(vhds.baothanhhoa.vn) - Hình tượng Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ không phải là hoàn toàn lấy từ ý thơ, nhưng chất thơ mang tính tự sự của Bác gợi lại hình ảnh của Người bước trên núi Trường Lệ mà sau mấy chục năm vẫn còn sống động như ngày ấy, vừa hiện thực vừa trừu tượng, lãng mạn làm sao!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bức tranh Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ

Hình tượng Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ không phải là hoàn toàn lấy từ ý thơ, nhưng chất thơ mang tính tự sự của Bác gợi lại hình ảnh của Người bước trên núi Trường Lệ mà sau mấy chục năm vẫn còn sống động như ngày ấy, vừa hiện thực vừa trừu tượng, lãng mạn làm sao!

Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ. (Tranh sơn dầu của Hoàng Hoa Mai)

Thấm thoát cũng sáu mươi năm rồi, kể từ ngày Bác Hồ về thăm Sầm Sơn, Thanh Hóa (1960 - 2020). Năm ấy Bác đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng Bác vẫn mạnh khỏe, dung quang hồng hào, vui tươi, bước đi nhanh nhẹn. Nhìn lại, ta cảm thấy, thời gian trôi đi nhanh quá, nhưng không gian núi Trường Lệ vẫn còn đó, với rừng cây bạt ngàn vi vu bên biển dạt dào sóng vỗ. Hình ảnh Bác Hồ năm xưa vẫn ẩn hiện đâu đây trong ký ức tình cảm sâu thẳm của người dân Sầm Sơn như thấy Bác về thăm ngày nào.

Vào những ngày mười bảy, mười tám, mười chín tháng 7 năm 1960, Bác Hồ đã về thăm và làm việc với cán bộ, nhân dân Sầm Sơn. Nơi Bác chọn nghỉ và làm việc trong ba ngày ấy là ở đền Cô Tiên trên núi Trường Lệ. Nơi đây có không gian thoáng mát, nhìn được nhiều phía. Cho đến bây giờ cũng chưa có ai trả lời chính xác câu hỏi tại sao Bác Hồ lại chọn đền Cô Tiên để nghỉ ngơi và làm việc khi Người về thăm Sầm Sơn? Vì ở trên núi Trường Lệ còn có đền Độc Cước, khu ở của bộ đội biên phòng, khu ở của cán bộ công nhân viên quản lý lâm nghiệp, liền kề phía Bắc núi là thị xã Sầm Sơn, ở đây có nhiều khách sạn với đầy đủ tiện nghi sang trọng ở các dãy phố đô thị. Mãi sau này có nhiều người nghiên cứu về Bác Hồ mới đưa ra phán đoán là trong những năm của thập kỷ 60, cuộc đấu tranh cách mạng chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam bước sang giai đoạn quyết liệt, nhân dân miền Bắc với phong trào mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt. Đồng thời với những phong trào ấy, nhiều công trình chiến lược cách mạng tiếp viện cho miền Nam đánh Mỹ được ra đời như đường mòn Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn và tiếp đó có đường trên biển là tuyến đường quen thuộc của các tàu không số mà các chiến sỹ miền Bắc chở hàng hóa, súng đạn, dược phẩm, lương thực vào Nam. Sự thật ấy có nhiều người lý giải với tôi rằng, Bác Hồ ở trên núi Trường Lệ ngoài sự nghỉ ngơi và làm việc, Bác còn nghiên cứu con đường chiến lược trên biển để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và sau này con đường ấy được gọi là đường Hồ Chí Minh trên biển, một huyền thoại kỳ vĩ góp phần chiến thắng giặc Mỹ xâm lược thống nhất nước nhà.

Để chắc chắn cho các phán đoán, nhận định đó, tôi đã gặp ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác để tham khảo tư liệu cho việc sáng tác bức tranh. Ông ấy cũng nói rõ ý đó theo một cách dí dỏm hơn: “Tôi theo Bác nhiều năm rồi nhưng đọc hết ý nghĩ trong đầu Bác thì khó lắm. Bác Hồ của chúng ta không phải vào Sầm Sơn nghỉ ngơi đâu, mà Bác đi nghiên cứu chiến lược biển cho cách mạng miền Nam đó; còn về việc Bác ở trên núi Trường Lệ, chắc là theo tôi, tạm biệt chiến khu Việt Bắc về thủ đô Hà Nội làm việc, Bác rất nhớ núi rừng Việt Bắc. Bác thường nói với các cô chú phục vụ ở văn phòng Phủ Chủ tịch về những hình ảnh Bác đi công tác qua rừng, lội suối, lúc lên núi, lúc trèo đèo ở chiến khu và chắc cũng có những hoài niệm đó mà Bác thích ở và làm việc trên núi Trường Lệ Sầm Sơn. Khi sáng tác bức tranh này, tôi đã nhiều lần đến bảo tàng cách mạng, cơ quan lưu trữ tư liệu về Bác Hồ ở Hà Nội để tìm hiểu hình ảnh của Người, song cũng không thu thập được gì ngoài mấy tấm ảnh đã chụp biển, làng chài và sinh hoạt với cư dân vào những ngày Bác ở Sầm Sơn năm 1960.

Trong những tấm ảnh tư liệu chụp Bác ở Sầm Sơn, kể cả những lời truyền miệng của dân và có một số văn bản cũng chỉ nói một số ý về Người ở dạng ký, như thăm gia đình nông dân, ngư dân, ảnh Bác Hồ kéo lưới, ảnh nói chuyện với cán bộ, nhân dân Sầm Sơn,... Những tư liệu đó để có thể khái quát được hình tượng cao đẹp của Bác một cách đầy đủ với ý nghĩa là anh hùng giải phóng dân tộc và là nhà văn hóa kiệt xuất, vừa đượm chất thơ có tính lãng mạn huyền thoại,... thì chưa đủ cứ liệu. Bởi vậy, tôi phải căn cứ nhiều tư liệu khác, nhất là hình ảnh của Người khi ở chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, như Bác cùng bộ đội hành quân, ngồi câu cá và những vần thơ, những ngày còn bị giam ở nhà tù của giặc Tưởng, Bác vẫn lạc quan mà trong đó hình ảnh núi non vẫn đượm sắc màu, lãng mạn trữ tình trong thơ Bác. Trong bài đi đường của Bác, có đoạn viết: Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non (Nhật ký trong tù - Nhà Xuất bản Văn học 2006).

Hình tượng Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ không phải là hoàn toàn lấy từ ý thơ trên, nhưng chất thơ mang tính tự sự của Bác gợi lại hình ảnh của Người bước trên núi Trường Lệ mà sau mấy chục năm vẫn còn sống động như ngày ấy, vừa hiện thực vừa trừu tượng, lãng mạn làm sao!

Trong tranh được miêu tả khoảng trời bao la, trên đỉnh núi Trường Lệ Sầm Sơn, Bác lồng lộng với gương mặt đôn hậu hồng hào, đôi mắt dịu hiền và cái nhìn xa xăm, vẫn bộ quần áo nâu giản dị, chân đi dép cao su mà Bác thường dùng cho việc sinh hoạt hằng ngày đã để lại trong ta một cảm xúc gần gũi đến lạ thường. Hình ảnh Bác Hồ ngồi trên phiến đá ở núi Trường Lệ, tay cầm điếu thuốc, gợi lại cho người xem tranh liên tưởng đến mấy câu thơ của Tố Hữu trong bài “Sáng tháng năm”: Bác ngồi đó, lớn mênh mông/ Trời xanh biển rộng, ruộng đồng nước non... Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút/ Trán thênh thang, thanh thản một vùng trời (thơ Tố Hữu - Nhà Xuất bản Văn học 2003).

Khi xây dựng hình tượng Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ, tôi vừa kết hợp những tư liệu thực mà Người ở, làm việc vừa phải khai thác chất thơ trong đời sống bình dị của Người mà ta thường gặp. Người không những là vị anh hùng của dân tộc, nhà tư tưởng, nhà văn hóa vĩ đại mà còn là một nhà thơ lớn. Với tính nhân văn ấy, người xem tranh còn thấy Bác giống như một ông tiên, tọa trên núi, mà dung quang của Người tỏa sáng và thanh cao hòa lẫn với không gian biển, trời Trường Lệ.

Phương pháp cấu trúc hình tượng Bác, được thể hiện trong không gian và thời điểm ở núi Trường Lệ, theo cách thức bố cục từ một quan niệm tự nhiên, giữa trời, đất và Người là một thể thống nhất theo triết lý “Thiên, địa, nhân” mà Bác Hồ là chủ thể. Sự miêu tả vùng trời ở đây là đầu mùa thu, không có nắng chói chang, bầu trời trong mát, khí hậu Trường Lệ ấm áp ôn hòa. Những áng mây chiều nhiều sắc màu lãng đãng nhè nhẹ bay đan xen giữa núi, biển, tạo cảm giác sống động cho người xem tranh. Núi Trường Lệ có nhiều đồi nhấp nhô chen lẫn với màu xanh của rừng cây và được sắp xếp như những hàng sóng biển chạy dài theo làn gió Đông Nam mà Bác là trung tâm trên đỉnh núi, ngắm cảnh hùng vĩ của Trường Lệ. Xa xa, ở đầu núi phía Nam là đền Cô Tiên nơi mà sớm hôm Bác đi về trong những ngày thăm đô thị Sầm Sơn. Núi Trường Lệ, được khái quát hóa và mở rộng tính ước lệ luật xa gần theo trường phái ấn tượng để tạo tính hùng vĩ và huyền ảo. Cách miêu tả bức tranh không bê nguyên phong cảnh thực, tránh miêu tả theo lối tự nhiên chủ nghĩa trong nghệ thuật. Cảnh và người ở đây được cấu trúc vừa mang tính cụ thể chi tiết nhưng vừa khái quát trừu tượng để người xem cảm thụ có chất thơ trong nét vẽ của tranh. Sự giao cảm ấy trong tâm hồn của Bác với phong cảnh ở núi Trường Lệ cũng giống như khi Người đến với thiên nhiên mọi miền của đất nước.

Trong quá trình sáng tác, việc khó nhất là nghệ thuật tạo hình, vị trí và hướng nhìn của chân dung Bác là làm sao biểu đạt được tính nhất quán giữa đền Cô Tiên, biển, mây, trời và hình ảnh Người, tạo được tính hợp lý trong cấu trúc bố cục của bức tranh. Lần theo những câu truyền miệng của dân, tôi đã hỏi mấy bác ngư dân cao tuổi thời đó, họ cho biết là thường thấy có ông cụ tóc bạc phơ, mặc quần áo nâu đi trên núi và ngồi ngắm biển nhưng chính các bác này cũng không biết là Cụ Hồ. Do việc bảo mật nên không có ai biết Bác Hồ về Sầm Sơn và ở đền Cô Tiên trên núi Trường Lệ. Vì thế mà không ai được chụp ảnh Bác Hồ trên núi Trường Lệ do vậy không có tấm ảnh nào, đó là điều khó khăn cho việc xây dựng tác phẩm. Đã thế, bức tranh phác thảo ban đầu tôi đã hỏi ông Vũ Kỳ góp ý kiến. Xem bức ảnh chụp lại tranh, ông ấy trao đổi với tôi là không nên mở rộng không gian biển trong tranh. Bác về Sầm Sơn không phải là để nghỉ dưỡng, ngắm biển? Sau đó tôi phải sửa lại đưa phần núi đền Cô Tiên cao lên. Bức tranh đã qua mấy thập kỷ rồi nhưng nhiều ý kiến là nên có biển rộng ra so với phần núi trong tranh.

Vẽ nhiều tranh về Bác mà tôi cảm thấy vẫn thiếu, thấy khó, bởi vì biết về Bác Hồ quá ít ỏi. Sau nhiều năm nghiên cứu tư liệu, phác thảo chỉnh sửa từ năm 1966 đến năm 1990 tác phẩm “Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ” mới cơ bản hoàn thành. Sau đó tác phẩm đã được giới thiệu trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương nhân kỷ niệm ngày sinh của Bác 19/5.

Bức tranh “Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ” đã được triển lãm mỹ thuật toàn quốc về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội năm 2009, đã triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (5 năm một lần) tại Hà Nội năm 2010 và được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Tác phẩm “Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ” đã được xuất bản thành tờ lưu hành rộng rãi ở Thanh Hóa, nhiều tạp chí lấy tranh này để in bìa như Tạp chí Tuyên giáo của Trung ương,... Tỉnh ủy Thanh Hóa cho in nhân bản làm tặng phẩm sang nước bạn Liên Bang Nga,... Bức tranh ấy cũng đã là đề tài cảm hứng của nhiều người hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong bài thơ vịnh bức tranh Bác Hồ trên đỉnh Trường Lệ anh Nguyễn Văn Lợi viết: Gian lao suốt cuộc trường chinh/ Áo nâu, dép lốp nặng tình nước non/ Bóng người lồng lộng thái sơn/ Nỗi đau nhân thế, sóng cồn đại dương/ Mái đầu gội bạc gió sương/ Nghìn thu vằng vặc tấm gương giữa trời.

Cố nhạc sĩ Lê Đăng Khoa đã đưa ý tranh vào giai điệu ca từ, vào âm nhạc của mình và đoạt giải thưởng ở hội thi nhạc trẻ tại Hà Nội. Nhiều ấn phẩm xuất bản, phát thanh truyền hình đã đưa hình ảnh Bác Hồ trong tranh để tôn vinh công lao của Người đối với Thanh Hóa nói chung, nhân dân Sầm Sơn nói riêng, một ân tình sâu nặng.

Năm nay kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Sầm Sơn (1960 - 2020), niềm tự hào lớn nhất của nhân dân địa phương là được Bác Hồ về thăm. Cũng từ đó sự kiện ấy đã đi vào lịch sử như một bài ca huyền thoại mà bức tranh sơn dầu Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ Sầm Sơn tôi sáng tác là một trong nhiều đề tài cảm hứng văn học nghệ thuật của giới văn nghệ sỹ xứ Thanh và cả nước.

Họa sĩ Hoàng Hoa Mai


Họa sĩ Hoàng Hoa Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]