(vhds.baothanhhoa.vn) - Là cháu ngoại, nhưng tôi chưa bao giờ được nghe ông kể trọn vẹn câu chuyện “Màu tím hoa sim”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện về ông ngoại tôi - Nhà thơ Hữu Loan

Là cháu ngoại, nhưng tôi chưa bao giờ được nghe ông kể trọn vẹn câu chuyện “Màu tím hoa sim”.

Bốn lần ông kể cho chúng tôi nghe, cứ đến đoạn ông theo bà Lê Đỗ Thị Ninh lên đồi sim thì cả bốn lần ông đều khóc. Rồi ông kể về bà với ánh mắt xa xăm, còn nguyên cái hạnh phúc của người trai biết yêu và được yêu hồi trẻ. Ngày mới cưới, ông vì mặc cảm mình già hơn nên đã thuê cho bà một chiếc xe kéo, còn ông đạp xe tụt lại phía sau. Bà ra hiệu cho xe dừng lại chờ ông, khi biết lí do, bà nói: Em thích một người chồng già như anh! Về ở quê chồng, mẹ chồng - bà cố ngoại của chúng tôi ngày đó vì mặc cảm gia cảnh khó khăn với con dâu nên lén giấu quần áo sau lưng đem ra ao giặt. Bà Ninh biết được, đã khẩn khoản xin mẹ chồng cho bà được giặt áo của mẹ. Hình ảnh người con gái đã từng bận xiêm y, sống trong nhung lụa xin phép được giặt áo cho mẹ chồng nghèo khổ, lam lũ là hình ảnh không bao giờ ông quên được. Rồi ông cười, vừa cười, vừa lau nước mắt. Lần nào câu chuyện ông kể cũng dở dang như thế.

Nhà thơ Hữu Loan và người vợ Phạm Thị Nhu.

Bà ngoại tôi, bà Phạm Thị Nhu là một phụ nữ đẹp. Ngắm bức ảnh khi bà còn trẻ, đang ở ngoài Hà Nội cùng ông mới thấy tiếc vì trong các con gái và cháu gái của bà không ai được thừa hưởng vẻ đẹp ấy. Ông tự hào lắm. Ông kể, ngày ông về dạy học ở Nga Sơn, có mấy cô bé đi chăn bò cứ nấp nom ngoài cửa sổ nghe ông giảng Kiều, trong đó có bà. Bà kém ông tới 19 tuổi. Có lẽ ông yêu cái vẻ ngây thơ, đáng yêu, và cũng do cái duyên trời định mà ông bà đã nên vợ nên chồng.

Bà là người tần tảo, chịu thương chịu khó như tất cả phụ nữ Việt Nam thời đó. Ông bà có với nhau đến mười người con. Mẹ tôi là con gái thứ hai trong gia đình. Thỉnh thoảng, trong những câu chuyện mẹ kể ru vỗ chúng tôi đêm hè nóng bức, có cả chuyện “ngày xưa” mà ông vẫn là niềm thương nhớ nhất của mẹ. Mẹ kể, ngày đó vất vả lắm, để nuôi đủ 12 miệng ăn, ban ngày ông phải đẩy xe cút kít, ban đêm xay bột làm bún. Chiếc xe cút kít của ông, thật đặc biệt, bởi, người ta bán cái xe cút kít bình thường với giá 15.000 đồng thời đó. Ông không có tiền nên chỉ mua chiếc xe có giá 7000 đồng. Chiếc xe với cái càng cong cong khiến ông gò lưng đẩy mỗi khi gặp đoạn đường dốc, hay ổ gà ổ vịt... Lần nào kể đến đó mẹ cũng khóc. Mẹ nhớ lại, ban ngày đẩy đá, thồ đá, ban đêm ông phải xay bột phụ bà làm bún. hầu như không đêm nào ông được ngủ ngon. Nếu gặp hôm cối hỏng, loay hoay cả đêm mới xong bữa bột là sáng hôm sau ông lại tranh thủ ngủ trên đường thồ đá. Những lần nhìn ông tranh thủ nhắm mắt giữa đường, lần nào mẹ cũng rơi nước mắt.

Nhưng ngày đó, ông trong mắt của bà, của con cái, anh em hàng xóm ông là người gàn dở. Cuộc sống khốn khó, cơm không đủ ăn, phải chia nhau từng quả chuối luộc, từng củ khoai ngứa, nhưng hễ gặp người ăn xin, người tàn tật lang thang ngoài đường là ông lại mang về nhà nuôi. Gặp những người bẩn thỉu, hôi hám, ăn xong bậy đầy nhà, ông lại nai lưng dọn dẹp. Những thương binh mất hết giấy tờ, ông tuyên bố: Nhà nước không quan tâm, ông sẽ quan tâm đến họ. Vậy là hằng ngày, ông bớt khẩu phần ăn ít ỏi, thiếu thốn, đạm bạc của lũ con để nuôi những người “bỏ lại xương máu ở chiến trường”, “hi sinh một phần tuổi trẻ và sức lực của mình cho đất nước” để nhân dân có được cuộc sống thanh bình.

Những đám tranh cãi nhau, đánh nhau không đám nào ông bỏ qua. Đám nào ông cũng can dự với vai trò như một quan tòa. Hễ thấy ai phải là ông bênh vực bảo vệ, ai trái là ông sẵn sàng “tát sưng mồm” đứa “điêu ngoa”, “xảo trá”. Có người bị ông tát nhưng chỉ dám ôm miệng hỏi: “Cháu làm gì ông mà ông đánh cháu?”. Ông trỏ thẳng mặt: “Tau đứng đây, tau lắng rồi. Mày sai, mày là đứa đểu, tau phải trừng trị những đứa đểu như mày”.

Ngày mẹ có giấy báo đỗ của trường 12+2 ở Thanh Hóa, bà ngoại không cho đi. Bà nói: “Con gái, học làm vương làm tướng gì! Ở nhà làm cho tau mấy năm rồi lấy chồng!” Thương mẹ nên ông đến bạn bè vay từng đấu lúa để lấy tiền đưa mẹ đến trường.

Khi chúng tôi lớn lên tóc ông đã bắt đầu điểm bạc. Cuộc sống gian khó hằn lên khuôn mặt ông những nét khắc khổ, nhưng mỗi khi ông cười, năm tháng dãi dầu cũng không che được khuôn miệng cười sảng khoái, hóm hỉnh của ông. Ông kể về những ngày tháng đi học, về những lần học đối đáp với người Pháp, về thơ văn. Mỗi lần đến chỗ đắc ý, ông lại vuốt râu, đôi mắt sáng lấp lánh ánh cười.

Có lần ông và mẹ đang thồ đá, gặp một đoàn người Pháp về thăm vùng núi Vân Hoàn. Họ vụng về hỏi người dân quanh đó về đường đi bằng những lời nói và động tác khó nhọc. Ông thấy bất nhẫn nên trả lời họ. Cả đoàn ồ lên ngạc nhiên và mừng rỡ rồi nói với nhau mấy câu gì đó. Ông bảo, họ hỏi, sao ở vùng đất heo hút này lại có một người thồ đá lam lũ nhưng nói tiếng Pháp như gió và cách trả lời sắc sảo, thông minh đến vậy. Ông không trả lời, chỉ cười và đẩy xe về phía trước.

Ngày ông mất, bà ngoại tôi không khóc, nước mắt người già đã khô cạn, không kịp vắt đủ mấy giọt minh chứng cho nỗi đau của chia xa vĩnh viễn. Tôi cũng không khóc. Lúc còn sống, ông vẫn nói với chúng tôi: Sống trên đời này chỉ là cõi tạm, còn cuộc sống dưới kia (chỉ âm phủ) mới là cõi vĩnh hằng. Nên ông nhắc nhở chúng tôi, phải sống sao cho đẹp, cho hay để khi về “bên kia” không phải nuối tiếc.

Vậy mà đã mấy chục năm...

Ngày bà còn khỏe, thỉnh thoảng tôi về thăm, bà lại chìa tờ báo viết về ông đã sờn cũ để tôi đọc bà nghe. Lần nào bà cũng cười, rồi kể về ông: Ông mày hay được người ta mời đi lắm, mà lần nào đi cũng rõ lâu. Có lần nhà có việc, tao (bà hay xưng với con cháu như thế) phải đi tìm. Nghe người ta mách, nhưng cứ đến nơi ông ấy lại đi chỗ khác mất rồi. Mãi rồi cũng gặp, tủi thân tao khóc hu hu. Thế là ông ấy cười bảo: Tôi đã như bút bi hết mực rồi, còn lo gì nữa mà bà phải khóc! Lúc còn khỏe, thỉnh thoảng ra hè ngồi, ông ấy lại nhìn tao chăm chăm rồi cười bảo: Bà đã 70 tuổi rồi mà còn đẹp quá!Thế là ông cười đắc ý: Sao mình lại vẫn còn mê bà già 70 tuổi này nhỉ?”.

Bà cười, những nếp nhăn nén lại, xếp thành hàng dài, ép chặt cho giọt nước mắt đục như nước gạo, cô độc, lầm lũi bò xuống gò má đã nhăn nheo. Có lẽ bà hạnh phúc lắm. Cái hạnh phúc ít ỏi cho những nhọc nhằn, lo toan, vất vả của cuộc đời làm vợ ông - một con người, một nhà thơ tài năng, nhân hậu dẫu số phận trùng trùng giông gió.

Mỵ Quỳnh Lê


Mỵ Quỳnh Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]