(vhds.baothanhhoa.vn) - Cổ nhân có câu “Lão giả an chi”, “Lão lai tài tận” nhưng Trần Đàm càng già, sức sáng tạo càng lớn. Sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của anh là 17 cuốn sách ảnh, trong đó có 5 cuốn được giải xuất sắc của hội chuyên ngành Trung ương; 4 tập thơ; 1 tập lý luận phê bình văn học, cùng rất nhiều triển lãm ảnh cá nhân... Đầu năm nay, ở vào tuổi 83, anh tiếp tục ra mắt bạn đọc tập thơ “Hoài niệm” (NXB Thanh Hóa).

Chữ “Tình” trong tập thơ “Hoài niệm” của Trần Đàm

Cổ nhân có câu “Lão giả an chi”, “Lão lai tài tận” nhưng Trần Đàm càng già, sức sáng tạo càng lớn. Sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của anh là 17 cuốn sách ảnh, trong đó có 5 cuốn được giải xuất sắc của hội chuyên ngành Trung ương; 4 tập thơ; 1 tập lý luận phê bình văn học, cùng rất nhiều triển lãm ảnh cá nhân... Đầu năm nay, ở vào tuổi 83, anh tiếp tục ra mắt bạn đọc tập thơ “Hoài niệm” (NXB Thanh Hóa).

Trần Đàm đã đi qua mọi miền đất nước, dù ở đâu anh vẫn một chữ tình sâu đậm, nhất là nơi chôn rau cắt rốn. Anh nhớ về lũy tre xanh, giếng nước đầu làng, nhớ rừng gạo, bãi cát ven đê, mái đình rêu phong cổ kính, bờ cỏ may triền đê, chiếc chỏng tre, ấm nước chè xanh những đêm hè trăng sáng. Đó là hình ảnh quê hương ám ảnh đau đáu: “Cứ nhớ về cái lũy tre xanh/ Gió kẽo kẹt gảy đàn cho cuốc hát/ Mỗi trưa hè mẹ ta ngồi hóng mát/ Mẹ không còn nhưng tre vẫn xanh” (Hoài niệm làng); “Cùng chung dòng nước Cầu Chày/ Bên kia Yên Định bên này Thiệu Giang/ Muốn sang không có đò ngang/ Gói lời thương gửi gió mang cho Người” (Sông quê); “Em về lễ hội mà chơi/ Yếm đào, váy lĩnh, khăn sồi quạt hoa/ Tạt về xóm giếng quê ta/ Trầu cay muối mặn tháng ba thầm thì…” (Tháng ba thì thầm)...

Nhắc đến quê hương, Trần Đàm dành tất cả lòng thành kính cho cha: “Hai giờ sáng cha đánh thức con dậy/ Cho cha uống mấy thìa trà/ Rồi thanh thản Cha đi/…/ Hôm nay trước vong linh cha/ Là con, cháu, chắt, chút, chít đông đủ cả/ Chúng con đã làm tròn những lời cha dặn/ Luôn ngẩng mặt lên ý chí làm người” (Hôm nay giỗ cha).

Trước đó, anh đã dành cả một tập thơ có tên “Dâng mẹ” để viết về người mẹ yêu thương. Mỗi lần tết Thanh minh, dù bận nhiều công việc anh vẫn dành thời gian trở về thắp hương lên mộ mẹ, được trở về cảm giác mẹ âu yếm vỗ về: “Mộ mẹ rầu rầu lay ngọn cỏ/ như tay nhẹ nhàng mẹ ôm con” (Thanh minh trước mộ mẹ).

68 bài thơ trong tập “Hoài niệm” của Trần Đàm, mảng thơ tình chiếm phần lớn. Đọc những bài thơ: Thủy Tiên; Tình con chữ; Sắc tím; Mơ; Lời thương; Khúc yêu; Khúc tình; Đêm thu; Gặp giữa lưng trời, và nhiều bài khác nữa mới thấy người thơ Trần Đàm lãng mạn biết chừng nào: “Bất chợt gặp em ngày ấy/ Bão giông sét đánh ngang cây/ Chiều vàng đổ về phía núi/ Ta nào có uống mà say” (Bất chợt). “Gặp em dưới gốc lim vạn đại/ Lim già mốc, bàn tay em xòe hoa/ Ánh mặt trời tỏa trên đôi má/ Ngực em sực thơm hương xôi nếp” (Bản Lát). “Chiều tháng ba phất phơ hương lúa/ Hương từ em, hương từ cây cỏ/ Ngất ngây anh, ngất ngây cả đêm dài/ Ướt đẫm vai gầy mình ngồi mãi sáng mai” (Nhớ tháng ba).

Khác với nhiều nhà thơ, Trần Đàm còn là nghệ sĩ nhiếp ảnh, là nhà báo. Khi nâng ống kính trên tay để ghi lại những hình ảnh đẹp thì cũng là lúc tâm hồn thơ, trái tim thơ rung động, những đại từ Anh (người con trai), Em (người con gái) trong thơ anh không chỉ nói về chân dung cụ thể, một mối tình cụ thể mà còn được dùng trong những trường hợp gặp gỡ bất chợt, hay nghĩ về một kỷ niệm xa xôi. Tuy nhiên trong tập “Hoài niệm” anh cũng đã bạo dạn làm mới mình bằng những hình ảnh, rung động rất thật, không chung chung, không tránh né: Hè - “Rực hồng môi em/ Rực hồng đóa sen ta mê liền không phân biệt được em hay hoa”. Thu - “Mắt anh nhòa đi vì màu da em trong nắng/ Hoa và em lọt vào ống kính, em in vào tim anh”. Xuân - “Khúc xuân về, khúc xuân trong lòng ta chấp chới/ Cùng uống cạn những giọt xuân hôi hổi hương đời”. Đông - “Mùa dã quỳ cũng là mùa hướng dương lung linh/ Em rực hồng trên thảm vàng sóng sánh”. Tác giả đã phải thốt lên: “Bốn mùa hoa xinh tươi/ Bốn mùa hạnh phúc em ơi!” (Hoài niệm những mùa hoa).

Đọc thơ tình của Trần Đàm tôi như thấy phảng phất giọng thơ của Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử: “Lòng thấy giăng tơ một mối tình/ Em ngừng thoi lại giữa tay xinh/ Hình như hai má em bừng đỏ/ Có lẽ là em nghĩ đến anh” (Mưa xuân - Nguyễn Bính); hay: “Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự/ Tôi đều nhận thấy trên môi em/ Làn môi mong mỏng tươi như máu/ Đã khiến môi tôi mấp máy thèm” (Gái quê - Hàn Mặc Tử). Thật là, trái tim yêu bao giờ, thời nào, lứa tuổi nào cũng đều giống nhau là vậy.

Người thơ Trần Đàm đa cảm, đa tình, tâm hồn lãng mạn, như thơ anh đã bộc bạch. Nhưng cốt lõi nhất là chữ tình sâu đậm, đúng nghĩa, tròn đầy nhất anh vẫn dành cho người vợ yêu thương của mình vì chính chị là hình ảnh đẹp nhất bên cạnh anh, để từ đó những ý thơ hay, những bức ảnh nghệ thuật đẹp đẽ ra đời. Trong tập thơ “Hoài niệm”, anh viết về người vợ không nhiều nhưng cũng đủ nói lên tình nghĩa sâu đậm: “Thời gian thấm thoát thoi đưa/ Ta đã bát thập vẫn chưa thấy già/ Con tàu vun vút các ga/ Nặng đầy hoài niệm, đầy hoa của đời/ Đâu là ga cuối em ơi/ Đâu là bến đậu để rồi chia xa/ Con thuyền chở nặng phong ba/ Dù bao khổ ải vẫn Ta với Mình”; “Đời còn chút xíu bình minh/ Ta và Em vẫn đinh ninh nụ cười”; “Cứ xanh rười rượi với đời/ Cứ rong chơi, cứ ngời ngời tóc bay” (Thời gian).

Những lời chia sẻ ân tình còn chứa đựng trong bài Sâu nặng, thiết nghĩ không còn gì phải bàn thêm: “Bao nhiêu năm bên nhau rồi em nhỉ/ một cuộc tình bền bỉ nặng đằm sâu/ Giông bão đời, giông bão dập tháng năm/ vẫn lằng lặng ta sống đời thanh bạch/ Để cháu chắt mình vui ngang mặt thế gian/ Để cuộc sống chẳng bao giờ “tàn”! (Sâu nặng).

Đọc thơ Trần Đàm tôi rất ấn tượng về cách ví von so sánh, nhân hóa, cách dùng từ bạo dạn của anh: “Mồ hôi khét, váy mùi chuột chũi”, “Khói bếp gầy, mẹ cười tươi hoa nở đỏ mường”, “Đôi chân gầy, khuôn mặt nắng lửa”, “Những tia nắng thả tháng xuống đồng”, “Bản sáng lên theo quầng váy mẹ”, “Gói lời thương gửi gió mang cho Người”… Đây không phải là sự ngẫu nhiên, ngẫu hứng mà là quá trình trải nghiệm một hồn thơ phong phú, con mắt thẩm mỹ, làm cho câu thơ mang dấu ấn đậm sâu, thấm sâu vào lòng người đọc.

Ở tuổi 83 anh vẫn tiếp tục cống hiến, cống hiến hết mình. Đọc thơ anh, nhìn vào chính cuộc đời Trần Đàm, tôi quên đi quy luật “Sinh, lão, bệnh, tử” của tạo hóa. Dù có thế nào thì Trần Đàm vẫn vác máy ảnh, xách ba lô, lỉnh kỉnh đồ nghề tiếp tục lên đường. “Tuổi cao hoa tuyết trắng đầu/ Thêm yêu cuộc sống thêm giàu tình thương”. Một chữ “tình” sâu đậm, đầy đặn, sắt son như cuộc đời anh đã sống.

Nguyễn Thị Nhường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]