(vhds.baothanhhoa.vn) - Mùa này, những cơn mưa giông thường kéo đến bất chợt trút nước xuống nhân gian như đang giận giỗi điều gì.

Từ trong mưa giông...

Mùa này, những cơn mưa giông thường kéo đến bất chợt trút nước xuống nhân gian như đang giận giỗi điều gì.

Từ trong mưa giông...

Người nông dân giúp nhau “chạy lúa” trong cơn mưa giông

Với nhiều người, những cơn mưa giông ấy là một chút lãng mạn, ngẩn ngơ, là man mác nỗi buồn… Nhưng với nông dân đang bước vào mùa gặt, những cơn mưa ấy là một thực tế khắc nghiệt, thử thách của tự nhiên.

Tự bao đời nay, muôn nỗi vất vả của người nông dân vẫn thường được đúc kết trong bài ca dao: “Người ta đi cấy lấy công/Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề/Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm/ Trông cho chân cứng, đá mềm/ Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng”.

Người nông dân “chân lấm tay bùn”, “một nắng hai sương” gánh nặng những nỗi lo trên đôi vai gầy tần tảo. Trải qua biết bao công đoạn nhọc nhằn, trăn trở bón phân, làm cỏ từ hạt lúa giống nảy mầm, gieo mạ đến khi lúa trổ đòng đòng, đơm bông, nặng hạt vít cong bông lúa. Những bông lúa dần chuyển từ màu xanh sang vàng nhạt rồi chín ửng. Lúa chín vàng óng trên những cánh đồng chờ tay người nông dân đến gặt về, khép lại vòng đời ngắn ngủi. Giờ đây, hạt lúa, hạt gạo chẳng đủ sức cho người nông dân giàu sang, đổi đời ngay được. Nhưng với họ, mỗi vụ mùa cũng là cả nỗi mong ngóng, khấp khởi mừng vui, hy vọng.

Từ trong mưa giông...

Tình làng, nghĩa xóm là giá trị bền vững, “thành trì” kiên cố bảo vệ nông thôn - nông dân trước mọi biến động.

Ấy vậy mà nào đã bình yên. Mùa giáp hạt năm nào cũng gần với mùa mưa bão. Lúa đang dần ngả vàng trên đồng, niềm vui của người nông dân vừa nhen nhóm lên thì nỗi lo lắng lấn át. Mỗi khi có tin gió bão sắp đổ bộ, dải đất miền Trung lại run lên nỗi lo sợ. Người nông dân ghé ra thăm đồng, đừng ngơ ngác nhìn những bông lúa hồn nhiên ngả nghiêng theo gió, thở dài: “Dịch dã đã khó khăn rồi, giờ lại thêm mưa bão. Chỉ mong gắng gượng qua được đận này”.

Ví như những ngày qua, khi cơn bão Conson gào thét, chực chờ đổ bộ vào đất liền, vào một dải miền Trung vốn đã thấm đẫm đau thương từ bão lũ. Nhằm chủ động ứng phó, hạn chế tối đa thiệt hại do bão lũ gây ra, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá người nông dân tranh thủ thời gian, lúc điều kiện thời tiết thuận lợi hối hả thu hoạch lúa hè thu.

Từ trong mưa giông...

Đoàn thanh niên xã Hoằng Lộc (Hoằng Hoá) giúp bà con nông dân trong xã thu hoạch lúa mùa

“Xanh nhà hơn già đồng” dường như đã là kinh nghiệm xương máu của người nông dân, dẫu rằng đó chỉ là việc bất đắc dĩ. Sự nỗ lực, cố gắng, cái đức tính chăm chỉ, cần cù, nhẫn nại cùng không khí khẩn trương, hối hả trên những cánh đồng lúa đan xen sắc xanh - vàng, bóng người nông dân nhễ nhại mồ hôi, nắng đốt lưng còng như dệt nên bức tranh cần lao đáng quý, đáng trân trọng mà không khỏi có chút gì nghẹn ngào, xa xót. Bao thế hệ người nông dân đất Việt đã sống thiện lương, lao động hăng say như thế. Ông bà, bố mẹ chúng ta cũng đã đi qua những nhọc nhằn, lam lũ ấy, từng chút một tích cóp, vun vén cho tương lai thế hệ cháu, con tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn.

Trên cánh đồng “chạy bão”, người nông dân không đơn độc. Những cô, cậu thanh niên trong màu áo xanh tình nguyện, lực lượng bộ đội biên phòng, lực lượng công an... luôn sẵn sàng, nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ bà con gặt lúa. Tuy còn nhiều vụng về, lóng ngóng nhưng chính sự quan tâm, sẻ chia ấy là nguồn động viên rất lớn đối với người nông dân.

Chiều muộn, cơn mưa giông đỏng đảnh trút nước, vẫn như lệ cũ, đột ngột, chẳng báo trước. Một vài hộ gia đình tranh thủ ngày nắng lên mang lúa ra phơi trước sân, trên con đường làng rộng rãi trước nhà, bỏ vội mâm cơm vừa dọn, ùa ra “cứu lúa”. Lúa ngấm nước mưa, ẩm mốc, mọc mầm thì coi như bỏ, chỉ còn cách đổ cho gà, vịt ăn. Cả nhà cứ đội mưa như thế, mỗi người một việc: người gạt lúa, dồn thành đống, người xúc lúa vào bao đựng… một cách thành thục, nhuần nhuyễn. Ấm áp hơn tất thảy, chẳng ai bảo ai, nhiều gia đình khác cũng có người chạy sang, phụ giúp các hộ gia đình đang chạy lúa. Họ nhập vào sự hối hả, gấp gáp, bất chợt ấy một cách nhanh chóng, nhịp nhàng đến ngạc nhiên.

Người nông dân thường sống với nhau trọng nghĩa tình, giúp đỡ nhau chẳng màng lợi ích, suy tính thiệt hơn. Họ có những hình thức lao động sản xuất mang đậm nghĩa tình như: đổi công (vào mùa cấy hay mùa gặt, nhiều hộ nông dân thường đổi công cho nhau, nay nhà này làm cho nhà kia, mai nhà kia làm cho nhà này), đi cấy đêm, gặt lúa đêm theo tập thể…

“Chạy lúa” vừa xong, cơn mưa cũng dần tạnh. Ai nấy nhìn nhau hổn hển cười, miệng cảm ơn không ngớt. Thế mới thấy, tình làng, nghĩa xóm ở chốn thôn quê là điều thiêng liêng như thế nào. Đó là “khối đại đoàn kết” vững chãi, là “thành trì” kiên cố bao đời nay bảo vệ bình yên làng, xã trước mọi cơn biến động, bão tố. Chỉ cần có vậy, dẫu bão giông như thế nào, những vụ mùa óng ả lúa vàng vẫn khảm vào bức tranh làng quê niềm tin yêu, hy vọng.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]