(vhds.baothanhhoa.vn) - Có thể nói Lê Tuấn Lộc là cây bút có nhiều tập thơ viết về người thợ có những thành quả mang sắc màu riêng. Tập Thợ và Thơ đã thấm đậm khát vọng giàu tính nhân văn của người thợ trong thời kì đổi mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cảm nhận khi đọc tập Thơ và Thợ của Nhà thơ Lê Tuấn Lộc

Có thể nói Lê Tuấn Lộc là cây bút có nhiều tập thơ viết về người thợ có những thành quả mang sắc màu riêng. Tập Thợ và Thơ đã thấm đậm khát vọng giàu tính nhân văn của người thợ trong thời kì đổi mới.

Là một cây bút được sinh ra và lớn lên ở miền quê Thanh Hóa, rồi trưởng thành là một kỹ sư mỏ và tiếp tục vươn lên học vị Tiến sĩ, từ tuổi thanh niên Lê Tuấn Lộc đã gắn mình với nghề mỏ ở Chromite Cổ Định Thanh Hóa, rồi sau này ở tỉnh Tuyên Quang, quê hương thứ hai của anh. Làm thợ mỏ, rồi là kỹ sư mỏ, trong Lê Tuấn Lộc còn xuất hiện con người thứ hai, con người của thơ ca. Anh đã có tới 20 đầu sách về nhiều chủ đề phong phú như quê hương, tình bạn, tình yêu, chủ đề miền núi, cuộc sống lao động nơi hầm mỏ, về sinh hoạt gia đình, xã hội, về tâm linh, những cuộc lữ hành, những vấn đề thế sự mang những buồn vui của cuộc sống thường ngày.

Trong đó, anh có tới 6 tập thơ viết về người thợ, người lao động như Hát lúc trăng lên (1990), Thợ mỏ gặp nhau (2000), Thân phận (2004), Đi tìm vàng (2012), Người đi đã trở về (2015), nhưng ấn tượng rõ nét trong số đó là tập Thơ và Thợ 2019 do NXB Hội Nhà văn mới ấn hành.

Khi sắp bước vào cái tuổi cổ lai hy, Lê Tuấn Lộc đã cho ra đời tập thơ này như một sự dồn nén tâm tình của một tâm hồn thơ về người thợ và tình yêu đọng lại. Đây vừa là những trải nghiệm nghề nghiệp vừa là những cảm xúc về thế thái nhân tình trước những đổi thay của nước nhà trong thời kỳ đổi mới.

Thơ Lê Tuấn Lộc gắn với hình ảnh những người thợ trong những hoàn cảnh khác nhau như các bài: Mẹ con em vẫn chờ; Viết ở tòa nhà Keang Nam; Ngã giá 30; Nỗi niềm phá sản; Ra đi từ bãi vàng; Nguyện cầu dưới mỏ muối Wieliska; Giao thừa sao chưa về; Xóm thợ... Đây là những bức tranh sinh động về người lao động, trong đó người thợ mỏ là người phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, hiểm nguy, nỗi lo về sinh mệnh kéo theo cả những người thân yêu qua hình ảnh thường nhật trong bài Mẹ con em vẫn chờ: Cơm dọn rồi nguội ngắt/ Mẹ con em vẫn chờ... Trước tai ương: Bọn làm than thổ phỉ/ Trốn đi từ lâu rồi/ Khoan vào lò bục nước/ Bố đi vẫn chưa về...

Hay một bi cảnh về môi trường lao động nghiệt ngã của người công nhân xây dựng tòa cao ốc, phải hứng chịu những mất mát, hi sinh góp thân mình cho một đô thị lớn ra đời: Ai biết bao thợ xây rơi từ cao trăm mét/ Ai còn sống ai chết.../ Bây giờ ta chỉ thấy/ Keang Nam 70 tầng lồng lộng trời Hà Nội (Viết ở tòa nhà Keang Nam).

Sống gắn mình với số phận của những người công nhân, hơn ai hết Lê Tuấn Lộc thấu cảm những cảnh đời bi thảm và đen bạc. Bài thơ Ngã giá 30, nói về một thảm kịch bi thương của người thợ bị chết trong lò vì khí độc, giữa một bên người bị hại và một bên chủ lò “mặc cả” với nhau về sinh mạng con người: Ngạt khí Sianua/ Tai bay vạ gió/ Người chết còn nằm đó/ Ngã giá còn chưa xong/ Bị hại phát 100/ Cai bướng giáng 2 chục... / Đôi co điều lên xuống/ Cuối cùng giá 30/ Điều kiện là bí mật/ Cai cũng rời khỏi đây.

Lao động kỹ thuật đòi hòi những điều kiện bảo hiểm an toàn, nhưng thực trạng người công nhân không có đủ các phương tiện lao động nên thường xảy ra nhiều tai nạn thương tâm. Đó như một tiếng chuông cảnh tỉnh xã hội về quyền lợi của người công nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa. Có khi là cảnh tượng bi thảm trong cuộc mưu sinh nơi rừng núi xa xôi được tái hiện trong thơ anh: Một xác người cứng đơ/ Mặt mũi dính đầy máu/ Chiều bãi vàng sập hầm/ Thợ chạy re tan tác/ Không biết ai mất xác/ Không biết ai về đâu? (Ra đi từ bãi vàng). Thêm vào đó là bức tranh ảm đạm của môi trường lao động khắc nghiệt nơi mỏ đá quí, bài thơ Về lại Quỳ Châu cho thấy nỗi gian lao, chìm nổi của những người đi làm phu đá đỏ: Ruby đỏ như là máu đỏ/ Saphia xanh như là màu cỏ/ Nhưng Quỳ Châu ơi rất bạc tình.

Bài thơ Nỗi niềm phá sản là một bức tranh chân thực của nền sản xuất cơ chế thị trường bấp bênh: Quặng chất thành núi trong kho/ Giá thấp càng bán càng lỗ/ Vừa lên voi lại xuống chó/ Kinh doanh như Casino... Ta suốt ngày đi đòi nợ/ Chủ nợ khác lại đòi ta/ Giám đốc ngồi xe vi vu/ Có lúc nhìn thấy nhà tù/ Nỗi niềm, nỗi buồn... phá sản/ Muốn tu... không có đường tu. Sâu thẳm từ bên trong tâm khảm chúng ta cho thấy, người lao động luôn là người hướng thiện, nhưng không phải cuộc mưu sinh nào cũng nở hoa hạnh phúc, mà còn có nhiều bước chông gai, những chặng đường gập ghềnh khúc khuỷu trong sự biến động không ngừng và bất an của nền kinh tế thị trường luôn biến đổi.

Bên cạnh những nỗi niềm trăn trở suy tư, nhà thơ cũng không quên tái hiện lại tinh thần và sức mạnh của những người công nhân trong những thời đoạn lịch sử đặc biệt. Hay cũng có những câu thơ vút lên như ngọn lửa niềm tin trong môi trường hầm mỏ của nhà thơ qua bài Xóm thợ. Đó là bức tranh cuộc sống mới sinh sôi do nền công nghiệp hóa đã về nơi xóm thợ với sự đổi thay của những ngôi nhà, mái trường, sự trưởng thành của thế hệ trẻ trong thời đại mới, qua những câu thơ: Rồi chúng tôi có người sẽ trở thành nhà thơ/ thành kĩ sư bác sĩ/ Con bác thợ mìn sẽ thành tiến sĩ/ Lớp trẻ vùng này chẳng kém ai đâu... Bọn trẻ lớn lại vào làm mỏ/ Nơi xa lạ thành quê cha đất tổ/ Tầng quặng dày đã hóa quê hương. Đó là những hình ảnh, nhưng tâm tư và khát vọng chân thực của nhà thơ trước những biến chuyển của cuộc sống người thợ trên đất mỏ và chính những người lao động sáng tạo đã làm nên quê hương mới cho mình.

Đồng hành với những bài thơ viết về người thợ là những xúc cảm của nhà thơ viết về cuộc sống và tình yêu chân thành đằm thắm. Cuộc sống thời công nghiệp hóa kéo theo bao sự đổi thay. Kinh tế thị trường như một thứ mãnh lực sai khiến con người đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống, tất cả như dòng sông cuộn chảy. Bản thân nhà thơ và những người cầm bút không ai còn thảnh thơi ngâm hoa vịnh nguyệt nhàn tản như xưa nữa, mà đều cuốn vào con thác: thị trường. Nơi đó có niềm vui, nỗi khổ đau, hạnh phúc với hiểm nguy, tất cả đều song trùng chuyển động không ngừng nghỉ trong thế giới này. Thơ ca một loại hình nghệ thuật thanh tao cũng bị cuốn vào cơn lốc đó. Song nhà thơ vẫn gắng để lại những bức tranh chân thành về xã hội, gia đình, bè bạn, những cuộc lữ hành như Người ăn xin dưới chân cầu Bosphorus; OSin nhà tôi; Ánh trăng trên sông Bằng Giang; Con gái sông Lam; Cô nàng cắt tóc; Rượu say ở Sapa; Gửi trăng cho em; Uống rượu một mình... Đó là những phiên bản tâm trạng của nhà thơ khi bắt gặp những hiện thực quanh mình phát lộ.

Những dấu ấn về con người, phong tục và thiên nhiên xứ sở cũng xuất hiện trong các trang viết của nhà thơ thợ mỏ. Thiếu nữ duyên dáng và quê hương là nguồn cảm xúc tình yêu: Sông Lam cứ như là quê/ Em níu làm sao về được (Con gái sông Lam); Hay hình ảnh tiếng khèn và cô gái Mông mang bản sắc miền rừng: Bạn thì vui, còn ta thì say/ Đường về không nhớ nữa/ Em gái Mông ngực nở... (Rượu say ở Sa Pa);... Cảm hứng sáng tác của nhà thơ từ hầm mỏ đến các vùng quê, xứ sở gần xa biểu hiện trong trang viết được khơi nguồn từ tình yêu con người và cuộc sống của một hồn thơ đa cảm.

Thơ Lê Tuấn Lộc được viết bằng ngôn từ bình dị, lời thơ gần vơi ngôn ngữ đời thường và cảm quan của người công nhân mỏ. Để đi xa hơn trong mỗi tác phẩm của mình, người cầm bút cũng cần đến sự gia cố nhiều hơn về kết cấu và kỹ xảo ngôn từ, để mỗi sáng tác của mình sẽ có sức hút hơn. Thơ Lê Tuấn Lộc có nhiều thành công trong khám phá hiện thực bằng cảm hứng trữ tình lồng hiện thực, nên đã góp sức làm sinh động cho đề tài viết về người công nhân trong thời kì đổi mới.

* *

Lịch sử văn học Việt Nam viết về người công nhân đã sớm hình thành từ đầu thế kỉ XX qua các bài ca dao về đồn điền và phu mỏ gắn với sự ra đời của giai cấp công nhân. Vào những năm 30 của thế kỉ XX, với những sáng tác như Lầm than, Thằng Gầy của Lan Khai, Sáng chị phu mỏ của Nguyễn Công Hoan, rồi đến tiểu thuyết Vùng mỏ của Võ Huy Tâm thời kì kháng chiến chống Pháp; tiểu thuyết Xi măng của Huy Phương thời chống Mĩ đã cho thấy bức tranh sinh động về người công nhân lao động Việt Nam từ thời thuộc Pháp đến thời kì kháng chiến giành tự do độc lập, đó là một bước tiến của văn học nước nhà. Bước sang thời kì đổi mới nước ta đã có hơn 400 tác phẩm văn học viết về công nhân với các cây bút tiêu biểu như Lê Tuấn Lộc, Võ Khắc Nghiêm, Trần Tâm, Mai Phương, Nguyễn Tiến Ủy, Nguyễn Đổi... mỗi cây bút đều nhiều ít góp thêm bức tranh về người thợ, nhưng có thể nói Lê Tuấn Lộc là cây bút có nhiều tập thơ viết về người thợ có những thành quả mang sắc màu riêng. Tập Thợ và Thơ đã thấm đậm khát vọng giàu tính nhân văn của người thợ trong thời kì đổi mới.

PGS.TS Trần Mạnh Tiến (ĐH Sư phạm Hà Nội)


PGS.TS Trần Mạnh Tiến (ĐH Sư phạm Hà Nội)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]