(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi biết đến cô là qua một người bạn. Người ấy mê một người tên Phong Lan - mê trên facebook thôi, và cứ đinh ninh đó là đàn ông. Tôi tò mò quá, bằng mọi cách tìm được, hóa ra là một cô gái nhỏ nhắn, gầy guộc nhưng toát lên vẻ rắn rỏi, quyết liệt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cô gái của biên cương

Tôi biết đến cô là qua một người bạn. Người ấy mê một người tên Phong Lan - mê trên facebook thôi, và cứ đinh ninh đó là đàn ông. Tôi tò mò quá, bằng mọi cách tìm được, hóa ra là một cô gái nhỏ nhắn, gầy guộc nhưng toát lên vẻ rắn rỏi, quyết liệt.

Tại sao tôi tò mò vì khi cơn lũ số 10 tai ác đã khiến xứ Thanh tan hoang, ngập úng khắp mọi nơi, đặc biệt cơn lũ ấy đã cuốn đi 2 cán bộ đồn biên phòng Yên Khương khi đang lái ô tô vượt qua suối Bôn, cô gái có tên Phong Lan cập nhật mọi thông tin về hai chiến sĩ bằng thơ từng ngày từng ngày. Hai mươi mốt ngày tìm kiếm các anh, Phong Lan có 21 bài thơ. Những bài thơ đau đớn xót xa, những bài thơ mà bất cứ ai đã từng đến đồn biên phòng gặp gỡ những người lính đều có thể rơi nước mắt.

Phong Lan chia sẻ trên facebook của mình: "Cách đây 9 năm, tôi nhận công việc phối hợp với một đồn biên phòng trên biên giới Tây Nguyên, thực hiện một chương trình công tác chung. Thật ra, lúc ấy trong tôi cứ áo xanh là bộ đội. Tôi cũng không phân biệt rõ được Lục quân hay Biên phòng khác nhau ở điểm nào?

Để có thể xây dựng kế hoạch cho chuyến công tác dài ngày, tôi bắt tay vào việc tìm hiểu, gõ dòng chữ "Bộ đội Biên phòng" đầu tiên trên Google. Tôi mất hai đêm để tìm hiểu chung về Biên phòng và mất một đêm tìm đọc các bài viết liên quan tới đồn chúng tôi sẽ phối hợp. Đến đêm thứ tư, tôi tìm kiếm những bài hát về biên phòng và bài đầu tiên tôi tìm thấy là "Hành khúc biên phòng" của nhạc sĩ Trần Danh. Lúc ấy tôi chỉ cảm nhận được bài hát mang không khí hào hùng, nói lên tình cảm và ý chí của người lính biên phòng. Tôi cảm nhận bài hát hay nhưng không chỉ ra được hay ở điểm nào?

Cuối tuần đó, tôi khoác ba lô nhảy lên chuyến xe đi biên giới, bắt đầu chuyến đi về đồn tiền trạm đầu tiên. Mang theo một cơ số thông tin kiểu sách vở, tôi bước vào cổng đồn và đánh rơi gần hết những gì mình đã cố gắng nhớ trong mấy ngày qua. Biên phòng trong tôi vừa mới mẻ vừa gần gũi đến lạ thường".

Chẳng riêng gì Phong Lan, nhiều người trước đây không hề biết gì về lính biên phòng. Phong Lan kể với tôi, lúc ấy cô đang làm công tác đoàn, cụ thể là làm việc về biên giới. Khi về thành phố thì anh em biên phòng gửi lịch cho treo. Một người chị hàng xóm qua chơi nói: Xem cô treo cái gì đây này, bộ đội chả ra bộ đội, công an chả ra công an. Họ còn chưa biết về trang phục của lính biên phòng chứ nói gì đến những công việc thầm lặng mà anh em đang làm? Và lúc ấy Phong Lan chợt bùng lên ý nghĩ: Đã có duyên đến với anh em thì làm thế nào để tuyên truyền được cho họ. Tôi tuy không học viết văn, nhưng tôi hiểu mạng xã hội giờ phát triển. Và ngay lập tức tôi dùng facebook để truyền tình yêu biên giới của mình đến với mọi người.

Lần đầu gặp tôi, Phong Lan rào trước đón sau: Em không phải là vợ hay người yêu của một anh lính biên phòng cụ thể. Em làm thơ về biên phòng là để yêu lính biên phòng. Tôi thầm cười về sự hồn nhiên của cô. Và cô tặng tôi tập thơ Hoa biên cương với 84 bài thơ. Những bài thơ có thể chưa thật sự hay, dẫu đôi lúc có những tứ thơ lạ. Nhưng hiển hiện trong hơn 500 bài thơ cô viết về biên giới nói chung và 84 bài thơ ở tập thơ này là một cảm xúc chân thành. Tưởng như chỉ cần cô nghĩ về biên giới, cảm xúc đã chuyển hóa thành thơ. Đặc biệt, khi đọc thơ Phong Lan người ta nhận ra sự khắc khoải ở một không gian thành phố nhớ không gian biên cương, sự nhớ nhung của một cô gái ở xa nghĩ về người lính áo xanh: "Người ta nhớ đèn đường hay thành phố xa xôi/ Hoặc nhớ rừng hoa với mây ngàn gió núi/ Tôi lại nhớ những miền biên cương tôi chưa tới/ Nhớ những người lính biên phòng mà tôi chưa biết tên anh" hay "Nụ cười hiền tỏa ấm cả hoàng hôn/ Mây chở nắng về bồng bềnh quanh núi/ Nhịp chiêng nghiêng, con đường nghiêng - Em tới/ Đêm trập trùng điệu xoan đi tìm em"; "Giọt nắng vàng vừa đậu xuống vai anh/ Chơi trốn tìm cùng những ngôi sao nhỏ"...

Nói vậy thôi, chứ chỉ nghĩ, không thể tạo nên cảm xúc. Cô kể cho tôi nghe về rất nhiều chuyến đi, với cô đồn biên phòng không khác gì nhà, cô đi hết nơi này đến nơi khác, từ đồn này sang đồn kia. Ấy thế Bộ Chỉ huy Biên phòng Đăk Nông mới coi cô là người nhà. Tên Phong Lan là do Chính ủy Biên phòng Đắc Nông đặt. Đồn Biên phòng Đắc Dang (Đắc Nông) còntổ chức nhận cô làm em gái của đồn.

Thơ đối với cô là niềm vui sống, ở đó, cô gái tên Thủy, sinh ra tại Thọ Cường (Thọ Xuân) có thể được thoải mái bộc bạch cảm xúc của mình. Cô nói: Ngay cả những người gần nhất cũng không hề biết cô làm thơ. Cô có hai facebook, một là cuộc sống của cô gái tên Thủy với đủ cảm xúc, với đủ câu chuyện về cuộc sống, còn một facebook như người ngụy trang chỉ có chuyện về biên phòng thôi. Cô chia sẻ: Tôi thích ẩn mình vì tôi vốn thích những điều âm thầm, lặng lẽ. Không quan trọng mình là ai? mà quan trọng mình làm được gì. Cũng không ai yêu cầu tôi viết về biên phòng, hay trả tiền để tôi viết. Tôi viết, vì nhận thức được đó là trách nhiệm của một công dân. Chúng ta có ngày Biên phòng toàn dân thì việc tuyên truyền về biên phòng không phải là công việc riêng của những người làm công tác tuyên huấn của BĐBP.

Quá dạn dày với mưa nắng biên thùy, đã từng ngã luộn cuộn đến thâm tím cả người mỗi lần vượt dốc biên giới, có lúc đứng bất lực khi sau hai tiếng vật lộn với con dốc đội 5 ở biên giới Quảng Trực giữa trời mưa mà xe không thể tiến cũng chẳng thể lùi. Giờ đây khi công ty dệt của cô mở chi nhánh ở Thanh Hóa, cô cũng không từ bỏ cơ hội đi đến các đồn biên phòng. Lần này khi ngồi với tôi cô nói rất nhiều về chuyến đi Mường Lát trao quà cho các hộ dân người Khơ Mú ở bản Đoàn Kết và giao lưu với Đồn Biên phòng Tén Tằn sắp tới. Thực ra, thơ về lính biên phòng không ít, nhưng chưa có ai dành tất cả tình yêu của mình cho biên giới như Phong Lan. Sau 5 tập thơ: Nơi ấy biên cương, Thương nhớ biên phòng, Cột mốc hình con sóng, Ánh trăng xanh, và Hoa biên giới, cô đang hoàn thành tập thơ viết về hình ảnh biên giới và người lính biên phòng quê Thanh trong tập thơ Hoa phong lan của biển.

Nhiều người sẽ nghĩ suy rằng tình yêu nào rồi cũng đến lúc hết mê say, rằng giữa lúc cả nước đang sùng sục về biên giới, Phong Lan thật khôn thi chọn lối đi ấy. Tôi lại nghĩ tình yêu có lúc dữ dội, có lúc đằm sâu, nhưng chỉ có tình yêu chân thật mới bền lâu. Và cô gái có tên Phong Lan đã dành cho biên giới cả tuổi trẻ và một trời nhớ thương với một lí do duy nhất là "để yêu lính biên phòng".

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]