(vhds.baothanhhoa.vn) - 50 năm trước, bài thơ Chúc Tết Mậu Thân và những bài thơ Bác Hồ viết đầu năm 1968 đến nay vẫn vang động trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cảm hứng chiến thắng bao trùm trong các bài thơ của Bác Hồ năm Mậu Thân 1968

50 năm trước, bài thơ Chúc Tết Mậu Thân và những bài thơ Bác Hồ viết đầu năm 1968 đến nay vẫn vang động trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Một điều khác đặc biệt và thú vị, chưa có năm nào sau khi chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước bằng thơ, liên tiếp những tháng đầu năm, Bác Hồ lại làm thơ nhiều đến thế - 6 bài thơ, gồm 3 bài thơ tiếng Việt: Không đề, Khen 11 cháu dân quân thành phố Huế, Không đề và những bài thơ chữ Hán: Vô đề, Nhị vật, Mậu Thân xuân tiết. Những bài thơ này cùng nguồn mạch cảm hứng chiến thắng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969).

Thời khắc thiêng liêng phút giao thừa Tết Mậu Thân - 1968, đồng bào và chiến sĩ hồi hộp, chờ đón, lắng nghe Bác Hồ chúc mừng năm mới. Giọng Bác ấm áp, dõng dạc, hào hứng, âm vang:

“Đồng bào và chiến sĩ yêu quý,

Từ năm 1965, đế quốc Mỹ đưa hàng vạn quân trực tiếp xâm lược nước ta và gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhân dân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ cứu nước, đã giành được thắng lợi vẻ vang. Đến cuối năm 1967, quân và dân miền Nam anh hùng đã diệt, làm bị thương và làm tan rã hàng chục vạn quân Mỹ, quân ngụy và quân chư hầu. Quân và dân miền Bắc anh hùng đã bắn tan xác 2.600 máy bay Mỹ.

Sang năm nay, bọn Mỹ xâm lược càng bị động, càng lúng túng, quân và dân ta thừa thắng xông lên, nhất định giành được nhiều thắng lợi hơn nữa (...)

Với đồng bào và chiến sĩ cả nước, tôi chúc mừng năm mới như sau: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng lợi tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.

Đồng chí Vũ Kỳ cho biết, khi đọc đến hai chữ Tiến lên!, Bác ngắt ra, giọng Bác vang xa, khẩn cấp rồi ngừng mới chuyển sang Toàn thắng ắt về ta. Tiến lên! Chính là hiệu lệnh, là khẩu hiệu, là mật khẩu của Bác (được giữ bí mật cho đến phút này) cho toàn chiến trường miền Nam. Đó chính là giờ G của cuộc tiến công, theo lệnh Bác, đồng loạt nổi dậy. Sau hiệu lệnh Tiến lên! 37 trong tổng số 44 tỉnh, 5 trong 6 đô thị lớn, 64 trong số 242 quận lỵ nổ súng. Bác theo dõi chặt chẽ tình hình chiến sự. Bác rất vui khi nhận được tin từng trận đánh thắng của quân và dân ta từ Quảng trị đến Nam Bộ.

Đối với Bác lúc này, có niềm vui nào bằng niềm vui thắng trận. Tin chiến thắng đến dồn dập, niềm vui nhân lên, cảm xúc trào dâng, Bác gửi gắm niềm vui, niềm tin vào thơ, hầu như bài thơ nào Bác cũng có chữ thắng: Thắng trận, Toàn thắng, Vần thắng, thắng lớn... có thể nói, bao trùm lên 7 bài thơ, cảm hứng chủ đạo là cảm hứng chiến thắng:

• Thắng trận tin vui khắp nước nhà...

Tiến lên ! Toàn thắng ắt về ta

(Chúc tết Mậu Thân – 1968)

• Bỗng nghe vần thắng vút lên cao

(Không đề)

• Mừng miền Nam luôn thắng lớn

(Vô đề)

• Miền Nam thắng trận báo về tin vui

(Mậu Thân xuân tiết)

• Kháng chiến dân ta đang thắng lớn

(Không đề)

Có những bài thơ không có chữ thắng như bài Khen 11 cháu dân quân thành phố Huế nhưng vẫn trong dòng chảy của chữ thắng, tròn đầy cảm hứng chiến thắng. Khí thế tiến công, mưu trí, dũng cảm, của 11 cô gái dân quân thành phố Huế đã làm Bác xúc động và Bác có thư và thơ khen ngợi trong niềm cảm xúc, niềm vui thắng trận: Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/ Khôn ngoan dàn trận khắp trăm phường/ Bác khen các cháu dân quân gái/ Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương.

Cuộc Tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân - 1968 thực sự làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ và uy tín của Mỹ xuống rất thấp trên trường quốc tế, buộc Mỹ phải điều chỉnh chiến lược cả ở chiến trường và cả trên bàn đàm phán hội nghị Pari.

Trong những tháng đầu năm 1968, Bác vẫn đang tiếp tục điều dưỡng ở Trung Quốc. Mặc dù ở xa Tổ quốc, nhưng Bác vẫn theo dõi chặt chẽ diễn biến của chiến trường miền Nam và cùng Trung ương chỉ đạo các bước tiến quân. Tin thắng trận liên tục báo cáo tới Bác. Tại Bắc Kinh, Bác viết bài thơ Mậu Thân xuân tiết (Tiết xuân Mậu Thân) phơi phới niềm vui - vui cảnh trời đầy sắc hương mùa xuân, vui với tin vui thắng trận: Tháng tư hoa nở một vườn đầy/ Tía tía hồng hồng đua sắc tươi/ Chim trắng xuống hồ tìm bắt cá/ Hoàng Oanh vút tận trời./ Trên trời mây trắng rồi đi/ Miền Nam thắng trận báo về tin vui.

Xuân Mậu Thân - 1968 là mùa xuân của chiến thắng, là niềm vui của toàn dân tộc, cũng là niềm vui lớn của Bác Hồ. Trong niềm vui chung thắng trận, Bác còn có niềm vui riêng, mình thắng mình. Không phải ngẫu nhiên mùa xuân 1968, Bác có hai bài thơ Vô đề và Nhị vật. Phải trong niềm vui lớn, Bác mới bộc lộ niềm vui riêng, tự mình đề thơ làm chứng (Tự kỷ đề thi vi chứng) về việc tự mình đã chiến thắng chính mình một thói quen, thích thú không dễ chiến thắng, đó là Bác đã thành công tự vượt mình kiêng uống rượu, kiêng hút thuốc lá, thực hiện nghiêm lời khuyên “Hai chớ” (Nhị vật) của Bác sĩ: Thuốc không, rượu chẳng có mừng xuân/ Dễ khiến thi nhân hóa tục nhân/ Trong mộng thuốc thơm và rượu ngọt/ Tỉnh ra thêm phấn chấn tinh thần.

Nếu như bài thơ Nhị vật Bác viết để chứng minh cho việc mình đã chiến thắng bản thân cùng với sự phấn chấn tinh thần, thì bài thơ Vô đề là niềm vui sướng khi sức khỏe được phục hồi và sự hân hoan, vui mừng khi cuộc kháng chiến đang trên đà thắng lợi, tiến đến thắng lợi hoàn toàn. Niềm vui sướng riêng - chung hòa vào nhau, cộng hưởng hai chiến thắng trong tâm thế hứng khởi, tinh thần phấn chấn, thăng hoa lên đến tột đỉnh vô tư và hồn nhiên, lòng người và trời đất như hòa làm một, như lúc nào cũng có xuân, cả năm là mùa xuân: Thuốc kiêng, rượu cử đã ba năm/ Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần/ Mừng mấy miền Nam luôn thắng lớn/ Một năm là cả bốn mùa xuân.

Với niềm vui không bệnh là tiên sướng tuyệt trần và Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn. Bác viết tiếp bài thơ vui, sảng khoái, sáng lên một vẻ đẹp trí tuệ, một tư tưởng, một cảm xúc về sự chiến thắng, tất thắng vần “thắng” vút lên cao: Đã lâu không làm bài thơ nào/ Nay thử làm thơ xem ra sao/ Lục khắp giấy tờ vần chẳng thấy/ Bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao.

Qua bài thơ Bác phát biểu quan điểm của Bác về thơ nhẹ nhàng, dí dỏm mà thấm thía vô cùng. Câu thơ Lục khắp giấy tờ vần chẳng thấy thì không chỉ là câu thơ vui mà còn đi đến một đích xa hơn. Nếu nhà thơ không sống đời sống cùng nhân dân thì lấy đâu ra thơ. Lúc này hơn lúc nào hết, nhà thơ phải lao vào cuộc sống sôi nổi, anh dũng của dân tộc đánh đuổi quân thù, phải biết xung phong cùng quân và dân làm nên chiến công, phải chiến thắng mới có được, vần thơ sẽ tự nhiên đến, chẳng phải lục, phải tìm đâu cả. Vần “thắng” bắt nguồn từ những chiến công, vần “thắng” là nguồn của thơ, làm nên thơ.

Cuối tháng tư 1968 Bác rời nơi nghỉ dưỡng về nước, ngày 20/5/1968 tại phiên họp toàn thể, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa III, trong bài phát biểu, sau khi chào mừng các đại biểu về dự kỳ họp và nêu bật một cách tổng quan về những thành tựu xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, những chiến công oanh liệt của quân và dân hai miền trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bác nói: “Nhân đây tôi có một bài thơ mới nghĩ ra, nhờ các đại biểu ai làm thơ hay và hay làm thơ thì sửa lại cho hay. Lần trước tôi có nói là các thắng lợi của các chiến sĩ và đồng bào hai miền làm cho tôi thấy mình như trở lại 20 tuổi. Nhưng nghe nói 78 tuổi, thì tôi thấy già đi. Vì vậy tôi có bài thơ này: Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm/ Vẫn vững hai vai việc nước nhà/ Kháng chiến dân ta đang thắng lớn/ Tiến bước! Ta cùng con em ta!

Bác rất có ý thức về tuổi tác hiện thời, không chối bỏ tuổi già. Bác cho rằng dù ở độ tuổi nào vẫn là tuổi cống hiến, tuổi làm việc. Bác đã bộc lộ chân thành tự đáy lòng mình, từ sự minh triết về suy nghĩ của người cao tuổi vượt lên những hạn chế về tuổi tác vẫn cố gắng làm tròn nhiệm vụ, Vẫn vững hai vai việc nước nhà, vẫn trong nguồn cảm hứng kháng chiến dân ta đang thắng lớn, vẫn một niềm lạc quan cách mạng, vẫn Tiến bước. Ta cùng con em ta hoàn thành sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

Thơ Bác là như vậy đấy.

Lê Xuân Đức


Lê Xuân Đức

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]