngày nắng hạ, đi trên những bản làng ở huyện miền núi giáp biên Thường Xuân, tôi vẫn nhận ra sự đổi thay, khởi sắc qua những con đường nhựa trải dài vươn qua những phố xá nhộn nhịp. Tôi đến thăm nhà bác Lê Văn Hồng - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hang Cáu, xã Vạn Xuân lúc mặt trời gần đứng bóng. Bác Hồng là một điển hình tiên tiến, vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì có thành thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn đoạn 2016 - 2019. Bác cho biết: Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng được Huyện ủy Thường Xuân, Đảng ủy xã Vạn Xuân lãnh đạo, tổ chức thực hiện đến từng chi bộ, từng đảng viên. Các đồng chí Thường vụ Đảng ủy xã thường xuyên về sinh hoạt với Chi bộ thôn Hang Cáu. Qua đó không chỉ giúp đảng viên trong chi bộ nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, mà còn xây dựng các giải pháp thiết thực, hiệu quả để thôn nỗ lực xây dựng nông thôn mới (NTM).

Thôn Hang Cáu giờ đây đã là thôn NTM và đang phấn đấu hoàn thành xây dựng thôn NTM nâng cao vào năm 2021. Thành quả này là công sức của người dân trong thôn dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ xã Vạn Xuân, trong đó có vai trò tiền phong, gương mẫu của những đảng viên trong chi bộ thôn, mà bác Lê Văn Hồng là một điển hình. Nhiều năm qua, ông đã đi đầu trong các phong trào thi đua, góp công, góp của để xây nhà văn hóa, làm đường giao thông nông thôn. Thành quả này cũng có vai trò quan trọng của ông Lục Đăng Hỏa - Bí thư Đảng ủy xã. Ông Hỏa được Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Xuân điều động từ huyện về làm Bí thư Đảng ủy xã Vạn Xuân từ năm 2018. Thời gian qua, ông đã cùng tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Vạn Xuân tập trung nỗ lực, đề ra các giải pháp xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, lãnh đạo công cuộc xây dựng Vạn Xuân ngày càng giàu mạnh, ấm no. Từ một xã xuất phát điểm thấp, Vạn Xuân đang phấn đấu đạt chuẩn NTM vào cuối năm nay.

Tôi điểm một vài tên xã, tên thôn, rồi rằng, nơi nào có cán bộ tốt, có cán bộ huyện được điều động về làm lãnh đạo chủ chốt thì ở đó năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được tăng cường, tạo nên sự đổi thay mạnh mẽ trong phát triển KT-XH. Ví như, ngoài Vạn Xuân, xã Xuân Cẩm (đã sáp nhập vào thị trấn) trong 2 nhiệm kỳ liên tục gần đây đều được huyện luân chuyển cán bộ về làm lãnh đạo chủ chốt. Và xã này đã đổi thay khác biệt, tiêu biểu là đã xây dựng đề án, đưa thôn Thanh Xuân vào khai thác du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập cho người dân. Xã Xuân Cao, Tân Thành... có cán bộ được huyện điều động về cũng khác biệt hơn với nhiều mô hình mới được áp dụng, nâng cao giá trị sản xuất cho người dân...

Đem câu chuyện về công tác cán bộ trao đổi với ông Đỗ Xuân Nam - Bí thư Huyện ủy Thường Xuân, ông cho rằng: Bác Hồ nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Xuân đã đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, xem đó là then chốt của then chốt. Việc điều động, luân chuyển cán bộ trong hệ thống chính trị có bước đột phá, Ban Thường vụ Huyện ủy đã luân chuyển từ huyện về xã 11 cán bộ; luân chuyển, điều động từ xã này sang xã khác 17 cán bộ. Đã có 15/16 xã, thị trấn bố trí một trong ba chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương...

Bí thư Huyện ủy Thường Xuân Đỗ Xuân Nam, khẳng định: Công tác cán bộ được Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Xuân thực hiện toàn diện, thống nhất, khách quan từ khâu đánh giá; quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng; luân chuyển, điều động; bố trí, sử dụng; quản lý... Cùng với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và các quy định của Đảng đã góp phần quan trọng trong nâng cao ý thức trách nhiệm, vai trò nêu gương của cán bộ, viên chức, người lao động trong bộ máy, nhất là người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị.

Đi cùng với làm tốt công tác cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thường Xuân đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện và tập trung; phát huy dân chủ, đoàn kết, thống nhất, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu và nêu gương của người đứng đầu. Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Xuân đã dành thời gian đến làm việc tại cơ sở để giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn, những vấn đề mới phát sinh. Đồng thời đề cao trách nhiệm đối với các đồng chí thường vụ cấp ủy và cấp ủy viên phụ trách cơ sở, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương.

Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng cũng đã được tăng cường nâng cao một bước. Trong nhiệm kỳ, đã tiến hành kiểm tra 58 cuộc với 232 tổ chức Đảng trực thuộc với 13.472 lượt, giám sát 65 cuộc với 182 tổ chức cơ sở Đảng, 14.154 lượt đảng viên và cấp ủy viên. Việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được thực hiện theo phương châm phòng ngừa vi phạm là chính, đồng thời xử lý nghiêm minh những trường hợp đảng viên, tổ chức Đảng vi phạm.

Tôi gặp nhiều bí thư cấp ủy cơ sở, họ cho rằng, không chỉ có chủ trương đúng đắn, mà để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thường Xuân đã có giải pháp đồng bộ, quyết liệt và tổ chức thực hiện bài bản, khoa học với nỗ lực quyết tâm cao nhất. Từ đó mà vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng được tăng cường, hoạt động của hệ thống chính trị đi vào nền nếp, hiệu quả, uy tín của người đảng viên trong cộng đồng được nâng cao. Đó là tiền đề, tạo nền tảng vững chắc, yếu tố cốt lõi để toàn huyện nỗ lực vươn lên hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.

Thôn Vịn, xã Bát Mọt là một điểm sáng ở vùng biên giới.

Và những đổi thay

Tôi đi dọc một vệt từ ngã ba Đồng Mới, qua Yên Nhân, ra tận thôn Cạn, thôn Vịn ở giáp biên giới Việt - Lào, nhận ra trên dọc tuyến đường, các quán hàng đã thi nhau mọc lên như nấm sau những đợt mưa rào. Con đường từ thôn Cạn vào thôn Vịn, xã Bát Mọt dài 19 cây số cứ chồm lên chồm xuống theo dốc núi thung sâu bị mưa lũ tàn phá không biết bao lần mà kể, giờ cũng được trải nhựa, đổ bê tông chắc chắn. Chỉ 4 năm trước, toàn thôn có 165 hộ dân thì có tới 92 hộ thuộc diện nghèo, nhưng rồi có đường giao thông, có xã Ngọc Phụng đỡ đầu, mới đây thôn Vịn đã đạt chuẩn NTM, là một điểm sáng ở vùng biên giới. Chuyện xã Ngọc Phụng đỡ đầu thôn biên giới xây dựng NTM là mô hình thiết thực, chỉ có ở Thường Xuân.

Không riêng vùng biên giới, các xã vùng Nam Xuân cũng khởi sắc thấy rõ. Trên dọc tuyến đường từ trung tâm huyện qua Vạn Xuân, lên Xuân Thắng, Xuân Chinh, Xuân Lẹ... giờ cũng có những sắc màu tươi mới từ những mái nhà tầng, nhà bằng kiên cố sơn son đẹp mắt.

Theo báo cáo của Huyện ủy Thường Xuân, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn đạt tới 15,7%, là mức tăng trưởng cao tốp đầu của khu vực miền núi. Quy mô giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt gần 4 nghìn tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 35 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, từ 22,18% (năm 2015) xuống còn 4,23% (năm 2020). Huyện có 6 xã, 36 thôn, bản hoàn thành xây dựng NTM.

Cũng trong giai đoạn 2016 - 2020, Thường Xuân đã huy động gần 4,5 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Từ nguồn vốn trên, huyện đã tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, công sở, nhà văn hóa. Đến nay Thường Xuân đã có những con đường nhựa phẳng lỳ nối về tận trung tâm xã, nhà văn hóa. 100% thôn, bản đã có điện lưới quốc gia. Cơ sở vật chất trường học cũng được tăng cường với đa phần là phòng học kiên cố.

Công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm, tất cả các trạm y tế trên địa bàn đã có bác sĩ. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19, tuy là huyện giáp biên, có cửa khẩu Khẹo và nhiều đường mòn lối mở với nước bạn Lào, nhưng Thường Xuân đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống, không để dịch xâm nhập, lây lan vào địa bàn. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng cao. Các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn, như: Khu di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh hồ Cửa Đặt, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, điểm di tích Hội thề Lũng Nhai,... được khai thác. Giai đoạn 2016 - 2020, doanh thu từ du lịch ở Thường Xuân ước đạt trên 100 tỷ đồng. Đây là kết quả khá ấn tượng so với nhiều huyện miền núi trong tỉnh vốn rất giàu tiềm năng về du lịch...

Dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, những thành tựu trên đã khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ trực tiếp của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Thường Xuân. Đó là cơ sở, tiền đề để huyện vùng biên này vững bước tiến lên trong giai đoạn cách mạng mới.

Ông Đỗ Xuân Nam - Bí thư Huyện ủy Thường Xuân, cho biết thêm: Dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song Thường Xuân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện quyết tâm cao đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, với tinh thần chủ động, sáng tạo phát huy tiềm năng, lợi thế và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển bền vững KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Thường Xuân phấn đấu sớm ra khỏi huyện nghèo trước năm 2023, đến năm 2025 trở thành huyện khá của khu vực miền núi, trước năm 2030 đạt chuẩn huyện NTM.

Tôi chắc rằng, rồi nay mai Thường Xuân sẽ khác, giàu đẹp và khang trang hơn. Đó là khi tinh thần đoàn kết của cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục được tăng cường cho quyết tâm cao xây dựng một quê hương tươi đẹp. Đó là khi những công trình, dự án thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước các cấp đến nhân dân các dân tộc vùng cao được phát huy. Đó cũng là khi những cán bộ kế cận, tiếp bước, được đào tạo, thử thách, tôi luyện từ hôm nay sẽ trưởng thành, đóng góp nhiều hơn trong sự nghiệp đổi mới quê hương...

Đức Vân


Đức Vân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]